Những câu hỏi quan trọng liên quan đến MSR được giới học giả và hoạch định chính sách Trung Quốc hiện nay đặt ra như rủi ro chính trị và kinh tế nào mà MSR có thể mang lại; những vấn đề trong triển khai; và sự bền vững của cả MSR và người anh em sinh đôi Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa.

Ban đầu, giới phân tích Trung Quốc tính đến sự bền vững của đường lối ngoại giao Con đường tơ lụa của Trung Quốc. Mặc dù sự hồi sinh Con đường tơ lụa là đứa con tinh thần của Chủ tịch Tập Cận Bình, song ông rất khó có thể đạt được thành tựu to lớn trong 8 năm tại vị còn lại. Giới hoạch định chính sách Trung Quốc thừa nhận Con đường tơ lụa không thể được xây chỉ trong một sớm một chiều.

  

Thuyết phục các nước láng giềng

 

 Sẽ mất ít nhất một thập kỷ để các nước trong khu vực tham gia và đàm phán về các điều khoản hợp tác liên quan đến MSR. Thậm chí sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa để việc thực thi chính sách thực sự được triển khai. Ngoài ra, việc hoạch định chính sách kinh tế và xã hội của Trung Quốc thường dựa trên khung thời gian 5 năm và các chức năng kinh tế phục vụ mục đích chiến lược của Trung Quốc hiện dựa vào Kế hoạch 5 năm.

Điều này đặt ra câu hỏi liên quan đến hình mẫu kế hoạch mà cả hai Con đường tơ lụa trên đất liền và trên biển sẽ dựa vào và làm thế nào hình mẫu kế hoạch mới này sẽ được thực thi trong Kế hoạch 5 năm tới.

Một nhóm nhỏ học giả Trung Quốc đang cảnh báo Bắc Kinh không nên quá kỳ vọng hay hạ thấp tác động chiến lược của đường lối ngoại giao Con đường tơ lụa, đặc biệt là MSR ở Đông Nam Á. Họ cho rằng Trung Quốc đang quá tự tin về con bài kinh tế của mình và các nước trong khu vực đang thận trọng trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế với Trung Quốc do những quan ngại về lợi ích chiến lược của mình khi MSR sẽ đi qua khu vực Biển Đông tranh chấp. Thay vì tạo thuận lợi cho Trung Quốc, MSR có thể đẩy các nước trong khu vực đến bờ vực chống đối Bắc Kinh hơn nữa cùng với Mỹ và các cường quốc khác.

 

Cạnh tranh nguồn lực bên trong và bên ngoài 

 

 Trong khi đó, nhiều học giả Trung Quốc khác cũng đặt vấn đề rằng liệu Bắc Kinh có thể tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao không can thiệp lâu nay với MSR trong bối cảnh sự can dự thương mại sâu sắc hơn sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Nhận thức về trải nghiệm của Trung Quốc ở Libya trong giai đoạn bùng nổ đầu tiên của phong trào Mùa Xuân Arập, họ đã kêu gọi Bắc Kinh kiên nhẫn và khôn ngoan hơn khi theo đuổi phát triển kết nối hạ tầng của MSR.

Họ hối thúc Bắc Kinh tiến hành các nghiên cứu chiều sâu về nhu cầu phát triển hạ tầng khu vực và việc phân tích rủi ro chính trị và kinh tế toàn diện cần phải thực hiện trước khi tiến hành các dự án quy mô lớn ở nước ngoài. Họ tranh luận rằng một tỷ lệ tương đối lớn của đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài nước của Trung Quốc đang bị thiệt hại do thiếu dự trù kỹ lưỡng từ trước. Điều này không chỉ khiến các nguồn lực của Trung Quốc bị lãng phí mà nó còn tạo ra rủi ro đối với tính mạng công dân Trung Quốc làm việc ở các nước sở tại.

Theo truyền thông Trung Quốc, ít nhất 20 tỉnh đã đưa ra đề xuất cho cả MSR và Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa. Tuy nhiên, giới học giả Trung Quốc đã chỉ ra rằng những tỉnh đó đều không được trang bị đủ để trở thành những điểm xuất phát hiệu quả cho MSR. Họ có những nhu cầu phát triển khác nhau mà có thể ngốn một lượng vốn lớn từ cả Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Quỹ Con đường tơ lụa (SRF).

Điều này đặt ra những câu hỏi mới liên quan đến vấn đề phân bổ nguồn lực và hệ quả kèm theo là sự cạnh tranh trong và ngoài nước đối với nguồn lực hạn chế này. Chẳng hạn, liệu các tỉnh của Trung Quốc có được ưu tiên hơn các nước khác trong khu vực theo SRF? Tiêu chuẩn đánh giá sẽ là gì?

Chỉ riêng MSR, các tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tô đang cạnh tranh với nhau để giành phần chia trong miếng bánh kinh tế ASEAN. Quá trình công nghiệp hóa và sự can dự vào mạng lưới sản xuất khu vực của tỉnh Quảng Đông hiện thành công hơn so với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam.

 

Câu hỏi khó cho Trung Quốc và ASEAN

 

Tuy nhiên, Quảng Tây lại có nhiều kinh nghiệm hơn vì sự hiểu biết và có quan hệ với ASEAN khi là tỉnh đăng cai chính thức Hội chợ Trung Quốc-ASEAN thường niên kể từ năm 2004 đến nay. Trong khi đó, tỉnh Vân Nam là một phần trong kế hoạch phát triển tiểu vùng sông Mekong (GMS) vốn nằm trong MPAC của ASEAN. Bắc Kinh sẽ phân định vai trò sản xuất và kết nối như thế nào để đảm bảo sự cạnh tranh giữa các tỉnh ở mức tối thiểu và tránh chồng lấn?

Là cường quốc kinh tế áp đảo trong khu vực cũng như là nguồn vốn lớn nhất cho MSR và sự phát triển khu vực trong tương lai, Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều câu hỏi phía trước. Chẳng hạn như liệu Trung Quốc có thể kiểm soát được tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở trong nước cũng như lòng tin mới có, để kiềm chế ra lệnh cho các nước trong khu vực và bỏ qua các quy định quốc tế hiện hành?

Liệu Trung Quốc có tiếp tục coi ASEAN là động lực cho các nỗ lực mang tầm khu vực? Bắc Kinh có thể tập trung đủ ý chí chính trị để giải quyết những tác động chiến lược của MSR đến an ninh khu vực và tranh chấp Biển Đông?

Trong cuộc tranh luận nội bộ, giới học giả Trung Quốc cho rằng, có hoặc không có MSR, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục củng cố sự thống trị kinh tế và ảnh hưởng chính trị của mình ở Đông Nam Á. Vì thế, ASEAN cũng nên tự đặt câu hỏi cho chính mình về vai trò của họ trong MSR, thay vì chờ đợi một cách thụ động thông tin và sự minh bạch từ Trung Quốc. ASEAN nên tiếp nhận sáng kiến này để giúp định hình chính sách đối ngoại MSR của Trung Quốc cũng như lưu ý Trung Quốc về những nỗ lực đa phương và song phương hiện hành để củng cố tính kết nối trong khu vực.

Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc có thể làm rõ động cơ hồi sinh các tuyến đường tơ lụa cổ xưa, vẫn còn đó nhiều câu hỏi về khả năng thực hiện đang chờ được giải đáp. Câu hỏi bức thiết nhất và cũng là cơ bản nhất là liệu tham vọng của Trung Quốc nhằm giành lại sự thống trị toàn cầu có vượt quá khả năng của chính họ trong việc hiện thực hóa các ý tưởng lớn đó hay không?

Nhà nghiên cứu cấp cao Irene Chan thuộc Chương trình Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS)

Thuỳ Anh (gt)