Kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa 12 của Trung Quốc ngày 06-17 tháng 3 kết thúc với việc chính thức thông qua Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường cho các cương vị chủ tịch và thủ tướng, kết thúc quá trình thay lãnh đạo mỗi thập niên một lần và khởi mở ra một kỷ nguyên mới cho Trung Quốc. Thế giới bên ngoài và phần lớn người dân Trung Quốc cũng như ông Tập và các đồng nghiệp Bộ Chính của ông đều chưa chắc chắn về những gì kỷ nguyên mới sẽ mang lại.

Bài phát biểu dài 25 phút của Tập Cận Bình trước 3000 đại biểu Quốc hội ngày 17/3 không đưa ra bất cứ tư duy nào của ông về tương lai hay chỉ ra  quan điểm rõ ràng của ông về bản chất và những đặc trưng của “Thái Bình Hán Quốc”, dù 8 trong 17 đoạn trong bài phát biểu của ông đề cập đến “giấc mơ Phục hưng Trung Hoa”- một sự liên hệ tới những thời kỳ huy hoàng của các triều đại trong quá khứ như Hán (206-220 sau CN), Đường (618-907) và Thanh (1644-1912) trong đó Trung Quốc đã trở nên thịnh vượng về kinh tế và thành công trong việc thống nhất và sáp nhập các vùng rộng lớn vào lãnh thổ của nước này. Nhờ những phát triển đó, Trung Quốc đã có được cái tên là Vương Quốc Trung Tâm, coi mình là Trung Tâm của Vũ trụ và thiết lập một mạng lưới quan hệ chư hầu rộng lớn với các quốc gia láng giềng, hệ thống đã chấm dứt sự tồn tại với sự sụp đổ của nhà Thanh.

“Giấc mơ Phục hưng” một Trung Quốc hùng mạnh đã ám ảnh các lãnh đạo Trung Quốc từ năm 1949. Trong những năm 1950, phải sử dụng đến các biện pháp duy tâm và vô lý để tuyên bố chiến lược Đại Nhảy Vọt với mục tiêu chuyển đổi Trung Quốc từ một nền kinh tế nông nghiệp thành một xã hội công nghiệp hóa và tập trung hóa nhanh chóng. Cuối cùng chiến lược này thất bại thảm hại về mặt kinh tế và xã hội, hậu quả là một nạn đói lớn, đã biến Cuộc Đại nhảy vọt thành Đại Tụt lùi, đưa Trung Quốc đến bên bờ của sự sụp đổ xã hội.

Đặng Tiểu Bình bắt đầu những đổi mới năm 1978 bằng bốn hiện đại hóa đầy tham vọng với việc ít tập trung vào ý thức hệ và nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa thực dụng thể hiện trong câu châm ngôn nổi tiếng của ông: “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Những đổi mới kinh tế của Đặng Tiểu Bình đã chuyển đổi Trung Quốc từ một xã hội lạc hậu, cô lập  thành một cường quốc toàn cầu, tạo ra điều kiện thuận lợi để ông Tập đưa ra thuyết Đại Phục hưng Trung Quốc.

Tập Cận Bình cũng theo đuổi thiên hướng cho những giấc mơ này. Tuy nhiên không giống với giấc mơ không tưởng của Mao, tầm nhìn về Trung Quốc của Tập Cận Bình thực tế hơn, được diễn đạt một cách có lý hơn quá khứ và định mệnh với bốn lý do.

Thứ nhất, sau khi vượt qua Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm 2010, Trung Quốc tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh. Nếu Trung Quốc có thể duy trì tỉ lệ tăng trưởng trong 20 năm qua, nước này sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Việc nhấn mạnh Giấc mơ phục hưng Trung Quốc trong cách nhìn của Tập Cận Bình, trong bối cảnh này là nhằm nhắc nhở người Trung Quốc nhớ lại quá khứ huy hoàng kêu gọi nhân dân hy sinh nhiều hơn để hiện thực hóa tham vọng này.

Thứ hai, về tầm nhìn của ông Tập, cho đến nay chúng ta thấy các bình luận công khai của ông, phản ánh ý thức rằng là một nền kinh tế lớn không có nghĩa là đã đảm bảo vị thế cường quốc toàn cầu lâu dài cho Trung Quốc. Hơn nữa, khi minh họa mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong các thập niên qua, ông Tập dường như ý thức rằng nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế một mặt, mà không chú trọng các vấn đề  phát triển bền vững như chất lượng phát triển, tham nhũng, khoảng cách trong thu nhập, ô nhiễm môi trường … sẽ gây ra những căng thẳng xã hội khi nền kinh tế mở rộng. Đó là lý do tại sao tỉ lệ tăng trưởng hai con số của Trung Quốc trong thập niên qua được cả thế giới ngưỡng mộ, nhưng nhiều người Trung Quốc coi thời kỳ này là “thập kỷ bị đánh mất”.

Ông Tập đã không đặt sang một bên các vấn đề kinh tế cơ bản. Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc chiếm 9% sản lượng kinh tế thế giới, khi kinh tế nước này vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số một thế giới, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của nước này sẽ chiếm 20% GDP của thế giới – nhưng các lãnh đạo đất nước như ông Tập dường như hiểu rằng con số này vẫn còn nhỏ so với 58% GDP toàn cầu mà Trung Quốc đã có được trong thời kỳ đỉnh cao sức mạnh của Triều đại nhà Đường. Trung Quốc duy trì địa vị thống trị kinh tế đến tận năm 1830 khi GDP của nước này chiếm “chỉ” 30% thế giới. Tuy nhiên, điều này đã không bảo vệ được Trung Quốc trước việc bị tấn công và chia cắt bởi các cường quốc phương Tây nhỏ hơn trong Thế kỷ Ô nhục. Nguyên nhân là do Trung Quốc là một quốc nước lớn, nhưng lại là một quốc gia yếu không được trang bị tốt nên đã thất bại trong việc sở hữu các kỹ thuật tiên tiến của thời kỳ đó.

Thứ ba, trong khi chi tiết về giấc mơ Phục hưng của Trung Quốc đã được các lãnh đạo cấp cao của nước này bày tỏ, người dân Trung Quốc đang xây dựng những giấc mơ bé nhỏ của riêng mình. Các giấc mơ này bao gồm mong muốn sống trong một xã hội thịnh vượng và dân chủ, môi trường không bị ô nhiễm,  không có tham nhũng, được hưởng lợi từ quá trình phục hưng kinh tế Trung Quốc. Câu hỏi lớn - làm thế nào để tiến hành một cách hài hòa giữa giấc mơ phục hưng của nhà nước và các giấc mơ nhỏ bé của nhân dân - vẫn chưa được trả lời. Ông tập lên nắm quyền khi mà “các giấc mơ nhỏ bé này” đang ngày càng trở nên quan trọng về chính trị đối với lãnh đạo Trung Quốc.

Cuối cùng, cộng đồng quốc tế đã có đủ lý do để hoan nghênh một Trung Quốc đang trỗi dậy hòa bình và thịnh vượng. Điều mà các láng giềng của Trung Quốc không muốn thấy là giấc mơ phục hưng này được sử dụng như một công cụ để Trung Quốc trở thành trung tâm quyền lực thống trị hệ thống kinh tế và chính trị trong thế kỷ 21, và đẩy các quốc gia láng giềng vào tình trạng nửa độc lập như hệ thống chư hầu trong quá khứ. Đánh giá của Ông Tập về đặc điểm của quan hệ quốc tế trong thế kỷ này,  cũng như ý thức của ông về quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng, dường như đã tính đến sự nhạy cảm của những mối liên kết và tình hình thực tế điều có thể xung đột với những nỗ lực quản lý các quan hệ phức tạp của Trung Quốc trong nhiệm kỳ lãnh đạo mới.

Tác giả Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, Thành viên Nghiên cứu Chương trình Hòa bình Đông Á, Đại Học Uppsala (Thụy Điển). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bài viết được đăng trên CSIS.

Trần Quang (dịch)