20/07/2016
Phán quyết của PCA sẽ có những tác động rất lớn trong vấn đề Biển Đông. Đối với Việt Nam, phán quyết mang lại nhiều cơ hội để củng cố và bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông, tuy nhiên cũng đặt ra những bất lợi nhất định.
Vào ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đã ban hành một quyết định dứt khoát về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông.
Philippines đã nộp đơn kiện lên Tòa Trọng tài từ tháng 1/2013. Trung Quốc từ chối tham gia các buổi điều trần, cho rằng PCA và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển không có thẩm quyền pháp lý để quyết định về vấn đề chủ quyền. Philippines đã chuẩn bị hồ sơ kiện theo cách mà chủ quyền không phải là vấn đề cần xem xét, thay vào đó tập trung vào các vấn đề về tình trạng của cấu trúc địa hình, các quyền lịch sử, suy thoái môi trường và ý nghĩa của "đường 9 đoạn".
PCA đã xem xét các hành động của Trung Quốc, và vào tháng 12/2015, thông báo rằng tòa này đưa ra phán quyết về 15 nội dung cụ thể. Phán quyết của tòa này là sự khẳng định mạnh mẽ pháp quyền và tạo ra một tiền lệ pháp lý quan trọng. Quyết định này mang tính bước ngoặt và là một đòn nặng nề giáng vào Trung Quốc.
Rất ít học giả về pháp lý hoặc các chuyên gia về quan hệ quốc tế đã cho rằng Tòa sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines trong 14/15 nội dung. Quan trọng nhất, PCA đã phán quyết rằng "đường 9 đoạn" không có cơ sở theo luật pháp quốc tế và các quyền lịch sử tuyên bố chủ quyền Trung Quốc đã "bị hủy bỏ" bằng việc phê chuẩn UNCLOS. Tòa phán quyết rằng không có cấu trúc địa hình nào thuộc quần đảo Trường Sa là có thể cư trú được xét về bản chất trạng thái tự nhiên của nó, và do đó, không có cấu trúc địa hình nào được phép có một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ).
Tóm lại, PCA đã phán quyết rằng Trung Quốc không được độc quyền sở hữu nguồn tài nguyên ở Biển Đông dù nước này tuyên bố chủ quyền đối với gần 90% vùng biển này.
Không có quốc gia nào khác được hưởng lợi nhiều hơn từ các phán quyết như Việt Nam. "Việt Nam hoan nghênh Tòa Trọng tài đã ra phán quyết cuối cùng", Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết như vậy trong một tuyên bố ngắn gọn.
Tuyên bố khẳng định: "Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, bao gồm cả các quy trình ngoại giao và pháp lý và kiềm chế sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Trước hết, việc bác bỏ hiệu lực pháp lý của "đường 9 đoạn" là rất quan trọng. "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc đã vi phạm rõ ràng các quyền EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, mà nước này có được nhờ bờ biển của họ. Trung Quốc không có quyền pháp lý để đánh bắt cá hoặc khoan thăm dò dầu khí. Phán quyết của PCA là rõ ràng: Trung Quốc đã xâm phạm quyền EEZ và thềm lục địa của Philippines.
Điều tương tự cũng đúng với Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi điều này có thể làm cho các công ty dầu khí quốc tế đắn đo về việc đấu thầu trên lô thăm dò của Trung Quốc trên thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực thi chủ quyền thông qua lực lượng dân quân trên biển của họ.
Thứ hai, việc PCA bác bỏ hiệu lực của quyền lịch sử của Trung Quốc là rất quan trọng. Khi Tòa phán quyết rằng Philippines cũng được hưởng các quyền lịch sử trong những vùng biển này, dẫn đến việc Việt Nam cũng có các quyền; và rằng các quyền lịch sử là không loại trừ lẫn nhau.
Thứ ba, bản chất sâu rộng và toàn diện của phán quyết có nghĩa là Việt Nam không phải nộp hồ sơ kiện về quần đảo Trường Sa. Hà Nội đã có thể hưởng lợi từ sự đi đầu dũng cảm của Philippines. Và điều này là rất quan trọng.
Hồi năm 2014, vào lúc đỉnh điểm của cuộc tranh cãi dữ dội về giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 được hạ đặt rõ ràng trên thềm lục địa của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã nói rõ rằng đó là vấn đề thời điểm, chứ không phải có hay không việc Việt Nam sẽ tham gia với Philippines và cũng nộp hồ sơ kiện lên PCA. Nhưng sau chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Hà Nội vào tháng 6/2014, Việt Nam đã từ bỏ lập trường đó.
Hà Nội đã chuyển đến PCA một thông báo ngắn, nhưng chỉ là để yêu cầu Tòa xem xét quan điểm pháp lý của Việt Nam. Trong khi Bắc Kinh không hài lòng với Hà Nội, vụ việc vẫn chưa trở thành một vụ kiện riêng biệt. Nhưng bây giờ Hà Nội không nhất thiết phải thăm dò ngoại giao nữa.
Điều đó cho thấy Việt Nam có thể sử dụng những kết luận của PCA để kiện Trung Quốc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu làm rõ về các tính năng, cho dù đó là đá, rạn san hô nhô lên khi thủy triều xuống thấp. Tương tự như vậy, nước này có thể sử dụng các phán quyết của PCA để thách thức bản vẽ đường cơ sở thẳng của Trung Quốc xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên tác giả hoài nghi rằng Hà Nội sẽ kiên quyết đi theo hướng đó.
Phán quyết này cũng có một số bất lợi cho Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam cũng không được đòi hỏi có EEZ từ bất kỳ cấu trúc địa hình nào mà nước này đang kiểm soát. Trường hợp lạc quan nhất, Việt Nam sẽ được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý từ một số ít cấu trúc địa hình, ví dụ như đảo Trường Sa Lớn.Việt Nam cũng nên lưu ý rằng các phán quyết của PCA là rõ ràng: các đảo nhân tạo sẽ không có EEZ, và nếu chúng được xây dựng ở nơi chìm khi thủy triều thấp thì thậm chí cũng không có vùng lãnh hải 12 hải lý.
Thứ hai, Trung Quốc có thể sẽ vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh các cấu trúc địa hình mà nước này chiếm giữ trong quần đảo Trường Sa, cũng giống như họ đã làm tại quần đảo Hoàng Sa. PCA đã cố gắng để ngăn chặn nước này làm như vậy, khi nêu rõ "UNCLOS không cho phép các nhóm đảo hợp thành để tạo ra các vùng biển". Nhưng đó là những gì Trung Quốc có khả năng sẽ làm, và những đường cơ sở đó sẽ bao gồm các cấu trúc địa hình mà Việt Nam đang nắm giữ.
Trung Quốc nói rằng phán quyết của PCA là "vô giá trị", rằng các phán quyết của Tòa này nghiễm nhiên "vi phạm luật pháp quốc tế", và do đó Bắc Kinh sẽ không bị ràng buộc bởi chúng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rõ điều này trong một tuyên bố ngày 12/7: "Quyền chủ quyền lãnh thổ, quyền lãnh hải và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những phán quyết. Trung Quốc phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ khiếu nại hoặc hành động nào dựa trên những phán quyết đó". Điều 288 (4), và Điều 296 (1) của UNCLOS đã nêu nói rõ việc này.
Vậy Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào với phán quyết?
Ở thái cực tồi tệ nhất, nước này có thể đẩy mạnh quân sự hóa các đảo mà họ đã bồi đắp xây dựng. Họ có thể triển khai các khẩu đội tên lửa phòng không vốn đã được đặt tại quần đảo Hoàng Sa, cũng như nhiều máy bay chiến đấu hơn trước khi tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Nước này chắc chắn sẽ không dừng hoạt động quân sự và tập trận ở Biển Đông.
Nhẹ hơn một chút, nước này sẽ có các hành động đáp trả song phương, có nghĩa là Trung Quốc có thể trả đũa Philippines bằng cách bắt đầu bồi đắp ở bãi cạn Scarborough, hay ít nhất là tiếp tục ngăn cản ngư dân Philippines ở đây. Trung Quốc có thể, làm tương tự như vậy với Việt Nam và ngăn cản nước này tiếp cận các cấu trúc địa hình mà Hà Nội đang kiểm soát.
Trung Quốc sẽ tiếp tục thực thi tuyên bố chủ quyền của mình, không phải thông qua hải quân hoặc thậm chí lực lượng bảo vệ bờ biển của họ, mà thông qua lực lượng dân quân trên biển; một đội tàu đánh cá có vũ trang và có quyền hành động trong khi vẫn nằm dưới sự chỉ huy và kiểm soát của lực lượng an ninh. Trong khi Bắc Kinh đã bị thua trong cuộc chiến pháp lý, không một quốc gia nào lùi bước nếu xét về việc Trung Quốc đơn phương thực thi chủ quyền thông qua các ngư dân của họ.
Trung Quốc có thể cân nhắc cái giá của việc quá hung hăng. Chỉ có 10 quốc gia công khai ủng hộ lập trường pháp lý của Trung Quốc, và hầu hết trong số đó là các quốc gia lục địa, nghèo, tham nhũng và phụ thuộc vào viện trợ của Trung Quốc. Nước này muốn trở thành một siêu cường, nhưng không chấp nhận bất kỳ chi phí nào, chẳng hạn như làm gương, ghi điểm tại các tòa án quốc tế, hoặc đem đến các lợi ích chung.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tự tô vẽ rằng nước này đang bị dồn vào chân tường, bằng cách thổi bùng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa trên phương tiện truyền thông được nhà nước kiểm soát. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng khai thác chủ nghĩa dân tộc, nhưng quan trọng hơn là cố gắng khẳng định "các quyền" của Trung Quốc bị mất trong hai thế kỷ bị phương Tây và Nhật Bản sỉ nhục, nhằm hợp thức hóa chế độ.
Trung Quốc rất có thể nhằm vào các nước láng giềng và tiếp tục sử dụng ảnh hưởng của mình thông qua Campuchia, Lào, Brunei, và thậm chí cả Myanmar, để ngăn chặn một phản ứng thống nhất từ các nước ASEAN, vốn sẽ có một cuộc gặp trong một vài tuần tới.
Mọi thứ có vẻ không ổn khi mà sau phán quyết của PCA là sự yên lặng của Jakarta. Nếu không có sự dẫn dắt của Indonesia, không thể có phản ứng hiệu quả của ASEAN.
Vì vậy, có ba điều mà Hà Nội phải làm. Thứ nhất, Việt Nam phải sử dụng tất cả các ảnh hưởng của họ, đặc biệt là đối với Lào và Campuchia. Nhưng gần đây có lẽ Hà Nội đã bắt đầu nhận ra ảnh hưởng lịch sử của mình còn lại ít ỏi thế nào. Sẽ là khôn ngoan nếu Việt Nam nhắc Hun Sen rằng Campuchia đã dựa vào tòa án quốc tế và việc các nước khác chấp nhận phán quyết của tòa án về chủ quyền đối với đền Preah Vihear như thế nào. Vai trò trung tâm của ASEAN, dường như bị vứt bỏ tại Côn Minh, phải được phục hồi. Và sau đó, tổ chức này phải sử dụng các phán quyết như một động lực mới để thúc đẩy cho bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc với Trung Quốc.
Thứ hai, Việt Nam sẽ phải sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển của họ để đối phó với ngư dân Trung Quốc và lực lượng dân quân trên biển của Bắc Kinh. Pháp luật thuộc về Việt Nam, nhưng nó phải được thi hành. Một khi Trung Quốc vẫn có thể đơn phương ngăn chặn các nước khác tiếp cận vùng Biển Đông, nước này vẫn có chủ quyền trên thực tế.
Thứ ba, Việt Nam phải hợp tác với các quốc gia khác để cho Trung Quốc một con đường thoát ra trong danh dự. Cho đến khi Bắc Kinh nhận ra rằng chấp nhận phán quyết sẽ tốt cho lợi ích của họ, nước này sẽ không tuân thủ nó. Nhược điểm của phán quyết này là nó quá rõ ràng đến nỗi không cho Trung Quốc bất cứ lối thoát nào mà vẫn có thể giữ thể diện.
Tiến sỹ Zachary Abuza, giáo sư tại Trường Chiến tranh Quốc gia, Washington, Mỹ, chuyên nghiên cứu về an ninh và chính trị Đông Nam Á. Bài viết được đăng trên New Mandala.
Văn Cường (gt)
Sáng ngày 17/7/2024, (theo giờ địa phương), tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cùng Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Đại sứ Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia làm Trưởng đoàn, đã...
Ngày 14/6, Philippines đã nộp lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) bản đệ trình thềm lục địa mở rộng tại khu vực Tây Palawan. Đây là đệ trình thứ hai của Philippines; trước đó, nước này đã nộp đệ trình vào năm 2009 ở khu vực Benham...
Tòa Trọng tài Biển Đông đã tuyên rằng Ba Bình là “đá” và không phải là một “đảo” như quy định tại Điều 121 của UNCLOS. Đài Loan đã phản ứng với phán quyết khi lặp lại quan điểm phản ứng của Trung Quốc. Bài viết này đưa ra hai quan điểm: thứ nhất, phản ứng tức thì từ Đài Loan là nhắm tới ba đối tượng,...
Ấn Độ không nên quá kỳ vọng rằng phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài sẽ thay đổi "hành vi ngang ngược" của Trung Quốc và tạo điều kiện thuận lợi cho New Delhi giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trong tương lai.
Cùng với khát vọng quyền lực lớn của Trung Quốc, các "chiến binh" mạng của nước này đã thể hiện sự tức giận sau khi thua trong vụ kiện với Philippines. Chỉ vài giờ sau phán quyết của Tòa đưa ra, ít nhất 68 trang mạng của chính phủ và địa phương của Philippines đã đồng loạt bị tấn công.
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Toà Trọng tài Thường trực ở La Hay đã ra phán quyết về tranh chấp biển giữa Philippines và Trung Quốc. Phán quyết đã làm thay đổi cuộc chơi trong tranh chấp biển.