Giới thiệu

Vấn đề về Biển Đông ban đầu là một cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo và lãnh thổ trên biển giữa Trung Quốc và năm nước ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippin, Malaysia, Brunei và Indonesia. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều yêu sách toàn bộ khu vực và các đảo trong đó, còn Philippin, Malaysia, và Brunei yêu sách đối với các vùng tiếp giáp trên cơ sở các vùng EEZ và thềm lục địa và phát hiện đầu tiên. Nếu như tranh chấp chỉ dừng lại ở vấn đề lãnh thổ thì có lẽ nó đã có thể được giải quyết như các nỗ lực của Trung Quốc gây ảnh hưởng tới ASEAN và tăng cường mối liên kết với khu vực. Vấn đề tranh chấp sau đó còn liên quan đến việc tiếp cận với trữ lượng dầu khí trên biển. Đây là vấn đề hệ trọng do vào thời điểm đó lượng cầu về năng lượng đang ngày càng cao, còn các quốc gia yêu sách thì đang lên kế hoạch để khai thác các trữ lượng hidrocacbon trong khu vực. Tranh chấp đã phát sinh giữa các yêu sách, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam, thậm chí có lúc tranh chấp này còn ẩn chứa nguy cơ leo thang. Tuy nhiên, các yêu sách đối với tài nguyên năng lượng không dễ dẫn đến xung đột, và nó có thể được quản lý trên cơ sở phát triển khai thác chung hoặc đa phương. Các hình thức hợp tác này đã có rất nhiều tiền lệ và mô hình, tuy không phức tạp như những gì mà tình hình ở Biển Đông đòi hỏi. Một yếu tố khác khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn từ năm 2010 và khiến cho việc giải quyết hay quản lý theo các cách tiếp cận được đề cập đến trước đây trở nên khó khăn hơn. Vấn đề tranh chấp không còn đơn thuần là yêu sách lãnh thổ và các giải pháp cũng đã bao trùm lên mối quan ngại về việc tiếp cận tài nguyên năng lượng. Biển Đông đang dần trở thành vấn đề của sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ làm Mỹ nhanh chóng có thái độ và điều chỉnh chính sách tại khu vực. Biển Đông đang được gắn với các vấn đề chiến lược rộng lớn hơn liên quan đến chiến lược hải quân của Trung Quốc khi nước này tăng cường phát triển sức mạnh quân sự để bảo vệ tuyến đường biển kéo dài đến Trung Đông. Nó cũng trở thành vấn đề đối với sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương cũng như mối quan hệ đồng minh của nước này trong khu vực. Điều cần thiết trong giai đoạn này là một thỏa thuận đa phương về các biện pháp để ngăn chặn việc các vấn đề nhỏ leo thang thành xung đột trong khi chưa có cách giải quyết đối với tranh chấp trong các yêu sách. Thỏa thuận này cần phải có hai nhân vật chính là Mỹ và Trung Quốc, cũng như các quốc gia yêu sách thuộc khối ASEAN.

Quá trình hình thành tranh chấp Biển Đông

Vấn đề Biển Đông ban đầu là một tranh chấp giữa các yêu sách khác nhau về chủ quyền vùng biển. Việt Nam, Malaysia, và Philippin đã đưa ra yêu sách đối với khu vực và đã chiếm đóng một số đảo, trong khi Trung Quốc không thể làm được do bị hạn chế bởi hải quân Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hai nguyên tắc chính điều chỉnh các yêu sách này và đồng thời cũng là hai nguyên tắc bất lợi cho yêu sách của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực. Nguyên tắc đầu tiên là “chiếm cứ hữu hiệu” các đảo, một tiền lệ được đặt ra bởi Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Đảo Palmas vào tháng 4/1928.[1] Chiếm cứ hữu hiệu đòi hỏi phải có khả năng và ý định thực thi quyền tài phán một cách liên tục và không bị gián đoạn và được phân biệt rõ ràng với hành vi xâm chiếm. Học thuyết về chiếm cứ hữu hiệu đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa, do Trung Quốc không thể chứng minh được việc thực thi quyền tài phán một cách liên tục và không bị gián đoạn của mình, tuy nước này có thể chứng minh điều đó đối với chín hòn đảo đã chiếm đóng trong giai đoạn 1988 – 1992. Nguyên tắc thứ hai là Công ước UNCLOS, tại đó đặt ra các quy tắc để quyết định yêu sách đối với các tài nguyên dựa trên các vùng EEZ và thềm lục địa. Công ước UNCLOS không có lợi cho yêu sách của Trung Quốc do nó đã vượt quá phạm vi vùng EEZ và thềm lục địa, do đó Trung Quốc cho rằng các quyền lịch sử của mình phải được chấp nhận. Vấn đề là ở chỗ các yêu sách dựa trên lịch sử không có mấy giá trị trong luật pháp quốc tế, và đối với Trung Quốc thì luật pháp quốc tế đã hạ thấp di sản từ ngàn đời của mình và khiến cho nước này oán giận. Quan điểm của Trung Quốc là yêu sách của mình đã có từ trước khi UNCLOS ra đời và vì thế trong trường hợp này Trung Quốc “không bị ràng buộc bởi nó”. Một số quan chức Trung Quốc lập luận rằng trong bất kỳ tình huống nào thì những điểm mâu thuẫn trong Công ước UNCLOS cũng sẽ cho phép Trung Quốc khẳng định các yêu sách lịch sử của mình.[2] Để có thể khẳng định yêu sách trong trường hợp sự phức tạp của luật pháp quốc tế có thể sẽ không có lợi cho mình, Trung Quốc đã tìm cách liên tục gây áp lực qua con đường ngoại giao nhằm thay đổi luật quốc tế, hoặc là tạo ra một ngoại lệ đặc biệt, như vậy các yêu sách lịch sử của Trung Quốc có thể được tất cả các nước thừa nhận.

Dầu khí và năng lượng

Nếu như Biển Đông chỉ là một tranh chấp về lãnh thổ thì có thể có rất nhiều cách giải quyết vấn đề trên cơ sở điều chỉnh các yêu sách trong một thể chế trên biển. Nó cũng có thể được tiếp diễn như một trạng thái bế tắc nếu như không có áp lực về giải pháp cho vấn đề tranh chấp. Tuy nhiên, đòi hỏi về năng lượng lại có nghĩa rằng Trung Quốc không thể chấp nhận tình trạng nguyên trạng ở Biển Đông và tạo thêm áp lực cho các quốc gia yêu sách trong ASEAN. Lượng cầu quốc tế đối với năng lượng ngày càng tăng và các quốc gia tiêu thụ lớn như Trung Quốc đang phải tìm kiếm các nguồn mới để thỏa mãn được nền kinh tế đang ngày càng mở rộng của mình. Lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đã đạt đến 54% lượng tiêu thụ trong năm 2010 và ước tính sẽ lên đến 65% vào năm 2015. Trung Quốc đã có nỗ lực nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng để giảm sự lệ thuộc vào khu vực Trung Đông, vốn cung cấp cho nước này 58% dầu nhập khẩu, bằng việc tìm cách khai thác tài nguyên năng lượng trong khu vực. Việt Nam là một quốc gia sản xuất dầu khí lớn trong khu vực, với công ty quốc doanh PetroVietnam sản xuất được 24,4 triệu tấn trong năm 2010 từ ba mỏ; mỏ Bạch Hổ, được bắt đầu khai thác từ năm 1986, mỏ Thanh Long và mỏ Gấu Trắng; tổng cộng ba mỏ này chiếm 26% lượng dầu Việt Nam sản xuất trong năm 2010.[3] PetroVietnam cũng đã ký kết 60 hợp đồng thăm dò và sản xuất dầu khí với các công ty nước ngoài nhằm khai thác các mỏ mới. Tuy nhiên, việc sản xuất ở các mỏ hiện có đang ngày càng đi xuống, trong khi các mỏ mới không được kỳ vọng có thể bù lại các khoản mất mát.[4]  Khi mà Việt Nam đang cố tìm kiếm các mỏ khai thác mới thì rất có khả năng sẽ lại có những vụ đụng độ với Trung Quốc, do nước này vốn vẫn phản đối các nỗ lực của Việt Nam trong việc ký kết các hiệp định khai thác với các công ty dầu khí nước ngoài. Trung Quốc phản đối các hoạt động khai thác của một loạt các công ty bao gồm PetroVietnam, Petronas Carigali của Malaysia, Petroleum của Singapore và CTCP American Technology khi phát hiện ra một mỏ xa bờ nằm về phía tây đảo Hải Nam vào tháng 10/2004.[5] Trung Quốc đã cảnh cáo các công ty dầu khí quốc tế rằng cần phải tránh xa khỏi khu vực mà họ gọi là “biển của Trung Quốc”; năm hợp đồng ủy quyền liên quan đến các công ty dầu khí BP, ConocoPhillips, Chevron-Petronas-Cargill, Idemitsu-Nippon- và Teikoku đã bị đình chỉ do áp lực của Trung Quốc.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

            GS. Leszek Buszynski, Nghiên cứu sinh, Trung tâm Chiến lược và Quốc phòng, Đại học Quốc gia Úc, Canberra ACT 0200, Úc

Leszekbuszynski@yahoo.co.uk

Bản gốc tiếng Anh: The Internationalization of the South China Sea: Conflict prevention and management”

Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.

Ghi chú



[1] Về tính pháp lý của các yêu sách, xem Mark J. Valencia, Jon M. Van Dyke, Noel A. Ludwig, Sharing the Resources of the South China Sea, trang 39-59; R. Haller-Trost, The Spratly Islands: A Study on the Limitations of International Law, Centre of Southeast Asian Studies, University of Kent at Canterbury, Occasional Paper Số 14, tháng 10 1990

[2] Xem cable của Cố vấn Bộ trưởng Chính trị Aubrey Carlson “MFA Maintains Claims to South China Sea; Urges US Companies not “to get Entangled,” 13 tháng 3 2008, Wikileaks on line.

[3] “Vietsovpetro finds more oil at Bach Ho field offshore Vietnam,” Energypedia.news,  29/6/2011 2http://www.energy-pedia.com/article.aspx?articleid=1460879 6/2011

[4] “Vietnam Market for Oil and Gas Machinery and Services,” US Commercial Serice-Vietnam. 3/2011, http://export.gov/vietnam/static/BP-Oil%20and%20Gas%20Machinery%20and%20Services_Latest_eg_vn_030123.pdf

[5] Trần Đình Thanh Lam, “Vietnam oil find fuels China's worries”, Energy Bulletin, 26/10/2004. http://www.energybulletin.net/node/2838