Sau nhiều tháng đồn đại trong và ngoài nước, ngày 15/11 chúng ta đã rõ ai là người lãnh đạo Trung Quốc trong vòng 5 năm tới. Trước đó là cả một cuộc kéo co giữa các “dây“ khác nhau trong Lãnh đạo Đảng. Giới cao nhất của Đảng, Ban thường Vụ Bộ Chính trị, bị thu nhỏ lại và khá là đồng nhất với nhóm người theo phái cựu Chủ tịch Đảng Giang Trạch Dân, trong đó có Chủ tịch đảng mới Tập Cận Bình. Duy chỉ có người có thể là Thủ tướng mới, ông Lý Khắc Cường được coi là người theo trường phái của ông Hồ Cẩm Đào. Đội ngũ lãnh đạo mới không để ngỏ khả năng cải cách kinh tế và chính trị.

Từ ngày 8-14/11, ĐCS/TQ đã tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 18 tại Bắc Kinh, trong đó những lãnh đạo cũ là ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo đã kết thúc nhiệm kỳ và bầu Ban Chấp hành TW mới. Ngày 15/11, BCH/TW đã họp phiên đầu tiên và bầu ra một Ban Thường Vụ Bộ Chính trị, được coi là cơ quan quyết định quan trọng nhất của đất nước.

 Trước Đại hội Đảng là cả một cuộc đấu tranh quyền lực giữa nhiều “phe“ khác nhau, mà thông tin thỉnh thoảng lại lọt ra ngoài công khai. Kết quả của cuộc đấu tranh này như việc hạ bệ Bí thư Đảng Trùng Khánh đầy uy tín, Bạc Hy Lai; vụ bê bối liên quan đến cái chết của con trai một nhà lãnh đạo trong xe Ferrari và việc công khai tài sản của những thành viên gia đình của các lãnh đạo hàng đầu cũng đã tạo thành những tít lớn trên các phương tiện truyền thông, kể cả quốc tế.

Cả khi Ban Thường vụ mới gần như toàn người của Giang Trạch Dân, thì vẫn còn quá sớm để có thể kết luận kết quả của cuộc đấu tranh quyền lực là một chiến thắng rõ ràng của Phái Thượng Hải tập hợp quanh Cựu CT Đảng và là một thất bại của phái tập hợp quanh Chủ tịch Đảng hiện tại là ông Hồ Cẩm Đào. Thực chất là so sánh lực lượng trong Bộ Chính trị ít rõ ràng, mà thiên về giải pháp chuyển giao thế hệ hơn. Tuy nhiên, khái niệm “phe phái“ cũng gây tranh cãi chẳng kém gì những từ “cải cách“ và “bảo thủ“. Cốt lõi của vấn đề trước hết là những đệ tử ruột, những mối liên hệ công việc trước đây và sự trung thành. Đại hội Đảng và BCH TW thiên về quyết định phân chia và sự an toàn của các chức vụ hơn là định hướng nội dung của Ban lãnh đạo mới. Trong khi vẫn chưa có một phát ngôn nào ảnh hưởng đến định hướng tương lai trong các chính sách đối nội, kinh tế và đối ngoại, thì thay đổi về nhân sự cho thấy dấu hiệu đặt trọng tâm và xu hướng trong thời gian tới.

Ban thường Vụ Bộ Chính trị: Thay đổi bị trì hoãn

Cơ quan tối cao của Đảng bị thu nhỏ lại từ 9 người xuống còn 7 người. Điều này cho thấy nguyện vọng tìm được sự đồng thuận một cách dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn. Năm trong số bảy thành viên, trong đó bao gồm cả thành viên số 1 là ông Tập Cận Bình, đã có một mối quan hệ chặt chẽ với Cựu Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân; chỉ duy nhất có một người, Lý Khắc Cường (người thứ 2) thuộc về phe của ông Hồ Cẩm Đào.

Hai người theo trường phái cải cách kinh tế và thể chế là Lý Nguyên Triều (62 tuổi, cho đến nay là Trưởng ban Tổ chức TW) và Uông Dương (57 tuổi, Bí thư Quảng Đông) đã không vào được Ban thường Vụ.

Chính sách kinh tế sẽ được trao lại cho Trương Cao Lệ, Bí thư thành ủy Thiên Tân. Chính sách của ông về đầu tư nhà nước, khi cần thiết có thể bơm tiền, theo chiều hướng mô hình phát triển cũ của Trung Quốc và ít có khả năng có những bước tự do hóa tiếp theo.

Quyết định về nhân sự không còn để ngỏ hy vọng cho việc thay đổi nền tảng của mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu và đầu tư nữa. Ngay cả khi kể cả trong nội bộ Trung Quốc mô hình kinh tế này đã bị phê phán nhiều năm nay là không bền vững. Đáng chú ý là ông Vương Kỳ Sơn, được coi là chuyên gia kinh tế một thời gian dài đã được đưa lên giữ trọng trách chính về chính sách tài chính và kinh tế, nay giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng và như vậy sẽ trở thành người nắm trọng trách cao nhất trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Trung Quốc. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng quả thực đã được đặt lên mức ưu tiên hàng đầu của ban lãnh đạo mới. Tuy nhiên, vấn đề cơ cấu là Ủy ban chống tham nhũng không phải là một bộ phận độc lập khỏi Đảng vẫn còn tồn tại.

Bộ Chính trị: Có khả năng thay đổi

Bộ Chính trị bao gồm Ban thường vụ và 18 thành viên khác được Hội đồng Trung ương bầu. Gần như một nửa các thành viên trong Bộ Chính trị đã từng theo nhóm Hồ Cẩm Đào.

Cũng như trong Bộ Chính trị lần trước, lần này trong Bộ Chính trị cũng không có đại diện của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên khu tự trị Tân Cương và khu tự trị Nội Mông cũng đã có đại diện (người Hán) trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng. Tổng Bí thư khu tự trị Nội Mông và 3 thành viên khác đều đã có kinh nghiệm trong việc điều hành khu vực dân cư ở Tây Tạng. Điều này cho thấy khu vực dân tộc thiểu số, nơi xảy ra nhiều bạo động trong những năm qua, ngày càng được quan tâm hơn trong hàng ngũ Lãnh đạo Đảng. Đáng chú ý là những lãnh đạo có kinh nghiệm điều hành khu vực Tây Tạng thiên về sử dụng chiến lược trung gian hơn là biện pháp hà khắc. Điều này ít nhất cho thấy hy vọng vào một phương pháp “khéo léo hơn“ trong chính sách Tây Tạng.

Hiện trong Bộ Chính trị có 2 phụ nữ: Ủy viên Quốc Vụ Viện bà Lưu Diên Đông (67 tuổi), theo tin đồn có thể trở thành một trong 4 Phó Thủ tướng, và bà Tôn Xuân Lan, Bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến. Tuy nhiên, việc có thêm lực lượng nữ trong giới lãnh đạo tối cao là sẽ không xảy ra.

Lực lượng quân đội cũng có 2 người trong Bộ Chính trị, cả 2 nhân vật Phó Chủ tịch mới trong Quân Ủy Trung ương đúng với thông lệ cho đến nay của Trung Quốc.

Ban chấp hành trung ương: Phải chăng là một bước lùi?

BCH TW gồm 205 thành viên, gần một nửa đã có một nhiệm kỳ, ¼ là thành viên mới bầu lần đầu tiên. Thay vì 16 người thì chỉ còn 10 người đại diện cho các dân tộc thiểu số. Số lượng nữ cũng hạ từ 13 xuống còn 10 người. 41 người thuộc về bên quân đội, giống kỳ bầu cử trước là 20% số đại biểu.

Đáng chú ý là Thống đốc ngân hàng nhà nước Chu Tiểu Xuyên (64 tuổi) và Bộ trưởng Thương mại Trần Đức Minh (63 tuổi) không còn nằm trong BCH TW. Nhìn chung, ngay trong Đại hội Đảng năm 2007 đã có thể thấy được xu hướng những “chiến sỹ Đảng Cộng sản“ được ưa thích hơn các những chuyên gia thành công xuất thân từ giới công chức và kinh tế. Tuy nhiên, con số đại diện của doanh nghiệp nhà nước đã tăng từ 2 lên 9 người, phản ánh ảnh hưởng ngày càng tăng của giới kinh tế vào chính sách kinh tế.

Quân Ủy Trung ương

Ngay trước kỳ Đại hội Đảng, đã có một loạt các vị trí quan trọng trong quân đội được thay mới. Những người nắm giữ những chức vụ mới thay đó, sau đó cũng đã nắm giữ những chức vụ mới trong Quân ủy Trung ương. Đó cũng sẽ là những tiếng nói quan trọng về chính sách đối ngoại và an ninh.

Dù cho có nhiều lời đồn đại, ông Hồ Cẩm Đào vẫn trao chức Tổng Bí thư Đảng và chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông đã không theo gương của người tiền nhiệm là ông Giang Trạch Dân, tại Đại hội Đảng lần thứ 16 vào năm 2002 đã giữ lại chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm hai năm nữa. Như vậy, việc thay đổi thế hệ lãnh đạo đã đi một bước rất rõ ràng.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 18, Tổng bí thứ đã kết thúc nhiệm kỳ Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh Trung Quốc cần phải trở thành một cường quốc biển bảo vệ được quyền và lợi ích của mình. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngay cả thế hệ lãnh đạo mới cũng sẽ đặt trọng tâm vào việc hiện đại hóa lực lượng chiến đấu trên biển của Trung Quốc.

Cải cách nội bộ?

Cho đến nay, chưa ai nói về thay đổi thế hệ lãnh đạo, mà thiên về nói đến một sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần sau trong 5 năm tới: Trừ Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, các thành viên của Ban thường vụ đều không thuộc thế hệ mới. Đội ngũ nhân sự mới có vẻ không mặn mà với cải cách chính trị cũng như kinh tế.

Một trong những thay đổi quan trọng hơn là trọng trách an ninh nội bộ được dịch chuyển từ cấp Ban thường vụ sang Bộ Chính trị và như vậy là giảm độ quan trọng đi một bậc. Điều này chưa được đánh giá là một dấu hiệu cho việc tự do hóa chính trị, mà thiên về một phản ứng về vị trí nổi bật của Châu Vĩnh Khang, người phụ trách mạng lưới an ninh TQ. Ông không chỉ được coi là người có lập trường can thiệp cứng rắn, nguyên nhân của những sự chia rẽ trong các khu vực người thiểu số, mà còn được coi là người có quan hệ mật thiết với ông Bạc Hy Lai đã bị hạ bệ.

2022: Chờ đón thế hệ lãnh đạo kế tiếp

Bên cạnh quyết định về thế hệ lãnh đạo kế tiếp, Bộ Chính trị cũng đặt ra bước nhượng bộ đầu tiên cho chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Độ tuổi các ứng cử viên không được tính, bởi các ứng cử viên cho vị trí kế cận Tập Cận Bình cần có đủ kinh nghiệm trong Bộ Chính trị, nhưng cũng phải đủ trẻ để đến kỳ Đại hội Đảng năm 2022 vẫn có thể làm việc được ít nhất 5 năm cho đến khi đạt lứa tuổi 67.

Tại đây, ta có thể thấy rõ ưu tiên cạnh tranh của phe Hồ Cẩm Đào: Do trong những năm cuối Hồ Cẩm Đào được quyền quyết định về chức vụ, nên gần như tất cả thành viên trẻ của Bộ Chính trị đều là một phần trong mạng lưới của Hồ Cẩm Đào. Những người này sẽ đóng vai trò quyết định trong kỳ Đại hội Đảng năm 2017.

Thành viên Bộ chính trị 49 tuổi Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài có thể hy vọng sẽ nắm chức vụ hàng đầu trong Đảng vào năm 2022. Những ứng cử viên lâu dài này cũng đảm bảo việc những người trẻ tuổi không phát triển những mối quan tâm về một sự thay đổi cơ bản về trật tự chính trị. Hệ quả là phương pháp tiếp cận chính trị sẽ không thay đổi: đi từng bước nhỏ thử nghiệm cải cách, phục vụ việc bảo vệ hệ thống.

Tác động về đối ngoại của Trung Quốc và Châu Âu

Chính sách đối ngoại không thể đánh giá là thành công trong những năm cuối dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Những sự kiện quốc tế lớn (Olympic và Triển lãm quốc tế) mặc dù đã quảng bá hình ảnh Trung Quốc, nhưng với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á, thì sự hiện diện đầy tự tin của Trung Quốc tại các vùng lãnh thổ đang gây tranh cãi tại Biển Đông và biển Hoa Đông lại khó có thể thuyết phục họ tin vào lời lẽ hùng biện về “trỗi dậy hòa bình” và “một khu vực hài hòa”.

Không thể tính được lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ thay đổi và đi một bước lùi trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Họ trước hết cần phải củng cố nội bộ và trong lúc đó không thể tỏ ra yếu kém về chính sách đối ngoại, nhất là các chính sách có thể gây nguy hiểm cho tính hợp hiến trong nội bộ của họ.

Đối với mối quan tâm nước ngoài, có lẽ lý lịch của ông Vương Hộ Ninh là đáng xem xét. Ông đã được bầu vào làm ủy viên Bộ Chính trị và cuối cùng có thể tháng Ba tới có thể sẽ đảm nhận chức vụ phụ trách chính sách đối ngoại Trung Quốc trong Quốc hội vào tháng Ba tới.

Điều đó sẽ có ý nghĩa đối với việc nhiều cơ quan từ nhiều năm nay đã tranh cãi về thẩm quyền giải quyết những tranh cãi trong chính sách đối ngoại. Trong việc này, Bộ Ngoại giao chỉ đóng vai trò là kiến trúc sư được đặt hàng một cách rất hạn chế cho chính sách đối ngoại Trung Quốc. Điều này là do quyền lực tại Trung Quốc không được chuyển giao chỉ bằng việc trao chức vụ nhà nước, mà cần phải diễn ra song song với việc chuyển giao những chức vụ trong Đảng tương ứng. Từ những năm 90 trở lại đây, không có một nhà chính sách đối ngoại nào được nằm trong danh sách Bộ Chính trị - ngược lại so với tình hình trong Quân ủy Trung ương.

Vương Hộ Ninh, người được coi là thân cận với cả Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, làm cho giới quan sát tin tưởng sẽ có thể đưa vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc định hướng còn thiếu và tạo nên tính minh bạch của chính sách đối ngoại Trung Quốc đối với nước ngoài. Điều này ông sẽ làm được nếu được đặt vào vị trí Phó Thủ tướng phụ trách quan hệ đối ngoại.

Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân được bổ nhiệm vào một trong những vị trí ứng cử cao nhất là Bộ trưởng Ngoại giao trong Ban Chấp hành Trung ương. Đối tác chính cho châu Âu sẽ là người kế nhiệm của ông Ôn Gia Bảo ở chức Thủ tướng, mà nhiều khả năng sẽ là ông Lý Khắc Cường.

Sau khi làm rõ tạm thời về sự phân chia quyền lực, các quan sát viên hiện đang chờ đợi việc phân bổ nhân sự trong Kỳ họp Quốc hội vào tháng Ba tới. Nhiều chức vụ quan trọng đối với các doanh nghiệp nước ngoài như chức Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, khi đó mới được thông qua.

Cả khi phong cách cá nhân của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường khác với những người tiền nhiệm, thì quan hệ giữa EU và Trung Quốc cũng sẽ không đơn giản hơn. Bởi những nhà “thực tế“ ở châu Âu phê phán và cho rằng việc “hỗ trợ“ cho các doanh nghiệp nhà nước, việc hạn chế tiếp cận thị trường đương nhiên là sẽ không bị loại bỏ.

Theo Stifung Wissenschaft und politik (Đức)

Văn Cường (gt)