1_18e30.jpg

Vào ngày 31/12/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua một chiến lược an ninh quốc gia mới cho đất nước. Việc xác định thời điểm có lẽ là một phần của một hình thức mới: khoảng một năm trước, học thuyết quân sự mới của Nga được đưa ra – vào ngày 25/12/2014. Cho dù mục đích có phải là tặng cho nước Nga và thế giới một món quà ngày lễ hoặc để tránh sự chú ý, thì hành động này khiến không ít nhà quan sát Nga đối mặt với lựa chọn: gạt bỏ một hai chầu rượu mừng để nghiên cứu văn kiện mới, hoặc quyết định rằng chiến lược đó tốt hơn là đi kèm với sự chúc mừng.

Nó thể hiện một nước Nga tập trung vào tăng cường ảnh hưởng, vị thế và thắt chặt tinh thần đoàn kết của họ; một nước Nga tin rằng họ đang đạt được mục đích của mình, nhưng đồng thời cũng cảm thấy bị đe dọa bởi Mỹ cùng các đồng minh. Không nghi ngờ rằng Nga lo ngại về nền kinh tế của mình, vấn đề mà Moskva biết là đang gặp rắc rối (và không chỉ bởi những lệnh trừng phạt của phương Tây, khá thích hợp để quy trách nhiệm). Tóm lại, đây là một văn kiện chiến lược của một nước Nga tham vọng đánh giá những kìm hãm đối với những mong muốn mạnh mẽ của nước này như những mối đe dọa cần phải vượt qua, cho dù chúng đến từ bên trong hay bên ngoài. Phần lớn chiến lược này không mới. Quả thực, nhiều phần trong đó lặp lại những lập trường của Nga trước đây, một số được duy trì từ lâu và một số được đúc kết trong hai năm khủng hoảng vừa qua. Nhưng trong khi có ít bất ngờ trong văn kiện này, việc nó bộc lộ thế giới quan hiện nay của Nga khiến nó đáng để chúng ta chú ý.

Những mục tiêu của Nga

Nhiều chủ đề được nói đến trong chiến lược mới. Có lẽ điều quan trọng nhất là uy thế và khả năng lãnh đạo. Ngay từ đầu, chiến lược thể hiện niềm tự hào về vai trò tăng lên của Nga trong “giải quyết những vấn đề quốc tế quan trọng nhất”. Nó coi việc đảm bảo vị thế của Nga trong những nước lớn của thế giới là một trong những lợi ích lâu dài căn bản của đất nước. Trong phần về kinh tế, chiến lược mới khẳng định Nga nỗ lực nâng cao tăng trưởng GDP lên mức một trong những nước cao nhất thế giới. Thật vậy, những câu kết thúc của văn kiện này là “tăng sức cạnh tranh và uy tín quốc tế của Liên bang Nga”. Tất cả điều này nói lên một nước Nga không hài lòng với mức uy tín hiện tại của họ - và rất tập trung vào việc tăng cường điều đó.

Nga dự định đạt được điều này, một phần, thông qua việc tham gia các tổ chức quốc tế, các cơ chế của luật quốc tế, và các mối quan hệ đối tác khác. Các tổ chức khu vực là đặc biệt quan trọng, với một số quan hệ song phương: nhất là với Trung Quốc và Ấn Độ. Hợp tác với Mỹ và EU không nằm ngoài số đó, và thậm chí có thể là cần thiết, nhưng lại phụ thuộc vào sự tôn trọng thích đáng của những thực thể này với những lợi ích của Nga. Nga cảm thấy họ đang có tiến bộ: họ đã vượt qua được những sự tấn công vào nền kinh tế của mình và thể hiện khả năng bảo vệ lợi ích của mình một cách hiệu quả, bao gồm cả quyền lợi của những đồng bào ở nước ngoài (có thể là cái gật đầu với Crimea, nếu không thì là phía đông Ukraine).

Trong khi chiến lược an ninh quốc gia không phải không có các mục tiêu về chính sách đối ngoại, nó thực chất tập trung chủ yếu vào bản thân nước Nga. Chiến lược được chia thành hai phần, phản ánh những yếu tố cấu thành an ninh Nga. Đó là: phòng thủ quốc gia; an ninh nhà nước và xã hội; chất lượng cuộc sống của người dân Nga; tăng trưởng kinh tế; khoa học, công nghệ và giáo dục; y tế; văn hóa; hệ sinh thái và môi trường. Đáng lưu ý là hầu hết mục tiêu tập trung vào sự phát triển của bản thân nước Nga, và liên quan rất ít tới chính sách đối ngoại.

Trong bối cảnh đó, các giá trị là một chủ đề nhất quán xuyên suốt. Đặc biệt, có những sự lặp lại khá thường xuyên (mười lần như tác giả đếm được) tới “các giá trị đạo đức - tinh thần Nga truyền thống”. Cách trình bày này là mới - những văn kiện chiến lược của chính phủ trước đề cập đến các giá trị, nhưng không hoàn toàn theo cách đó, và chắc chắn không thường xuyên đến thế. Ở đây, những giá trị này được mô tả là đang được hồi sinh. Những giá trị này hiện nay cần phát triển, tăng cường và bảo vệ trước các giá trị nước ngoài, mà có thể lan truyền qua các chiến dịch thông tin và văn hóa đại chúng nước ngoài “chất lượng thấp”. Mối đe dọa cho những giá trị này tới từ cả phương Tây và từ những kẻ theo chủ nghĩa khủng bố, cực đoan. Thú vị là, một vài lần việc thảo luận về các giá trị này được gắn với những yêu cầu về sự thống nhất trong văn hóa và đạo đức Nga và truyền thống về dân tộc, chủng tộc, và sự khoan dung tôn giáo của Nga.

Nhìn chung, việc nhấn mạnh về các giá trị truyền thống, cho dù chúng là gì đi nữa thì đây có vẻ là một phần của nỗ lực nhằm củng cố sự thống nhất quốc gia, được coi là một lợi ích an ninh quốc gia khác ở phần mở đầu. Tuy nhiên, hơi khó để hòa hợp với những chính sách, pháp luật, và (đặc biệt) thực tiễn hiện tại ở Nga, mà có chiều hướng ưu ái cho văn hóa dân tộc Nga và Giáo hội Chính thống Nga so với những thứ khác. Trong bối cảnh này, yêu cầu trong văn kiện về cân bằng các nhu cầu của những người lao động nhập cư và dân cư địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh về văn hóa và tôn giáo đặt ra nhiều vấn đề.

Chiến lược nêu rõ một số mục tiêu khá tham vọng trong nước. Cụ thể phần về kinh tế gây ấn tượng với các kế hoạch để cải thiện nền kinh tế Nga. Nga hướng đến loại bỏ sự khác biệt về kinh tế giữa các khu vực và giảm bớt sự khác biệt kinh tế giữa các cá nhân; mang lại sự tăng trưởng; và cải thiện an ninh năng lượng (thông qua một danh sách dài các cơ chế), chính sách chính quyền, hệ thống tài chính, ngân sách… Nga cũng lên kế hoạch thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn, phát triển các khu vực công nghệ cao mới trong nền kinh tế, thực hiện dự trữ khoáng sản chiến lược, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thống nhất, khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nga sẽ tìm kiếm các đối tác kinh tế mới trong khi tăng cường sự độc lập trong các khu vực kinh tế khác nhau (nhất là bao gồm nông nghiệp), một phần thông qua thay thế nhập khẩu “có chừng mực”. Thú vị là, Nga tiếp tục coi tổ hợp công nghiệp quân sự là một động lực của hiện đại hóa công nghiệp, cho dù, về mặt chiến lược‎, điều này sẽ yêu cầu những thay đổi quang trọng trong lĩnh vực này (bỏ qua vấn đề liệu sau đó có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung hay không).

Về quốc phòng, chiến lược viện dẫn học thuyết quân sự hiện tại bao quát các mục tiêu và kế hoạch của Nga, từ đó tiếp tục thảo luận các hướng tiếp cận của toàn bộ chính quyền về khả năng răn đe và an ninh quốc gia, cũng như sự huy động về mặt xã hội. Ở đây gần như có sự giới hạn trong những thảo luận về sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, chiến lược cũng bao gồm một tập hợp các thước đo cho sự thành công của chiến lược này, một trong số đó là mức độ hiện đại hóa quân sự.

Nếu gắn các kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Nga, kể cả khi điều này không được nhấn đi nhấn lại ở đây, với những hứa hẹn về sự cải thiện công nghệ, khoa học, giáo dục và chăm sóc y tế cũng như những mục tiêu chung về chất lượng cuộc sống của người Nga, việc thực hiện chiến lược này dường như là một công cuộc tốn kém, đặc biệt là căn cứ vào tình trạng nền kinh tế Nga và sự cần thiết phải có tất cả các cách giải quyết được thảo luận phía trên. Quả thật, các thước đo khác cho sự thành công của chiến lược là tỷ lệ phần trăm GDP chi tiêu cho y tế, giáo dục, vv… Nhưng tác giả băn khoăn những mục tiêu chi dùng thực sự là gì, và tiền bạc có thể đến từ đâu. Đáng chú ý là không giống như hiện đại hóa quân sự, các thước đo này tính đến đầu vào, chứ không phải kết quả. Tỷ lệ phần trăm GDP có thể thay đổi nhiều, và vì vậy ít có khả năng dự đoán được kết quả chính sách cụ thể.

Điều khiến Nga lo lắng

Chiến lược mới liệt kê một loạt các mối đe dọa, cả chung và riêng đối với các yếu tố khác nhau của an ninh quốc gia Nga. Một trong số đó có liên quan đến chính sách đối ngoại đã khá quen thuộc trong chiến lược gần đây nhất của Nga, được công bố năm 2009, và học thuyết quân sự: bất ổn toàn cầu, sự phổ biến vũ khí thông thường và vũ khí hủy diệt hàng loạt, chiến tranh thông tin, tham nhũng, lật đổ, và một loạt mối đe dọa xuyên quốc gia. Nga cũng quan ngại về các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được đặt tại nước ngoài, các khả năng phát động tấn công toàn cầu, và “các vũ khí chiến lược phi hạt nhân có độ chính xác cao”, cũng như hoạt động quân sự hóa không gian, tất cả các chủ đề đã được đề cập trong học thuyết quân sự.

Nga còn lo ngại về cái họ cho là những nỗ lực của phương Tây tạo ra những điểm nóng có thể bùng phát căng thẳng tại khu vực Âu-Á, đặt ra thách thức cho các lợi ích quốc gia của Nga, sự lật đổ các chế độ hợp pháp, và sự kích động bất ổn trong nước và xung đột nước ngoài. Những điều này cũng phù hợp với các văn kiện chiến lược của Nga trước đây. Các mối đe dọa và quan ngại khác đã được liệt kê có thể là mới trong chiến lược chính thức, nhưng không mới trong những tuyên bố của Nga trong suốt hai năm qua. Ví dụ như văn kiện liệt kê sự hỗ trợ của phương Tây trong việc lật đổ chính quyền Ukraine và sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo (IS) là những thách thức đối với các lợi ích của Nga. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây được coi là một phần nguyên nhân dẫn đến những rắc rối về kinh tế của Nga, nhưng không gắn với Ukraine, và quả thực nếu không được đặt trong bối cảnh cụ thể, người đọc thông thường hiểu đây chỉ đơn giản là một phần trong toan tính của phương Tây.

Nhưng trong khi các văn kiện chiến lược trước đây ám chỉ một mối đe dọa từ Mỹ, học thuyết quân sự năm ngoái lại cho rằng các hành động của Mỹ và NATO là những mối nguy hiểm (theo cách nói quân sự Nga, một mối nguy hiểm là một sự quan ngại, còn một mối đe dọa có thể châm ngòi cho xung đột), cho dù một số khả năng cụ thể (như tấn công toàn cầu) được xếp vào những mối đe dọa. Chiến lược này khẳng định Mỹ và đồng minh đang tìm cách kiềm chế Nga nhằm duy trì vì thế của họ trong các vấn đề thế giới điều mà chính sách ngoại giao độc lập của Nga đang đối phó. Nga coi NATO là một mối đe dọa bởi khối liên minh này đang mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của họ về phía biên giới với Nga (một hiện tượng được ghi nhận là mối quan ngại trong chiến lược năm 2009). Tóm lại, chiến lược mô tả một nước Mỹ đang hướng các đồng minh vào việc dần làm suy yếu trật tự toàn cầu, và một nước Nga đang chịu rủi ro từ việc chống lại các chính sách đó.

Chiến lược cũng đề cập đến việc phát triển các phòng thí nghiệm “sinh học quân sự” gần biên giới Nga. Điều này nhiều khả năng đề cập đến các cơ sở sinh học quân sự được thiết lập với chính quyền Giuzia, Ukraine, và Kazakhtan, điều mà một số người Nga xem là một công cụ để tiếp tục phát triển vũ khí sinh học, dưới vỏ bọc những nỗ lực tìm kiếm thuốc điều trị và khả năng phòng thủ. Việc đưa “mối đe dọa” mới này vào học thuyết cho thấy nỗ lực nhằm đặt nền tảng cho các lập luận đáp trả việc Mỹ cáo buộc Nga vi phạm các hiệp ước khác, đáng chú ý là Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF).

Ngoài Mỹ và các đồng minh của nước này, Nga cũng khá quan ngại về sự lật đổ chính quyền, từ bên trong và bên ngoài. Hầu hết thảo luận này nhắc lại những vấn đề trong học thuyết quân sự, bao gồm mối quan tâm tới việc bảo vệ người dân khỏi các tuyên truyền cực đoan... Thú vị là, sự bàn luận trong chiến lược lần này về cái được gọi là các “Cuộc cách mạng màu” có chút khác biệt so với các văn kiện trước đây, với xu hướng quy kết cho các tác nhân nước ngoài. Trong khi các tác nhân nước ngoài có khả năng chịu trách nhiệm cho nhiều điều trong chiến lược này, chính các cuộc cách mạng được miêu tả là hành động có thể của “các nhóm xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài, các cấu trúc kinh tế và tài chính, và các cá nhân cực đoan” tìm cách làm mất ổn định nước Nga.

Tóm lại, chiến lược cho thấy một thế giới nguy hiểm với Nga, một thế giới mà Mỹ và các đồng minh đang ngày càng chủ động gây nguy hiểm, một phần là để hạn chế sức mạnh của Nga. Những nguy hiểm rõ ràng hơn từ khủng bố, bất ổn và phổ biến vũ khí khiến cho việc hợp tác với các quốc gia này trở nên cần thiết. Tuy nhiên, họ cũng là một phần của vấn đề, và hợp tác chỉ khả thi nếu họ chấp nhận vai trò lãnh đạo của Nga.

Điều chiến lược muốn nói

Như tác giả đã đề cập từ đầu, rất ít phần trong chiến lược này đặc biệt mới. Nhưng nó hiếm khi kết hợp tất cả với nhau một cách rõ ràng, và quan trọng là trong một văn bản chính quyền chính thức. Chiến lược An ninh quốc gia mới có thể không làm rõ chiến lược thực sự của Nga là gì: các mục tiêu quá cao và các kế hoạch triển khai quá mơ hồ. Nhưng dù sao chiến lược mới cũng mô tả một cách thuyết phục viễn cảnh hiện nay của Nga: Nga vẫn không hài lòng với vị trí hiện tại của họ trên thế giới, nhưng hài lòng với tiến bộ cho đến nay trong việc khắc phục tình trạng này. Họ tin chắc rằng Mỹ là vấn đề và đang tìm kiếm cách thức chống lại ảnh hưởng của Mỹ; nhưng Moskva cũng không thấy được giải pháp nào mà không có sự hợp tác từ Washington. Quan trọng là, họ nhận thấy được một phần lớn an ninh quốc gia bắt nguồn từ chính trong nước, và các mối đe dọa từ bên trong cũng quan trọng như các mối đe dọa đến từ bên ngoài. Giải pháp là sự đoàn kết thống nhất, phát triển và đầu tư.

Điều này có nghĩa là Nga sẽ tiếp tục hoạt động tích cực trong chính sách đối ngoại của mình và sẽ tiếp tục từ chối “lùi bước”, dù họ cũng nhận thức được những hạn chế của mình, và do đó có lẽ sẽ hạ bớt các mục tiêu ngắn hạn. Nhưng chiến lược này cũng chỉ ra rằng trong khi Nga biết những tham vọng của họ bị hạn chế bởi cả các yếu tố bên trong và bên ngoài, họ coi những yếu tố đó (cho dù là sự chống đối của nước ngoài hay những giới hạn nguồn lực) là những mối đe dọa và nhiệm vụ của họ là phải vượt qua những mối đe dọa ấy. Chiến lược của Nga là về tăng cường sức mạnh của mình, cả ở trong nước và nước ngoài./.

Tác giả Olga Oliker là cố vấn cấp cao và giám đốc chương trình nghiên cứu Nga và Âu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington. Bài viết đăng trên “CSIS” (ngày 7/1).

Hương Trà (gt)