TS. Li Dexia và ông Tan Keng Tat là tiêu biểu trong số những người ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, khi được đề nghị cung cấp chứng cứ rõ ràng cho các lập luận của mình, họ đã không thể chứng minh yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với bất kỳ hòn đảo cụ thể nào được thực hiện trước năm 1909, đơn giản là không có chứng cứ xác thực, hoặc chỉ là những bao biện không đúng sự thật. Không có bằng chứng cho thấy các nhân vật thời tiền hiện đại của Trung Quốc như Trịnh Hoà (Zheng He) hay các đô đốc nhà Minh đã từng thực hiện chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Các đoàn quân viễn chinh Mông Cổ từ thế kỷ trước cũng vậy. Vào 500 năm trước, người đi biển thường đi thuyền xung quanh bờ biển để tránh các rạn san hô.

Lập luận mơ hồ

Chắc chắn có các văn tự cổ Trung Quốc đề cập đến khái niệm “đảo”, nhưng tất cả đều rất mơ hồ, không liên quan đến phần đất cụ thể và không chứng minh được việc khai phá hay khẳng định chủ quyền. Một số các ghi chép là của những người nước ngoài đến Trung Quốc, một số khác nói tới những vị trí bí ẩn gần lối vào thế giới ngầm, và một số khác nữa là sao chép các bản đồ Châu Âu.

TS. Li và ông Tan đã đưa ra một số quan điểm cụ thể, tuy nhiên, đều thiếu chính xác. Trước hết, họ đã thất bại trong việc thuyết phục rằng cái tên “Tây Sa” đã xuất hiện trong các tài liệu của Trung Quốc trước khi cái tên “West Sand” xuất hiện trên bản đồ phương Tây. Bên cạnh đó, việc khẳng định các thỏa thuận năm 1887 giữa Pháp và Trung Quốc trong đó trao quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc là không đúng sự thật. Thoả thuận được nhắc tới (ký tại Bắc Kinh ngày 26/6/1887) chỉ nhắc đến khu vực Đông Dương mà thực dân Pháp gọi là “Tonkin- Bắc Bộ” - một phần cực bắc của Việt Nam bây giờ.

Các luận điểm cũng nhắc đến “đá đánh dấu” (stone marker) được các tướng lĩnh Trung Quốc đặt tại quần đảo Hoàng Sa vào năm 1902 và 1907 khi đoàn thám hiểm hải quân Trung Quốc đến đảo Duy Mộng (Drummond). Tuy nhiên, chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy sự kiện này thực sự đã diễn ra.

Phần lớn các tuyên bố của Trung Quốc đều dựa trên những khẳng định không có nguồn gốc được lặp đi lặp lại trong nhiều thập kỷ mà không vấp phải một sự kiểm chứng cụ thể nào. Nhiều trong số đó đã trở thành một phần của “kiến thức thông thường” (conventional wisdom) của quốc tế về Biển Đông. Chúng được tìm thấy trong bài báo của Hungdah Chiu và Choon-ho Park mà các tác giả Li và Tan đề cập, trong bài viết năm 1976 “Các đảo tranh chấp ở Biển Đông” của Dieter Heinzig, và trong cuốn sách năm 1982 của Marwyn Samuels “Tranh chấp Biển Đông”, những tài liệu mà nhiều học giả quốc tế sau đó đã dựa vào.

Các ghi nhận của Heinzig và Samuels là những nỗ lực tiên phong, mang lại nhiều hiểu biết cần thiết về chủ đề này, tuy nhiên, phần lớn chúng lại dựa trên các bài báo xuất bản trên các tạp chí của Đảng Cộng Sản Trung Quốc sau khi Trung Quốc chiếm đóng nửa phía Tây của quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1/1974. Một được xuất bản trong ấn phẩm tháng 3/1974 Nhật báo những năm 70 (Ch”i-shi niên-tai Yueh-k”an) và hai trong ấn phẩm tháng 5/1974 của Nhật báo Ming Pao. Những bài báo này rõ ràng không thể hiện tính trung lập vì mục đích của chúng là biện minh cho cuộc xâm lược.

Trích dẫn không đầy đủ

Ngoài ra, trong các bài viết của mình, các tác giả trên đã trích dẫn không đầy đủ các tài liệu lịch sử. Ví dụ như bức thư của Thủ Tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi người đồng nhiệm Trung Quốc tháng 9/1958, trả lời “Tuyên bố về lãnh hải” của Bắc Kinh. Tuyên bố này có nêu việc mở rộng vùng lãnh hải của Trung Quốc ra đến 12 hải lý - một động thái nhằm mục đích ngăn chặn can thiệp của tàu Mỹ hỗ trợ các đơn vị đồn trú Đài Loan trên đảo Kim Môn (Jinmen) và Mã Tổ (Mazu). Ngoài ra, phần thứ hai của Tuyên bố 1958 khẳng định yêu sách của Trung Quốc với các đảo trên Biển Đông. Toàn văn bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai đã loại phần thứ hai này trong khi ủng hộ phần đầu. Câu chữ đầy đủ là “Chính Phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công nhận và chấp thuận tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của CP nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa liên quan đến quyết định đối với vùng lãnh hải của Trung Quốc”. Như vậy, Việt Nam không rõ ràng bác bỏ nhưng cũng không ủng hộ các yêu sách của Trung Quốc.

Các tác giả cũng đã trích dẫn Tuyên bố Cairo ngày 27/11/1943 như sau: “Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các vùng lãnh thổ khác mà nước này đã chiếm bằng bạo lực và lòng tham”. Câu này trên thực tế đầy đủ là: “... Nhật Bản bị tước quyền khỏi tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã nắm giữ hoặc chiếm đóng kể từ khi bắt đầu chiến tranh thế giới lần thứ nhất vào năm 1914, và rằng tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã đánh cắp từ Trung Quốc, như Mãn Châu, Đài Loan, và Bành Hồ, phải được trả lại cho Đài Loan. Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các vùng lãnh thổ khác mà nước này đã chiếm bằng bạo lực và lòng tham”. Tuyên bố không đề cập đến bất kỳ đảo nào khác trên Biển Đông, ngoại trừ Đài Loan và Bành Hồ, và không nhắc gì về “quyền sở hữu” của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ khác mà Nhật Bản bị trục xuất.

Cần chia nhỏ các yêu sách cụ thể

Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đều tuyên bố quyền sở hữu đối với các nhóm đảo lớn như thể chúng là một đơn vị duy nhất. Philippines đòi chủ quyền với một tập hợp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nhóm đảo Kalayaan trong khi Việt Nam tuyên bố chủ quyền với cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tranh chấp Biển Đông sẽ trở nên dễ dàng giải quyết hơn nếu những yêu sách lớn được chia thành các yêu sách nhỏ cụ thể đối với các đảo cụ thể, với các bằng chứng cụ thể. Để làm được điều này sẽ đòi hỏi các cơ quan Chính phủ đưa ra các bằng chứng về các hành động thực tế thể hiện chủ quyền. Trung Quốc đã thất bại trong việc đưa ra bằng chứng lịch sử thuyết phục cho những yêu sách của mình, ít nhất những bằng chứng này không tồn tại đối với Trung Quốc trước ngày 6/6/1909 trong trường hợp quần đảo Hoàng Sa và ngày 12/12/1946 đối với quần đảo Trường Sa./.

Bài của Bill Hayton, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajatnam, đăng trên trang mạng RSIS

Duy Anh (gt)