Khi mà phản đối của Mỹ đối với yêu sách của Trung Quốc là việc có thể hiểu được, thì mức độ và thời điểm những phản ứng của Indonesia và Việt Nam lại gây nhiều chú ý.

Ngày 5/12, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố nghiên cứu phân tích về tính hợp pháp của "đường chín đoạn" của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Bản báo cáo đã đặt vấn đề chủ quyền sang một bên và tập trung phân tích "các cách diễn giải có thể có của yêu sách ‘đường chín đoạn’ cũng như mức độ mà các diễn giải đó có thể phù hợp với luật biển quốc tế". Báo cáo chỉ ra rằng đường phân định yêu sách chủ quyền đối với các thực thể đảo và vùng lãnh hải, theo cách diễn giải ở mức khiêm tốn nhất, thì yêu sách này có thể phù hợp với luật pháp quốc tế, tuy nhiên cần nhấn mạnh một điều rằng chủ quyền tối thượng là vấn đề cần phải được giải quyết giữa các bên tranh chấp.

Bản báo cáo còn nêu rõ, nếu coi "đường chín đoạn" như là một đường biên giới quốc gia, thì đường này "không có cơ sở pháp lý dựa trên các điều khoản theo luật biển", do tính chất đơn phương của yêu sách và mâu thuẫn về khoảng cách giữa các thực thể đảo và vùng lãnh hải. Bên cạnh đó, mặc dù nhiều nhà bình luận cho rằng Trung Quốc đưa ra các yêu sách chủ quyền của mình dựa trên cơ sở các quyền "lịch sử" trước khi có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tuy nhiên thì bản báo cáo đã phản bác lại rằng ý kiến trên, cho rằng lập luận về lịch sử mà Trung Quốc đưa ra cũng không phù hợp với phạm trù hẹp về “quyền lịch sử đã được công nhận” theo UNCLOS. Điểm cuối cùng, báo cáo này nhấn mạnh rằng do Trung Quốc vẫn chưa đệ trình bất cứ tuyên bố chủ quyền chính thức nào ủng hộ tính pháp lý của "đường chín đoạn", do đó sự mập mờ về ý nghĩa và toạ độ chính xác của “đường chín đoạn” đã làm suy yếu lập luận của Trung Quốc rằng họ có chủ quyền trên biển đối với vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn”. Báo cáo kết luận:

"Những luận điểm trên đã chỉ ra rằng, trừ phi Trung Quốc làm rõ được yêu sách ‘đường chín đoạn’ chỉ là yêu sách về các thực thể đảo nằm trong đó cũng như các vùng biển xung quanh mà các thực thể đảo này được hưởng theo quy định của luật biển quốc tế, như đã được thể hiện trong UNCLOS, nếu không thì yêu sách này của Trung Quốc là không phù hợp với luật biển quốc tế". 

Mặc dù phân tích trên nêu lại các lập trường chính sách trước đó của Mỹ, thì điều khá bất ngờ là những phán ứng thẳng thắn của Indonesia, nước đã xây dựng được uy tín với vai trò là quốc gia điều phối trong ASEAN trong việc đàm phán với Trung Quốc và cố gắng kiềm chế yêu sách chồng lấn giữa đường chín đoạn của Trung Quốc với vùng EEZ quanh đảo Natuna. Ngày 9/12, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Cố vấn cao cấp của Tổng thống Indonesia, ông Luhut Binsar Panjaitan, đã khẳng định lập trường "rất vững chắc" rằng "chủ quyền là không thể thương lượng", trong khi nhấn mạnh đối thoại nhằm kiểm soát một cách hòa bình các vấn đề nảy sinh trong tranh chấp. Trả lời câu hỏi từ một khán giả, ông Panjaitan cho rằng việc hợp tác cùng với Chevron (công ty dầu lửa của Mỹ) để khai thác các mỏ khí đốt ngoài khơi Natuna sẽ "gửi một tín hiệu đến Trung Quốc” rằng “với sự hiện diện của Mỹ thì Trung Quốc hãy từ bỏ các ý đồ ở đây". Trong khi đó, Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp của Indonesia, Susi Pudjiastuti, nhấn mạnh rằng sau khi đánh đắm các tàu Việt Nam, hải quân Indonesia cho biết họ đã bắt giữ các tàu đánh cá được coi là bất hợp pháp trong đó có 22 tàu của Trung Quốc và lên kế hoạch đánh đắm 5 tàu của Thái Lan.

Như tác giả Prashanth Parameswaran nêu trên trang mạng "The Diplomat", Indonesia đang cố gắng cân bằng: vừa bảo vệ các lợi ích chủ quyền của mình trong nỗ lực gắn sáng kiến "Trục hàng hải" của Tổng thống mới Joko Widodo với "Con đường tơ lụa trên biển" của Tập Cận Bình, vừa đóng một vai trò chủ đạo trong Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á của Trung Quốc. Đối với một số nhà quan sát, việc đánh đắm các tàu Trung Quốc và Thái Lan hiện nay là cần thiết nhằm đảm bảo công bằng, không thiên vị của Indonesia, tuy nhiên ý kiến khác cho rằng những hành động như vậy có thể là không cần thiết khi Trung Quốc cảnh báo rằng sẽ không tha thứ các hành động như vậy.

Việt Nam cũng đã hành động bất ngờ liên quan đến "đường chín đoạn", đây là động thái được cho là đã được tranh luận từ lâu, tuy nhiên thời điểm đưa ra thì đã gây chú ý. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố rằng họ đã đệ trình lên Tòa án Trọng tài quốc tế về luật biển tại La Hay, cơ quan có nhiệm vụ xử lý đơn kiện của Philippines. Việt Nam đã yêu cầu các quyền và lợi ích của mình cần được xem xét trong quá trình phán quyết. Việt Nam ủng hộ lập trường của Philippines với lập luận rằng "đường chín đoạn" của Trung Quốc là "không có cơ sở pháp lý". Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhấn mạnh rằng hành động này là nhằm bảo vệ "lợi ích của Việt Nam giống như Philippines đang làm khi họ trực tiếp chống lại Trung Quốc". Giáo sư Carl Thayer đã cho rằng đây là "cách đơn giản nhất để tham gia vào vụ phân xử, mà không cần khởi kiện cùng với Philippines". Giáo sư Thayer cũng phát biểu với tờ Bloomberg News rằng hành động này "nâng tầm quan trọng vụ kiện trong tại Tòa án trọng tài". 

Nếu hành động của Mỹ, Indonesia và Việt Nam đều gây ngạc nhiên thì các phản ứng của Trung Quốc ngược lại. Ngày 7/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho công bố Sách Trắng của nước này về vụ kiện của Philippines. Tài liệu này nói rằng chính sách của Trung Quốc, thể hiện trong tuyên bố năm 2006 của nước này liên quan đến việc phê chuẩn UNCLOS, không coi phán quyết của trọng tài về các tranh chấp trên biển là mang tính bắt buộc (với Trung Quốc). Ngoài ra, tài liệu này nêu rõ, trong khi việc phân xử của toà trọng tài hiện nay, bề ngoài có vẻ như chỉ về xét về sự hợp pháp của "đường chín đoạn" theo luật pháp quốc tế, tuy nhiên thì bản chất lại là việc phân định trên biển và chủ quyền lãnh thổ. Tài liệu nêu rõ cho đến khi vấn đề về chủ quyền đối với các thực thể đảo ở Biển Đông có được kết luận cuối cùng, thì không thể xác định được phạm vi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vượt quá khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Trên thực tế, Trung Quốc khăng khăng lập trường rằng chỉ sau khi nước này tiến hành và kết thúc các đàm phán song phương về chủ quyền lãnh thổ với các nước thì mới có thể thảo luận về "đường chín đoạn" . Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể đúng khi cho rằng Philippines đang cố gắng thúc đẩy vấn đề thuộc chủ quyền lãnh thổ, nhưng lập luận của họ rằng điều đó sẽ cản trở được việc soi xét về tính pháp lý của "đường chín đoạn" dựa trên luật pháp quốc tế là điều hết sức phi lý.

Sau cùng, như Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố, cũng như trong các văn bản của họ đã khẳng định rằng nước này sẽ “không chấp nhận và cũng không tham gia vụ kiện” của Philippines. Tương tự như vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phát biểu về đệ trình của Việt Nam lên Tòa án trọng tài rằng "Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận một tuyên bố chủ quyền như vậy". Do đó, các nước cần thận trọng tính toán những lợi ích có thể có của hành động pháp lý. Một số nhà nghiên cứu như Richard Javad Heydarian, giáo sư chính trị học tại Đại học De La Salle, chỉ ra những thiệt hại kinh tế mà Philippines phải gánh chịu như chi phí cơ hội và nguy cơ làm xấu đi môi trường trong nước và quốc tế do việc giải quyết các tranh chấp.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng đặt cược vào việc sử dụng các biện pháp pháp lý để xử lý tranh chấp và tin tưởng vào khả năng phán quyết của toà án, trong khi đó Trung Quốc có thể vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy các yêu sách của mình, nhưng chính việc này sẽ ngày càng cho thấy rằng họ đang vi phạm luật pháp quốc tế.

Scott Cheney-Peters, Chủ tịch Trung tâm An ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC)

Duy Anh (gt)