Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của "5 nguyên tắc chung sống hòa bình". Nhân dịp này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc không thừa nhận thuyết "cường quốc sẽ xưng bá" và bày tỏ mong muốn giải quyết tranh chấp, bất đồng tồn tại giữa các quốc gia thông qua phương thức hòa bình, hiệp thương đối thoại. 

Trước tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông ngày một căng thẳng, quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước xung quanh như Nhật Bản, Phillipines và Việt Nam ở trong cảnh "kiếm chuẩn bị rút khỏi bao, tên đã lắp vào cung", thậm chí xuất hiện nguy cơ "cướp cò". Tuy nhiên, công tác ngoại giao của Trung Quốc dường như cho thấy tình trạng "lực bất tòng tâm, mệt mỏi đối phó". Kỳ thực, ngày nay Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuy môi trường bên ngoài tiếp tục khó khăn, nhưng cũng không thể khó khăn hơn thời Trung Quốc mới lập nước. 

Sau năm 1949, một Trung Quốc mới thành lập phải đối mặt với sự bao vây, phong tỏa và kiềm chế "chống cộng sản, chống Trung Quốc" của thế giới phương Tây. Tuy nhiên, trong cảnh gần như tuyệt vọng, ngoại giao của Trung Quốc lại được triển khai hết sức sống động và hiệu quả. Năm 1954, Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar cùng khởi xướng "5 nguyên tắc chung sống hòa bình" có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng quốc tế, hiện đã trở thành một trong những tiêu chuẩn của quan hệ quốc tế. Năm 1971, Trung Quốc trở lại Liên Hợp Quốc thành công, năm 1972 thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản và năm 1979 thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Có được những thành tựu ngoại giao không dễ dàng nêu trên, công lao thuộc về nghệ thuật lãnh đạo và trí tuệ ngoại giao của thế hệ lãnh đạo đầu tiên ở Bắc Kinh. So sánh với thời nay, người ta có thể thấy tuy thế hệ lãnh đạo hiện thời đạt được mốc son trong xây dựng kinh tế và phát triển xã hội, nhưng lại bộc lộ sự yếu kém rõ ràng trong lĩnh vực ngoại giao. Vậy nguyên nhân là do đâu? 

Một là, giới lãnh đạo hạt nhân ở Trung Quốc thiếu kinh nghiệm ngoại giao. Trong số 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, thậm chí là 25 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 18, không có ai đến từ ngành ngoại giao. Tuy Ban Lãnh đạo Công tác Ngoại sự Trung ương do chủ tịch, phó Chủ tịch nước đảm nhiệm vị trí trưởng ban và phó ban, song công tác thực tế lại chủ yếu do Chủ nhiệm Văn phòng ban Lãnh đạo Công tác Ngoại sự Trung ương đảm nhiệm. Trong khi đó, chức vụ này lại do một ủy viên Quốc vụ không phải là ủy viên Bộ Chính trị kiêm nhiệm. 

Nhìn lại lịch sử, người ta thấy sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, Thủ tướng Chu Ân Lai kiêm nhiệm vị trí bộ trưởng ngoại giao trong 10 năm trước khi chuyển giao cho Phó Thủ tướng Trần Nghị, một trong 10 vị nguyên soái khai quốc, kiêm nhiệm với thời gian hơn 10 năm tiếp theo. Sau đó, giới quyền lực hạt nhân của Trung Quốc giảm dần mức độ tham gia vào công tác quyết sách của ngành ngoại giao bởi họ có tâm nhưng lại không đủ lực. Đây có thể chính là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng yếu kém của ngoại giao Trung Quốc hiện nay khiến người dân chê trách. 

Hai là, chưa nâng cao được tầm nhìn quốc tế hóa của nhà lãnh đạo tối cao. Trong số 25 vị ủy viên Bộ Chính trị hiện nay chỉ có Ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc Trương Đức Giang là chính thức du học ở nước ngoài, nhưng cũng chỉ là ở Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành tại Bắc Triều Tiên. Nghe nói, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rất giỏi tiếng Anh, nhưng sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh cũng từ bỏ cơ hội đi Mỹ du học. 

Nhìn lại lịch sử, người ta thấy Chu Ân Lai sớm du học ở Nhật Bản, Pháp, Đức và Anh, thông hiểu ngôn ngữ nhiều nước và trở thành nhà ngoại giao vĩ đại tầm thế giới. Thời trẻ, Đặng Tiểu Bình cũng có những năm tháng lao động học tập ở Pháp, cuối cùng trở thành "Tổng công trình sư cải cách mở cửa" của Trung Quốc. Cựu Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Ngô Kiện Dân từng chỉ rõ: "Người đề ra quốc sách cải cách mở cửa không phải là Mao Trạch Đông mà là Đặng Tiểu Bình, việc này có quan hệ chặt chẽ với những trải nghiệm bên ngoài đất nước của Đặng Tiểu Bình năm xưa". 

Từ đó có thể thấy những trải nghiệm trong quá trình học tập sinh sống ở nước ngoài tuy không phải là nền tảng duy nhất, nhưng đóng vai trò tích cực hình thành tầm nhìn quốc tế hóa. Đương nhiên, làm thế nào để bồi dưỡng giúp quan chức có tầm nhìn quốc tế hóa thực sự là thách thức lớn. Quan chức Trung Quốc đã tới Liên Xô, Mỹ và Singapore để học tập kinh nghiệm. Trong 20 năm qua, chỉ tính riêng ở Singapore, Trung Quốc đã cử hơn 10.000 quan chức tới đây để bồi dưỡng. Nhưng đáng tiếc là sau khi trở về nước, số quan chức này lại rất nhanh "bị tan chảy" bởi thể chế cố hữu ở trong nước, cuối cùng không thể giúp Trung Quốc nâng cao trình độ quốc tế hóa về quyền phát ngôn. Trung Quốc tiếp tục cố thủ với các khẩu hiệu chính trị và ngôn từ ngoại giao mà cộng đồng quốc tế "nghe mà không hiểu", và khiến nước này khó tìm được "bạn tri ân". 

Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nội chính và ngoại giao của nước lớn kỳ thực gắn chặt với nhau. Từ đó, có thể thấy Trung Quốc muốn phát triển thành nước lớn thực sự cần phải coi trọng công tác ngoại giao. Giới quyết sách tối cao nên dần dần thu nạp nhân tài ngoại giao có tầm nhìn quốc tế thực sự, như vậy mới có thể đảm bảo sự kết nối hữu hiệu và sự phối hợp cao độ giữa phương châm chính sách lớn với chiến lược ngoại giao quốc tế, và khi đó "giấc mơ Trung Hoa" mới có thể thắm màu.

Tờ "Tin tức Thế giới" - Hong Kong

Thuỳ Anh (gt)