Từ ngày được coi là cường quốc hàng đầu, liệu Trung Quốc có trở nên ngạo mạn không và hệ quả của thái độ đó là gì? Từ các đế chế thực dân cho đến ngày nay, kể cả Mỹ, các nước sử dụng công cụ sức mạnh thường hay tỏ thái độ ngạo mạn, đến mức người ta tự hỏi có phải sức mạnh bao giờ cũng đi đôi với thái độ ngạo mạn ở các nước có sức mạnh không? Ở phương diện cá nhân, vấn đề đó liên quan đến trường xã hội học. Thói ngạo mạn được thể hiện trong trường hợp này thông qua một thứ suy nghĩ hơn người (dù có được minh chứng hay không) và ý muốn thống trị người khác. Về phương diện nhà nước, thói ngạo mạn khiến các nhà nước nghĩ cách tìm kiếm bá quyền và áp đặt chính sách đối ngoại hoàn toàn không chấp nhận thỏa hiệp cũng như đối thoại, đồng thời không muốn ai can thiệp vào việc lựa chọn và thực hiện chính sách đối nội của mình. Đó chính là những đặc điểm giống nhau về nhiều phương diện được nghiên cứu ở đây, trong đó có nhấn mạnh đến trường hợp Trung Quốc và có nghiên cứu hệ quả - và cả lời giải đáp - liên quan đến thói ngạo mạn ngày càng gia tăng ở nước này. 

Tùy theo cơ sở sức mạnh khác nhau và bối cảnh thuận lợi nhiều hay ít mà thói ngạo mạn được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau trong lịch sử quan hệ quốc tế. Nhưng thói ngạo mạn thông thường xoay quanh tình thế thuận lợi cho một trong các yếu tố, hoặc gắn với các cuộc chinh phạt quân sự, hoặc có được nhờ tiến bộ về công nghệ cao. Trong nhiều trường hợp, các nền văn minh được coi là tiên tiến nhất (vào một thời điểm nhất định nào đó) có khả năng áp đặt quan điểm của mình cho các dân tộc không có được phương tiện như họ. Ví dụ lịch sử mới nhất về sự chênh lệch giúp cường quốc mạnh nhất thỏa chí thể hiện sự ngạo mạnh của mình là cuộc chinh phạt thuộc địa của các cường quốc phương Tây. Quá trình thực dân hóa không vấp phải trở ngại nhờ sức mạnh súng đạn của các đế chế và trình độ công nghệ cho phép họ kiểm soát được những vùng lãnh thổ rộng lớn, đồng thời được minh chứng bằng "sứ mệnh truyền bá văn minh", vốn là một khẩu hiệu với những khái niệm mơ hồ và được đánh dấu bằng thói ngạo mạn vượt rất xa sự thống trị về quân sự để đưa ra thứ hạng sắp xếp các nền văn hóa. Như vậy, các nền văn hóa tiên tiến nhất trong số đó được hợp pháp hóa trong việc kiểm soát các nền văn hóa khác, dù điều kiện là như thế nào. Sự phát triển của chính sách dân tộc trong nửa đầu thế kỷ 20, ở châu Âu cũng như Nhật Bản, là một trong những cách lý giải về việc xếp hạng này, đồng thời cũng là sự khẳng định cực đoan nhất về thói ngạo mạn của cường quốc được thể hiện thông qua lòng hận thù đối với người khác và buộc người này phải quy phục hay bị tiêu diệt. 

Trong thế giới đương đại, cách thể hiện thái độ ngạo mạn thiên về sự thống trị kinh tế và tài chính, trong khi các tiêu chuẩn về quân sự, thậm chí văn minh hay văn hóa, dần dần bị lu mờ mặc dù vẫn hiện diện. Kẻ ngạo mạn thường giống như một anh nhà giàu nắm giữ phương tiện tài chính làm nên sức mạnh. Chính vì lẽ đó mà ở các nước đang phát triển, các cường quốc phương Tây được nhìn nhận như những kẻ ngạo mạn và quen can thiệp vào chính sách đối nội đến mức bị coi là thực dân mới. Nhận xét đó dẫn đến ý nghĩ cho rằng thói ngạo mạn vừa là vấn đề nhận thức, vừa là một thực tế. 

Cụ thể hơn, vấn đề tính ngạo mạn của cường quốc Mỹ lại thường xuyên được đặt ra trong thập kỷ qua, liên quan đến tính phiêu lưu trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Bush, cụ thể là trong cuộc khủng hoảng Irắc và chiến dịch quân sự tháng 3/2003. Chính sách đơn phương của Mỹ, với sự hỗ trợ của khoảng năm chục nước (một con số bao gồm tuyệt đại đa số chỉ ủng hộ về chính trị và sau đó giảm rất nhanh) trên cơ sở liên quân chứ không phải liên minh, cũng nhanh chóng bị phê phán và bị coi là đồng nghĩa với sự khẳng định thói ngạo mạn của cường quốc hàng đầu thế giới. Oasinhtơn bị phê phán ngạo mạn chính vì cách hành xử cũng như sử dụng quá mức sức mạnh của mình, trong khi các vấn đề liên quan đến tính vượt trội của nền văn minh Mỹ lại không hề bị nhắc đến, kể cả trong phái bảo thủ cực đoan nhất. Mỹ tạo dựng nhãn quan bá quyền cho mình ở chính những nơi các đế chế thực dân cho mình là hơn người về bản chất và trên mọi phương diện, bằng cách chủ yếu dựa vào sức mạnh quân sự và khả năng tác động, mặc dù được coi là siêu cường. 

Trường hợp Trung Quốc lại giống ví dụ của các cường quốc châu Âu hơn là Mỹ, nếu không nói đến chủ nghĩa thực dân. Thái độ ngạo mạn của Trung Quốc dựa trên suy nghĩ hơn người về văn hóa và lịch sử vốn gắn liền với nước này vào những thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử của mình. Tiếp theo các "hiệp ước bất công", cả giai đoạn 150 năm gần đây nhất, được coi là tủi nhục đối với Trung Quốc, chỉ là một sự cố nhỏ trên quãng đường đầy kiêu hãnh của một nước, chỉ mới từ mấy năm trở lại đây, lại lôi ra những phương pháp mà nước này đã từng áp dụng trong hàng thế kỷ đối với các nước láng giềng, bị coi là lớp dưới, thậm chí là chư hầu. Đồng thời, Bắc Kinh không chấp nhận bài học của các cường quốc khác và tự coi mình là một thứ thay thế phương Tây. Sau một thời gian là một trong những nạn nhân chính của thói ngạo mạn đối với các nền văn minh, Trung Quốc không chỉ bằng lòng với việc trả thù, mà còn đặt ra cơ sở cho thói ngạo mạn riêng của mình, một thứ kết hợp giữa niềm tự hào mới lấy lại được và suy nghĩ hơn người được nhân lên nhờ kỳ tích kinh tế. Vừa có phương tiện đáng kể, vừa có nền văn hóa ngàn năm - không giống như Mỹ - nên Trung Quốc đôi khi được coi là "siêu cường của siêu cường" đối chọi với siêu cường, khi so sánh giữa hai nước. 

Tuy nhiên, sẽ là không đúng chỗ nếu tìm cách so sánh thói ngạo mạn của Mỹ dưới thời Chính quyền Bush và thói ngạo mạn của Trung Quốc đương đại. Quả thực thói ngạo mạn của Mỹ là một sự lựa chọn chính trị, và từ khi Barack Obama lên nắm quyền, cường quốc hàng đầu thế giới tỏ ra dễ đối thoại hơn, từ đó khẳng định một sự thay đổi thái độ thực sự. Về Trung Quốc, thói ngạo mạn trái lại xuất phát từ một tiến trình được hình thành từ từ và được hỗ trợ bởi kỳ tích kinh tế và sự thăng tiến mạnh mẽ của nước này trong ba thập kỷ qua. Như vậy, đó là một tiến trình, đến nay vẫn chưa kết thúc, mà sự thay đổi êkíp lãnh đạo không làm giảm sút cũng không làm thay đổi trong ba thập kỷ đó. 

Thành công vang dội của Trung Quốc ở các vùng đang phát triển là lý do giải thích - nhưng không minh chứng được - thói ngạo mạn của nước này đối với các nước, thường là các nước phương Tây, ngăn cản bước tiến của mình. Người ta thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc liên tục phê phán các nhà lãnh đạo phương Tây muốn gặp Dalai Lama, tố cáo điều mà Trung Quốc cho là phương Tây sử dụng vấn đề dân tộc thiểu số và quyền tự do ngôn luận, chống lại sự phát triển của Google ở Trung Quốc (cũng như nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác vì lợi ích của doanh nghiệp địa phương), tỏ thái độ khó chịu trước ý kiến nói về vấn đề nhân quyền, hay trách cứ một số nguyên thủ nhà nước không tỏ ra thuần phục Bắc Kinh. Chuyến thăm Bắc Kinh năm 2010 của Stephen Harper là một ví dụ điển hình về phương pháp của Trung Quốc, khi vị Thủ tướng Canađa bị nhắc nhở vì tỏ ra không quan tâm đúng mức tới người đồng nhiệm Trung Quốc của mình. Cách đây chỉ vài năm, Bắc Kinh còn có thái độ hoàn toàn ngược lại, theo lời chỉ dẫn của Đặng Tiểu Bình về sự cần thiết phải tỏ ra khiêm nhường và kín đáo trên trường quốc tế. Ngày nay, Trung Quốc trút bỏ mặc cảm, tỏ ra ngạo mạn và đối đáp lại mọi lời phê phán với thái độ cứng rắn và cao ngạo. Thái độ ngạo mạn của Chính phủ Trung Quốc đã trở thành một thực tế ngày càng khó cưỡng lại được. Bởi lẽ Bắc Kinh từ nay sẽ không ngại gì mà không sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để dọa trả đũa những nước dám mạo hiểm không tuân theo những đòi hỏi của mình. Na Uy, nước chủ nhà của giải Nobel Hòa bình, với việc trao danh hiệu năm 2010 cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, đã từng bị các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc nhở - nhưng không có kết quả. Giờ đây, cách hành xử đó đã trở thành thói quen của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. 

Ở cấp độ khu vực, thói ngạo mạn của Trung Quốc được nhân lên với ý muốn áp đặt mình như tác nhân chính, đến mức có nguy cơ làm tái hiện chế độ chư hầu như trong thời kỳ phong kiến, khi các vương quốc láng giềng phải thần phục Đế chế Trung Hoa. Tham vọng đó gây ra tâm lý lo sợ ở các nước Đông Bắc Á vì đây là vùng duy nhất trên thế giới không có một cơ cấu thể chế nào, về kinh tế cũng như thương mại, chính trị-chiến lược, thậm chí văn hóa. Đồng thời, các nước láng giềng của Trung Quốc không thể không biết thế đang lên của nước này, và ở Đài Bắc, Xơun hay Tôkyô, ngày càng xuất hiện nhiều ý định tăng cường quan hệ song phương và việc công nhận, kể cả ngấm ngầm, Bắc Kinh như cường quốc khu vực đang ngày càng được khẳng định. Cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế và những thảm họa gần đây của Nhật Bản đã giúp thúc đẩy nhanh tiến trình công nhận vai trò lớn của Trung Quốc trong khu vực, vốn được Bắc Kinh nhìn nhận như một sự thần phục. Từ đó, có thể đặt câu hỏi về hệ quả của sự xích lại gần nhau đó trong thời gian tới, hơn nữa bởi lẽ điều đó dường như khiến Bắc Kinh cảm thấy mình đã lựa chọn đúng và khiến Trung Quốc tỏ ra ngày càng ngạo mạn hơn. 

Tuy nhiên, sự ngạo mạn của các cường quốc phương Tây (với tư cách là thể chế nhà nước) thường được gắn với thói ngạo mạn có thể có của phương Tây đối với các nước khác trên thế giới. Trong trường hợp này, liệu cũng có thể cho rằng Trung Quốc giờ đây là ngạo mạn hay trái lại, đó có thể chỉ là cách phương Tây nhìn nhận sự đi lên của Trung Quốc, hay không? Ta nhận ra rằng đó vừa là cách xử sự của Trung Quốc trên trường quốc tế, vừa là thái độ khó chịu của phương Tây (cụ thể là các nhà đầu tư) khi thấy Trung Quốc không đáp ứng đòi hỏi của họ, vốn là đặc điểm của nước Trung Quốc đang lớn mạnh. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc chỉ có thể là tác nhân ngạo mạn đối lập với những kẻ ngạo mạn khác, từ đó làm nảy sinh những tình huống đối nghịch trong đó chắc chắn người Trung Quốc có một phần trách nhiệm nào đó, song không phải chỉ do họ. Cũng như vậy, từ khi thói ngạo mạn của Trung Quốc đối lập với thói ngạo mạn của các cường quốc phương Tây, chúng ta có thể đặt câu hỏi về hậu quả của một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng và bá quyền trên quy mô lớn như vậy. Các cường quốc ngạo mạn đã nhiều lần đối mặt với nhau trong lịch sử (cụ thể là trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai), song bối cảnh ở đây lại khác, vì các cường quốc này không có cùng cội nguồn văn hóa. Đó chắc chắn chính là điều minh chứng cho nỗi lo sợ về sự lớn mạnh của Trung Quốc cũng như ý đồ bá quyền của Trung Quốc. 

Trung Quốc đúng là ngạo mạn, song còn người Trung Quốc thì sao? Các đế chế thực dân trước đây cũng ngạo mạn trong cách xử sự đối với các dân tộc khác, nhưng những kẻ thực dân lại không phải là biểu tượng của thói ngạo mạn đó. Trường hợp Mỹ rõ ràng hơn vì tuy Oasinhtơn tỏ ra ngạo mạn trong thời kỳ Chính quyền Bush, song người Mỹ không tỏ ra ngạo mạn hơn trong thời kỳ đó, trừ một nhóm nhỏ bảo thủ. Trong trường hợp Trung Quốc, ta thấy có sự kết hợp của cả hai xu thế này. Bắc Kinh tỏ ra ngày càng ngạo mạn, nhưng đồng thời, người Trung Quốc, vì tự tin hơn và - rốt cuộc - đã trút bỏ được mặc cảm kém thế sau thời kỳ tủi nhục trong thế kỷ 19, đôi khi hành xử như những kẻ thực dân của các đế chế thực dân trước đây. Như vậy, thói ngạo mạn không chỉ là việc thực thi chính sách đối ngoại, mà còn là một hiện tượng rõ ràng sâu rộng hơn và dựa vào cách mà người Trung Quốc nhìn nhận sự lớn mạnh của nước họ và cho mình là trung tâm của thế giới. Nếu Trung Quốc hiện nay không còn mặc cảm nữa thì điều đó có nghĩa là người Trung Quốc đã trút bỏ được mặc cảm và xu hướng này có thể sẽ còn gia tăng. 

Vấn đề còn lại là lấy gì làm đối trọng với thói ngạo mạn và làm sao các nhà nước áp đặt được ý kiến của mình mà không tỏ ra áp đặt, và tăng cường được ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế mà không bị nhìn nhận như đế quốc hay xâm lược. Nói cách khác, các cường quốc phải làm gì để không tạo cảm giác bị hấp dẫn bởi thói ngạo mạn một cách thái quá. Nhà chính trị học người Mỹ Joseph Nye đã nói về vấn đề này cách đây hai thập kỷ và đã đưa ra khái niệm "quyền lực mềm", mà ông định nghĩa là "khả năng làm thay đổi, nhờ sức hấp dẫn, những gì mà người khác muốn", đối lập với "quyền lực cứng" mà ông coi là "khả năng làm thay đổi những gì mà người khác làm". Được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm rút ra từ Chiến tranh Lạnh, khái niệm này không phải vì thế mà giảm bớt tính thời sự, thậm chí còn có ví dụ để minh chứng tính thời sự của nó là Trung Quốc. Một chi tiết thú vị là Bắc Kinh quả thực dựa vào sức mạnh của quyền lực mềm - được đưa lên tầm chiến lược chính trị chính thức từ năm 2007 - để bảo đảm cho sự lớn mạnh của mình, nhưng không phải vì thế mà đỡ ngạo mạn hơn, thậm chí còn sử dụng khả năng tạo ảnh hưởng của mình để thiết lập bá quyền và tăng cường khả năng tạo ảnh hưởng của mình. Như vậy, nếu theo cách nó được sử dụng và với phương tiện được đưa ra để sử dụng nó, quyền lực mềm có thể làm giảm hiệu ứng phản tác dụng về hình ảnh ngạo mạn mà không làm giảm tác động của nó. Cũng như vậy, nếu Bắc Kinh tìm cách làm đẹp hình ảnh của mình thì việc quyền lực mềm và thói ngạo mạn cùng tồn tại có thể gây ra vấn đề và nghịch lý về chính sách đối ngoại đôi khi như bị tâm thần phân liệt sẽ chịu ảnh hưởng của thực tế khi thực hiện. Lúc này, Trung Quốc được chấp nhận ở những nước mà sự có mặt của Trung Quốc ngày càng gia tăng, song có thể dễ dàng nhận ra những tình thế trong đó Đế chế Trung Hoa có thể bị coi là thực dân mới và ngạo mạn khi phải bảo vệ lợi ích hay áp đặt quan điểm của mình, như các cường quốc phương Tây vẫn thường phải chịu. Cũng như vậy, bản chất của chế độ Trung Quốc và do không có quyền tự do ngôn luận, như đã được khẳng định qua các vụ bắt bớ một số nhân vật ly khai trong phong trào được cho là "Cách mạng hoa Nhài", cho thấy rõ những nghịch lý của một nước muốn tô vẽ hình ảnh của mình nhưng lại tỏ ra không nhân nhượng về các vấn đề nhạy cảm. Vì lẽ đó, Bắc Kinh buộc phải kiểm soát thói ngạo mạn và dựa vào quyền lực mềm của mình nếu không muốn thấy hình ảnh của mình xấu đi cũng nhanh chóng như khi nó được tạo nên trong những năm gần đây. 
Vấn đề cuối cùng là cần có thái độ như thế nào trước thói ngạo mạn của Trung Quốc? Do sức mạnh của nước này được thể hiện dưới nhiều hình thức, chống lại trực diện có thể gây ra hậu quả xấu. Ngược lại, chấp nhận thói ngạo mạn của Trung Quốc một cách có hệ thống có thể sẽ buộc phải chơi trò của Bắc Kinh.

hái độ mà các cường quốc phương Tây thường áp dụng, nghĩa là đáp trả thói ngạo mạn của Trung Quốc bằng một thói ngạo mạn khác, không những là không hay mà còn đáng lo ngại vì sẽ gây ra cú sốc giữa những kẻ ngạo mạn và làm nảy sinh tình hình căng thẳng có thể gia tăng. Chính cách nhìn nhận sức mạnh của Trung Quốc và những lời đáp trả sự lớn mạnh đó rất có thể sẽ gây ra tình hình xung đột còn hơn cả thái độ của một cường quốc như Trung Quốc. Do vậy, cần xem lại cách phản ứng trước thái độ ngạo mạn của Trung Quốc bằng cách phân biệt giữa một bên là phê phán cần thiết đối với các phương thức của Bắc Kinh và bên kia là tình cảm tự hào chính đáng của nhân dân Trung Quốc vốn không đáng bị phê phán, với điều kiện tình cảm đó không biến thành suy nghĩ hơn người. Như vậy, một mặt kẻ mạnh phải kiềm chế thói ngạo mạn, mặt khác, nhận thức của người khác về sức mạnh cũng mang tính quyết định và cũng phải được kiểm soát./.

______

Tác giả: GS. Barthélémy Courmont, nhà nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế chiến lược (IRIS-Pháp), giáo sư Khoa khoa học chính trị thuộc Trường đại học Hallym (Hàn Quốc), Tổng biên tập tạp chí "Monde chinois, nouvelle Asie",

Ngân Hằng gt, Theo "Affaires Stratégiques" ngày 7/7/2011.