Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc bao trùm một loạt lĩnh vực như chính trị, văn hóa, quân sự, kinh tế, công nghệ và môi trường. Tuy nhiên, các tổ chức doanh nghiệp và các nhà ngoại giao nước ngoài cho rằng bộ luật này rất mơ hồ và lo ngại rằng nó sẽ cho phép các thanh sát viên Trung Quốc được kiểm tra các công ty công nghệ nước ngoài sản xuất ở Trung Quốc, từ đó bí mật công nghệ sẽ bị lộ.

Bà Trịnh Thư Na, Phó Chủ tịch Ủy ban Lập pháp thuộc NPC, đã bác bỏ những quan ngại trên và nói rằng Trung Quốc hoan nghênh “tất cả doanh nghiệp các nước tới hoạt động ở Trung Quốc và sẽ cung cấp các dịch vụ hợp pháp theo quy định của pháp luật”. Phát biểu tại cuộc họp báo, bà nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường phát triển hòa bình nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không từ bỏ các quyền chính đáng và sẽ không hy sinh các lợi ích cốt lõi của mình”. Vấn đề an ninh chủ quyền trên biển và trên không nằm trong số các lợi ích cốt lõi mà theo NPC, Trung Quốc sẽ thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ. 

Trong một bài viết ngày 1/7, nhật báo Mỹ “International Business Times” đã cho rằng luật an ninh mới sẽ giúp Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông và khiến cho tình hình vốn đã căng thẳng lại càng nghiêm trọng thêm. Theo tác giả bài báo, cho đến giờ, Bắc Kinh chủ yếu dựa vào thế mạnh quân sự để tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông. Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng các rạn san hô mà họ lấy từ tay Việt Nam và Philippines thành đảo nhân tạo, và tạo ra các cơ sở quân sự trên đó, mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào.

Trong tình hình đó, theo bà Bonnie Glaser - chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington - luật mới về an ninh sẽ "chắp cánh" cho Trung Quốc quyết đoán hơn: “Trung Quốc sẽ trích dẫn luật, cùng với nhiều bộ luật nội địa khác để biện minh cho những hành động của họ ở Biển Đông”.

Bộ luật an ninh quốc gia là một phần trong số các bộ luật của chính phủ - gồm các bộ luật về chống khủng bố, an ninh mạng và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài - chịu sự chỉ trích từ chính phủ các nước, giới doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự nước ngoài. Các chính sách này - rất nhiều trong số đó đề cập vấn đề an ninh mạng - được đưa ra sau khi cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã cài mật mã trong các sản phẩm công nghệ xuất khẩu của Mỹ để theo dõi các mục tiêu nước ngoài.

Trong tuyên bố được gửi qua email, nhà phân tích Samm Sacks thuộc tổ chức tư vấn Eurasia có trụ sở tại Mỹ viết: “Việc các luật riêng rẽ cùng được đưa ra cho thấy cam kết mạnh mẽ của Bắc Kinh cũng như ảnh hưởng ngày càng tăng lên của các nhân vật có quan điểm cứng rắn đang định hình chương trình nghị sự về lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc”.

Giới chỉ trích cho rằng tính chất bao trùm của bộ luật mới này, từ vấn đề chủ quyền dưới biển và trên không đến “những ảnh hưởng văn hóa có hại”, cấu thành bộ luật an ninh quá tham vọng. Việc thông qua bộ luật này cũng diễn ra đồng thời với cuộc trấn áp những người bất đồng chính kiến, khi chính phủ bắt giữ và bỏ tù các nhà hoạt động chính trị, đồng thời đổ lỗi cho “các thế lực bên ngoài” tiến hành cuộc biểu tình vì dân chủ ở Hong Kong năm 2014. Theo bộ luật mới, Hong Kong và Macao phải "thực thi trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia". Bộ luật cũng đề cập đến tội phản động và kích động nổi dậy. Điều này có thể làm dấy lên nhiều lo ngại rằng Bắc Kinh đang cố tình can thiệp luật pháp của Hong Kong.

Duy Anh (gt)