Về môi trường vĩ mô. Ở phương diện ngoài nước, việc phân hóa tình hình kinh tế toàn cầu và đồng USD mạnh lên, sự tiếp tục chính sách nới lỏng định lượng, vốn lưu động thường xuyên… khiến cho môi trường bên ngoài Trung Quốc vô cùng phức tạp. Ở phương diện trong nước, kinh tế tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh “trạng thái bình thường mới” vẫn tiếp tục, sau khi cải cách bước vào giai đoạn khó khăn, hiệu ứng tiêu cực của cải cách trong thời gian ngắn đối với tăng trưởng sẽ xuất hiện, làm thế nào để cân bằng giữa cải cách và tăng trưởng là bài toán khó, thử thách trí tuệ đối với các nhà cải cách. 

Cùng với đó, dư luận nước ngoài vẫn bi quan về tình hình kinh tế Trung Quốc, đáng chú ý nhất là những nội dung được đề cập trong bài phát biểu của Giáo sư Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2008, tại Hong Kong và Thượng Hải, trong đó tác giả cho rằng do thực tế đầu tư của Trung Quốc quá cao, cộng thêm vấn đề dân số và sự thiếu sót trong hệ thống bảo đảm xã hội nên khả năng xuất hiện nguy cơ đối với kinh tế Trung Quốc là rất cao. Trong bối cảnh này, kỳ họp Lưỡng 2015 hội nhận được nhiều kỳ vọng. “Báo cáo công tác Chính phủ” (dưới đây gọi tắt là Báo cáo) của Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường quả thực đã truyền đi ý đồ chính sách và phương hướng cải cách trong năm nay của tầng lớp đưa ra quyết sách. 

Từ góc độ chính sách, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có nhận thức chung về sức ép vận hành nền kinh tế trong 2015. Cho dù mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến trong năm nay thấp hơn so với năm 2014, song việc hoàn thành chỉ tiêu này vẫn là thách thức không nhỏ. Từ mục tiêu này có thể thấy, chỉ tiêu nguồn cung tiền M2 duy trì ở 12%, cao hơn 5 điểm phần trăm so với tăng trưởng GDP. Cân nhắc tới chỉ số GDP tương đối thấp hiện nay và chính sách tiền tệ duy trì ở mức nhất định, nhưng thâm hụt tài chính sẽ thấp hơn dự kiến để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ ổn định tăng trưởng trong năm 2015. Ông Thẩm Kiến Quang hi vọng chính sách tài chính, thuế quan năm nay có cường độ mạnh hơn, việc sử dụng linh hoạt, hiệu quả khoản tiền gửi 3.600 tỷ nhân dân tệ (NDT) là điều tất yếu. 

Mục tiêu tăng trưởng GDP khó khăn nhưng vẫn quyết tâm đạt được 

Cụm từ trọng tâm của kinh tế Trung Quốc năm 2015 chính là “trạng thái bình thường mới”. Trải qua một năm chờ đợi, tích lũy, hiện nay các giới đã đạt được nhận thức chung về việc tăng trưởng kinh tế nước này sẽ sụt giảm trong trạng thái bình thường mới. Báo cáo lần này hạ thấp mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5% xuống 7% quả thực không có gì lạ. Đương nhiên, trước đó luôn có những ý kiến khác nhau xung quanh chỉ tiêu này. Có quan điểm cho rằng mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay đang dần phai nhạt, cho nên cũng không nhất định hoàn thành mục tiêu này, điều chỉnh tăng hay giảm mục tiêu tăng trưởng đều có thể chấp nhận, vậy thì mục tiêu này liệu có còn ý nghĩa gì không? 

Theo ông Thẩm Kiến Quang, không đặt GDP lên vị trí đầu tiên không có nghĩa là tăng trưởng không quan trọng, ngược lại, đảm bảo môi trường tăng trưởng ổn định chính là đảm bảo thúc đẩy cải cách, thực hiện công bằng. Trước đó, trong một bài viết với tiêu đề “Mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7% có sao đâu?” trên chuyên mục của “Thời báo Tài chính” bản tiếng Trung, ông Thẩm Kiến Quang có viết, hiện nay duy trì sự dẫn dắt của một mục tiêu nhất định vẫn có ý nghĩa. Theo kinh nghiệm trước đây, việc đề ra mục tiêu GDP có vai trò dẫn dắt, thuận tiện cho các cấp chính quyền đưa ra quyết sách, ví dụ như định ra mục tiêu thu thuế, điều chỉnh phương hướng chính sách vĩ mô… Đây là điều không thể thiếu trong quá trình Trung Quốc tiến tới xã hội khá giả. Ngoài ra, xét thấy nền kinh tế thị trường của Trung Quốc chưa hoàn thiện, việc chuyển đổi chức năng chính phủ đang trên đà phát triển, nếu sớm loại bỏ mục tiêu GDP vừa không thích hợp, vừa dễ gây ra sự rối loạn, điều mà chính quyền cấp dưới vốn rất mong đợi. 

Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế trong Báo cáo năm nay đều giảm so với năm 2014. Cho dù như vậy, việc hoàn thành các mục tiêu này vẫn phải đối mặt với thách thức to lớn. Nguyên nhân chủ yếu là môi trường kinh tế trong và ngoài nước quả thực rất khó khăn, Chủ nhiệm Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia Từ Thiệu Sử thậm chí cho rằng năm nay có thể là năm phức tạp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay. 

Về môi trường ngoài nước, tính bất định trong việc phân hóa xu thế kinh tế ở nước ngoài, khủng hoảng nợ ở châu Âu cũng như đồng USD mạnh lên trong năm nay đều gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường bên ngoài của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời việc thúc đẩy cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách tài chính thuế quan có thể sẽ có ảnh hưởng ngắn hạn đối với tăng trưởng. Điều này có nghĩa là đảm bảo tốc độ tăng trưởng 7% trong năm nay vẫn không thấp. Đồng thời, mục tiêu tổng mức là 12%, tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định là 15,3% và tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu là 6% cũng cao hơn so với mức hoàn thành mục tiêu năm 2014, ám chỉ nhiệm vụ ổn định tăng trưởng trong năm nay vẫn rất khó khăn. 

Do vậy, theo ông Thẩm Kiến Quang, về quản lý chỉ số GDP trong tương lai cần hướng đến tư duy giới hạn đáy: tức là tầng lớp đưa ra quyết sách xác định rõ hơn nữa mục tiêu giới hạn đáy, khi nền kinh tế chưa chạm đáy, thì sẽ có nhiều không gian dành cho cải cách hơn. Một khi chạm vào giới hạn đáy, chính sách cần nhanh chóng hành động, tránh làm hỏng thời cơ. Việc đặt ra mục tiêu đáy này sẽ tránh được rối loạn và chấn động liên tiếp về chính sách, đồng thời là chính sách song toàn để đảm bảo tăng trưởng và thúc đẩy cải cách.

Đương nhiên, giới hạn đáy nằm ở đâu, ông Thẩm Kiên Quang cũng đã làm phép thử, tức là xem xét nhân tố bất định của kinh tế ngoài nước trong năm tới (năm 2016) tương đối mạnh, đồng thời nhiệm vụ cải cách rất khó khăn, hơn nữa Đại hội Đảng 18 đã đề ra mục tiêu GDP năm 2020 gấp đôi GDP năm 2010, cho nên tác giả ngay lập tức đã đưa ra mục tiêu giới hạn đáy của GDP cho mấy năm tới có thể hạ xuống 6,7%. Đương nhiên, do tính toán lúc đó dựa trên cơ sở dự đoán chỉ số tăng trưởng GDP năm 2014 là 7,2%, song chỉ số GDP thực tế đã đạt được 7,4%. Điều này mở rộng không gian để tốc độ tăng trưởng sụt giảm trong mấy năm tới, giống như kiến nghị trước đó của ông Từ Lâm, Vụ trưởng Vụ quy hoạch phát triển, thuộc Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia, trên thực tế giới hạn đáy của Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 là 6,5% là hợp lý. 

Sức sống của cải cách thị trường hóa “lãi suất kép” không giảm 

Báo cáo đề ra mục tiêu tăng trưởng dự kiến lượng cung tiền M2 của năm 2015 là khoảng 12%, trong quá trình thực tế, căn cứ theo nhu cầu phát triển kinh tế chỉ số này cũng có thể cao hơn một chút. Theo ông Thẩm Kiến Quang, tốc độ tăng trưởng như thế này vẫn không phải là thấp, trong bối cảnh hạ thấp chỉ số GDP, việc chỉ số M2 cao hơn 5 điểm phần trăm so với chỉ số GDP về danh nghĩa có nghĩa là trong năm nay chính sách tiền tệ vẫn tương đối nới lỏng. Kết hợp với dự đoán trước đó của ông Thẩm Kiến Quang, nhiều khả năng trong năm nay sẽ có 3 đợt điều chỉnh hạ lãi suất, 5 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. 

Cụ thể, báo cáo chỉ ra, năm 2015 cần duy trì hoạt động tín dụng và quy mô huy động vốn xã hội tăng trưởng ổn định, hơn nữa hạ thấp chi phí huy động vốn xã hội để dòng chảy tiền tệ có thể hướng tới các thực thể kinh tế. Kết hợp tình hình tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, chỉ số lạm phát sụt giảm, tỷ lệ lãi suất cao hiện nay, trước thời điểm khai mạc kỳ họp Lưỡng hội, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bắt đầu hạ lãi suất để ứng phó với tình hình trên. 

Trên thực tế, động thái này của PBoC là hành động thuận theo mong đợi của thị trường, nguyên nhân như sau: 

Thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng CPI duy trì ở mức thấp, chỉ số giá sản xuất PPI tiếp tục giảm phát. Cho dù báo cáo đề ra mục tiêu chỉ số CPI cả năm 2015 là 3%, song theo ông Thẩm Kiến Quang, chỉ số CPI năm nay có thể sẽ thấp hơn năm 2014, khả năng cả năm dừng ở mức 1,5%. Mục tiêu dự kiến 3% ở mức quá lớn. Hơn nữa, trước mắt rủi ro mang tính toàn cầu là giảm phát, mặc dù hiện nay kinh tế Trung Quốc khó có thể giảm phát, song chỉ số PPI đã giảm 3 năm liên tiếp, rủi ro này cũng không thể xem thường. 

Thứ hai, chi phí thực tế mà các doanh nghiệp phải đối mặt quá cao. Hiện tượng thiểu phát trong lĩnh vực sản xuất suốt một thời gian dài đã đẩy cao mức lãi suất thực tế của các doanh nghiệp, đồng thời gia tăng khó khăn trong quá trình vận hành của họ. Ví dụ, PBoC công bố, lãi suất bình quân khoản vay bằng đồng NDT của các cơ quan tài chính trong 4 quý của năm 2014 đã đạt 6,77%, cộng thêm giảm phát giá cả nhà sản xuất là -4,3%, thực tế lãi suất cho vay đã vượt 10%. 

Thứ ba, về phương diện tăng trưởng, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 2 chỉ đạt 49,9%, liên tiếp hai tháng nằm ở giới hạn đỏ. Đồng thời, các số liệu trong tháng 1 và 2 đều không lạc quan như lượng phát điện giảm trở lại, giá sản phẩm công nghiệp sụt giảm cũng như thị trường bất động sản im ắng. 

Đồng thời, từ tháng 11 năm ngoái đến nay, việc PBoC 2 lần hạ lãi suất có nghĩa là chính sách tiền tệ trong năm nay khác với năm ngoái, đó là chính sách tiền tệ từ định hướng quay trở về quy tắc. Trên thực tế, từ năm ngoái đến nay, chính sách của PBoC chủ yếu dựa vào sự ủng hộ định hướng, công cụ chính sách tiền tệ mang tính quy tắc ngược lại không được sử dụng nhiều. Phán đoán này của ông Thẩm Kiến Quang cũng được thể hiện trong Báo cáo, ví dụ năm nay sẽ thúc đẩy cải cách thị trường hóa lãi suất, kiện toàn khung điều tiết lãi suất của PBoC. Ông Thẩm Kiến Quang dự đoán chế độ bảo hiểm tiền gửi năm nay sẽ nhanh chóng được ban hành, trong khi đó thị trường hóa lãi suất cũng hoàn thành bước nhảy cuối cùng, tức là hủy bỏ trần lãi suất tiền gửi. Đương nhiên, việc hoàn thiện cơ chế hướng dẫn lãi suất vẫn là nhiệm vụ nặng nề. Trọng điểm công tác trong thời gian tới là phát triển đa dạng thị trường tài chính, xây dựng hệ thống lãi suất tiêu chuẩn, thông qua xác định lãi suất ngắn hạn từ đó dẫn dắt lãi suất trung hạn. 

Ngoài ra, về lĩnh vực cải cách tỷ giá hối đoái, Báo cáo chỉ ra cần tiếp tục duy trì tỷ giá đồng NDT ở mức cân bằng hợp lý. Kết hợp với tình hình hiện nay, đồng NDT mất giá so với đồng USD nhưng lại tăng giá so với các đồng tiền còn lại, ông Thẩm Kiến Quang cho rằng nên lý giải như sau về nội hàm động thái trên. PBoC sẽ không cho phép đồng NDT liên tục sụt giá. Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu sụt giảm, việc đồng tiền mất giá có thể có lợi nhất định đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu đồng NDT mất giá với biên độ mạnh, ngược lại sẽ làm suy yếu niềm tin của thị trường, từ đó sẽ gây ra áp lực dòng vốn tháo chạy ra nước ngoài, làm gia tăng rủi ro. Chính vì vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay của PBoC là trong thời gian ngắn ổn định sự sụt giá đồng NDT, khống chế tỷ giá giữa đồng NDT và USD trong năm nay ở khoảng 6,3-6,4%. Việc hạ thấp tỷ giá hối đoái ở mức độ thích hợp là lựa chọn sau khi cân nhắc, để tạo ra nền tảng tỷ giá đồng NDT theo hướng thả nổi sau này. Về lâu dài, thực hiện vững chắc việc quy đổi đồng NDT, thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT vẫn là ý đồ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. 

Dùng tài chính tích cực hơn để đề phòng rủi ro 

Mục tiêu thâm hụt tài chính trong năm nay của Trung Quốc là 2,3% GDP, đồng thời thâm hụt tài chính trung ương là 1.120 tỷ NDT, tăng 170 tỷ NDT so với năm ngoái, thâm hụt tài chính địa phương là 500 tỷ NDT, tăng 100 tỷ NDT so với năm ngoái. Đối với vấn đề này, tác giả bài viết cho rằng việc đặt ra mục tiêu tài chính có chút bảo thủ. Nguyên nhân là xét thấy cải cách tài chính thuế quan đã bước vào giai đoạn khó khăn, hiệu ứng tích cực của cải cách tài chính đương nhiên không cần bàn nhiều, song về ngắn hạn có thể gây ra tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính. Do vậy cần có sự thảo luận và coi trọng đầy đủ đối với vấn đề trên. 

Ví dụ, từ góc độ tăng trưởng kinh tế, từ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dựa nhiều vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương. Song trong năm nay, đầu tư tài sản cố định đối mặt với áp lực tương đối lớn, ngành chế tạo bị hạn chế bởi dư thừa năng suất sản xuất và việc thanh lý các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, trong khi đó các dự án đầu tư có liên quan vẫn duy trì ở mức thấp. Lượng tiêu thụ bất động sản sau khi tăng trở lại đã xuất hiện sức ép sụt giảm, điều này ảnh hưởng tới đầu tư bất động sản trong thời gian tới. 

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm 1/4 đầu tư tài sản cố định, trước đây phần lớn nguồn vốn là cam kết ngầm của chính quyền địa phương, thông qua kênh huy động vốn, vay tiền từ bên ngoài để thực hiện các dự án. Một khi cải cách tài chính thuế quan siết chặt vòng kim cô lên đầu chính quyền địa phương, hạn mức nợ địa phương mà Quốc vụ viện Trung Quốc quy định liệu có thể đủ để bù đắp những thiếu hụt này không? Ngoài ra, xét thấy kênh huy động vốn ở địa phương năm 2015 không lạc quan, cộng thêm hàng loạt khoản nợ quy mô lớn phải đáo hạn, rủi ro mang tính lưu động và rủi ro vi phạm hợp đồng của các kênh huy động vốn địa phương chắc chắn sẽ tăng cao. Như vậy, cải cách tài chính liệu có gây ảnh hưởng đối với ổn định tài chính hay không? 

Như vậy, việc đối phó với hiệu ứng tiêu cực của cải cách đối với kinh tế trong thời gian ngắn sẽ từng bước thể hiện rõ ràng. Nguồn vốn của các dự án ở địa phương sẽ đối mặt với áp lực tương đối lớn, việc thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư (PPP) không phải là chuyện một sớm một chiều, tức là vừa đảm bảo tiếp tục huy động vốn sau khi lập dự án, vừa phải có một số dự án mới khởi công, khoản tiền 500 tỷ NDT thâm hụt tài chính địa phương liệu có thể bù đắp lỗ hổng này hay không, tác giả bài viết cảm thấy quan ngại. Tác giả Thẩm Kiến Quang cho rằng nhiều chính sách mang tính quá độ cần phải được cân nhắc, chính sách tài chính cần phải tích cực hơn nữa. 

Vài ngày trước, tại Hội nghị Thường vụ Quốc vụ viện, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã yêu cầu phải tiến hành giảm thuế, song khả năng này vẫn không đủ để chèo chống cho chỉ tiêu tăng trưởng 7%. Tranh thủ tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong thời gian tới là một biện pháp, tức là sử dụng linh hoạt, có hiệu quả khoản tiền gửi 3.600 tỷ NDT, đây có thể là một biện pháp giải quyết trong năm nay. 

Việc thúc đẩy hài hòa cải cách khảo nghiệm trí tuệ của nhà cải cách 

Việc sắp xếp cải cách vẫn là nhiệm vụ quan trọng của kỳ họp Lưỡng hội năm nay. Ngoài cải cách thuế quan và cải cách tài chính đã được đề cập ở trên, các vấn đề nóng như cải cách giá cả, “Một vành đai, một con đường”, cải cách doanh nghiệp nhà nước… cũng được nhấn mạnh trong Báo cáo. 

“Một vành đai, một con đường” là chiến lược trọng điểm được Tổng Bí thư Tập Cận Bình đưa ra vào năm ngoái. Cùng với việc chuẩn bị ổn thỏa Quỹ con đường tơ lụa, việc thúc đẩy công tác này nhanh hơn mong đợi. Báo cáo nhấn mạnh cần kết hợp giữa xây dựng “Một vành đai, một con đường” và khai thác, mở cửa khu vực, tăng cường xây dựng tuyến đường sắt thương mại mới nối liền châu Á và châu Âu (điểm khởi đầu là cảng Liên Vân thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc và kết thúc ở cảng Rotterdam, Hà Lan) và hàng loạt cầu cảng. Điều này không chỉ có lợi cho việc nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc, làm giảm tình trạng dư thừa năng suất sản xuất, mà còn hứa hẹn nâng tầm hợp tác đa phương trong các lĩnh vực, tạo nền tảng quốc tế hóa đồng NDT. Đương nhiên, dốc sức cho đôi bên cùng có lợi, cùng thắng, đối với mức độ tiếp nhận đối phương cần có dự kiến đầy đủ, cộng thêm sự ủng hộ, phối hợp về pháp luật, tài chính đều không thể thiếu, nhiều chi tiết sẽ là vấn đề buộc phải cân nhắc trong tương lai. 

Ngoài ra, cải cách doanh nghiệp nhà nước là lĩnh vực được kỳ vọng nhiều, song Báo cáo lần này lại thiếu chi tiết về nội dung này. Điều đó phản ánh trong vấn đề thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước hiện nay, tầng nhận thức cơ sở vẫn tồn tại bất đồng tương đối lớn, do vậy quá trình thúc đẩy cải cách e rằng sẽ lâu hơn dự kiến. Ví dụ, trong một khoảng thời gian đưa ra cần tham khảo mô hình Đạm Mã Tích về việc thành lập công ty kinh doanh vốn nhà nước, vậy thì nhìn nhận như thế nào về vai trò của Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước (SASAC), ủy ban này và Bộ Tài chính có mối quan hệ như thế nào? Hiện nay khởi xướng trên quy mô lớn về việc hạn chế mức lương của lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp nhà nước, giữ nguyên cấp bậc hành chính, trong bối cảnh này làm thế nào để thực sự thực hiện tách bạch giữa chính quyền và doanh nghiệp? Khái niệm chế độ sở hữu hỗn hợp nở rộ, song nếu như cổ phần nhà nước lớn, làm thế nào khuyến khích nhiệt tình vốn tư nhân, hiện trạng lại có thay đổi như thế nào…? Tóm lại, đối với cải cách doanh nghiệp nhà nước, hiện vẫn có nhiều tranh luận, những quy định chi tiết và đánh giá vẫn cần đợi sau khi Lưỡng hội bế mạc sẽ ban hành nhiều quy định hơn. 

Tương tự như vậy, cải cách giá cả năm nay lại đứng trước cơ hội tốt đẹp. Nội dung này trong Báo cáo cũng được đề cập rõ nét, nhấn mạnh không để lỡ cơ hội đẩy nhanh cải cách giá cả, bao gồm giảm bớt hàng loạt chủng loại và hạng mục định giá của Chính phủ, các hàng hóa có điều kiện cạnh tranh và giá cả dịch vụ về nguyên tắc đều được nới lỏng; loại bỏ quy định giá đối với đa số dược phẩm, giao cho chính quyền cấp dưới quyền định giá thu phí hàng loạt dịch vụ công cộng cơ bản; mở rộng thí điểm cải cách phân phối giá điện, thúc đẩy cải cách giá nước nông nghiệp, kiện toàn chính sách giá cả tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; hoàn thiện giá cả hàng hóa thuộc loại tài nguyên, thực hiện toàn diện chế độ giá cả tính theo bậc thang đối với cư dân… Đồng thời làm thế nào phối hợp các biện pháp đồng bộ để hoàn thiện thể chế thuế, thống nhất giám sát quản lý, thông qua tổ hợp chính sách thực hiện cải cách thị trường hóa nhằm đạt hiệu quả tốt nhất cũng là thành tựu không nhỏ. Quyết tâm của các nhà quyết sách Trung Quốc đối với cải cách thị trường hóa được thể hiện qua kỳ họp Lưỡng hội vẫn rất kiên định, điều này rất đáng vui mừng. Song trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước thay đổi phức tạp, chính sách và cải cách phối hợp hài hòa như thế nào, giảm bớt tác động tiêu cực của giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh tế đối với nền kinh tế đều là trọng điểm cần xem xét, cân nhắc trong thời gian tới của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đương nhiên, là văn kiện mang tính cương lĩnh, nội dung các lĩnh vực cải cách khác nhau trong Báo cáo có chỗ đậm chỗ nhạt, một số nội dung cần đợi chi tiết cụ thể và thông qua thảo luận để đi đến thống nhất. Có nguồn tin cho rằng trong buổi họp báo của các bộ và ủy ban ngang bộ sau khi kết thúc kỳ họp Lưỡng hội, các thông tin liên quan đến phương án tổng thể cải cách doanh nghiệp nhà nước… sẽ được cung cấp nhiều hơn, rõ nét hơn. Điều này rất đáng quan sát.

Thẩm Kiến Quang, nhà kinh tế học, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Mizuho (Nhật Bản) ở khu vực châu Á. Bài viết được đăng trên trang tin Đa Chiều.

Hoàng Lan (gt)