Những vấn đề có liên quan đến các tranh chấp và mâu thuẫn lợi ích tại khu vực biển Đông là vô cùng phức tạp. Chúng bao gồm những cân nhắc tính toán từ các góc độ luật pháp, kỹ thuật, chính trị nội bộ, chính trị quốc tế, chiến lược và kinh tế. Thật không may rằng do cố gắng làm cho mọi thứ trở nên dễ hiểu đối với công chúng, do thiếu hiểu biết, hay vì cả hai lý do trên mà các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần làm rối rắm thêm tình hình, chủ yếu bằng cách đơn giản hoá quá mức các vấn đề vốn đã rất phức tạp. Sự rối rắm này lại bị làm phức tạp thêm bởi các quan chức, những người lẽ ra phải hiểu rõ vấn đề hơn ai hết, và do những tuyên bố của họ dù có thể sai lạc nhưng vẫn được các phương tiện thông tin đại chúng ghi lại, v.v.

Vấn đề đầu tiên là cần phải phân biệt giữa đất liền và biển, giữa các tuyên bố chủ quyền đối với các điểm có đất liền ở Biển Đông và những yêu sách đối với các vùng biển mà những điểm đảo đó có thể tạo ra hoặc không. Ở đây, cần nhớ rằng đất liền sẽ sinh ra các quyền tài phán trên biển chứ không phải là ngược lại. Có những tranh chấp thực sự về chủ quyền đối với các điểm đảo tại khu vực Biển Đông giữa Trung Quốc/Đài Loan với Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa, giữa Trung Quốc/Đài Loan với Việt Nam, phần nào đó có cả Phi-líp-pin và Ma-lai-xia, đối với quần đảo Trường Sa. Theo như tôi được biết, Brunây không tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ điểm đảo nào ở Biển Đông mà tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển mở rộng, xem đó như là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng đánh cá nhô ra từ lãnh thổ của Brunây, nhưng vùng mở rộng đó lại chồng lấn với những vùng mà các nước khác đã tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, không nước nào xác định được giới hạn của các vùng biển mà nước đó tuyên bố chủ quyền. Đồng thời, việc khẳng định “chủ quyền thông thể tranh cãi” đối với Biển Đông, điều mà Bắc Kinh đang làm hiện nay, mâu thuẫn với một thực tế rằng các vùng biển lớn cũng như là rất nhiều các điểm đảo trong khu vực này đều đang bị tranh chấp.

Là một bộ luật về các đại dương, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 không đề cập gì đến các tranh chấp về quyền tài phán đối với các điểm đảo. Các tranh chấp đã và đang diễn ra trên thế giới hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, là tranh chấp giữa hai bên, do đó có thể giải quyết được thông qua đàm phán song phương hay đưa tranh chấp đó ra toà án quốc tế, mặc dù trong một số trường hợp có thể gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Công ước Luật biển 1982 có đề cập một chút đến các vùng nước được tạo ra bởi các điểm đảo mà không thông qua các phán quyết về các tuyên bố chủ quyền còn đang tranh cãi.

Điều này đưa chúng ta đến với một vấn đề khác gắn liền với Biển Đông, vấn đề về đảo và đá. Điều 121 của Công ước Luật biển 1982 quy định “Đảo là vùng đất hình thành tự nhiên, được bao bọc bởi nước và nằm cao hơn nước khi thuỷ triều lên”. Nó cho thấy rằng một hòn đảo được định nghĩa như vậy có thể tạo ra lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giống như bất kỳ lãnh thổ đất liền nào khác. Mặt khác, cũng theo điều 121 thì “Đá, nơi không thể duy trì sự sống của con người hay có đời sống kinh tế riêng, không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”. Dựa vào điểm này, có thể thấy rằng không nước nào có tuyên bố chủ quyền đối với các điểm đất liền ở khu vực Biển Đông từng chỉ rõ những điểm đó là đảo hay là đá như được định nghĩa tại điều 121 Công ước Luật biển 1982, mà có lẽ đều muốn giữ cho mình một sự “mơ hồ chiến lược”.

Sự rắc rối nảy sinh từ sự thất bại, bất khả, từ chối hay miễn cưỡng phân biệt giữa đảo và đá, giữa đất liền và nước là do xu hướng đồng nhất “lãnh thổ” với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Công ước Luật biển 1982 trao các quyền và nghĩa vụ cụ thể khác nhau cho các quốc gia ven biển và các nước khác đối với từng quyền tài phán này. Tuy nhiên, các phương tiện thông tin đại chúng hay thậm chí là các quan chức, nhằm phục vụ lợi ích của bản thân hay do thiếu hiểu biết, đã không có được những sự phân biệt hết sức quan trọng này.

Pháp quyền và khu vực Biển Đông

Tất cả các nước tuyên bố chủ quyền đối với các điểm đất liền ở Biển Đông và “các vùng biển tiếp giáp” đều là thành viên của Công ước Luật biển 1982. Tất cả các văn bản ký kết trong phạm vi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, hay ASEAN, về Biển Đông đều kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982. Những văn bản này bao gồm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 mà Trung Quốc và tất cả các nước ASEAN đều đã ký kết. Bản Tuyên bố đã hai lần nhắc đến “các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982”. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một quốc gia thấy rằng các quy định của luật pháp quốc tế không phù hợp với lợi ích sống còn hoặc “cốt lõi” của mình hay không có lợi cho các sách lược mà quốc gia đó đã lựa chọn?

Một ví dụ cho trường hợp này là đường yêu sách chín đoạn gần như ôm trọn lấy Biển Đông trên những bản đồ chính thức của Trung Quốc. Một tấm bản đồ như vậy được chính quyền Trung Hoa Dân Quốc lúc đó đang nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc, đưa ra lần đầu tiên vào năm 1947 và chính thức đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc bởi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm 2009. Bất chấp những câu hỏi mà các nước ASEAN đặt ra, bao gồm cả những nước tuyên bố chủ quyền và không tuyên bố chủ quyền, Bắc Kinh luôn từ chối cho biết chính xác đường chín đoạn có ý nghĩa gì. Liệu nó có nghĩa rằng Trung Quốc/Đài Loan tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các vùng biển nằm trong đường chín đoạn? Hay chỉ đối với các điểm đảo nằm trong nó và các vùng biển tạo ra bởi các điểm đó một cách hợp pháp? Cả Trung Quốc và Đài Loan đều không trả lời được các câu hỏi trên. Thực sự thì đường chín đoạn, chạy từ khoảng giữa Đài Loan và đảo Luzon, dọc theo sát bờ biển phía tây đảo Luzon, Palawan và Đông Ma-lai-xia, rồi ngược lên dọc theo bờ biển phía Đông của Việt Nam, không được định vị chính xác bằng hệ toạ độ và do đó chỉ đơn thuần là một đường vẽ trên bản đồ mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Liệu việc từ chối xác định vị trí chính xác của đường chín đoạn cũng như chỉ rõ các vùng mà đường này bao quanh có phải là một nỗ lực nhằm giữ “sự mơ hồ chiến lược” hay là dấu hiện cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh – và Đài Bắc – chưa đạt được sự nhất trí về vấn đề này, hay là cả hai?

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

ĐS. Rodolfo C. Severino

Bản gốc tiếng Anh "Rodolfo C. Severino - ISSUES AND INTERESTS IN THE SOUTH CHINA SEA"

Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực” do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.