Tóm tắt

Căng thẳng đang leo thang xung quanh những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong vài năm qua đã trở thành mối quan ngại chính về an ninh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, ASEAN, được cho là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới, chưa đóng vai trò đáng kể trong việc làm dịu những tranh cãi nóng bỏng giữa các bên tranh chấp. Các nỗ lực của ASEAN đã mang đến một hội nghị ARF sôi động ở Hà Nội tháng 7 năm 2010 và một bộ Hướng dẫn Thực hiện Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông với câu chữ còn chung chung và mơ hồ ở Bali vào tháng 7 năm 2011. Vì ASEAN đang trên con đường hiện thực hóa ước mơ xây dựng Cộng đồng, những kết quả đó thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của các nước thành viên khi đương đầu với một mối lo ngại lớn về an ninh khu vực. Không kể tới sự khác biệt về lợi ích của các thành viên ASEAN và những ràng buộc theo Phương cách ASEAN, vai trò hạn chế của ASEAN trong những tranh chấp này một phần do những nỗ lực của Trung Quốc nhằm duy trì các đàm phán trong khuôn khổ song phương. Nhiều năm qua, Bắc Kinh đã phản đối các hành động tập thể nhằm quản lý tranh chấp này một cách đa phương, tuyên bố rằng Trung Quốc không có tranh chấp lãnh thổ với ASEAN và rằng bất cứ ý định nào nhằm “quốc tế hóa” vấn đề sẽ chỉ làm vấn đề phức tạp hơn. Bài viết này phân tích rằng ASEAN có lợi ích, trách nhiệm, và khả năng để tham gia tích cực hơn trong vấn đề này và đóng góp vào quá trình giải quyết tranh chấp.

Lời mở đầu

Việc ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 đáng tiếc là chỉ giữ cho các tranh chấp trong khu vực tương đối bình yên trong khoảng 5 năm. Từ năm 2007, căng thẳng giữa các nước có yêu sách ở Biển Đông bắt đầu nổi lên và ngày càng gay gắt trong mọi lĩnh vực, với Trung Quốc là trung tâm của hầu hết các sự vụ. Kể từ năm 2007, yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông được thực thi một cách cứng rắn. Một số lượng lớn và ngày càng tăng các tàu tuần tra hiện đại của Trung Quốc đã được phái đến Biển Đông. Ngày càng nhiều ngư dân các nước Đông Nam Á bị bắt trong khu vực đánh cá truyền thống của họ bởi các nhà chức trách Trung Quốc. Năm 2009, lần đầu tiên, Bắc Kinh chính thức tuyên bố chủ quyền đối với 80% Biển Đông bằng việc gửi một bức thư lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đính kèm một bản đồ đường đứt khúc chín đoạn. Một loạt các hành động thậm chí còn gây căng thẳng hơn đã xảy ra sau động thái này. Trong số đó đáng kể nhất là việc Trung Quốc gọi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình vào năm 2010 và quấy rối, phá hoại các tàu khảo sát thăm dò dầu khí của các nước trong khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của họ vào năm 2011. Các động thái cứng rắn mang tính hệ thống của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị các nước khác phản đối quyết liệt, đặc biệt là Philippines và Việt Nam.

Trong khi căng thẳng và lo ngại ngày càng gia tăng, ASEAN đã chủ động tích cực tham gia quản lý xung đột. Trong khoảng 5 năm, từ Tuyên bố của Chủ tịch tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 12, tháng 1 năm 2007, cho đến Thông cáo chung giữa ASEAN và Trung Quốc tháng 7 năm 2011, Hiệp hội đã cho ra hơn 20 văn kiện ở nhiều cấp độ khác nhau biểu thị sự cần thiết phải quản lý các tranh chấp ở Biển Đông.[1] Những văn kiện này bao gồm các Tuyên bố Chủ tịch của hai Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc năm 2007 và của tất cả các Hội nghị của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) từ năm 2007 đến 2011. Các nhà lãnh đạo ASEAN đang nỗ lực hết sức để có thể đưa ra một Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc ở Biển Đông (COC).

Trong khi các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông muốn ASEAN và các bên khác có lợi ích ở Biển Đông đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo an ninh trong khu vực thì Trung Quốc lại luôn cố gắng hạn chế vai trò của các bên không có yêu sách và theo đuổi lập trường đối thoại song phương với các nước yêu sách khác. So với các nước đó, Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều. Điều này được thể hiện trong diễn văn của Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, Xue Hanqin, năm 2009 ở Singapore rằng “toàn bộ vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa ASEAN, với vai trò một tổ chức, với Trung Quốc, mà là giữa các nước liên quan”.[2] Lập trường của Bắc Kinh được Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nhắc lại lần nữa tại ARF lần thứ 17 tại Hà Nội tháng 7 năm 2010 khi ông khẳng định rằng tranh chấp ở Biển Đông không phải giữa Trung Quốc và ASEAN, và bất cứ nỗ lực nào nhằm “quốc tế hóa” vấn đề sẽ “chỉ làm vấn đề tồi tệ hơn và càng khó để đi đến giải pháp.”[3]

Nghiên cứu này sẽ tập trung vào vai trò của ASEAN như một bên có lợi ích chủ chốt trong hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Bài viết trước tiên sẽ nhìn lại lịch sử lập trường và những tham gia trên thực tế của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông, tiếp đó sẽ xem xét lợi ích, trách nhiệm của ASEAN và các cơ chế mà hiệp hội có, nhằm thúc đẩy ổn định và an ninh ở Biển Đông. Bài viết kết thúc bằng một kiến nghị cho ASEAN để có thể đóng một vai trò lớn hơn trong tranh chấp Biển Đông.

Tham gia của ASEAN trong vấn đề Biển Đông

ASEAN không tham gia nhiều vào Biển Đông trước khi kết thúc Chiến tranh lạnh, chủ yếu vì Biển Đông lúc đó không phải là một mối lo ngại về an ninh trực tiếp của các thành viên tổ chức này (vào thời điểm đó ASEAN có sáu thành viên, với Brunei là thành viên thứ sáu, gia nhập năm 1984). Không có lợi ích trong việc làm Bắc Kinh phật ý, ASEAN giữ im lặng trong hai sự kiện năm 1974 và 1988 khi Trung Quốc sử dụng vũ lực để lần lượt chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ Việt Nam. Cho dù ASEAN không lên án Trung Quốc vì những sự kiện này, việc Bắc Kinh sử dụng vũ lực để khẳng định sự có mặt lần đầu tiên của mình ở quần đảo Trường Sa năm 1988 có thể đã gửi một thông điệp đến các thành viên của tổ chức này về một mối dọa an ninh tiềm tàng ở Biển Đông. Thêm vào đó, việc Mỹ rút khỏi các căn cứ hải quân ở Subic và căn cứ không quân Clark ở Philippines đầu thập kỷ 1990 đã khiến cho nước này dễ bị tổn thương nghiêm trọng. Do đó, Manila đã thúc đẩy Hiệp hội phải có những bước cụ thể để tránh những sự kiện tương tự như những gì Việt Nam đã phải chịu năm 1988.

Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 25 tại Manila tháng 7 năm 1992, khi Philippines giữ chức chủ tịch, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua “Tuyên bố ASEAN về Biển Đông”. Văn kiện đầu tiên của ASEAN về Biển Đông khẳng định rằng “mọi diễn biến bất lợi ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực” và nhấn mạnh “sự cần thiết phải giải quyết tất cả các vấn đề tài phán và chủ quyền gắn liền với Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực”.[4] Cả Tuyên bố năm 1992 và Thông cáo chung năm 1993 của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 26 đều đề nghị “tất cả các bên liên quan trực tiếp tuân theo các nguyên tắc” của Tuyên bố.[5]

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

Hà Anh Tuấn, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Đại học New South Wales, Sydney, Australia.

 

Bản gốc tiếng Anh: ASEAN and the Disputes in the South China Sea

Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.


[1] Các văn kiện được đề cập đến bao gồm Thông cáo chung, Tuyên bố của chủ tịch, Thông cáo báo chí, và các loại văn kiện chính thức khác của ASEAN.

[2] Xue Hanqin, ‘China-ASEAN Cooperation: A model of Good Neighbourliness and Friendly Cooperation’, Singapore, 19/11/2009. Phiên bản điện tử có tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (Singaporean Institute for Southeast Asian Studies): http://www.iseas.edu.sg/aseanstudiescentre/Speech-Xue-Hanqin-19-9-09.pdf (truy cập 10/8/2011) tr.25.

[3] Chinese Ministry of Foreign Affairs: ‘Foreign Minister Yang Jiechi Refutes Fallacies On the South China Sea Issue’. Phiên bản điện tử có tại: http://www.mfa.gov.cn/eng/zxxx/t719460.htm (truy cập ngày 16/8/2011).

[4] 1992 ASEAN Declaration on the South China Sea [Tuyên bố ASEAN về Biển Đông năm 1992]

[5] 1993 Joint Communiqué of 26th ASEAN Ministerial Meeting [Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 26, năm 1993]