Ngày 24/6, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bắt đầu chuyến thăm ba nước châu Âu là Hunggari, Anh và Đức, trong đó đáng chú ý nhất là chuyến thăm tới Hunggari. Ông Ôn Gia Bảo thăm Hunggari một phần vì nước này đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, một phần vì Trung Quốc đầu tư khá nhiều vào đây. Trong tương lai, Bắc Kinh còn muốn đầu tư nhiều hơn nữa, như những gì họ đã làm với các nước nam và đông nam châu Âu. Ví dụ, Trung Quốc đã ký hợp đồng thuê một cảng lớn nhất ở Piraeus (Hy Lạp) với thời hạn 35 năm.

Một nghiên cứu sắp được công bố của hai tác giả François Godement và Jonas Parello-Plesner của Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) ước tính khoảng 40% đầu tư của Trung Quốc vào EU là ở những nước như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp và khu vực Đông Âu. Trong năm qua, các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc cũng đã đi thăm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.

Vậy tại sao Trung Quốc lại chú ý quá nhiều tới các nước có ít ảnh hưởng hơn trong EU? Câu trả lời là Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội đầu tư vào những nền kinh tế nhỏ hơn và đây cũng chính là lối đi thuận lợi giúp Trung Quốc xâm nhập vào thị trường châu Âu có tới 500 triệu người tiêu dùng.

Việc đầu tư nhiều vào những quốc gia này cũng mang lại lợi ích chính trị. Càng phụ thuộc nhiều vào đầu tư và thương mại của Trung Quốc, họ càng ít ủng hộ những hành động chung của EU mà Trung Quốc coi là thù địch với lợi ích sống còn của mình. Cũng không quá lời nếu nói rằng Bắc Kinh đang hình thành một mô hình “vận động hành lang” bên trong các tổ chức ra quyết định của EU.

Trong bối cảnh khu vực đồng tiền chung châu Âu đang gặp nhiều khó khăn, những nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng rất muốn Trung Quốc mua một phần trái phiếu chính phủ của nước mình. Mặc dù không biết chính xác số lượng trái phiếu mà Trung Quốc đã mua ở những nước này là bao nhiêu, nhưng người ta biết rằng các nhà quản lý tài sản quốc gia của Trung Quốc đang lặng lẽ mua để đa dạng hóa kho trái phiếu của họ, chứ không chỉ nắm giữ trái phiếu của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tỏ vẻ hào hiệp, ra tay giúp đỡ khu vực đồng euro.

Nhưng nói thẳng ra là nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị điêu đứng nếu kinh tế châu Âu đi xuống. Là nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, với khoảng 3.000 tỷ USD, Trung Quốc có thể ngay lập tức mua một nửa số tài sản công được tư nhân hóa của Hy Lạp với giá hời. Và tất nhiên, Hy Lạp không còn sự lựa chọn nào khác vì họ đã ở bước đường cùng. Một nhà địa chiến lược của Trung Quốc đã nói với một trong hai tác giả của báo cáo ECFR rằng: “Đó là vì các anh cần tiền của chúng tôi”. Có thể khẳng định rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào châu Âu và đang chuyển sang thành ảnh hưởng chính trị.

  Theo Guardian

 Hiền Lương (gt)