Mục đích của hành động này không ngoài việc nhằm đảm bảo cho ông Hồ Cẩm Đào tiếp tục duy trì sức ảnh hưởng của mình sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (Đại hội 18). Hãng tin Reuters của Anh dẫn ba nguồn tin riêng rẽ cho biết ông Hồ Cẩm Đào hi vọng sẽ về hưu hoàn toàn vào năm 2013 (chuyển giao cả ba chức vụ tối cao về Đảng, Nhà nước và Quân đội cho Phó Chủ tịch nước đương nhiệm Tập Cận Bình), nhưng với tiền đề là “đệ tử ruột” Lý Khắc Cường sẽ đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khóa 18. Một số nhà phân tích chính trị nhận định sở dĩ ông Hồ Cẩm Đào muốn vị Thủ tướng tương lai của Trung Quốc kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là nhằm tăng cường sự giám sát của các quan chức dân sự đối với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Nếu vừa làm Thủ tướng vừa làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Lý Khắc Cường sẽ có vị thế mạnh hơn so với người tiền nhiệm là Ôn Gia Bảo trong việc đối phó với các tình huống khẩn cấp trong nước. Thực tế cũng cho thấy do không có chức vụ trong Quân ủy Trung ương, cho nên, Thủ tướng Trung Quốc đương nhiệm Ôn Gia Bảo không có quyền phát ngôn trong quân đội nước này. Cũng vì thế, ông Ôn Gia Bảo rất khó điều động quân đội tới giúp thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn trong trận đại động đất Tứ Xuyên xảy ra vào năm 2008. Nếu Lý Khắc Cường kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, tình hình này sẽ thay đổi.

Có nguồn tin nói rằng với vai trò Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Lý Khắc Cường còn có quyền giám sát, quản lý đối với 660.000 cảnh sát vũ trang (PAP). Lực lượng này nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Chính phủ, có chức năng dẹp bạo loạn, bảo vệ cơ quan chính quyền, các đại sứ quán nước ngoài ở Trung Quốc và thực hiện nhiệm vụ cứu hộ trong các tai họa thiên nhiên. Tuy nhiên, theo tạp chí “Tin mật Trung Quốc”, khả năng Lý Khắc Cường kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là rất nhỏ. Thứ nhất, việc Thủ tướng kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương chưa có tiền lệ. Thứ hai, việc sắp xếp Lý Khắc Cường kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của phía quân đội. Thứ ba, trong trường hợp Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lý Nguyên Triều vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18, không làm Thường trực Ban Bí thư mà sẽ chuyển sang làm Trưởng ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Lý Khắc Cường chứ không phải Lý Nguyên Triều sẽ trở thành “xơ cua” của Tập Cận Bình (có thể thay thế Tập Cận Bình khi nhân vật này xảy ra tình huống bất ngờ). Và như vậy, Lý Khắc Cường sẽ không dại gì đồng ý làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, khiến Tập Cận Bình nghi ngờ động cơ, tiến hành đề phòng.

Ngoài ra, thực tế ở Trung Quốc cho thấy chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương thường được trao cho 2 hoặc 3 người. Nếu trao cho 2 người thì cả hai nhân vật đều là quân nhân, thường gồm 1 người thuộc hệ thống Chính ủy và một người thuộc ngạch quân sự. Nếu trao cho 3 người sẽ gồm 2 quân nhân, 1 dân sự và vị Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương dân sự này chính là nhân vật được xác định kế nhiệm nhà lãnh đạo tối cao tương lai mà Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình là minh chứng điển hình. Vì thế, vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương dân sự nếu được bố trí sẽ dành cho thế hệ lãnh đạo thứ sáu. Trong khi đó, cùng với Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường là thế hệ lãnh đạo thứ năm. 

Theo Tạp chí “Tin mật Trung Quốc” (số tháng 10)

Lê Sơn (gt)