Hội nghị Trung ương 5 khóa 17 của đảng (Đảng Cộng sản Trung Quốc) chỉ rõ hiện nay và thời kỳ sau này, tình hình thế giới, tình hình trong nước tiếp tục thay đổi sâu sắc, sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc sẽ bộc lộ rõ những đặc trưng mang tính giai đoạn mới. Tổng hợp nhận định về tình hình quốc tế và tình hình trong nước sẽ thấy sự phát triển của Trung Quốc vẫn nằm trong thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng có thể thỏa sức phát huy thế mạnh, vừa đứng trước cơ hội lịch sử hiếm có, vừa đối mặt với nhiều rủi ro thách thức có thể dự đoán cũng như khó có thể dự đoán được. Trung Quốc phải tăng cường ý thức về cơ hội và ý thức về hoạn nạn, nắm chắc một cách khoa học các quy luật phát triển, chủ động thích ứng với sự thay đổi của môi trường, hóa giải một cách hữu hiệu các loại mâu thuẫn, thúc đẩy hơn nữa cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội của đất nước. Kiểu trình bày và phân tích này đã khái quát một cách toàn diện và chính xác về môi trường trong và ngoài nước của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội thời kỳ thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, chỉ rõ mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ của công tác ngoại giao hiện nay cũng như sau này, có ý nghĩa chỉ đạo và ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Muốn nắm chắc và tận dụng tốt thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, thúc đẩy các mặt công tác của giai đoạn mới trong sự nghiệp phát triển, phải nhận thức một cách chính xác môi trường bên ngoài tác động tới sự nghiệp phát triển cũng như vị thế quốc tế của đất nước, nắm bắt một cách chính xác phương hướng sách lược ngoại giao cơ bản của đất nước. 

Phán đoán một cách khoa học tình hình quốc tế và môi trường bên ngoài là tiền đề quan trọng thực hiện phát triển đất nước. Đặc trưng nổi bật của thế giới hiện nay là ba xu thế lớn, gồm toàn cầu hóa, đa cực hóa, thông tin hóa phát triển mạnh mẽ, ngày càng trở thành nhân tố chủ đạo quyết định tương lai thế giới. Xu thế toàn cầu hóa kinh tế phát triển nhanh chóng, thương mại và đầu tư quốc tế sôi động chưa từng có, mối liên hệ về kinh tế và tài chính giữa các nước chặt chẽ hơn, sự nương tựa vào nhau ngày càng mạnh. Giữa các nước có sự đan xen, không thể tách rời khỏi nhau. Sự phát triển của xu thế toàn cầu hóa kinh tế đã thúc đẩy giao lưu và tác động qua lại, nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh phân phối tài nguyên toàn cầu, kích thích tiến bộ khoa học kĩ thuật, tạo ra nhiều của cải vật chất, tinh thần hơn và làm thay đổi thế giới quan của mọi người. Quan niệm về “thôn toàn cầu” ngày càng đi sâu vào trái tim con người, giờ tất cả các nước đã trở thành các “thôn dân” của “thôn toàn cầu”, một “thôn dân” hưng thịnh cả thôn cùng hưng thịnh, một “thôn dân” thiệt hại, cả thôn cùng thiệt hại.

Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng gây ra tác dụng phụ không thể xem nhẹ. Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn nổ ra ở Mỹ năm 2008 gây chấn động mạnh tới hệ thống tài chính, cuối cùng đã làm bùng lên khủng hoảng tài chính toàn cầu. Không những tất cả các nước đều phải gánh chịu hậu quả, mà nền kinh tế toàn cầu cũng bị giáng đòn nặng nề. Những rối ren ở Trung Đông khiến mọi người lo lắng về nguồn cung dầu mỏ của thế giới, làm giá dầu thế giới không ổn định. Nhật Bản xảy ra động đất đặc biệt lớn không chỉ khiến thị trường chứng khoán Tôkyô sụt giảm mạnh, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán châu Á và thị trường chứng khoán Âu-Mỹ. Có thể nói, toàn cầu hóa đã trở thành con dao hai lưỡi mà tất cả các nước trên thế giới đều phải đối diện với nó, nước nào có thể tích cực ứng phó, khéo léo dẫn dắt, nước đó có thể giành quyền chủ động trong con sóng lớn toàn cầu hóa và có được vị trí có lợi trong cuộc cạnh tranh kinh tế quốc tế ngày càng khốc liệt.

Cùng song hành với xu thế toàn cầu hóa, xu thế đa cực hóa cũng đang phát triển nhanh chóng. Sau khi cục diện lưỡng cực chấm dứt, cùng với sự biến mất của cực này và sự lớn mạnh của cực khác trong so sánh sức mạnh quốc tế, thế giới phát triển theo hướng đa cực hóa. Mỹ vẫn là siêu cường quốc duy nhất thế giới hiện nay, sức mạnh tổng hợp của Mỹ vẫn dẫn đầu và vượt xa các nước khác. Tuy nhiên, sức mạnh của Mỹ rõ ràng cũng có sự hạn chế của nó, không thể muốn làm gì cũng được trong các vấn đề quốc tế. Các nước lớn hoặc nhóm nước đều đang hướng về mục tiêu trở thành cường quốc thế giới, đặc biệt là thực lực của những nước mới nổi tăng lên rõ rệt, ảnh hưởng đối với các vấn đề quốc tế giờ đã lớn hơn trước rất nhiều, làm thay đổi hữu hiệu cán cân so sánh lực lượng thế giới. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển năm 2010 là 6%, cao hơn so với mức 3,3% của toàn cầu và 2,4% của các nước phát triển. Hợp tác giữa các nước mới nổi thuộc nhóm BRICS đang trên đà phát triển. Về tổng thể, các lực lượng lớn trên thế giới dần dần hình thành mối quan hệ kiềm chế và cân bằng lẫn nhau, các nước lớn vừa nương tựa vào nhau, vừa chế ngự nhau, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau, lợi ích các bên đan xen nhau, thúc đẩy cục diện thế giới phát triển theo hướng đa cực hóa và đa nguyên hóa.

Một xu hướng khác không thể xem nhẹ là thông tin hóa đang làm biến đổi thế giới một cách sâu sắc và nhanh chóng. Tiến bộ công nghệ mạng và thông tin hóa thay đổi hàng ngày, tốc độ vận hành và khả năng xử lý dữ liệu của máy vi tính ngày càng được nâng lên rõ rệt, vòng quay cho ra đời các loại sản phẩm thông tin điện tử mới được rút ngắn, việc xây dựng hệ thống mạng ngày càng phổ biến, dịch vụ mạng ngày càng phong phú... Tất cả đã thúc đẩy tiến trình thông tin hóa xã hội, đưa thế giới tiến vào thời đại bùng nổ thông tin. Thông tin hóa đã nâng cao rất nhiều năng lực và hiệu quả thu nhận và truyền bá thông tin của con người, đồng thời mang tới cho thế giới những vấn đề mới, chưa từng có. Vấn đề an ninh mạng và an ninh thông tin ngày càng nổi cộm, các vụ tấn công của hacker ngày càng nhiều, sự kiện WikiLeaks đã gây ra cơn địa chấn lớn đối với ngoại giao Mỹ và làm thay đổi phương thức hành vi của ngoại giao truyền thống.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của 3 xu thế lớn trên, Trung Quốc tiến vào thời kỳ then chốt trong sự nghiệp xây dựng xã hội khá giả toàn diện, và đây cũng là thời kỳ đi sâu cải cách mở cửa, đẩy nhanh việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế. Sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc được nâng lên mạnh mẽ, đối ngoại mở cửa không ngừng mở rộng, Trung Quốc ngày càng liên hệ chặt chẽ với thế giới. Quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới đang diễn ra những thay đổi mang tính lịch sử. Tổng lượng kinh tế của Trung Quốc đã vượt lên đứng thứ hai thế giới. Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, nước dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã đưa 450 triệu người thoát khỏi nghèo khó. Trong ứng phó với khủng hoảng tài chính quốc tế, Trung Quốc đã phát huy vai trò quan trọng. Năm 2009, tỉ lệ đóng góp của Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế thế giới là hơn 50%, Trung Quốc đã đạt được thành tựu nổi bật trên phương diện phát triển ngành công nghệ mới nổi, công nhệ cao như công nghệ chế tạo siêu máy tính, công nghệ đường sắt cao tốc và công nghệ vũ trụ… Trung Quốc đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như Olympic Bắc Kinh, Triển lãm Thế giới Thượng Hải, Á vận hội Quảng Châu và nhận được sự khen ngợi rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc tích cực tham dự vào tiến trình cải cách hệ thống tài chính kinh tế quốc tế, hiện nay Trung Quốc là thành viên có quyền bỏ phiếu lớn thứ 3 tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB. Vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc được nâng lên rõ rệt. Là nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc phát huy vai trò mang tính xây dựng tích cực ngày một quan trọng trên vũ đài quốc tế. Mối quan tâm của cộng động quốc tế đối với sự phát triển của Trung Quốc tăng cao chưa từng có, sự nhiệt tình tìm hiểu và nhận thức về Trung Quốc mãnh liệt chưa từng có, tính tích cực trong việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc tăng cao chưa từng có. Có thể nói mấy trăm năm trở lại đây, dân tộc Trung Quốc chưa bao giờ mở mày mở mặt trên thế giới như hiện nay, đây là niềm tự hào của con cháu Viêm Hoàng.

Rõ ràng, sự nghiệp phát triển của Trung Quốc đã đạt được thành tựu mà cả thế giới công nhận, nhưng tình hình của Trung Quốc vẫn chưa có sự thay đổi mang tính căn bản, sự thực rằng Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển vẫn chưa được thay đổi căn bản, cách nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về Trung Quốc cũng chưa có sự thay đổi cơ bản. Trung Quốc hiện nay và về lâu dài vẫn nằm trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, dân số đông, nền tảng mỏng yếu, phát triển không cân bằng. Trình độ sản xuất của Trung Quốc không cao, kết cấu ngành nghề vẫn còn bất hợp lý, năng lực tự chủ sáng tạo chưa mạnh, các mâu thuẫn mang tính kết cấu vẫn nổi cộm. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn nằm ở nhóm các nước đang phát triển có thu nhập thấp, chỉ bằng 1/13 của Mỹ, 1/10 của Nhật Bản. Theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc, Trung Quốc vẫn còn 150 triệu người sống dưới mức nghèo khổ. Sự phát triển của Trung Quốc bị hạn chế bởi nút thắt tài nguyên, năng lượng, môi trường… Con đường hiện đại hóa của Trung Quốc vẫn còn dài.

Xem xét ở khía cạnh quốc tế, không ít người vẫn thiếu hiểu biết, nghi ngờ, hiểu lầm, thậm chí còn rất thành kiến đối với Trung Quốc. Một số thế lực không muốn nhìn thấy Trung Quốc phát triển lớn mạnh, tìm trăm phương nghìn kế để ngăn chặn Trung Quốc phát triển. Người ta thấy xuất hiện liên tục các kiểu thuyết về Trung Quốc như thuyết “mối đe dọa từ Trung Quốc”, thuyết về “ trách nhiệm của Trung Quốc”… với các phiên bản đổi mới liên tục. Về tổng thể, Trung Quốc càng phát triển, ảnh hưởng quốc tế càng lớn, môi trường bên ngoài của sự phát triển của Trung Quốc ngày càng phức tạp, những áp lực và thách thức mà phát triển phải gánh chịu ngày càng nhiều.

Đối mặt với môi trường bên ngoài phức tạp, Trung Quốc phải giữ cho đầu óc tỉnh táo, tăng cường ý thức về hoạn nạn, tính toán tới cả cục diện lớn trong nước và quốc tế, bình tĩnh quan sát, không vội vàng, ứng phó bình tĩnh. Xét về tổng thể, Trung Quốc phải giương cao ngọn cờ hòa bình, phát triển, hợp tác, thực thi chính sách ngoại giao hòa bình độc lập tự chủ, kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, tích cực tham dự hợp tác quốc tế, bảo vệ lợi ích chủ quyền, an ninh, phát triển, cùng các nước trên thế giới thúc đẩy xây dựng thế giới hài hòa, hòa bình lâu dài, cùng phồn vinh, tạo điều tiện và môi trường bên ngoài có lợi hơn cho sự nghiệp xây dựng hiện đại hóa của đất nước.

Phát triển hòa bình là đường hướng chính của ngoại giao Trung Quốc. Kiên trì phát triển hòa bình không chỉ là yêu cầu tất yếu của việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả, cũng là yêu cầu tất yếu về trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế mà Trung Quốc phải thực thi với tư cách là “thôn dân” của “thôn toàn cầu”. Hiện nay, sự phát triển của Trung Quốc không tách rời khỏi sự phát triển của thế giới. Sự phát triển của Trung Quốc gắn chặt với thế giới, phồn vinh và ổn định của thế giới cũng không tách rời khỏi Trung Quốc. Không có môi trường bên ngoài hòa bình ổn định, Trung Quốc không thể nói tới phát triển. Trung Quốc không có hòa bình phát triển, hòa bình ổn định của Trung Quốc cũng không thể thực hiện được. Nhìn từ lợi ích căn bản và lâu dài của Trung Quốc, cũng như lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân toàn thế giới, Trung Quốc đều phải kiên trì hòa bình phát triển và không có lựa chọn nào khác.

Lợi ích của đất nước và người dân là xuất phát điểm và cũng là điểm dừng chân của ngoại giao Trung Quốc. Ngoại giao phục vụ lợi ích đất nước, đây là tiêu chuẩn được thế giới công nhận. Ngoại giao của bất cứ nước nào đều phải triển khai phục vụ lợi ích quốc gia. Bảo vệ lợi ích chủ quyền an ninh và phát triển là nhiệm vụ hàng đầu của ngoại giao Trung Quốc hiện nay và mai sau. Từ trước tới nay, nhân dân Trung Quốc vẫn luôn coi trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, cho dù là trước đây, hiện nay hay tương lai, Trung Quốc luôn kiên định lập trường về vấn đề lợi ích cốt lõi, tuyệt đối không thỏa hiệp, nhượng bộ. Dưới tiền đề này, là một thành viên của cộng đồng quốc tế và “thôn toàn cầu”, cùng với việc bảo vệ lợi ích bản thân, Trung Quốc cũng muốn cân nhắc tới lợi ích của đại đa số thành viên cộng đồng quốc tế, nỗ lực kết hợp lợi ích của đất nước với lợi ích của cộng đồng quốc tế, làm sao để hai bên cùng thắng. “Ngoại giao vì con người” là biểu biện cụ thể của việc lấy con người làm gốc trong lĩnh vực ngoại giao. Tôn chỉ của Trung Quốc là toàn tâm toàn lực phục vụ nhân dân, phải kiên trì ngoại giao vì dân, dựa vào dân, phục vụ nhân dân phải lấy việc xem xét có phù hợp với lợi ích quảng đại quần chúng nhân dân hay không làm tiêu chuẩn căn bản đánh giá công tác ngoại giao. Phải nghĩ những điều nhân dân nghĩ, lo những điều nhân dân lo và cung cấp cho nhân dân những gì nhân dân cần, lắng nghe một cách đầy đủ nguyện vọng và tiếng nói của quần chúng nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân trong tim mình. 

Thực sự cầu thị là chỗ dựa căn bản của ngoại giao Trung Quốc. Giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị là đường hướng tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là bảo bối quan trọng nhằm thúc đẩy thuận lợi công tác ngoại giao. Hiện nay tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, tình hình mới, vấn đề mới liên tục xuất hiện, ngoại giao đứng trước cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với các thách thức chưa từng có. Trong bối cảnh đó, ngoại giao không có tiền lệ để bước theo, cũng không có con đường vạch sẵn, chỉ có thể mạnh dạn tìm tòi, dấn tới. Phải kiên trì quan điểm tất cả phải xuất phát từ thực tế, phân tích khách quan, phán đoán một cách khoa học về xu hướng tình hình, vừa phải nhìn thấy mặt có lợi của tình hình, vừa phải nhìn thấy mặt bất lợi của tình hình; vừa phải nắm chắc thời cơ hiếm có, vừa phải ứng phó một cách ổn thỏa với các loại thách thức; vừa không được bi quan thất vọng, cũng không được tỏ ra cứng rắn một cách mù quáng. Phải nắm chắc dòng chính và dòng phụ, phân rõ các loại quan hệ lợi ích, kiên trì nguyên tắc, lưu ý tới sách lược, nỗ lực học tập noi gương các nước trên thế gới, đặc biệt là kinh nghiệm ngoại giao của các nước lớn, không ngừng hoàn thiện thể cơ chế thể chế, dùng tư duy chiến lược và tầm nhìn rộng để xem xét và xử lý những vấn đề phức tạp, kiên trì phát huy đặc sắc truyền thống của bản thân, đi theo con đường ngoại giao xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc. Phải mở rộng hợp tác giao lưu với các nước phát triển, tăng cường tin tưởng lẫn nhau, nâng cao mức độ hợp tác. Làm sâu sắc hơn hợp tác hữu hảo với các nước xung quanh và nước láng giềng, bảo vệ hòa bình ổn định của khu vực, thúc đẩy cùng phát triển cùng phồn vinh. Tăng cường hợp tác đoàn kết với các nước đang phát triển, làm sâu sắc tình hữu nghị truyền thống, bảo vệ lợi ích chung. Đi sâu triển khai ngoại giao đa phương, tích cực tham gia hợp tác quốc tế. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân và doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài. Tăng cường ngoại giao công cộng, triển khai rộng rãi sự qua lại nhân dân, thúc đẩy giao lưu nhân văn, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và nhân dân các nước. 

Theo Thời báo Học tập

 Hương Trà (gt)