Bài viết Giới quý tộc đỏ” Trung Quốc trong hồ sơ Panama đăng trên tờ The Guardian của Anh cho rằng, các thông tin bị tiết lộ cho thấy những “nơi trú ẩn an toàn” như Quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands - BVI) che giấu những mối liên hệ giữa doanh nghiệp lớn và người thân của các chính trị gia hàng đầu như thế nào.

Tám thành viên của giới tinh hoa Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người có các thành viên trong gia đình sử dụng các công ty ở nước ngoài, đã được tiết lộ trong “Hồ sơ Panama”.

Các tài liệu cho thấy cháu gái của một nhà lãnh đạo đầy quyền lực của Trung Quốc đã trở thành cổ đông duy nhất trong hai công ty ở BVI trong khi vẫn là một người ở độ tuổi thanh thiếu niên. Jasmine Li bắt đầu học tập ở trường Đại học Stanford (Mỹ) khi các công ty này được đăng ký dưới tên cô vào tháng 12/2010. Ông nội của cô là Giả Khánh Lâm tại thời điểm đó là chính trị gia đứng hàng thứ 4 ở Trung Quốc.

Các nhân vật nổi bật khác đã lợi dụng các công ty ở nước ngoài bao gồm anh rể của Chủ tịch Tập Cận Bình và con rể của Trương Cao Lệ, một thành viên khác của cơ quan chính trị hàng đầu Trung Quốc, Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Họ là một phần của giới “quý tộc đỏ”, mà tầm ảnh hưởng của họ vượt xa khỏi các hoạt động chính trị. Những người khác gồm có con gái của cựu Thủ tướng Lý Bằng, người đã giám sát hoạt động chống những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn; và Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai, cựu ủy viên Bộ Chính trị đã bị tù chung thân vì tội tham nhũng và lạm quyền.

Những người thân sở hữu các công ty này là khách hàng của công ty luật nước ngoài Mossack Fonseca. Không có gì trong các tài liệu này cho thấy các chính trị gia được nhắc đến có bất kỳ lợi ích nào trong các công ty có liên hệ với các thành viên gia đình họ.

Kể từ ngày 4/4, các cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc đã ngăn chặn việc tiếp cận những thông tin bị tiết lộ về các gia tộc chính trị cấp cao nhất. Hiện có các tin tức rằng các cơ quan kiểm duyệt đã xóa hàng trăm bài đăng tải trên các trang mạng xã hội Sina Weibo và Wechat, một số cơ quan truyền thông trong đó có CNN nói rằng một số trang web của họ đã bị chặn.

Các thông tin bị tiết lộ xảy đến đúng lúc Tập Cận Bình trấn áp thẳng tay đối với các hành vi mà có thể khiến đảng Cộng sản phải lúng túng.

Hai nhân vật nữa có quan hệ thân thiết với giới lãnh đạo cấp cao – em trai của cựu Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng và con trai của cựu ủy viên Bộ Chính trị Điền Kỷ Vân – là các giám đốc điều hành của một công ty ở nước ngoài. Hai người này trước đây có liên quan đến một vụ án đã nêu bật việc một số “thái tử đảng” của Trung Quốc sử dụng các mối quan hệ chính trị để trục lợi như thế nào.

Họ đã xuất hiện trong các dữ liệu nội bộ của công ty luật nước ngoài Mossack Fonseca, mà tờ báo Suddeutsche Zeitung của Đức đã thu thập được và được Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) ở Washington chia sẻ với tờ The Guardian, BBC và các phương tiện truyền thông khác.

Trung Quốc và Hong Kong là các nguồn kinh doanh lớn nhất của Mossack Fonseca, với khách hàng từ các khu vực này có liên hệ với tổng số 40.000 công ty tính từ trước đến nay. Khoảng 1/4 số công ty này được cho là đang hoạt động: năm 2015, các hồ sơ dữ liệu cho thấy công ty luật này đang thu phí đối với gần 10.000 công ty có liên hệ với Hong Kong và Trung Quốc. Theo trang web của công ty này, Mossack Fonseca hiện nay có các văn phòng ở 8 thành phố của Trung Quốc.

Có nhiều lý do hợp pháp để sử dụng các công ty ở nước ngoài. Các cá nhân sống ở nhiều khu vực thấy rằng chúng thuận tiện, và ở Trung Quốc chúng thường được sử dụng như một cách thức để thu hút và bảo vệ đầu tư từ nước ngoài. Trong khi không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ hành vi sai trái nào, các dữ liệu bị rò rỉ đang thu hút sự chú ý không mong muốn đối với khối tài sản của gia đình các lãnh đạo. Trong một số trường hợp, chúng cho thấy các “nơi trú ẩn” bí mật đang được sử dụng như thế nào để tạo ra và che giấu các mối liên hệ sinh lợi giữa doanh nghiệp lớn và hoạt động chính trị ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ngay cả khi các quan chức cho thấy sự nhiệt huyết của họ trong việc nhắm mục tiêu vào tham nhũng bằng việc săn tìm các tài sản ở nước ngoài và điều tra người thân của các quan chức, họ vẫn rất nhạy cảm với việc phanh phui những lợi ích kinh doanh của gia đình các nhà lãnh đạo hàng đầu.

Năm 2014, các trang web của The Guardian và một số phương tiện truyền thông khác đã bị chặn trong một vài tháng sau khi tiết lộ các cổ phần ở nước ngoài như vậy. Anh rể của Tập Cận Bình là Đặng Gia Quý và con gái của Lý Bằng là Lý Tiểu Lâm cũng có tên trong các thông tin bị rò rỉ đó. Do đó các tài liệu mới còn cho thấy nhiều cổ phần ở nước ngoài.

 

Nỗ lực chống tham nhũng cứng rắn của Tập Cận Bình đã hạ bệ một loạt nhân vật cấp cao. Tháng 12/2015, ông đã thúc giục các ủy viên của Bộ Chính trị “nghiêm khắc giáo dục và giám sát con cái, các thành viên khác trong gia đình cũng như các thuộc cấp và khắc phục các vấn đề của họ đúng lúc”. Ông đã thúc giục các thành viên của cơ quan gồm 25 ủy viên quyền lực này không chỉ phải liêm chính mà còn “tránh xa thị hiếu tầm thường và nêu gương tốt cho các cán bộ khác và cả quần chúng”. Nói cách khác, tránh các hành vi sai trái là chưa đủ mà còn phải gây được ấn tượng.

Con gái của Tập Cận Bình, Tập Minh Trạch học tập ở Đại học Harvard nhưng sống kín tiếng và sử dụng một cái tên giả. Trái lại, Jasmine Li đã thu hút sự chú ý của công chúng khi tạp chí thời trang Vogue mô tả những nét nổi bật của cô trong một chiếc áo dài quét đất của hãng Carolina Herrera tại buổi khiêu vũ mở màn thường niên của khách sạn Hotel de Crillon ở Paris vào năm 2009. Cô đã được giới thiệu bên cạnh tiểu thư Kitty Spencer, cháu gái của công nương Diana, và cũng là con gái của tài tử điện ảnh Clint Eastwood.

Năm 2010, ngay sau khi bắt đầu một khóa học về quan hệ quốc tế ở trường Đại học Stanford, cô đã được biết đến là cổ đông duy nhất của hai thực thể được đăng ký ở BVI, Harvest Sun Trading Limited và Xin Sheng Investments Limited. Các công ty này đã thành lập ít nhất hai doanh nghiệp ở Bắc Kinh, với số vốn đăng ký cộng lại khoảng 200.000 bảng Anh, được miêu tả trên sổ đăng ký là chuyên về “đầu tư và cố vấn”.

Các tài liệu bị rò rỉ tiết lộ Harvest Sun đã được sáp nhập vào tháng 7/2009 và cổ đông đầu tiên của công ty này là một người nào đó rõ ràng không có quan hệ với Jasmine Li: một nhà kinh doanh 57 tuổi người Hong Kong được biết đến là Ông vua đồng hồ.

Công ty của Cheung Yu Ping, Hengdeli, được định giá khoảng 470 triệu USD trên sàn chứng khoán Hong Kong và là một trong những hãng bán đồng hồ Thụy Sĩ lớn nhất về số lượng. Hãng này cung cấp các sản phẩm của Cartier và TAG Heuer cho giới nhà giàu mới nổi của Trung Quốc.

 

Tháng 12/2010, Cheung đã nhượng lại cổ phần của mình ở Harvest Sun cho Jasmine Li với giá chỉ 1 USD. Luật sư của Cheung đã nói rằng công ty này không có tài sản nào ở thời điểm chuyển nhượng. Ông này đã giải thích rằng: “Khách hàng của chúng tôi không có quan hệ gì với cô Li, người được một số đối tác kinh doanh giới thiệu cho khách hàng của chúng tôi để tiếp quản công ty mà cô ấy không cần phải lập một công ty vỏ bọc khác. Khách hàng của chúng tôi cho rằng việc cân nhắc chuyển nhượng là hợp lý vì công ty này chỉ là một công ty vỏ bọc mà không có tài sản bên trong”.

Li đã không đáp lại các yêu cầu bình luận.

Những người cung cấp các dịch vụ ở nước ngoài cho rằng các cá nhân giữ chức vụ chính trị quan trọng – hay còn gọi là PEP, các quan chức công quyền, gia đình và các cá nhân liên quan đến họ là những khách hàng có rủi ro cao. Mossack Fonseca nói: “Chúng tôi đã thiết lập các chính sách và thủ tục một cách thỏa đáng để xác định và xử lý các vụ việc mà ở đó các cá nhân hoặc được xem là các PEP hoặc có liên quan đến họ… Các thủ tục rà soát đặc biệt tăng cường được áp dụng trong các vụ việc này”.

Anh rể của Chủ tịch Trung Quốc

Anh rể của Tập Cận Bình, Đặng Gia Quý là một cổ đông trong hai công ty tại BVI, Wealth Minh International và Best Effect Enterprises.

Đặng Gia Quý đã xuất hiện trong danh sách cổ đông của cả hai công ty vào tháng 9/2009. Các công ty này chỉ tồn tại khoảng 18 tháng trước khi bị đóng cửa lần lượt vào tháng 4/2011 và tháng 10/2010.

Vụ rò rỉ các tài liệu ở nước ngoài trước đó đã tiết lộ rằng Đặng Gia Quý sở hữu 50% cổ phần trong công ty Excellence Effort Property Development đã được thành lập tại BVI. Phần sở hữu còn lại của công ty này đã được truy nguyên đến hai ông trùm bất động sản của Trung Quốc.

Đặng Gia Quý kết hôn với chị gái của Tập Cận Bình, và họ đã cùng nhau xây dựng cơ đồ nhờ vào đầu tư bất động sản và tài nguyên thiên nhiên. Năm 2012, có tin rằng cặp vợ chồng này nắm giữ cổ phần trong các công ty với tổng giá trị tài sản lên tới 376 triệu USD, và 18% cổ phần gián tiếp trong một công ty khoáng sản trị giá 2 tỷ USD. Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm cương vị chủ tịch, họ đã rút khỏi nhiều vụ đầu tư của mình.

Nhờ có mối quan hệ thân thiết của mình với trung tâm quyền lực của Trung Quốc, Đặng Gia quý được coi là một PEP. Các ngân hàng, các cơ quan đăng ký và những người có chuyên môn chẳng hạn như các luật sư buộc phải tiến hành kiểm tra chi tiết nguồn tài chính khi quản lý tiền bạc cho các chính trị gia, các công chức công quyền, gia đình và những người có liên quan mật thiết của họ.

Đặng Gia Quý đã được đề tên là cổ đông và đã giao giấy tờ tùy thân của mình ở Hong Kong cho công ty này. Nhưng các tài liệu của Mossack Fonseca không liệt ông này là một PEP, làm dấy lên những câu hỏi về việc liệu các cuộc điều tra chi tiết có được tiến hành về việc các phương tiện ở nước ngoài của ông này được dùng để làm gì hay không. Đặng Gia Quý đã không đáp lại các yêu cầu bình luận.

Nữ hoàng năng lượng

Năm 1994, một công ty ở BVI có tên là Cofic Investments Limited, mà cuối cùng do con gái của cựu thủ tướng Trung Quốc Lỹ Bằng là Lý Tiểu Lâm sở hữu, đã được thành lập.

Khối tài sản của Lý Tiểu Lâm được ước tính lên tới 550 triệu USD, và bà được mệnh danh là “nữ hoàng năng lượng” của Trung Quốc vì làm chủ nhiều doanh nghiệp sản xuất điện. Bà còn là phó chủ tịch của tập đoàn điện lực China Datang Corporation thuộc sở hữu nhà nước.

Lý Tiểu Lâm nổi tiếng ở Trung Quốc về việc tiêu xài khiến người khác phải chú ý – sự xuất hiện của bà trong một bộ vest Pucci màu hồng tại buổi gặp mặt thường niên của một cơ quan cố vấn hàng đầu chính phủ đã làm xuất hiện một bài viết được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội cho rằng mức giá 12.000 nhân dân tệ (khoảng 1.300 bảng) của bộ cánh này ngang với số quần áo ấm cho 200 trẻ em nghèo.

Các cuộc điều tra của ICIJ trước đó đã cho thấy bà có liên hệ với hai công ty khác tại BVI, và với các tài khoản ngân hàng của Thụy Sĩ. Lý Tiểu Lâm và chồng bà, Lưu Trí Nguyên, đã được tiết lộ là những người được hưởng lợi từ 5 tài khoản ngân hàng mà tổng trị giá của chúng rơi vào khoảng 2,48 triệu USD vào năm 2006-2007.

Danh tính của Lý Tiểu Lâm được Mossack Fonseca biết tới khi các nhà quản lý của BVI yêu cầu thông tin về Cofic vào năm 2015, và các cuộc điều tra đã được tiến hành cùng với công ty luật Geneva đại diện cho công ty này. Các giám đốc điều hành của Cofic tại thời điểm này là hai đối tác trong công ty, Charles-André Junod và Alain Bruno Lévy. Tuy nhiên, cổ đông của nó là một thực thể bí mật ở Liechtenstein có tên là Fondation Silo, mà những người chủ sở hữu được hưởng lợi của nó đã được Junod nêu tên là Lý Tiểu Lâm và chồng của bà.

Khi được hỏi về các khách hàng của mình, Junod đã gửi hộ chiếu của họ cho Mossack Fonseca với lời giải thích như sau: “Về các nguồn ngân quỹ, đó là lợi nhuận kinh doanh: các khách hàng của tôi, thông qua Cofic, đã cung cấp các dịch vụ cho các khách hàng khác của văn phòng tôi, những người xuất khẩu các thiết bị công nghiệp nặng từ châu Âu sang Trung Quốc”.

Các tài liệu cho thấy Cofic có một tài khoản Thụy Sĩ ở UBS (ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ - ND) và một tài khoản khác với nhà quản lý tài sản là Mirelis InvesTrust. Junod nói: “Trong hoạt động của chúng tôi, chúng tôi luôn làm đúng theo các điều luật và quy định quản lý nghề nghiệp của chúng tôi”.

Lý Tiểu Lâm đã không đáp lại các yêu cầu bình luận.

Các nhà vận động hành lang của Hong Kong

Tăng Khánh Hồng là Phó Chủ tịch của Trung Quốc cho đến năm 2008. Em trai của ông, Tăng Khánh Hoài, là nhân vật có tiếng ở Hong Kong và đã làm việc ở đó với tư cách là một phái viên của Bộ Văn hóa. Ông này cũng là nhà tư vấn sản xuất cho “Kiến đáng vĩ nghiệp” (Beginning of the Great Revival), một bộ phim tuyên truyền do nhà nước sản xuất mà theo tờ New York Times bình luận “là một ví dụ điển hình cho mối quan hệ khăng khít giữa kinh doanh và chính trị”. Các cơ quan của chính phủ và các trường học đã được yêu cầu phải mua vé và bất cứ lời chỉ trích nào cũng bị kiểm duyệt.

Hồ sơ Panama tiết lộ rằng Tăng Khánh Hoài là giám đốc của một công ty có tên là Chinese Cultural Exchange Association Ltd, được đăng ký lần đầu tại hòn đảo nhỏ bé Niue ở Nam Thái Bình Dương và sau đó chuyển sang đảo Samoa. Ông này nắm cương vị điều hành bên cạnh một “thái tử đảng” khác, Điền Thành Cương, con trai của cựu Phó Chủ tịch và đồng thời là ủy viên Bộ Chính trị Điền Kỷ Vân.

Một vụ án vào năm 2012, trong đó Điền Thành Cương đã thất bại trong việc khiếu kiện một công ty phát triển có tên Beijing Henderson Properties, đã vạch trần các thương vụ kinh doanh của giới “quý tộc đỏ”. Phiên tòa ở Hong Kong đã xét xử rằng Điền Thành Cương và một công ty có liên hệ với Tăng Khánh Hoài đã can dự một cách riêng biệt để vận động hành lang các cơ quan quản lý dưới danh nghĩa của Henderson khi công ty này bị điều tra vì vi phạm các quy định về ngoại hối vào năm 2006. Một sự trao đổi thư từ bị vạch trần ở phiên tòa đã cho thấy cha của Tăng Khánh Hoài đã viết thư cho các cơ quan quản lý để cầu xin sự khoan dung. Trong vụ việc này, khoản tiền phạt bị buộc phải trả nhỏ hơn so với dự đoán.

Các công ty có liên hệ với Tăng Khánh Hoài đã nhận được khoản phí 2,1 triệu USD và 650.000 USD. Henderson đã từ chối yêu cầu của Tăng Khánh Hoài đòi 5,5 triệu USD, do đó Tăng đã kiện vì số tiền này nhưng thua kiện. Kết luận của thẩm phán nói về Tăng Khánh Hoài: “Anh ta đã cố tỏ vẻ cao ngạo… Anh ta có thái độ khinh người và thiếu tôn trọng”.

Tăng Khánh Hoài và Điền Thành Cương đã không đáp lại các yêu cầu bình luận.

Các nhân vật khác

Cũng có mặt trong các tài liệu này là Hồ Đức Hóa, doanh nhân này là con trai của Hồ Diệu Bang, Tổng Bí thư của đảng Cộng sản bị lật đổ vào năm 1987 do ông này bị xem là mang tư tưởng tự do quá mức (và, một số người ủng hộ cho rằng, vì những nỗ lực của ông nhằm nhổ bỏ tận gốc nạn tham nhũng trong các gia đình lãnh đạo). Hồ Đức Hóa quan tâm đến công nghệ và năng lượng, và được đăng ký là cổ đông duy nhất của một thực thể tại BVI có tên là Fortalent International Holdings. Hồ Đức Hóa đã không đáp lại các yêu cầu bình luận.

Doanh nhân Hong Kong Lý Thánh Bát kết hôn với con gái nuôi của Trương Cao Lệ, Phó Thủ tướng Trung Quốc. Với tư cách là một ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông này là một trong bảy chính trị gia quyền lực nhất ở Trung Quốc.

Con rể Lý Thánh Bát của ông làm việc cho Xinyi, một hãng sản xuất thủy tinh, chất dẻo và năng lượng mặt trời do cha của Lý Thánh Bát sáng lập, nhưng theo công ty này đã từ chức vào năm 2008. Ông là một cổ đông trong Sino Reliance Networks Corporation, hiện đã đóng cửa, Glory Top Investments và Zennon Capital Management.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, tại thời điểm bố vợ của ông leo lên nắm quyền trong Bộ Chính trị, Lý Thánh Bát, người đã không đáp lại các yêu cầu bình luận, là giám đốc của 17 công ty của Hong Kong.

 

Cũng phân tích về sự liên quan của giới tinh hoa Trung Quốc về vụ việc, tờ Foreign Policy của Mỹ đăng bài phân tích Hồ sơ Panama – Cú đánh vào tầng lớp tinh hoa Trung Quốc. Bài báo cho biết vào ngày 6/4, Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phối hợp cùng tờ báo Süddeutsche Zeitung đã công bố bản báo cáo phơi bày những âm mưu tài chính của giới lãnh đạo Trung Quốc. Bản báo cáo này dựa trên việc tiếp cận với những thông tin được khai thác từ 11,5 triệu tài liệu rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama. Đây là lần đầu tiên ICIJ chỉ đích danh từng người trong số 8 vị lãnh đạo đương nhiệm và nguyên là lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cùng các thành viên trong gia đình họ. Danh sách này còn đụng chạm tới cả Mao Trạch Đông - người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Danh sách cụ thể được đề cập trong bản báo cáo này bao gồm: 

- Mao Trạch Đông (đã qua đời) lãnh đạo đất nước Trung Hoa với cú đấm thép từ năm 1949 đến khi ông mất năm 1976: Cháu rể ông đã thành lập một công ty ở quần đảo Virgin của Anh (BVI) từ năm 2011. 

- Hồ Diệu Bang (đã qua đời), người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1982 đến 1987: Con trai ông – Hồ Đức Hoa - là cổ đông và giám đốc một công ty ở BVI thành lập năm 2003. 

- Lý Bằng, cựu Thủ tướng Trung Quốc: Con gái ông – Lý Tiểu Lâm - sở hữu một công ty ở BVI thành lập năm 1994. Bà và chồng đã sở hữu công ty này theo hình thức cổ phần. 

- Tăng Khánh Hồng, cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc: Em trai ông – Tăng Khánh Hoài - là giám đốc một công ty thành lập ở Niue sau đó chuyển sang Samoa. 

- Giả Khánh Lâm, cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc: Cháu gái ông – Lý Tử Đan - sở hữu một công ty nước ngoài từ năm 2010 và sau đó sở hữu hai công ty vỏ bọc ở BVI với tổng số vốn đăng ký là 300.000 USD. 

- Tập Cận Bình, hiện là Chủ tịch Trung Quốc: Anh rể ông – Đặng Gia Quý - sở hữu ba công ty nước ngoài trong nhiều năm. 

- Trương Cao Lệ, hiện là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc: Con rể ông – Lý Thánh Bát - sở hữu cổ phần trong ba công ty ở BVI. 

- Lưu Vân Sơn, hiện là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc: Con dâu ông – Giả Lệ Thanh - là giám đốc và cổ đông của một công ty ở BVI từ năm 2009. 

Những phát hiện mới này có vẻ không khiến những người theo dõi tình hình ở Trung Quốc bất ngờ, họ coi Trung Quốc nổi tiếng là nơi mà giới lãnh đạo vừa sẵn sàng và vừa có khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính quốc tế để làm nhập nhằng việc sở hữu tài sản, đồng thời tận dụng vị trí quyền lực của mình để làm lợi cho bạn bè và gia đình. Kết quả là một loạt công ty vỏ bọc với các biệt danh vô nghĩa như Glory Top, Ultra Time, Keen Best, Dragon Stream, Purple Mystery mọc lên đến hoa mắt tại các “thiên đường thuế” như Thụy Sĩ, đảo Cyprus và BVI. 

Bản báo cáo chỉ ra chính xác rằng việc thành lập các công ty ở nước ngoài bản thân nó không phải là phạm pháp. Những vị lãnh đạo cao cấp cũng không nhất thiết phải kiểm soát hoạt động của tất cả các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, bản báo cáo thể hiện rằng những người thân của lãnh đạo Trung Quốc hành động theo một điều gì đó chứ không phải là những tiêu chuẩn minh bạch cao nhất. Nó hủy hoại cái mà những nhà lãnh đạo thường xuyên nhắc đến - chủ nghĩa yêu nước. Và nó có vẻ càng củng cố thêm niềm tin của đại đa số người dân Trung Quốc rằng những người thân của các vị lãnh đạo đã lợi dụng mối quan hệ này để sống theo những quy tắc khác với những người dân thường. Nhiều ý kiến từ lâu đã kêu gọi Trung Quốc cần có luật kê khai tài sản chặt chẽ hơn. 

Bản báo cáo nhiều khả năng là không thể tạo nên những làn sóng lớn ở Trung Quốc. Những nhân viên kiểm duyệt ở nước này hiển nhiên đã làm việc thâu đêm để loại bỏ việc liên quan hoặc hưởng lợi của những cái tên như Đặng Gia Quý, Lý Tiểu Lâm, Lý Tử Đan cùng một số người khác khi đề cập đến “hồ sơ Panama”. Trong khi các phương tiện truyền thông Trung Quốc có nhắc đến sự tồn tại của “hồ sơ Panama” thì họ hầu như không đề cập đến mối liên hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc mà tập trung vào việc các tài liệu này liên quan thế nào đến ngôi sao bóng đá Lionel Messi. 

Những nhà kiểm duyệt có lý do để lo ngại sự phản ứng dữ dội khi mà bản báo cáo bao gồm những chi tiết có thể khiến toàn thể người dân phải tức giận. Lý Tử Đan, cháu gái Giả Khánh Lâm, bằng cách nào đó có thể trở thành chủ một công ty nước ngoài mang tên Harvest Sun Trading Ltd khi mới là sinh viên năm đầu tại Đại học Stanford. Lý Tiểu Lâm, con gái Lý Bằng, đã xác nhận với giới truyền thông vào năm 2014 rằng bà không có một công ty nước ngoài nào, song trên thực tế bà là giám đốc điều hành một công ty dầu mỏ ở BVI trong khoảng 10 năm. Bà từng nắm quyền sở hữu thông qua cổ phần vô danh - về mặt kỹ thuật những cổ phần này được sở hữu bởi một ai đó. Đó là một chiêu lừa đảo điêu luyện, thậm chí quá điêu luyện đối với cả giới cầm quyền ở BVI - những người đã cấm hoạt động kiểu này từ năm 2009. 

Có lẽ bất ngờ nhất là câu chuyện của Cốc Khai Lai, người vợ bị bỏ tù của chính trị gia Bạc Hy Lai. Bà Cốc trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc và ở nước ngoài sau khi hạ độc một thương nhân người Anh Neil Heywood vào năm 2011. Heywood đe dọa sẽ vạch trần quyền sở hữu của bà đối với căn biệt thự đắt tiền tại miền Nam nước Pháp thông qua việc sử dụng một công ty bình phong ở BVI. Bà Cốc tuyệt đối không thể cho phép xảy ra sự việc có thể hủy hoại sự nghiệp chính trị của chồng bà nên đã sát hại Heywood tại khách sạn. Hai tuần sau đó bà đã chuyển quyền sở hữu công ty này cho một đồng nghiệp. 

Vậy chính xác là những luật sư đã đứng ở đâu trong suốt những vụ bê bối mờ ám này. Bản báo cáo liên tục nhấn mạnh công ty luật Mossack Fonseca hiển nhiên đã không thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt về khách hàng trước khi ký kết hợp đồng với các thành viên thuộc tầng lớp quý tộc Trung Quốc. Quá trình này được giới chuyên môn gọi là "hiểu biết về khách hàng" - một quá trình tiêu chuẩn mà các công ty có uy tín phải tuân thủ trước khi bước vào mối quan hệ luật sư - khách hàng, đồng thời cũng giúp đảm bảo một công ty có tuân thủ luật pháp quốc tế hay không, trong đó có việc chống rửa tiền. Bản báo cáo ngụ ý các hoạt động kể trên nếu được tuân thủ chặt chẽ hơn có thể sẽ làm giảm các vụ việc này. Lý Tử Đan, cháu gái Giả Khánh Lâm, đã mua một công ty bình phong với giá 1 USD từ một khách hàng khác của công ty luật này là ông Zhang Yuping - người sáng lập công ty phân phối đồng hồ xa xỉ ở Trung Quốc. Không có bằng chứng nào về việc công ty này yêu cầu xem ảnh trên giấy tờ tùy thân của bà Lý. 

Có khả năng bản thân Mossack Fonseca gặp khó khăn bởi những cái họ phổ biến ở Trung Quốc như Lý, Trương, Hồ, Lưu và danh tính của họ rất hiếm khi gợi đến mối liên hệ với các vị lãnh đạo có cùng họ tên. Tuy nhiên, theo bản báo cáo này thì Mossack Fonseca đã thành lập các cửa hàng tại Hong Kong từ năm 1989 và sau đó có vị trí chắc chắn tại Đại lục từ năm 2000. Hiện công ty này đang có văn phòng tại 8 thành phố thuộc Trung Quốc đại lục, trong đó có Ninh Ba (Chiết Giang), Tế Nam (Sơn Đông) - những nơi không được xem là điểm đến thông thường đối với các luật sư nước ngoài. Các văn phòng tại Trung Quốc chiếm 29% trong tổng số các công ty do Mossack Fonseca thành lập và văn phòng đông khách nhất đặt ở Hong Kong.

Theo The Guardian; Foreign Policy

Văn Cường (gt)