Có thể nói năm 2011 là một năm của nhiều bất ổn và rối loạn với khủng hoảng toàn cầu trong lĩnh vực tài chính ảnh hưởng đến lĩnh vực chính trị, xã hội, với những bất ổn xã hội đầu tiên đã nổ ra tại Trung Đông, Bắc Phi, sau đó lan sang các nước phát triển khác như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Israel và Anh. Thậm chí Mỹ cũng không thể thoát khỏi làn sóng đang dâng cao của những bất ổn xã hội như đã được phản ánh trong phong trào “chiếm giữ phố Wall”.

(1) Năm 2012 có thể thậm chí còn rối loạn hơn năm 2011.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ vẫn không thể phục hồi do áp lực ngày càng tăng của những khiếm khuyết lớn, tỷ lệ thất nghiệp cao, tốc độ tăng trưởng thấp và đang theo chiều hướng rơi vào suy thoái. Tình hình tại châu Âu đang xấu đi khi mà khủng hoảng nợ tiếp tục diễn ra sâu. Không thể giải quyết được các vấn đề nội tại và rơi vào bẫy khủng hoảng nợ, một số quốc gia EU đang tìm kiếm sự trợ giúp của các nước láng giềng giàu có và các thể chế để thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng các nước này cũng không thể tìm được giải pháp dài hạn, vì vậy hy vọng thoát khỏi tình trạng trên là rất mong manh. Là nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro, Đức có thể góp phần giúp các nền kinh tế EU đang rơi vào khủng hoảng nợ phục hồi nhưng Đức lại không hăm hở với việc nới lỏng hầu bao của mình. Mâu thuẫn chính trị giữa các cường quốc lớn đang tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trong năm 2012. Nhiều cường quốc thế giới như Mỹ, Nga và Pháp sẽ bước vào bầu cử tổng thống năm tới trong khi đó Nhật Bản có thể tiếp tục thông lệ thay đổi thủ tướng. Sự chuyển giao quyền lực thế hệ lãnh đạo đã diễn ra tại Bắc Triều Tiên trong khi Trung Quốc cũng sẽ có giới lãnh đạo mới vào năm 2012. Để dành được sự ủng hộ nhiều hơn, các nhà lãnh đạo chính trị sẽ tập trung nhiều vào vấn đề nội bộ hơn là quốc tế và các chuyến thăm lẫn nhau giữa các nước sẽ giảm, do vậy không có lợi cho giải quyết xung đột. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo chính trị có thể thực hiện các chính sách đối ngoại vội vã hơn để lấy lòng các cử tri như đã từng xảy ra trong các cuộc bầu cử trước đây. Thí dụ, để giành được chiến thắng trong bầu cử năm 2012, Tổng Thống Obama có thể tận dụng các chính sách kinh tế mạnh mẽ hơn để chống Trung Quốc bằng cách gia tăng xung đột an ninh tại Đông Á, gây áp lực tăng tỷ giá hối đoái, tranh cãi về mất cân bằng thương mại và mở cửa các thị trường tài chính.

Cũng có thể nổ ra xung đột giữa Nga và Mỹ về dân chủ, ổn định chiến lược và các vấn đề Trung Đông cũng như việc Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc có thể tấn công chính trị nhằm thay đổi giới lãnh đạo. Đối với Nhật Bản, chính phủ đang cố giành sự ủng hộ trong nước nên sẽ có thể va chạm với Trung Quốc về những vấn đề lịch sử cũng như gia tăng tranh chấp biên giới với Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Căng thẳng cũng có thể trở lại eo biển Đài Loan nếu Đảng Cấp tiến Dân chủ giành được thắng lợi tại Đài Loan. Ngoài những mâu thuẫn toàn cầu, chúng ta có thể chứng kiến bạo lực và xung đột vũ trang về những vấn đề nội bộ có thể nghiêm trọng hơn và các biên giới quốc gia có thể bị nước ngoài can thiệp nhiều hơn. Điều này đã từng xảy ra tại Trung Đông và Bắc Phi vào đầu năm 2011, nơi mà những cuộc bạo loạn xã hội đã dẫn tới sự can thiệp của nước ngoài và kết quả là các cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng, mà cuối cùng có thể dẫn tới nội chiến. Hòa bình và trật tự vẫn chưa được thiết lập lại tại các nước này. Thí dụ, tại Lybia, mâu thuẫn giữa các cường quốc trong việc cùng nhau lật đổ ông Muammar Gadhafi vẫn chưa được giải quyết và điều này có thể dễ dàng khiến đất nước này rơi vào cuộc nội chiến mới. Tại Ai Cập, các cuộc biểu tình của dân chúng vẫn tiếp tục sau khi trật tự đã được thiết lập nhanh chóng và những cuộc biểu tình này có thể còn tồi tệ hơn vào năm 2012. Các nước phát triển có thể thoát khỏi xung đột vũ trang nhưng các cuộc biểu tình chống lại bất công kinh tế, xã hội có thể sẽ mang tính bạo lực hơn và điều này đã xảy ra tại một số nước phát triển. Đây cũng là lý do quan trọng khi Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới và là cường quốc đang trỗi dâỵ, đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế phù hợp với ảnh hưởng và sức mạnh của mình.

(2) Đã đến lúc Trung Quốc cần điều chỉnh chính sách đối ngoại và có bước đi để thúc đẩy cải cách quản trị toàn cầu nhằm thiết lập trật tự mới.

Một là, Trung Quốc cần đẩy mạnh nguyên tắc “nhất quán về quyền lợi đi đôi với trách nhiệm”. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất đối với việc cải cách các hệ thống quốc tế và làm các hệ thống này hoạt động hiệu quả hơn. Theo đó, Trung Quốc phải đảm nhiệm trách nhiệm nhưng sẽ có quyền tương xứng với vị thế đang lên của mình. Bắc Kinh không chống lại việc nhiều cường quốc có quyền lực hơn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong một số lĩnh vực nhất định nhưng Trung Quốc cũng không né tránh việc gánh vác thêm trách nhiệm quốc tế mà Trung Quốc có lợi thế. Hai là, Bắc Kinh muốn giảm căng thẳng trong hợp tác quốc tế. Khi can thiệp vào bất ổn xã hội của một số nước, cộng đồng quốc tế ít nhất phải tuân thủ nguyên tắc không lật độ chính quyền bằng việc ủng hộ quân sự cho các đảng đối lập bởi nếu không khủng hoảng sẽ tồi tệ hơn và thậm chí dẫn tới chiến tranh. Nguyên tắc cuối cùng mà Bắc Kinh sẽ theo đuổi là ngăn chính trị hóa các tranh chấp kinh tế, đặc biệt trong thời đại quan trọng hiện nay của các khủng hoảng toàn cầu. Để giải quyết vấn đề kinh tế, cần bảo đảm rằng cộng đồng quốc tế tập trung vào giải pháp thay vì đổ lỗi cho đảng phái hoặc nước khác nhằm tránh việc xung đột quốc tế leo thang.

Theo Chinadaily (21/12)

Hương Trà (gt)