Tháng 9/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm bốn nước Trung Á: Turkmenistan, Uzbekistan , Kazakhstan và Kyrgyzstan . Trong chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc đã ký những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD với các quốc gia giàu năng lượng Trung Á. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các dự án năng lượng Trung Á như một cách để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Đông đầy biến động. Bắc Kinh lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ Trung Đông trong trường hợp có xung đột giữa Iran và phương Tây, cũng như sự lây lan có thể xảy ra do tình trạng bất ổn từ các quốc gia như Syria. Một số nhà quan sát đã ghi nhận mối quan tâm của Trung Quốc về việc có thể đóng cửa Eo biển Malacca trong trường hợp xung đột khu vực hoặc những gián đoạn khác như tai nạn hàng hải hoặc hải tặc. Nguồn cung năng lượng của Trung Quốc nhìn chung là dễ bị tổn thương và Bắc Kinh đang tìm cách tháo gỡ "nút thắt" mang tính chiến lược này. Giới quân sự Trung Quốc đánh giá Eo biển Malacca là đặc biệt dễ bị tổn thương. Những tranh chấp hàng hải và việc xây dựng lực lượng hải quân của Mỹ ở Đông Nam Á đã làm gia tăng lo ngại của Trung Quốc về khả năng tiếp cận qua eo biển. Trong trường hợp khủng hoảng, các chuyên gia quân sự Trung Quốc suy đoán Mỹ và các đồng minh trong khu vực có thể chặn đường vận chuyển qua eo biển, làm mất đi con đường nhập khẩu tài nguyên quan trọng của Trung Quốc. 

Hải quân Trung Quốc tin rằng sẽ phải mất nhiều năm trước khi có thể đủ khả năng để ngăn chặn hành động đó. Trung Quốc đã xem xét một số biện pháp tiềm năng trong quá khứ, kể cả việc xây dựng một phiên bản Kênh đào Panama của Châu Á ở miền Nam Thái Lan, và một đường ống dẫn khí ở Myanmar. Tuy nhiên, dù đã được bàn đến trong hơn một thập kỷ nhưng kênh đào đó vẫn chưa trở thành hiện thực, trong khi đường ống dẫn Trung Quốc-Myanmar trị giá 2,3 tỷ USD mới chỉ giảm được chút ít sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào eo biển. Nguồn cung khí đốt tự nhiên của Myanmar chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu năng lượng đang gia tăng của Trung Quốc. Điều này dẫn đến việc các nhà hoạch định chính sách an ninh của Trung Quốc tiếp tục lo ngại và tiếp tục một cuộc tìm kiếm các lựa chọn thay thế khác. Trung Á đang trở thành điểm lựa chọn đó. Trung Quốc dự kiến ​​sẽ vượt qua Mỹ trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2017. Trong năm 2012, Trung Quốc đã nhập khẩu 5,1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Đông và châu Phi. Trung Quốc nhập khẩu hơn 60% lượng dầu mỏ, phần còn lại được sản xuất ở trong nước. 

Năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ Trung Đông và châu Phi được vận chuyển qua Eo biển Malacca, nên rất dễ bị tổn thương nếu xảy ra gián đoạn. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã bắt đầu hướng tới Trung Á như một tuyến đường thay thế. Với sự kiên nhẫn, ngoại giao khéo léo và trên tất cả là những khích lệ tài chính hào phóng đã từ từ mở cửa khu vực này đối với Trung Quốc. Năm 2006, những nỗ lực của Bắc Kinh đã được đền đáp khi Trung Quốc và Kazakhstan ký một thỏa thuận xây dựng một đường ống dẫn dầu dài 3.000 km để vận chuyển dầu mỏ và khí đốt Kazakhstan đến Tân Cương - tỉnh miền Tây của Trung Quốc. Kể từ đó, Trung Quốc đã đạt được một sự hiện diện đáng kể trong lĩnh vực năng lượng ở Kazakhstan, với một số chuyên gia ước tính rằng khoảng 50% lĩnh vực năng lượng Kazakhstan hiện đang thuộc sở hữu của các công ty nhà nước Trung Quốc. Trong tháng 7, hai nước đã ký kết một thỏa thuận để mở rộng đường ống và nâng gấp đôi sản xuất. Kazakhstan sở hữu trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 10 trên thế giới và trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ 14 thế giới. 

Đến giữa năm 2014, đường ống mở rộng cũng có thể vận chuyển dầu mỏ của Nga sang Trung Quốc, nối Trung Quốc với một trong những nguồn cung dầu mỏ chủ chốt thế giới. Đầu năm nay, một số nguồn tin cho biết công ty dầu mỏ Rosneft của Nga đang đàm phán với Trung Quốc một khoản vay 35 tỷ USD. Rosneft dự định sử dụng vốn vay để mua một số đối thủ của mình. Đổi lại, nguồn cung dầu mỏ của Nga sang Trung Quốc sẽ tăng lên gấp đôi, từ 109 tỷ thùng hiện nay lên 219 tỷ thùng vào năm 2018. Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn thứ hai thế giới. Chuyến thăm tháng 9 của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Kazakhstan mang lại các thỏa thuận năng lượng trị giá đáng kinh ngạc 30 tỷ USD, trong đó bao gồm các khoản vay mềm 9 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. 

Trong năm 2009, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng đường ống nhiều tỷ USD giữa Turkmenistan và Trung Quốc. Đường ống dài 1.840 km này dẫn qua các nước láng giềng Uzbekistan và Kazakhstan, và sẽ vận chuyển dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đến Tân Cương. Trong năm 2012, Turkmenistan đã trở thành nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên chính của Trung Quốc, cung cấp hơn 50% lượng nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc. Theo Tiêu Thanh Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Ashgabat, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Turkmenistan sang Trung Quốc sẽ tăng lên 65 tỷ m 3 vào năm 2020. Turkmenistan hiện có trữ lượng khí đốt lớn thứ tư trên thế giới. Hơn nữa, Iran , quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn thứ ba trên thế giới, cũng đã nối với Turkmenistan bằng đường ống dẫn. Do đó, đường ống Turkmenistan-Trung Quốc cuối cùng có thể liên kết với Iran . 

Không giống các nước phương Tây, Trung Quốc đã thể hiện một sự hiểu biết đáng chú ý về các quy tắc và chuẩn mực bất thành văn của khu vực bằng cách xây dựng các liên kết mạnh mẽ với giới tinh hoa địa phương. Trung Quốc cũng đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực dầu mỏ của Uzbekistan. Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Uzbekistan, trị giá các hợp đồng được ký kết lên tới 15 tỷ USD, đã mở đường thêm cho Trung Quốc đầu tư vào ngành dầu mỏ, khí đốt và khai thác urani. 

Các dự án cơ sở hạ tầng lớn như cầu và đường sá được phát triển với các khoản vay Trung Quốc cũng đang được lên kế hoạch. Mặc dù không giàu tài nguyên, Kyrgyzstan và Tajikistan cũng không kém phần quan trọng như là cửa ngõ năng lượng cho khu vực phía Tây của Trung Quốc. Phản ánh điều này chính là chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Turkmenistan , trong đó có việc tham dự lễ khai trương hai ống dẫn dầu mới qua Tajikistan và Kyrgyzstan . Chính nhờ những tuyến đường ống này, dầu mỏ và khí đốt của Trung Á hiện được vận chuyển tới Trung Quốc thông qua bốn tuyến đường khác nhau. Với việc mở rộng này, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm thiểu sự phụ thuộc vào một tuyến đường duy nhất trong trường hợp một trong những tuyến đường bị gián đoạn. Tuy nhiên, ba tuyến đường ống này đi qua Uzbekistan, một quốc gia mà Bắc Kinh đã "chăm sóc" rất chu đáo trong hơn một thập kỷ.

Tajikistan và Kyrgyzstan cũng rất quan trọng bởi vì biên giới lãnh thổ của họ giáp với tỉnh Tân Cương của Trung Quốc. Trong quá khứ, những người ly khai đã tấn công các doanh nghiệp Trung Quốc tại Kyrgyzstan và tổ chức các hoạt động chống Trung Quốc từ các nước này. Bằng cách đưa Tajikistan và Kyrgyzstan vào một thế giới với Trung Quốc là trung tâm, Bắc Kinh hy vọng ổn định những quốc gia nghèo này và ổn định biên giới phía Tây Trung Quốc. Trong điểm dừng chân của mình, ông Tập Cận Bình đề nghị cung cấp 3 tỷ USD cho Kyrgyzstan vay để tạo điều kiện cho nước này hội nhập vào "sân sau" mới nổi. Số tiền trên sẽ được sử dụng để xây dựng một nhà máy nhiệt điện, nhà máy lọc dầu và một đường cao tốc quốc gia. 

Mặc dù Trung Á đang nhanh chóng nổi lên như nguồn cung dầu mỏ và khí đốt chính của Trung Quốc, song Trung Đông và châu Phi vẫn còn rất quan trọng. Nguồn năng lượng từ các khu vực này cũng đi qua Eo biển Malacca trên đường đến Trung Quốc. Không bỏ lỡ thời điểm, Trung Quốc và đồng minh lâu dài Pakistan đang có kế hoạch xây dựng một hành lang phát triển Tân Cương-Gwadar. Bắc Kinh đã tài trợ cho việc xây dựng các cảng Gwadar ở tỉnh Balochistan của Pakistan với chi phí 248 triệu USD. Cảng này có vị trí chiến lược ở phía Đông Vịnh Persian gần Iran và Saudi Arabia. Sự phát triển hành lang Gwadar tạo mạng lưới sâu rộng gồm đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn trong một hệ thống kết nối Vịnh Persian với phía Tây Trung Quốc, cho phép tàu chở dầu của Trung Quốc có thể không phải qua eo biển. 

Hành lang Gwadar cũng có thể vận chuyển dầu mỏ và khí đốt từ các nhà cung cấp năng lượng mới nổi khác, chẳng hạn như Mozambique ở Ấn Độ Dương, nơi mà Trung Quốc gần đây đã đầu tư 4,2 tỷ USD vào lĩnh vực khí đốt. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể gặp rủi ro đáng kể khi đầu tư vào một lĩnh vực liên tục trải qua sự bất ổn kinh niên và điều này sẽ có thể lại tái diễn một khi hành lang Gwadar trở nên xứng với giá trị đầu tư. Đầu tư phát triển của Trung Quốc trong khu vực có thể mang lại lợi ích to lớn cho Trung Á, thậm chí góp phần đem lại ổn định cho các quốc gia như Afghanistan và Pakistan. Trong khi Mỹ chuẩn bị chấm dứt sự chiếm đóng tốn kém ở Afghanistan , việc gia tăng cam kết kinh tế của Trung Quốc với khu vực có thể có một số tác động tích cực. Một Trung Á ổn định sẽ tạo điều kiện để Afghanistan có môi trường bên ngoài tốt hơn. Trung Quốc đã giành được một số hợp đồng béo bở ở Afghanistan , chẳng hạn như thỏa thuận 3 tỷ USD để phát triển mỏ đồng Mes Aynak. Do vậy Trung Quốc có lợi ích đối với một Afghanistan ổn định. 

Trung Quốc, Mỹ và các cường quốc khu vực khác, chẳng hạn như Nga và Ấn Độ, có những lý do mạnh mẽ để muốn có một Afghanistan ổn định. Mối quan hệ thân mật của Trung Quốc với Pakistan và các mối quan hệ này có thể có một ảnh hưởng tích cực trong việc thúc đẩy Islamabad đóng một vai trò xây dựng ở Afghanistan. Trong khi đó, Iran là một quốc gia có ảnh hưởng đáng kể trong Hazaras và Baloch, những nhóm thiểu số chiếm 12% dân số Afghanistan, và cũng là những người có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh. 

Trong khi lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ ở Đông Nam Á có thể mâu thuẫn, nhưng ở Trung Á thì lợi ích của hai cường quốc thế giới này đang bắt đầu hội tụ, tuy vẫn còn có những khác biệt và thách thức. Mặc dù vậy, khả năng hợp tác vẫn tồn tại và không nên bỏ qua điều này. Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, và hành động của Bắc Kinh sẽ rất quan trọng cho tương lai của khu vực quan trọng này trên thế giới. Chắc chắn an ninh năng lượng vẫn là động lực chính ẩn sau cuộc "tấn công" của Bắc Kinh vào Trung Á, nhưng những lợi ích khác cũng đang ngày càng trở nên phức tạp hơn./.

Theo Ấn phẩm số 135 (tháng 10/2013 - IPRIS)

Hương Trà (gt)