TÓM TẮT

Tranh chấp Biển Đông có tính chất rất phức tạp, nơi mà các vấn đề chủ quyền đối với các điểm đảo, việc phân giới, sử dụng tài nguyên, và các vấn đề khác liên quan tới an ninh truyền thống hoặc phi truyền thống đều đan xen lẫn nhau. Hợp tác là một trong các giải pháp chính được nêu ra để giải quyết tranh chấp, tuy nhiên giải pháp này vẫn chưa được hiện thực hóa.

Sự phát triển của toàn cầu hóa đã trở thành một hiện tượng quan trọng trong xã hội quốc tế hiện đại. Hiện tượng này được thể hiện qua việc các yếu tố sản xuất của nền kinh tế phát triển với tốc độ và quy mô chưa từng có trên phạm vi toàn cầu. Toàn cầu hóa phản ánh thực tế các thành viên của cộng đồng quốc tế trở nên phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt trong một số lĩnh vực vấn đề cụ thể như phát triển các tổ chức quốc tế, thương mại quốc tế đối với sản phẩm nghề cá cũng như các vấn đề môi trường.

Để giái quyết tranh chấp và thúc đẩy hợp tác trong khu vực Biển Đông, tác giả đề xuất có thể bắt đầu bằng việc bảo tồn và quản lý tài nguyên cá. Có nhiều phương tiện, cơ chế và công cụ quốc tế quản lý như công ước, hiệp định và thỏa thuận đã được xây dựng để bảo vệ nguồn tài nguyên cá. Tuy nhiên các phương tiện chính sách này cần được thực hiện theo một cơ chế thống nhất ở các cấp quốc gia, khu vực và quốc tế để có thể đạt được các mục tiêu chính sách.

Trong một cơ chế được tổ chức chặt chẽ, các yếu tố sau là cần thiết cho việc thực hiện quản lý biển: thống nhất quy định pháp luật về nghề cá và bảo vệ môi trường giữa các bên liên quan; minh bạch trong chính sách biển quốc gia là một thành tố quan trọng trong quá trình ra quyết định của các chính phủ có liên quan; hợp tác giữa các quốc gia khu vực trong các lĩnh vực liên quan, và đóng góp của các tổ chức quản lý nghề cá trong vùng. Bài viết này đưa ra kết luận về sự cần thiết của tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO) trong việc bảo tồn và quản lý các tài nguyên nghề cá trên Biển Đông. Hơn nữa, mô hình này có thể góp phần giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.    

Từ khóa:        Biển Đông, bảo vệ nguồn lợi cá, bảo vệ môi trường, tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO), quản lý biển

Giới thiệu

Các tranh chấp trên Biển Đông có thể được phân thành hai loại: một là các tranh chấp về chủ quyền của các điểm đảo, và hai là tranh chấp các vùng biển. Có thể dễ dàng thấy rằng cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp là tiến hành phân giới để xác định khu vực có chủ quyền và quyền tài phán. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể làm được như vậy. Nguyên nhân chủ yếu là quá trình đàm phán và chấp nhận phân giới biển giữa các quốc gia thường tập trung vào các tính toán chính trị và không có quy định pháp luật vững chắc nào cho việc phân giới. Mặc dù một “giải pháp công bằng” được công nhận là một trong các nguyên tắc quan trọng nhất trong phân giới, nhưng không có chi tiết cụ thể nào được đưa ra bất chấp việc các yếu tố địa lý và địa chất, chiều dài đường bờ biển, các hoạt động đánh cá truyền thống và tác động tương đối tới và sự phụ thuộc kinh tế được coi là các nhân tố được xem xét trong các trường hợp khác nhau.

Trong các trường hợp này, phát triển chung sẽ được coi là một cách giải quyết tranh chấp. Theo Điều 74(3) và Điều 83(3) của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS),[1] đều nêu thuật ngữ “các dàn xếp tạm thời” trong bối cảnh trước khi các đường biên giới được phân định chính xác. Thuật ngữ “dàn xếp tạm thời” có thể được hiểu là “hợp tác chung” và đây là thuật ngữ thông dụng đã được các nhà lãnh đạo của các bên tranh chấp ở Biển Đông trích dẫn nhiều. Tuy nhiên, không có hành động thực tế nào được hiện thực hóa. Nguyên nhân có thể là do thiếu ý chí chính trị.

Sẽ không khó để xác định các cơ hội hợp tác chung trong khu vực Biển Đông. Tập trận chung, phát triển chung các tài nguyên hydrocarbon, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển và hợp tác nghề cá là các phương thức hợp tác có thể thực hiện. Cho tới nay, các tranh luận về tài nguyên hydrocarbon có thể khai thác và các hành động bảo tồn và quản lý tài nguyên cá đã bị trì hoãn. Tuy nhiên việc bảo vệ và quản lý tài nguyên cá có thể là bước khởi đầu cho hợp tác trong khu vực và có thể có “tác động lan truyền” tới các lĩnh vực hợp tác khác.

Ở phương diện này, hợp tác nhằm quản lý và bảo tồn tài nguyên cá có vai trò đặc biệt quan trọng bởi cá là loài di cư, và một số loài trong số đó thậm chí còn là loài di cư thường xuyên. Tuy nhiên, việc đánh bắt cá quá mức là một vấn đề nghiêm trọng và cấp thiết trong khu vực. Về vấn đề này, đường biên giới biển không thể bảo vệ hoàn toàn nguồn tài nguyên cá của một quốc gia khỏi xâm phạm, bởi tài nguyên cá có thể di cư ra ngoài khu vực có quyền tài phán của quốc gia, và đánh bắt cá quá mức ngoài biên giới cũng có thể có tác động lớn tới nguồn lợi cá trong biên giới lãnh thổ.

Chính vì vậy, một cơ chế quản lý phù hợp, tuân theo các điều kiện tự nhiên, là cần thiết cho các quốc gia ven biển để duy trì nguồn cá ở mức bền vững. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia ven biển xung quanh Biển Đông. Do đây là một khu vực nửa kín,[2] bất cứ thay đổi nào trong việc hoạch định chính sách nghề cá có thể có tác động tới tài nguyên cá trong khu vực này.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

GS. Kuan-Hsiung Wang, Giám đốc Viện Khoa học Chính trị Sau đại học,

Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan

 

Bản gốc tiếng Anh:Resolution to Fishery Disputes in the South China Sea through Regional Cooperation and Management

Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011. 

 

 [1] Điều 74(3) của UNCLOS quy định “Trong khi chưa có các thỏa thuận nêu ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, sẽ nỗ lực hết sức để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc phân định cuối cùng.” [nhấn mạnh phần in nghiêng]

[2]       Điều 122 của UNCLOS quy định “biển kín hay nửa kín” là một vịnh, một vũng hay một vùng biển do nhiều quốc gia bao bọc xung quanh và thông với một biển khác hay với đại dương qua một cửa hẹp, hoặc bao gồm hoàn toàn hay phần lớn các lãnh hải và các vùng đặc quyền về kinh tế của hai hay nhiều quốc gia.