Giới thiệu: Vấn đề toàn cầu hay khu vực?

Hai cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề Biển Đông vốn đã phức tạp và khó khăn giờ trở nên rõ ràng hơn. Cách thứ nhất, được Trung Quốc thể hiện một cách kiên định và mạnh mẽ, là vấn đề này nên được nhìn như một vấn đề khu vực, không phải là vấn đề toàn cầu. Bắc Kinh đã phản ứng mạnh với bài phát biểu của bà Hillary Clinton trong đó nêu lợi ích của Mỹ ở Thượng đỉnh ASEAN Việt Nam tháng 7 năm 2010.[1] Trên website chính thức của mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì liên tục cảnh cáo việc Mỹ dính líu sâu hơn vào vấn đề Biển Đông khi lập luận rằng điều này sẽ khiến căng thăng khu vực tăng lên. “Hậu quả là gì nếu vấn đề này bị biến thành một vấn đề quốc tế hoặc đa phương? Chỉ làm vấn đề tệ thêm và khó đạt được giải pháp… Người ta cần đạt được sự đồng thuận để giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các cuộc tham vấn thiện chí vì lợi ích hòa bình và ổn định ở Biển Đông và mối quan hệ láng giềng tốt.”[2] Vấn đề Biển Đông là một vấn đề khu vực, và nó chỉ phụ thuộc vào các nước khu vực để giải quyết. Với quá nhiều quốc gia yêu sách ở Biển Đông và vấn đề chồng lấn quyền tài phán phức tạp cần được giải quyết, vấn đề đã đủ căng thẳng và nhạy cảm; tại sao lại làm cho mọi việc tệ hơn bằng cách lôi kéo thêm các nước không có yêu sách chủ quyền ở khu vực vào tranh chấp?

Tương phản với điều này, nhà chiến lược đầu thế kỷ 20 Sir Halford Mackinder rất nhiều năm trước đã đưa ra luận điểm mà sau này được coi là luận điểm cơ bản: “Tính thống nhất của đại dương là thực tế tự nhiên đơn giản dùng làm căn bản cho giá trị cốt yếu của sức mạnh biển trong thế giới toàn cầu hiện đại.”[3] Vì lý do căn bản đó, tranh chấp Biển Đông đã trở thành một vấn đề toàn cầu và cộng đồng quốc tế có lợi ích trong việc xử lý hòa bình các tranh chấp này, và hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm ra một giải pháp. Bà Clinton nói, “Một cách đo sức mạnh cộng đồng các quốc gia, đó là cách thức cộng đồng này phản ứng lại với các mối đe dọa đối với các quốc gia thành viên, láng giềng, và khu vực.”[4] Quan điểm rằng tranh chấp Biển Đông là một vấn đề toàn cầu với những ngụ ý và hệ quả toàn cầu đã được Robert Gates phát triển xa hơn ở Đối thoại Shangri-La tháng 6/2011. Theo đó, những ngụ ý và hệ quả của tranh chấp được xem như biện minh cho Mỹ và các nước bên ngoài khu vực trong việc cố gắng duy trì vai trò đảm bảo lợi ích lớn ở khu vực. Ông Gates thậm chí còn chuẩn bị đặt cược 100 đô cho lý do này, “năm năm từ nay trở đi, ảnh hưởng của nước Mỹ ở khu vực [sẽ] mạnh mẽ hơn hoặc ít nhất là cũng giữ nguyên như hiện nay,”[5] Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là, tại sao Mỹ và tại sao các quốc gia bên ngoài khu vực lại có lợi ích như vậy ở vấn đề Biển Đông và hệ quả của việc này là gì? Vài lý do có thể được đưa ra như sau:

An ninh – Là của chung và Không thể chia cắt

Trong thời kỳ toàn cầu hóa, an ninh quốc tế không thể bị chia nhỏ thành các khu vực địa lý rời rạc. Lợi ích kinh tế của thế giới bên ngoài ở những điều đang diễn ra trong và xung quanh Đông Nam Á rất lớn; đây là một thị trường quan trọng, một nguồn hàng hóa và dịch vụ, và một điểm đến du lịch chính của du khách. Khủng hoàng tiền tệ châu Á những năm 90, ảnh hưởng của nó lên châu Âu, và thực trạng kinh tế hiện nay đều thể hiện rằng khối lượng tài sản vật chất của kinh tế thế giới là không thể chia cắt. Vì những lý do này, phần còn lại của thế giới có lợi ích lớn trong việc duy trì ổn định và thịnh vượng cho khu vực, và vì những lý do như vậy, để đảo ngược lại câu nói hay được dùng, cờ theo sau thương mại. Những cân nhắc chính trị và chiến lược cũng chỉ ra điều này.

Những nhận thức bên ngoài về việc tăng sức nóng ở khu vực

Được nhìn từ bên ngoài, đúng hoặc sai, với việc can dự vào các tàu thăm dò hoạt động hỗ trợ lợi ích của Việt Nam và Philippines trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, chính sách của Trung Quốc đầu năm 2011 được xem như trở lại với phong cách quyết đoán hồi đầu năm 2010. Tháng 6/2011, một tàu chiến Trung Quốc được báo cáo đã nổ súng vào ba tàu đánh cá của Philippines gần Jackson Atoll.[6] Trong Thông điệp Liên Bang cuối tháng 7, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã nói: “Chúng tôi không muốn căng thẳng thêm với bất cứ quốc gia nào, nhưng chúng tôi phải để thế giới biết rằng chúng thôi thực sự sẵn sàng để bảo vệ cái thuộc về chúng tôi.” Vì lý do này, con tàu Rajah Humabon hàng đầu của Hải quân Philippines đã được phái đến nơi mà một số người ở Manila giờ đây gọi là “Biển Tây Philippines.”’[7] Người ta cũng chưa chắc liệu Mỹ có coi nhóm đảo Kalayaan (KIG) nằm trong Hiệp ước Tương hỗ An ninh Mỹ-Philippines được ký cách đây 4 năm trước khi yêu sách chủ quyền của Philippines về nhóm đảo này được bàn thảo, song ít nhất, Mỹ sẽ rất quan tâm đến những bước phát triển mới này.

Vào thời điểm sự việc cắt cáp Việt Nam ngày 26/05/2011 diễn ra, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã cảnh báo: “Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.”[8] Sau đó, vụ cắt cáp diễn ra, tàu tuần tra Việt Nam đã quay lại khu vực, được hộ tống bởi 8 tàu khác. Đỉnh điểm của việc này, lệnh đơn phương cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở các vùng nước tranh chấp và việc rất nhiều thuyền đánh cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã làm tình huống xấu thêm.[9] Những sự việc như vậy cũng dường như khuấy động tinh thần dân tộc trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là khi các báo cáo của giới truyền thông khuyến khích tiếng nói của các cư dân mạng thế kỷ 21, điều mà các chính quyền cảm thấy không thể xem nhẹ. Trên thực tế, những cuộc tấn công hacking sau đó có thể khiến bầu không khí càng trở nên căng thẳng hơn.[10]

Theo sau việc tăng nhiệt độ này, các nhà quan sát đã chú ý đến mức độ liên kết và hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN, không chỉ ở các cuộc họp của ASEAN ở Việt Nam, nơi những nhận xét của bà Hillary Clinton dường như được coi như nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khu vực. Cuộc gặp chính thức đầu tiên của tất cả người đứng đầu hải quân các quốc gia ASEAN được tổ chức bên lề của hội nghị này, và người ta đã đồng ý thiết lập đường dây nóng để trao đổi thông tin và bàn tính các hành động với nhau.[11] Tháng này, Việt Nam và Indonesia đồng ý tổ chức các cuộc tuần tra chung ở phần phía nam Biển Đông.[12]

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

GS. Geoffrey Till, Trung tâm Corbett, King’s College London, Chương trình an ninh hàng hải, RSIS, Singapore

Bản gốc tiếng Anh “Testing the Temperature: The Global Significance of the South China Sea Dispute

Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực” do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.



[1] Tuy nhiên, điều đáng chú ý là rất nhiều điểm trong diễn văn của bà Clinton có thể đoán trước được trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/05/1995. Rất ít điểm trong bài diễn văn này thực sự gây bất ngờ.

[2] ‘China Warns US to Stay Out of Islands Dispute’ New York Times, 26 July 2010.

[3] Halford Mackinder, Britain and the British Seas (London: D. Appleton & Co Ltd., 1914) p 12.

[4] ‘US takes on Maritime Spats’ Wall Street Journal 24 July 2010

[5] ‘Not Littorally Shangri-La’ The Economist 9 June 2011.

[6] ‘Behind recent gunboat diplomacy in the South China Sea’ IISS Strategic Comments, August 2011.

[7] ‘Navy Flagship to patrol PH waters only, says Palace, Philippine Daily Inquirer 21 June 2011.

[8] ‘Vietnam demands China stop sovereignty violations’ Thanh Nien Daily, 30 May 2011.

[9] ‘Chinese fishing boats violate Vietnam waters: gov’t mulls patrol boats’ Thanh Nien Daily,29 May 2011.

[10] ‘Japan targeted by cyber attacks “from China” ’ The Telegraph, 20 Sep 2011. Việc các cuộc tấn công vào các nhà thầu vũ khi của tập đoàn công nghệ nặng IHI và Mitsubishi trùng với ngày kỷ niệm của sự kiện Mãn Châu năm 1931, khiến cho các phương tiện truyền thông đổ thêm dầu vào lửa rằng rằng các hacker Trung Quốc chính là người thực hiện chuyện này. Chính phủ Trung Quốc phủ nhận việc dính líu này, chỉ ra rằng chính nước này cũng là mục tiêu của rất nhiều vụ hacking.

[11] ‘ASEAN Navy Chiefs to Set up hotline amid maritime territory dispute’ Bangkok Post, 5 August 2011.

[12] ‘Indonesia/Vietnam Agree Joint maritime Patrols’ AFP 15 Sept 2011.