Các nguồn tin cho biết, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ chính thức từ bỏ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương vào cuối Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, dự kiến kết thúc ngày 14/11. Quyết định về hưu hoàn toàn của ông Hồ Cẩm Đào đã gây ngạc nhiên cho nhiều chuyên gia phân tích, những người đã từng dự đoán nhà lãnh đạo này sau khi từ chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước sẽ giữ lại chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm 1 đến 2 năm. Ông Hồ Cẩm Đào, 70 tuổi vào tháng tới, sẽ từ chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước vào tháng 3 tới, để mở đường cho người kế nhiệm đã được lựa chọn, ông Tập Cận Bình, khi Đại hội 18 kết thúc. Việc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về hưu hoàn toàn đánh dấu cuộc chuyển giao quyền lực "sạch sẽ" đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong trong vòng hai thập kỷ. Động thái này của ông Hồ Cẩm Đào sẽ phá vỡ tiền lệ do người tiền nhiệm Giang Trạch Dân tạo ra cách đây 10 năm. 

Năm 2002, Giang Trạch Dân đã chọn giải pháp bám giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm 2 năm nữa sau khi kết thúc 13 năm làm Tổng Bí thư. Ông Hồ Cẩm Đào sau khi lên làm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước phải đến tháng 9/2004 mới tiếp quản chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Quyết định bám giữ quyền lực của Giang Trạch Dân không được nhiều người ủng hộ và làm dấy lên những chỉ trích dữ dội ở cả trong và ngoài Trung Quốc. Nhiều người cáo buộc Giang Trạch Dân đã gây nguy hiểm cho các kế hoạch kế nhiệm lãnh đạo được cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình dự tính, cũng như cho Hồ Cẩm Đào, người được Đặng Tiểu Bình “chấm” làm người kế nhiệm Giang Trạch Dân. Hồ Cẩm Đào được cho là đã suy nghĩ rất kỹ về vấn đề có giữ lại chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương hay không. Các nguồn tin cho rằng Hồ Cẩm Đào muốn để lại một hình ảnh nhà lãnh đạo với uy tín tốt đẹp do biết rằng mình có thể mất nhiều hơn được nếu như làm theo tiền lệ của Giang Trạch Dân. Các nguồn tin khẳng định, Hồ Cẩm Đào muốn từ bỏ quyền lực và về hưu hoàn toàn, đồng thời cho biết thêm rằng sự kéo dài quyền lực của Giang Trạch Dân đã tạo ra một tiền lệ xấu và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có các nhà lãnh đạo đã về hưu, không muốn điều đó trở thành tiêu chuẩn. 

Trần Tử Minh, một chuyên gia phân tích chính trị tại Bắc Kinh nhận định: “Cho dù Hồ Cẩm Đào lựa chọn việc từ bỏ quyền lực vì bất kỳ lý do gì, thì đó cũng sẽ là một bước đi quan trọng, giúp tạo ra một tiền lệ cho các cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ”. Theo Trần Tử Minh, mặc dù việc thể chế hóa tiến trình kế nhiệm lãnh đạo đã được bàn luận từ khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng cuộc cải tổ nhân sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm nay đã rơi vào tình trạng hỗn loạn ở mức độ lớn do thiếu minh bạch, thiếu kiểm tra và mất cân bằng. Chuyên gia Trần Tử Minh nhấn mạnh: “Đây rõ ràng là sự thúc đẩy táo bạo nhất của Hồ Cẩm Đào trong vấn đề cải cách chính trị, một vấn đề bị mắc kẹt trong thế bế tắc trong nhiệm kỳ của ông ấy”. Ngoài việc đảm bảo vị trí của mình trong lịch sử, động thái của Hồ Cẩm Đào cũng sẽ cứu vãn hình ảnh bị vấy bẩn bởi các vụ bê bối của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là vụ bê bối tồi tệ nhất trong 20 năm qua liên quan tới cựu Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai, cũng như là bức màn bí mật bao quanh tiến trình thay đổi thế hệ lãnh đạo của đảng này. 

Cả Trần Tử Minh và chuyên gia phân tích Chương Lập Phàm tại Bắc Kinh đều tin rằng quyết định về hưu hoàn toàn của Hồ Cẩm Đào phần nhiều được đưa ra dựa trên các lý do cá nhân, như khả năng Hồ Cẩm Đào có thể đã bị mất tinh thần chiến đấu, hơn là một khả năng khác được nhiều người đồn đoán là nhà lãnh đạo này đã bị hạ gục bởi các đối thủ như Giang Trạch Dân. Trần Tử Minh nhận định: “Không giống như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ là một nhà lãnh đạo quá tham vọng đến mức đẩy mạnh chương trình nghị sự mang dấu ấn cá nhân”. Chương Lập Phàm cũng cho rằng Hồ Cẩm Đào có vẻ như “đã kiệt sức sau một thập kỷ cầm quyền". Chương Lập Phàm nói: “Tôi không nghĩ là Hồ Cẩm Đào thực sự giỏi để trở thành một nhà lãnh đạo tối cao, nhưng ông ấy có ít sự lựa chọn bởi vì ông ấy đã được các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lựa chọn để thực hiện công việc theo yêu cầu. Hồ Cẩm Đào có thể đã chán ngấy những âm mưu ngấm ngầm dường như không bao giờ dứt cùng các cuộc đua tranh quyền lực, và chỉ muốn đảm bảo một ‘cuộc hạ cánh an toàn’ cho bản thân ông ấy”. 

Các chuyên gia phân tích nói rằng trong khi Hồ Cẩm Đào có thể sử dụng việc về hưu hoàn toàn để “môi giới” các thỏa thuận tốt đẹp hơn cho việc thăng chức cho các đồng minh của nhà lãnh đạo này, thì tác động từ sự ra đi của Hồ Cẩm Đào đối với việc cân bằng quyền lực giữa các phe phái khác nhau trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đến thời điểm này vẫn chưa rõ ràng. Theo Trần Tử Minh, “thông điệp ngầm đằng sau động thái từ bỏ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Hồ Cẩm Đào là một thông điệp lớn và rõ ràng: Hồ Cẩm Đào sẽ về hưu hoàn toàn và các nhà lãnh đạo khác trong thế hệ của ông ấy cũng nên làm như vậy, đặc biệt là Giang Trạch Dân cũng như các nhà lãnh đạo kỳ cựu khác, những người thường xuyên tìm cách thể hiện ảnh hưởng trong thời gian dài sau khi họ về hưu”. Trong khi đó, chuyên gia Chương Lập Phàm nhấn mạnh rằng “sự về hưu hoàn toàn của Hồ Cẩm Đào và các nhà lãnh đạo khác sẽ giúp tăng cường cơ hội cho những người kế nhiệm họ điều hành đất nước theo cách mà họ mong muốn”. 

Theo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (ngày 12/11)

Hương Trà (gt)