Khi còn trẻ, Ramon Fonseca từng cân nhắc việc đảm nhận Chức Thánh. Thay vào đó, ông đã trở thành một người truyền bá cho hoạt động kinh doanh tại nước ngoài. Hiện giờ, công ty luật do ông đồng sáng lập đang là tâm điểm của một cơn bão toàn cầu, có liên hệ – một cách không công bằng theo ý kiến của ông – tới vô số vi phạm về tài chính.

Hầu như không ai biết tới Mossack Fonseca, công ty của Ramon Fonseca có trụ sở tại Panama, cho tới ngày 3/4, khi một nhóm nhà báo từ 76 quốc gia bắt đầu đăng tải những câu chuyện vạch trần khối tài sản được che giấu của các chính trị gia, người nổi tiếng và những nhân vật khác, dựa trên 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ từ cơ sở dữ liệu của công ty này. “Hồ sơ Panama” đề cập quãng thời gian gần 40 năm qua, nhưng một số tài liệu mới chỉ từ cách đây vài tháng. Chúng chứa đựng chi tiết về hàng nghìn công ty, quỹ và quỹ ủy thác mờ ám tại nước ngoài được các khách hàng của Mossack sử dụng (Công ty này cho biết họ chưa bao giờ bị cáo buộc vi phạm pháp luật và tiến hành thẩm tra kĩ lưỡng đối với tất cả khách hàng).

Các tài liệu được chuyển nặc danh theo nhiều đợt cho tờ Süddeutsche Zeitung của Đức. Tờ báo này đã chia sẻ chúng với Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một tổ chức được thành lập bởi Trung tâm Liêm chính công, một quỹ từ thiện của Mỹ. ICIJ từng tận dụng cơ hội với các tài liệu bị rò rỉ trước đây, trong đó có tài liệu “Lux Leaks” vạch trần các thỏa thuận trốn thuế giữa nhiều công ty đa quốc gia và Chính phủ Luxembourg. Nhưng vụ rò rỉ lần này là lớn nhất cho tới nay và gây tổn hại nhiều nhất. Theo ICIJ, khoảng 140 chính trị gia có liên hệ với các công ty do Mossack thành lập, trực tiếp hoặc thông qua gia đình, bạn bè hoặc phụ tá.

Hoạt động tài chính ở nước ngoài có nhiều mục đích sử dụng hợp pháp, nhưng nó bị cử tri phương Tây coi là trái luật. Họ vẫn giận dữ với các chủ ngân hàng và các chính trị gia, những người dường như đối xử tử tế với các chủ ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính trước khi áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng đối với tất cả những người khác. Và sự mờ ám mà hoạt động này đem lại, đặc biệt thông qua các công ty vỏ bọc với chủ sở hữu trên danh nghĩa, dễ dàng bị các kẻ trốn thuế, rửa tiền và quan chức tham nhũng đang tìm kiếm nơi nào đó cất giấu tài sản phi pháp lợi dụng. Trong cuốn sách có ảnh hưởng lớn của mình về các thiên đường thuế với tựa đề “Các hòn đảo kho báu”, Nicholas Shaxson miêu tả hoạt động tài chính ở nước ngoài như là “một dự án của giới tinh hoa chống lại các xã hội của họ và của chúng ta”.

Vào ngày 5/4, vụ rò rỉ đã có nạn nhân lớn đầu tiên. Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã từ chức sau khi có thông tin cho rằng ông đã bí mật bán cổ phần trong một công ty nước ngoài có các khoản đầu tư tại các ngân hàng của Iceland cho vợ mình. Khoảng 20.000 người Iceland đã xuống đường biểu tình – một con số lớn tại một quốc gia chỉ có 330.000 dân. Những nhân vật cấp thấp hơn lại khiến người ta cười gượng gạo. Lãnh đạo chi nhánh tại Chile của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, vốn vận động chống lại hoạt động giữ bí mật của các tập đoàn, đã từ chức sau khi bị phát hiện có liên quan tới 5 công ty tại các thiên đường thuế.

Các tài liệu không nhắc tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng các thành viên trong nhóm thân tín của ông lại đóng vai trò nổi bật: chẳng hạn, Sergei Roldugin, một người bạn thân và là cha đỡ đầu của một trong số các con gái của Putin, dường như đã chuyển 2 tỷ USD thông qua một mạng lưới thực thể tại nước ngoài – một con số không hề tồi đối với một nghệ sĩ cello. Trong các khoản đầu tư do Roldugin sở hữu một phần có 12,5% cổ phần của hãng quảng cáo-truyền hình lớn nhất nước Nga – công ty này chưa bao giờ tiết lộ quyền sở hữu của mình – và 3,2% cổ phần trong ngân hàng Bank Rossiya, được các quan chức Mỹ miêu tả như là ngân hàng cá nhân của Putin. Những tiết lộ này dường như củng cố khẳng định rằng Putin rất giàu có nhưng che giấu tài sản của mình bằng cách gửi chúng cho các phụ tá thân tín. Người phát ngôn của Putin cáo buộc CIA tổ chức vụ rò rỉ này để làm mất uy tín Putin.

Ở Trung Quốc, “Hồ sơ Panama” cũng bị tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bác bỏ coi đó như là một âm mưu của phương Tây. Các nhà kiểm duyệt cố gắng gỡ bỏ bất cứ thảo luận nào về chúng trên mạng Internet của Trung Quốc, và họ đã có nhiều việc phải làm. Các tài liệu cho thấy một số gia đình có địa vị cao nhất của Trung Quốc, bao gồm cả một người họ hàng của Chủ tịch Tập Cận Bình, sở hữu hoặc từng sở hữu các công ty bí mật tại nước ngoài.

Đặng Gia Quý, anh rể của Tập Cận Bình, là một nhà tư bản bất động sản và giám đốc của 2 công ty được đăng ký tại Quần đảo Virgin của Anh (BVI). Theo hãng truyền thông Bloomberg, Đặng Gia Quý và vợ ông ta, chị gái của Tập Cận Bình, đã điều hành các công ty có trị giá tới hàng trăm triệu USD, tuy nhiên các công ty này được cho là đã ngừng hoạt động khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Hai thành viên khác của Ban thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc, cũng có người thân liên quan tới các công ty của Mossack. Một trong số đó là Lưu Vân Sơn, nhân vật chịu trách nhiệm về hệ tư tưởng và tuyên truyền.

Không điều nào trong số này sẽ được coi là một cú sốc tại Trung Quốc, nơi người thân của các quan chức cấp cao nằm trong số các doanh nhân thành đạt nhất của đất nước này. Nhưng bằng chứng về các cổ phần bị che giấu ở nước ngoài sẽ có tác động xấu tại một đất nước nơi vị chủ tịch nước đang tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng. Và không chỉ các gia đình chính trị hàng đầu là có liên quan. Các tài liệu cho thấy Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của Mossack. Văn phòng của Mossack tại Hong Kong là văn phòng bận rộn nhất, và công ty này còn có chi nhánh tại 8 thành phố khác của Trung Quốc. Theo ICIJ, 9 văn phòng này chiếm tới 29% tổng số công ty Mossack có trong sổ sách của mình tới cuối năm 2015.

Cho dù không có bằng chứng nào về hoạt động bất hợp pháp, tuân thủ pháp luật không phải là yêu cầu duy nhất đối với các quan chức Trung Quốc. Hầu hết những người có liên quan tới “Hồ sơ Panama” đều là đảng viên Đảng Cộng sản và họ phải tuân thủ điều lệ đảng. Điều lệ này cấm họ đăng ký thành lập công ty hay đầu tư vào các công ty tại nước ngoài. Vì vậy, họ có thể đã vi phạm quy định, nếu không phải là luật pháp. Các quan chức cấp cao của Trung Quốc cũng có thể phải chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của người thân.

Một mục đích sử dụng phổ biến của các công ty vỏ bọc ở nước ngoài là tránh né các biện pháp trừng phạt, và các tài liệu có rất nhiều ví dụ cho trường hợp này. Theo ICIJ, Mossack đã làm việc với hơn 30 cá nhân và công ty đôi khi bị Bộ Tài chính Mỹ liệt vào danh sách đen. Con số này bao gồm các doanh nghiệp có liên hệ với các nhân vật cấp cao tại Syria và Triều Tiên.

Công ty luật này được cho là đã hoạt động như là một bình phong cho các công ty có liên hệ với Rami Makhlouf, một người họ hàng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Makhlouf từ lâu đã là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt của phương Tây và từng được miêu tả như là “đại diện cho tham nhũng” trong các bức điện tín ngoại giao của Mỹ. Có tin rằng các tài liệu cho biết vào năm 2011, các đối tác của Mossack đã bác bỏ đề xuất chấm dứt quan hệ với Makhlouf từ bộ phận pháp chế của họ, cho dù họ đã đồng ý làm vậy vài tháng sau. Mossack cho biết công ty này không bao giờ cố ý cho phép bất cứ ai có liên hệ với các chế độ không lương thiện sử dụng các công ty của mình.

Những trang tài liệu “ngồi lê đôi mách”

Mossack cũng phục vụ cho những người làm nghề giải trí. Các tài liệu cho thấy rằng Jackie Chan, một diễn viên, và Pedro Almodovar, đạo diễn phim, cũng làm ăn theo cách thức của công ty này. Sẽ không trọn vẹn nếu không kể đến vụ rò rỉ tài chính lớn trong những ngày này của FIFA, cơ quan quản lý bóng đá, và điều này không gây thất vọng. Nghe nói các tài liệu đã cho thấy rằng Gianni Infantino, người thay thế Sepp Blatter tai tiếng làm Chủ tịch FIFA vào tháng 2, đã phê chuẩn các hợp đồng với những doanh nhân bị cáo buộc hối lộ khi ông ở UEFA, trái ngược với những biểu hiện mà cơ quan quản lý bóng đá châu Âu này đưa ra. Ông Infantino nói ông “thất vọng” bởi “sự chính trực của ông đang bị nghi ngờ”.

Sự rò rỉ này đã châm ngòi cho hành động: các vụ điều tra đã được tiến hành tại Úc, Anh và các nước khác. Các cơ quan quản lý Nam Phi sẽ xem xét kỹ lưỡng một công ty có liên hệ với cháu trai của Tổng thống Jacob Zuma, công ty từng ký kết một thỏa thuận dầu mỏ có lợi. Pháp đã liệt Panama vào danh sách đen về thuế của nước này. Với quá nhiều nhà lãnh đạo phải theo dõi, các chính phủ dường như không biết phải bắt đầu từ đâu.

Các bên trung gian từng làm ăn với Mossack có khả năng bị điều tra kỹ lưỡng rất nhiều. ICIJ cho rằng công ty này đã giao thiệp với hơn 14.000 hãng luật, ngân hàng, các bộ phận hợp tác và các bên trung gian khác nhằm thành lập các công ty, các quỹ ủy thác và quỹ tài trợ cho khách hàng.

Các ngân hàng toàn cầu, vốn đã bị theo dõi và trong một số trường hợp bị phạt tiền vì có liên hệ với những đối tượng trốn thuế và những bên giao thương bất chấp các lệnh trừng phạt, sẽ chịu nhiều đau đớn hơn. Khoảng 500 ngân hàng đăng ký làm công ty vỏ bọc với Mossack. Chỉ riêng HBSC nghe nói đã thiết lập hoặc cung cấp dịch vụ tài chính cho hơn 2.000 thực thể, bao gồm một công ty có liên hệ với ông Makhlouf, được gọi là Drex Technologies. Người phát ngôn của ngân hàng nói rằng đây là những cáo buộc “thuộc về lịch sử” và xảy ra trước khi các cải cách “đáng kể” của HSBC được thực hiện trong những năm gần đây.

Không chỉ riêng các chính phủ quan tâm. Các tài liệu này sẽ có lợi cho các nhà điều tra tập đoàn dự định lật lại các vụ tìm kiếm tài sản có liên quan đến tranh chấp. David Robertson thuộc K2, một công ty chuyên điều tra tập đoàn, nói: “Nhiều dấu vết đã đột ngột dừng lại ở Panama. Vụ việc này sẽ mở ra những cánh cửa mới”. Các công ty như của ông có thể nhận được các cuộc gọi từ khách hàng hy vọng sử dụng vụ rò rỉ này để làm lợi cho họ theo những cách khác – chẳng hạn, để thu được thông tin tình báo về vị trí của các đối thủ trong thị trường hàng hóa. Một số công ty thực hiện các giao dịch qua Panama chính là nhằm ngăn thông tin như vậy khỏi các cặp mắt tọc mạch.

Vụ rò rỉ sẽ gây thêm áp lực buộc Panama phải tuân theo các cải cách minh bạch mà những trung tâm tài chính khác đã cam kết thực hiện. Chính phủ nước này đã từ chối chấp nhận chuẩn mực quốc tế do OECD dẫn dắt về việc trao đổi thông tin thuế. Giờ đây, điều đó có thể thay đổi, đặc biệt là nếu các nước khác đi theo sự lãnh đạo của Pháp.

Trớ trêu thay, vụ rò rỉ xảy ra vào thời điểm nhiệt huyết cải cách dâng cao. Năm ngoái, Tòa án Tối cao Panama đã ra lệnh bắt giữ Ricardo Martinelli, cựu tổng thống từ năm 2009 đến năm 2014, người bị buộc tội nghe lén trái phép và biển thủ (ông đã phủ nhận các cáo buộc này). Panama được ca ngợi vì đã thông qua luật chống rửa tiền cứng rắn vào năm ngoái, mặc dù vẫn còn phải xem liệu luật này có được thực thi một cách nghiêm ngặt hay không.

Nỗi lo sợ ở Panama là những sự cải thiện như vậy đang bị phớt lờ trong cuộc chạy đua nhằm bôi nhọ nước này vì những hành động của một doanh nghiệp. Một bộ trưởng nói: “Đây là một báo cáo đề cập đến những tài liệu của một công ty luật, không phải là nền tảng dịch vụ tài chính của chúng tôi”. Chính phủ đã tuyên bố đích thân điều tra, nhưng cũng bóng gió lên tiếng bênh vực mạnh mẽ. Một số người gắt gỏng cho rằng vụ rò rỉ đã làm xói mòn chủ quyền tối cao của Panama và việc nước này bảo vệ quyền cá nhân.

Tiêu điểm cũng đã xuất hiện trở lại trên các vùng lãnh thổ ở nước ngoài của Anh, vốn là những mắt xích quan trọng trong cỗ máy hoạt động ở nước ngoài. Trong số hơn 200.000 công ty được đề cập đến trong tài liệu, một nửa được đặt ở BVI (Bristish Virgin Islands - Quần đảo Virgin, một lãnh thổ nước ngoài thuộc Anh). Một luật sư nước ngoài nói: “Panama và BVI đi cùng với nhau giống như Bonnie và Clyde” – mặc dù ông cũng chỉ ra rằng một số bí mật tập đoàn kín kẽ nhất có thể được phát hiện ở trong nước. Các công ty vỏ bọc thành lập tại Delaware và Nevada đều từng có dính líu tới những vụ bê bối lừa gạt và tham nhũng.

Sự liên hệ của BVI sẽ gia tăng thêm áp lực buộc Chính phủ Anh phải thuyết phục các nước phụ thuộc (mà có được quyền tự chủ tài chính) đưa ra đăng ký công khai quyền sở hữu tập đoàn, như chính Anh sẽ làm sau đó vào năm nay. Một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện ngay trước khi câu chuyện Panama nổ ra đã phát hiện ra rằng 77% người Anh tin rằng Thủ tướng David Cameron có “trách nhiệm đạo đức” đảm bảo rằng các vệ tinh ở nước ngoài của Anh là “minh bạch nhất có thể”. Ông Cameron đang trực tiếp cảm nhận được “sức nóng”: ông đã bị buộc phải làm rõ mối liên hệ của mình với một quỹ ở Bahama do người cha quá cố của ông thành lập, mà chi tiết về quỹ này xuất hiện trong các tài liệu.

Nhiều vụ tố giác

hơnSự giận dữ đối với các tài liệu của Mossack cho thấy rằng các vụ rò rỉ sẽ làm được nhiều hơn bất cứ chính trị gia nào trong việc nhấn chìm các thiên đường thuế. Khi lập trường của dân chúng đối với những vụ bịp bợm ở nước ngoài trở nên khắt khe hơn, nhiều người làm việc trong các công ty luật và tài chính dường như về mặt đạo đức cảm thấy buộc phải đánh cắp tài liệu và giao nộp nó cho phóng viên hoặc chính phủ. Một số người tin rằng số lượng lớn vụ tố giác kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp giảm bớt sự quan tâm đến việc sử dụng các công ty vỏ bọc; Mossack đã đóng cửa nhiều hơn mở cửa các công ty trong những năm gần đây.

Vụ việc này cũng là một thắng lợi được chứng thực cho một mô hình mới về việc đưa tin điều tra. ICIJ đã đưa khoảng 400 phóng viên vào danh sách giúp tổ chức này sàng lọc cơ sở dữ liệu, mà họ quả thực sử dụng một công cụ tìm kiếm thích hợp. ICIJ đã chọn một số đơn vị cộng tác kỳ lạ: ở Mỹ họ chọn làm việc với Charlotte Observer và Fusion, một trang tin tức cho Thế hệ Millennial (những người sinh từ đầu những năm 1980 tới đầu những năm 2000), chứ không phải chẳng hạn như tờ New York Times. Tuy nhiên, nhiều cặp mắt đồng nghĩa với việc sẽ ít thứ bị bỏ sót. Và báo chí được phân bổ theo kiểu này gần như là không thể kiểm duyệt hay ngăn chặn.

Còn nhiều trong số 2,6 terabytes dữ liệu vẫn chưa được chú ý đến hay được tiết lộ. ICIJ hàng ngày vẫn đưa nhỏ giọt các câu chuyện sau khi công bố loạt dữ liệu ban đầu. Người ta mong đợi nhiều sự phát giác hơn sau khi câu chuyện này được đưa lên mạng. Và còn nhiều điều có thể bị rò rỉ hơn nữa vượt ra ngoài Mossack: công ty này chỉ có 5-10% thị trường toàn cầu cho các công ty vỏ bọc. Như một cố vấn cho những người giàu có nói, không có gì lạ khi “giờ đây chúng ta nói với khách hàng rằng họ phải chấp nhận bất kỳ điều gì họ làm ở nước ngoài có thể bị công khai, và họ sẽ phải có khả năng biện minh cho nó khi điều đó xảy ra”.

Theo The Economist

Trần Quang (gt)