Ngày 26/12 là sinh nhật của Mao Trạch Đông và năm 2013 là dịp kỉ niệm đặc biệt quan trọng, đánh dấu lần thứ 120 ngày sinh của cố Chủ tịch Trung Quốc. Trong hoạt động tưởng niệm, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã viếng lăng Mao Trạch Đông ở Bắc Kinh cũng như dự hội thảo về Mao Trạch Đông tại Đại Lễ đường Nhân dân. Trong cuộc hội thảo, ông Tập Cận Bình cam kết nêu cao ngọn cờ Tư tưởng Mao Trạch Đông “mãi mãi”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng Mao Trạch Đông, giống như “các nhà lãnh đạo cách mạng” khác, “không phải thần thánh, mà là con người”. Trung Quốc “không thể tôn thờ họ như thần thánh hay cấm người khác chỉ ra và chỉnh sửa sai lầm của họ chỉ bởi họ là những vĩ nhân”.

Dĩ nhiên, ông Tập Cận Bình không kêu gọi một cuộc tranh luận công khai về những mặt tích cực và tiêu cực dưới thời Mao Trạch Đông. Ông lưu ý rằng “điều kiện hiện nay cũng như mức độ phát triển và hiểu biết” là khác biệt so với điều kiện thời Mao. Tờ "Nhân dân Nhật báo" dẫn lời ông nói: “Dưới những hoàn cảnh mới, các đảng viên cần tuân thủ và sử dụng tốt ‘tinh thần sống’ trong tư tưởng của Mao Trạch Đông”. Điều đáng nói ở đây là ông Tập Cận Bình có thể định nghĩa “tinh thần sống” trong tư tưởng Mao Trạch Đông. Bằng cách diễn dịch các chính sách của mình là sự mở rộng của tư tưởng Mao Trạch Đông, ông Tập Cận Bình có thể tạo lớp vỏ bọc hợp pháp cho các đổi mới chính sách của mình. Tên tuổi của Mao Trạch Đông đã được gắn với hai ý tưởng được đánh giá cao nhất của ông Tập Cận Bình: Giấc mộng Trung Hoa và sự cần thiết phải cải cách kinh tế.

Ý tưởng đầu tiên dễ dàng đi sâu vào lòng người hơn. Không mất nhiều thời gian để khẳng định rằng Mao Trạch Đông là người chủ trương hồi sinh Trung Quốc, điều mà ông Tập Cận Bình đang định nghĩa cho “Giấc mộng Trung Hoa”. Ý tưởng này hiện rất phổ biến trên truyền thông Trung Quốc. Tờ "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" đưa tin về một đoạn video hoạt họa có tiêu đề “Mao Trạch Đông và Giấc mộng Trung Hoa” đang rất “nóng” trên mạng trực tuyến. Đoạn video này đã gắn kết những thành tích chủ yếu của Mao với “sự hồi sinh Trung Quốc”.

Sự làm mới hình ảnh Mao này cho phép Tập Cận Bình sử dụng khẩu hiệu đặc trưng của cố Chủ tịch Trung Quốc như sự tiếp bước lịch sử trực tiếp của tư tưởng Mao Trạch Đông. Theo cách diễn dịch đó, Giấc mộng Trung Hoa xuất phát từ Mao và giờ đây đang đơm hoa kết trái dưới thời Tập Cận Bình. Thủ thuật khéo léo trong phát biểu của Tập Cận Bình đó là ông vừa gắn bản thân mình với di sản không thể phủ nhận của Mao song đồng thời để ngỏ cách giải thích cho những khác biệt rõ ràng: bối cảnh lịch sử đã thay đổi. 

Chiến thuật đó được thể hiện rõ ràng nhất trong nỗ lực của truyền thông nhà nước khi tô vẽ Mao như là người khởi xướng “cải cách và mở cửa” kinh tế. Điều đó cho thấy hóa ra Mao là người cha tinh thần của cải cách kinh tế, thậm chí dù cho chính sách kinh tế của ông hoàn toàn khác biệt về hình thức cũng như thực chất của chính sách đã được thông qua dưới thời Đặng Tiểu Bình.
Đặng Tiểu Bình đã bắt đầu việc gắn kết chính sách riêng của mình với nhà lãnh đạo vĩ đại. Tập Cận Bình giờ đây khéo léo duy trì truyền thống đó. BBC trích dẫn một bài xã luận trên "Nhân dân Nhật báo" khuyến nghị rằng tiếp tục cải cách kinh tế là “hoạt động tưởng niệm tốt nhất” Mao Trạch Đông. 
Hoạt động tưởng niệm Mao Trạch Đông thực chất là để tô vẽ Tập Cận Bình. Quan trọng hơn, lần sinh nhật thứ 120 của Mao mang lại cho Tập Cận Bình cơ hội đánh giá lại lịch sử, gắn kết ý tưởng riêng của mình với Mao Trạch Đông. Đó có thể là sinh nhật của Mao, song nó là bữa tiệc của Tập Cận Bình. 

Theo trang mạng "The Diplomat"

Thùy Anh (gt)