Khi Hồ Cẩm Đào vươn tới đỉnh cao quyền lực năm 2002, không ai hoặc gần như không có ai biết gì về ông và vì vậy, cũng dễ hiểu tại sao ông được gán các biệt danh như “vị hoàng đế im lặng”, “nhà lãnh đạo vô hình” hoặc “con người bí ẩn”. Nhiều người cho rằng thời gian sẽ đưa ra câu trả lời về vị cán bộ cộng sản bí ẩn này. Thế nhưng, một thập kỷ sau, khi Hồ Cẩm Đào chuẩn bị thôi “cầm cương”, dư luận cũng không biết nhiều hơn về ông. Nhưng dẫu sao thì dư luận cũng biết được một điều, rằng chính Đặng Tiểu Bình là người đã bỏ qua vai trò của Giang Trạch Dân - người kế nhiệm ông - để chỉ định Hồ Cẩm Đào. Ở khía cạnh này, Hồ Cẩm Đào là người cuối cùng được một nhà lãnh đạo lịch sử “trao quyền binh giáp”. Tập Cận Bình không được hưởng một cử chỉ hợp pháp hóa như vậy. Tuy nhiên, lớp sương mù bao phủ chính trường Trung Quốc lúc nào cũng dày đặc, với vai trò không thể bỏ qua của bộ máy truyền thông. Giới lãnh đạo nước ngoài chưa bao giờ xuyên thủng được lớp vỏ bọc bên ngoài của giới lãnh đạo Trung Quốc. Hồ Cẩm Đào luôn mang mặt nạ, và đó là mặt nạ “người gác đền của chủ nghĩa cộng sản”, trong khi Ôn Gia Bảo luôn giữ “bộ mặt tươi cười” của chế độ. Hồ Cẩm Đào luôn giữ một vẻ mặt vô cảm và có vẻ hoàn hảo, một phong thái không lòe loẹt và rất thận trọng. Quan lộ của ông là quan lộ của một cán bộ có công và cần mẫn, trải qua mọi cấp bậc trong Đảng mà không bỏ qua một nấc thang nào, từ Bí thư Đoàn thanh niên đến Tổng Bí thư ĐCS. Ông được cho là một “nhà kỹ trị” mà một Trung Quốc cải cách cần có. Ông đã phải vượt qua thử thách từ những mỏ than ở các tỉnh khó khăn nhất cho đến việc nắm cương vị Bí thư Đảng ủy Tây Tạng (năm 1989) để xử lý cứng rắn cuộc nổi loạn tại khu tự trị này. Hồ Cẩm Đào đã in dấu ấn ở Trung Quốc bằng hai khẩu hiệu “Phát triển khoa học” và “Xây dựng một xã hội hài hòa”. Mười năm cầm quyền của ông được nhiều người cho là “thập kỷ hoàng kim”. Dưới quyền lãnh đạo của ông, Trung Quốc đã không ngừng giàu mạnh để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những người nhiệt tình với ông đã đánh giá cao sự ổn định đang tạo điều kiện cho phát triển đất nước, cũng như sự đúng đắn trong các lựa chọn kinh tế vĩ mô của ông. Những người không thích ông cho rằng mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đã bắt đầu “hụt hơi”, bởi các cải cách kinh tế cần thiết đã liên tục bị đẩy lùi.

Nhưng trước hết, phải nói rằng “sự hài hòa” đã không đạt được kết quả như mong muốn. Tình hình không ngừng xấu đi tại Tây Tạng và Tân Cương. Trước hết, bất bình đẳng trong xã hội đã bị khoét sâu theo phương thẳng đứng và ổn định chỉ được thực hiện bằng các biện pháp trấn áp bạo lực. Trên phương diện chính trị, tuy được mệnh danh là nhà kỹ trị có năng lực, nhưng Hồ Cẩm Đào đã không dám mạo hiểm mà chỉ lựa chọn nguyên trạng. Ông nói về “sự ổn định” trong khi các nhân vật theo đường lối tự do cho đó là “tình trạng tù hãm”. Ngay cả những người ủng hộ ông cũng thừa nhận rằng chênh lệch giữa tiến bộ kinh tế và cải cách chính trị đã trở nên “không thể giải quyết”. Trong diễn văn tại Đại hội Đảng năm 2007, ông đã hơn 60 lần nhắc tới từ “dân chủ” nhưng những năm sau đó chỉ được đánh dấu bằng việc tăng cường kiểm duyệt, hạn chế tự do ngôn luận và chính kiến. Ông đã cho bỏ tù Lưu Hiểu Ba, nhân vật được trao giải Nôben hòa bình, ngay sau Thế vận hội Olympic 2008. Zhang Ming, giáo sư Đại học Nhân dân, nhận định: “Về chính trị đã có một vài cải cách, nhưng chỉ mang tính kỹ thuật chứ không có tính cấu trúc. Thậm chí còn có sự thụt lùi, chẳng hạn trong lĩnh vực tư pháp không thấy ai nhắc đến vai trò độc lập nữa”. Dư luận cho rằng Hồ Cẩm Đào yếu kém hơn so với các bậc tiền nhiệm và ông không đủ khả năng áp đặt nhân sự cho việc kế nhiệm. Nhưng đồng thời, phe của ông lại thành công trong việc lật đổ một nhân vật tầm cỡ của chế độ như Bạc Hi Lai. Trên bình diện quốc tế, cho dù Trung Quốc đang thực sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự, nhưng nhiều chuyên gia nhất trí rằng tiếng nói của Trung Quốc luôn rất ít được lắng nghe. Còn một câu hỏi cần được giải đáp là Hồ Cẩm Đào thực sự có quyền tự do hành động hay không? Lâu nay vẫn nằm dưới cái bóng của người tiền nhiệm Giang Trạch Dân, một nhân vật đến nay vẫn “làm vua” dõi theo các hành lang triều chính của Trung Quốc. Trong phiên khai mạc Đại hội 18, người ta vẫn thấy Hồ Cẩm Đào sát cánh với bậc lão thành. Có vẻ như để gửi đi một tín hiệu rằng ông vẫn được tiếp tục có một vai trò, chẳng hạn đứng đầu Quân ủy Trung ương đầy quyền lực?

Theo Nhật báo "Le Figaro" (ngày 9/11)

Lê Sơn (gt)