Trong một nỗ lực nữa nhằm nhấn mạnh bản chất tích cực của một Trung Quốc đang trỗi dậy, cuốn Sách Trắng Trung Quốc vừa công bố đã nhấn mạnh “sự phát triển hòa bình của Trung Quốc không đi theo khuôn mẫu truyền thống trong đó các cường quốc đang lên thường tìm kiếm bá quyền” và “sự phát triển hòa bình là một lựa chọn chiến lược của Trung Quốc”. Cuốn sách này đã gián tiếp giải tỏa một số vấn đề chính làm dấy lên mối lo ngại về thái độ hiếu chiến của Bắc Kinh, từng thể hiện trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ gần đây ở Biển Đông. Sách Trắng cũng cam kết Trung Quốc sẽ “thực hiện trách nhiệm quốc tế” và “giang tay trước những đề nghị hợp tác khu vực khác, hoan nghênh các nước bên ngoài đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy hòa bình và phát triển khu vực”. Cụm từ này rõ ràng ám chỉ sự tranh giành ảnh hưởng gần đây giữa Bắc Kinh và Oasinhtơn ở Đông Á và Đông Nam Á. Tại Diễn đàn kinh tế Davos mới đây do Trung Quốc đăng cai ở Đại Liên, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhắc lại “hòa bình, phát triển và hợp tác tiếp tục là xu hướng trong thời đại của chúng tôi”. 

Những gì Trung Quốc tự nói về mình dường như mâu thuẫn sâu sắc với cách thức thế giới đang nhìn vào nước này. Những dấu hiệu bộc lộ tham vọng của Trung Quốc bao gồm: Ngân sách quân sự tăng liên tục (gần bằng 1/6 ngân sách quân sự của Mỹ), đầu tư lớn ra nước ngoài và thái độ cứng rắn đối với các nguyên tắc ngoại giao của mình thay vì nhượng bộ trước sức ép từ bên ngoài. Quy mô khổng lồ về dân số và GDP, bản chất chế độ chính trị và mối quan hệ gần gũi trong lịch sử với các nước cộng sản khẳng định chắc chắn quốc gia này không nằm trong dòng chủ lưu trên diễn đàn quốc tế. Vai trò kinh tế quan trọng mang lại cho Bắc Kinh một vị trí quan trọng trên các diễn đàn quốc tế (như G20) và Trung Quốc phải khéo léo giữ cân bằng giữa việc vừa là một quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới, vừa là một nước bị coi là một đế quốc của thế kỷ 21. 

Trung Quốc trở thành thành viên Liên Hợp Quốc năm 1971 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đúng 20 năm sau. Dù tham gia các diễn đàn quốc tế khá muộn, song giai đoạn “học hỏi” của nước này diễn ra không lâu. Sự thiếu tin tưởng của Bắc Kinh vào các hệ thống quốc tế rất rõ ràng, nó được thể hiện rõ trong quan điểm của nước này với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Trung Quốc từ chối ký NPT vào năm 1968 với lý do nước này ủng hộ nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng đồng thời lo ngại Liên Xô và Mỹ sử dụng NPT để duy trì vị trí độc quyền về vũ khí hạt nhân. Trung Quốc cho rằng các nước sở hữu vũ khí hạt nhân không có quyền ngăn cản các nước khác phát triển chúng, trừ phi họ tự nguyện giải giáp hạt nhân. Sau đó Trung Quốc cũng tham gia Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế năm 1984 và cuối cùng cũng phê chuẩn NPT vào năm 1992. Hiện tại Trung Quốc là một đối tác quan trọng trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran và Bắc Triều Tiên. 

Bất chấp lời khẳng định “không bao giờ hiếu chiến hoặc bành trướng, không bao giờ tìm đến chủ nghĩa bá quyền và sẽ là một lực lượng trung thành duy trì hòa bình và ổn định khu vực và thế giới”, những thực tế nêu ra trên đây và hệ thống chính trị không rõ ràng của Trung Quốc khiến quyết tâm của nước này vẫn sa lầy trong sự mờ ám. Điều này thể hiện trong các nhận định tiêu cực đối với Trung Quốc của người dân nhiều nơi trên thế giới. Theo điều tra của đài BBC ở 14 nước (trong đó có Mỹ, Anh, Nga, Đức, Ấn Độ, Pháp...), sự ủng hộ của người dân các nước này dành cho Trung Quốc đã giảm từ 49% năm 2005 xuống còn 34% năm 2009 và 2010. Theo điều tra các vấn đề thế giới của viện Gallup năm nay, người Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù lớn thứ hai cùng với Bắc Triều Tiên (Iran đứng thứ nhất), trong khi Ápganixtan thứ 4 và Irắc thứ 5. Liệu thái độ của phương Tây đối với Trung Quốc có nguy cơ tạo ra một dạng tâm lý kiểu Chiến tranh Lạnh hoặc phản ánh một nỗi sợ hãi có thật? Liệu có phải đây là một nước cờ chiến thuật nhằm kích động để Trung Quốc co mình hơn, qua đó khẳng định hình ảnh tiêu cực của nước này trên trường quốc tế? Quan trọng hơn cả, liệu những lời khẳng định hòa bình của Trung Quốc có cơ sở hay không và liệu Trung Quốc sẽ có thái độ hống hách thù địch trên con đường tìm kiếm ảnh hưởng chính trị song hành với ảnh hưởng kinh tế hay không? 

Trong tương lai gần, Trung Quốc có ít động cơ để theo đuổi chủ nghĩa bá quyền. Thứ nhất, kinh tế tăng trưởng nhanh khiến nước này trở thành tâm điểm của sự chú ý, và Trung Quốc nhận thức rất rõ là trong bối cảnh thế giới đang lo sợ và Bắc Kinh đang bị xoi mói, bất cứ một bước đi sai lầm nào cũng có thể bị đánh giá theo cách tồi tệ nhất. Trung Quốc lo ngại nếu mình tỏ ra thù địch sẽ khiến các nước khác co cụm hoặc phòng thủ, giống như ASEAN sốt sắng hướng về Mỹ để kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh trong khu vực. Thứ hai, sau một thế kỷ biến động và bất ổn, giai đoạn hòa bình ổn định trong những thập kỷ gần đây đã mang lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, và ưu tiên của Trung Quốc sẽ tiếp tục là phát triển kinh tế và xã hội. Thứ ba, Trung Quốc hiểu rõ thực tế nước này đạt tốc độ phát triển kinh tế nhanh gần đây là nhờ vào nguồn lực lao động và đó là kết quả của một chuỗi hiệu ứng tích cực: Là một cường quốc đang lên, vai trò quan trọng của Trung Quốc ngày càng được thừa nhận. Nó lại tạo ra một loạt cộng hưởng lan tỏa (chẳng hạn thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và có tiếng nói ngày càng quan trọng trên quốc tế). “Sự đồng thuận Bắc Kinh” và nhóm BRIC (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) là những khái niệm xuất phát từ các học giả và nhà nghiên cứu phương Tây. Bất cứ một biểu hiện bá quyền hoặc phá hoại các thiết chế quốc tế nào cũng có thể chấm dứt chuỗi hiệu ứng tích cực này. Thứ tư, Trung Quốc sợ rằng Mỹ - nước đang lo ngại vị trí lãnh đạo thế giới của mình sẽ bị thách thức - có thể vin vào các dấu hiệu bá quyền của Bắc Kinh để gieo mầm bất đồng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng hoặc dùng chúng làm bằng chứng về sự nguy hiểm của Trung Quốc. 

Ngoài việc thiếu động cơ, bối cảnh quốc tế hiện nay cũng không cho phép Trung Quốc theo đuổi chủ nghĩa bá quyền ngay lập tức. Thứ nhất, các nước có mối quan hệ ràng buộc với nhau nhiều hơn bao giờ hết. Những vấn đề cấp bách như khủng hoảng tài chính, sự ấm lên toàn cầu, khủng bố và vũ khí hạt nhân đều mang bản chất toàn cầu và không thể được giải quyết bởi một quốc gia. Hợp tác trên cơ sở bình đẳng ngày càng được thừa nhận là một cơ sở để tạo thành các cơ chế cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề này. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước, và trong khi điều đó giúp nước này tăng cường vị thế kinh tế cũng như các lĩnh vực phi kinh tế, Trung Quốc không thể thực hiện một hành động dọa nạt chống lại các đối tác mà không phải chịu một hậu quả kinh tế tiêu cực nào. Thứ hai, dưới thời của mình, Anh và Mỹ đều nổi lên là một cường quốc duy nhất, nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm các quốc gia khác như Ấn Độ và Nga cũng đang hưởng những thành quả phát triển kinh tế to lớn và ngày càng có nhiều ảnh hưởng quốc tế nhờ quy mô thị trường rộng lớn và sự kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên quan trọng. Dân số Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Trung Quốc trước năm 2050. Khi một vài nước đang nổi tranh giành ảnh hưởng, và khi Mỹ và EU tiếp tục là những đối tác toàn cầu, thì mục tiêu “phát triển hòa bình” - nơi Trung Quốc “vừa theo đuổi quyền lợi riêng vừa theo đuổi quyền lợi chung của nhân loại; đồng thời nỗ lực để đảm bảo sự phát triển của mình diễn ra song song với các nước khác, qua đó thúc đẩy sự phát triển chung của tất cả các nước” - rõ ràng là một tiến trình hành động thực dụng nhất cho Trung Quốc. Mặc dù còn phải chờ xem lời nói và hành động của Trung Quốc có nhất quán với nhau hay không, không nên thổi phồng mối đe dọa tiềm tàng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc./.

Theo Tạp chí “Thế giới Ngày nay” (Viện Hoàng gia các Vấn đề Quốc tế Anh tháng 11/2011)

 Mỹ Anh (gt)