Là một một đồng minh thân cận của Mỹ, Úc đứng trong thế “lưỡng nan” khi cán cân quyền lực khu vực thay đổi. Xác định lợi ích trọng tâm gắn liền với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, câu hỏi đặt ra với Canberra là quản trị thế trận giữa hai ông lớn để bảo vệ và truy cầu lợi ích của mình. Những diễn biến căng thẳng trong khu vực với điểm nóng Biển Đông đã thúc đẩy Úc đưa ra những bước đi thật sự chủ động trong chính sách đối ngoại. Có ba động thái đang được nhắc đến: một là thắt chặt hợp tác an ninh với đối tác đồng minh truyền thống, hai là ứng xử chủ động hơn trong vấn đề tranh chấp biển Đông và ba là những nổ lực hình thanh tam giác chiến lược với các đối tác an ninh mới.

Đồng minh Úc-Mỹ: duy trì và thắt chặt

Mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước chính thức được khởi đầu bằng Hiệp ước ANZUS (1951) vốn ban đầu có cả New Zealand. Lịch sử hợp tác quốc phòng giữa hai nước cho thấy những thành tựu ổn định và nhất quán. Chính phủ Úc qua nhiều thời kỳ đã đầu tư vào liên minh này bằng việc đóng góp trang bị và quân đội Úc với tư cách là lực lượng viễn chinh. Úc đã cùng chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ trong nhiều chiến dịch quân sự tại Triều Tiên, Việt Nam, Afghanistan và Iraq.

Bước vào thập kỉ 1990, ANZUS với tư cách là một di sản của thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn giữ nguyên vai trò chiến lược của mình. Năm 1990 đánh dấu kì Đối thoại cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao giữa Úc và Mỹ (AUSMIN) lần đầu tiên, thể hiện cam kết của Úc về trách nhiệm đồng minh với Mỹ. Các bước phát triển tiếp theo của mối quan hệ đồng minh truyền thống này vẫn tiếp diễn sau đó. Năm 1996, Mỹ và Úc ra tuyên bố chung Sydney, phác thảo nên “quan hệ đối tác chiến lược cho thế kỉ 21”. Trong tuyên bố này, việc gia tăng thời hạn cho thuê căn cứ tình báo phối hợp Pine Gap cũng như việc mở rộng triển vọng tập trận chung là những điểm nhấn. Đặc biệt, cũng trong cùng thời gian này, Úc đã ủng hộ Mỹ trong quyết định đưa tổ hợp chiến đấu hàng không mẫu hạm vào eo biển Đài Loan nhằm phản ứng lại việc Trung Quốc tập trận ở khu vực. Sự kiện đã được giới bình luận thế giới “nín thở” theo dõi song hành cùng thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống Đài Loan, để lại dấu ấn đầu tiên về bối cảnh đối đầu giữa một bên là hai đồng minh Úc-Mỹ và một bên là Trung Quốc.

Thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21 kết thúc đã tạo ra một bối cảnh rất khác cho quan hệ đồng minh của hai quốc gia. Đối với giới lãnh đạo ở Canberra, những chuyển biến trong tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã khiến cho những tính toán liên quan đến cam kết trách nhiệm với đồng minh Mỹ trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và quá trình “tái cân bằng” về châu Á của Mỹ rõ ràng là tâm điểm của các diễn biến căng thẳng ở châu Á – Thái Bình Dương. Úc cũng như các quốc gia khác trong khu vực đều buộc phải tính toán khả năng cân bằng ảnh hưởng giữa hai cường quốc.


Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Úc và Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ qua các năm. Nguồn: Vụ các vấn đề đối ngoại và thương mại Úc. (trong đó màu đỏ biểu thị cho thương mại hai chiều giữa Úc với Trung Quốc, màu vàng là giữa Úc với Nhật Bản và màu xanh là giữa Úc với Mỹ)

Biểu đồ trên cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều với Trung Quốc của Úc đến năm 2013 đã bằng gần gấp ba lần so với giá trị thương mại của Úc với Mỹ. Thế lưỡng nan giữa an ninh kinh tế và an ninh quân sự - chính trị của Canberra khá rõ ràng: quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc đi cùng với quan hệ an ninh thân cận với Mỹ. Nhận thức về việc Úc đang “mắc kẹt giữa hai làn sóng lớn” đang đóng vai trò tiền đề cho các cuộc tranh luận về đối ngoại tại quốc gia. Nhận thức này ăn sâu bắt rễ vào giới tinh hoa trong nhiều tranh luận nảy lưa từ việc ký kết một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, hay quyết định tham gia của Úc vào Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng (AIIB) cho Bắc Kinh khởi xướng gần đây. Một số học giả trong đó có Hugh White – Đại học Quốc gia Úc, cho rằng Canberra cần cân nhắc việc xác định vị trí của mình qua việc nỗ lực thuyết phục các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ thực hiện một thỏa thuận nào đó về việc chia sẻ quyền lực địa – chiến lược ở châu Á. Một số học giả khác thì kêu gọi Úc cần phát huy vai trò “cầu nối ngoại giao” trong các vấn đề nóng của khu vực. Một mặt ngăn chặn các hành động đơn phương của các cường quốc, mặt khác thúc đẩy những giải pháp ngoại giao đa phương. 

Trong khi một sự thăng bằng cân não sẽ tiếp tục diễn ra, các động thái của Úc liên quan đến các vấn đề an ninh-quốc phòng cho thấy một sự nhất quán. Tháng 11/2011, Úc đồng ý cho hải quân lục chiến Mỹ đóng quân tại căn cứ quân sự Darwin, trong bối cảnh Mỹ vừa hé lộ chiến lược tái cân bằng (hay còn gọi là “xoay trục châu Á”). Tháng 5/2013, Úc đã triển khai tàu chiến HMAS Sydney với tư cách là một phần của đội hình tác chiến kèm tàu sân bay USS George Washington hoạt động ở châu Á – Thái Bình Dương, hành động đã làm phật ý Bắc Kinh. Ngày 13/8/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cùng người đồng cấp David Johnston và Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop của Úc công bố Hiệp định Bố trí lực lượng Mỹ-Úc (U.S.-Australia Force Posture Agreement), mở ra những triển vọng hợp tác mới sâu sắc hơn giữa hai nước.

Một loạt các động thái nêu trên cho thấy Úc đã không ngừng củng cố liên minh sức mạnh với Mỹ. Quá trình này diễn ra đều đặn theo từng năm. Xu hướng này tuy vậy không đồng nghĩa rằng Canberra sẵn sàng đánh đổi mối quan hệ với Bắc Kinh. Mặc dù vậy, khoảng cách địa lý của Úc đã đang cho phép họ ít gặp khó khăn hơn với Trung Quốc khi tiến hành siết chặt mối liên kết an ninh với Mỹ. Vô hình trung, Úc lại trở thành mắt xích đắc lực nhất trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ trước Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương.

Úc với tranh chấp Biển Đông: trực diện và chủ động

Khi quan hệ Trung-Mỹ trong thế kỷ 21 đã trở nên đặc biệt đa dạng và phức tạp, bao trùm nhiều lĩnh vực và vấn đề khác nhau, thì một điểm nóng khu vực có thể mang yếu tố chiến lược toàn cầu. Vấn đề Biển Đông chính là một trong những khía cạnh như vậy. Thậm chí, có thể nói vấn đề Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng trong quan hệ Trung-Mỹ. Chính vì vậy, đánh giá cách một quốc gia trong khu vực, trong trường hợp này là Úc, xử lí cán cân ảnh hưởng Trung-Mỹ không nằm ngoài việc xem xét cách tiếp cận và lập trường của quốc gia này với vấn đề Biển Đông.

Trên lý thuyết, Úc xác định lợi ích của mình tại Biển Đông chủ yếu trên lập trường bảo đảm tự do và an ninh hàng hải, vốn có liên hệ trực tiếp tới giao thương của nước này. Điểm này được trình bày rất rõ trong Sách trắng Quốc phòng 2013 của Úc. Dù vậy trên thực tế, Úc không có quá nhiều can hệ tới vấn đề Biển Đông. Về địa lý, Úc nằm khá xa Biển Đông. Nước này cũng không là một trong các bên liên quan trực tiếp trong tranh chấp lãnh thổ (đảo/quần đảo) tại khu vực. Ngay cả lo ngại về việc tự do hàng hải bị đe dọa cho đến thời điểm này vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi trong giới chính sách Úc. Vấn đề Biển Đông vì vậy với Úc mang ý nghĩa chiến lược hơn là lợi ích trước mắt.

Giai đoạn trước năm 2015, Úc nhiều lần thể hiện thái độ trung lập của mình đối với các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Úc Bob Carr từng phát biểu trong chuyến thăm Thượng Hải tháng 5/2012 rằng: “Chúng tôi không đứng về phía nào trong số nhiều tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên chúng tôi có mối quan tâm tại Biển Đông, khi một phần lớn lưu lượng thương mại của chúng tôi đi qua khu vực này…” Một thông điệp có nội dung tương tự cũng được cựu thủ tướng Úc Julia Gillard đưa ra trong tháng 10/2012, trong đó đề cập rằng Úc cũng sẽ không đứng về phía nào trong các tranh cãi về bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc.

Sách trắng Quốc phòng 2013 của Úc cho thấy nước này mong muốn một phương thức giải quyết xung đột dựa trên đối thoại, hòa bình và luật pháp quốc tế. Với vị trí là một quốc gia ngoài tranh chấp, Úc không đóng nhiều vai trò với tư cách là cầu nối ngoại giao, hay đưa ra các sáng kiến hợp tác trong việc giải quyết tranh chấp khu vực. Tuy vậy, Úc cũng là một trong những bên tích cực ủng hộ việc các bên liên quan tuân thủ DOC, cũng như nhanh chóng tiến tới kí kết COC trong tương lai. Nhìn chung trong giai đoạn trước, dù không thừa nhận, cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Canberra dường như chịu sự chi phối bởi mong muốn điều hòa các mối quan hệ chủ chốt với Mỹ, Trung Quốc và cả ASEAN.

Cột mốc đánh dấu bước chuyển trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Úc chỉ đến khi các hình ảnh vệ tinh về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên Biển Đông đồng loạt được công bố. Các phát ngôn ngoại giao của Canberra trở nên trực diện hơn bao giờ hết, khi nêu đích danh Trung Quốc đang làm tranh chấp phức tạp hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Dennis Richardson đã đặt câu hỏi về mục đích của Trung Quốc đằng sau việc xây đảo nhân tạo. Đáng chú ý hơn cả là việc chính phủ Úc tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng tăng cường các chuyến bay tuần tra tại Biển Đông. Úc cũng đồng thời phớt lờ khả năng tham gia của Trung Quốc vào hoạt động tập trận hai năm một lần Talisman Sabre, vốn năm nay có thêm sự tham gia của Nhật Bản. Đây là những động thái đơn phương đầu tiên của Úc có thể gây phương hại quan hệ với Trung Quốc.

Sự thay đổi trong cách tiếp cận của Úc cần được đặt trong bối cảnh trước đó Mỹ cũng đã công khai ý định đưa không quân và hải quân vào khu vực Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Canberra trong một thời gian dài vẫn công khai cho rằng họ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, đồng thời hành động của họ cũng cho thấy họ không muốn nghiêng hẳn về phía nào trong cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, với động thái mới của Mỹ, việc Úc hướng đến một lập trường cứng rắn hơn cho thấy nước này đang chủ động gia tăng vai trò của mình tại Biển Đông.

Vẫn còn cần thêm bằng chứng để củng cố thêm cho xu hướng nói trên của Úc. Mặc dù vậy, những động thái gần đây của nước này đã mở ra khả năng các cường quốc bật trung thể hiện vai trò của, trong đó có Úc, ngày càng hiện hữu rõ ràng hơn với tâm thế chủ động ở Biển Đông. Một trong những động thái đáng chú ý là việc manh nha hình thành các tam giác chiến lược mới.

Tam giác Úc - Nhật - Ấn: “Bộ ba” mở đường

Vào ngày 08/06, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đã tổ chức phiên đối thoại cấp cao ba bên đầu tiên tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Trong nhiều nội dung được trao đổi, đáng chú ý nhất là vấn đề hợp tác an ninh hàng hải giữa ba nước, trên cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bao gồm cả vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông. Phiên đối thoại cấp cao tiếp theo giữa ba nước sẽ được tổ chức tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Hợp tác về an ninh giữa ba nước có triển vọng sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt là trong mảng hải quân. Tờ India Times (Ấn Độ) cho biết, các trao đổi sơ bộ về hợp tác an ninh ba nước đã được tiến hành. Theo đó, có khả năng rất cao hải quân Ấn Độ sẽ sớm tham gia tập trận chung với hai đối tác Nhật Bản và Úc. Một liên minh ba bên giữa Úc – Nhật Bản – Ấn Độ đang dần hình thành tại khu vực điều mà một số tác giả đã ví von với khái niệm “liên minh trong liên minh”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc Peter Varghese cũng phủ nhận diễn đàn Úc – Nhật – Ấn là một “mặt trận chống Trung Quốc”. Ông cho biết: “Cuộc gặp gỡ này không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào. Giữa ba quốc gia có rất nhiều quan hệ song phương, chúng tôi nhìn thấy lợi ích thông qua hợp tá”. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy những tác động về mặt an ninh mà mối quan hệ tay ba này sẽ tác động lên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tương tự như Úc, Nhật Bản có mối quan hệ đồng minh quân sự chặt chẽ với Mỹ. Hợp tác an ninh giữa hai nước này gần đây đã có bước tiến lớn. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã có thể hỗ trợ quân đội Mỹ bên ngoài phạm vi lãnh thổ của mình. Chính quyền của thủ tướng Shinzo Abe cũng có tham vọng thông qua dự luật cho phép thực hiện quyền phòng vệ tập thể bên ngoài lãnh thổ để bảo vệ lợi ích quốc gia. Nhật Bản đang từng bước chia sẻ trách nhiệm an ninh khu vực cùng với Mỹ. Cùng với đó là Ấn Độ cũng đang thực hiện chính sách Hướng Đông một cách mạnh mẽ. Chính quyền của tân thủ tướng Narendra Modi đang mạnh dạn tái khẳng định vị thế của Ấn Độ trong khu vực. Sự hình thành hợp tác ba bên về an ninh hàng hải gần như là một sự nối dài của các chuyển động an ninh mạnh mẽ và đồng loạt của cả Úc – Nhật – Ấn.

Đồng thời, kênh hợp tác bộ ba chính thức này có thể tạo lập thành một diễn đàn hợp tác “bộ tứ” không chính thức, với sự tham gia của Mỹ. Hiện giữa bốn quốc gia Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ tồn tại nhiều khuôn khổ hợp tác quân sự thường niên song phương và đa phương, từ đào tạo đến tập trận. Tuy nhiên, hợp tác đa phương chỉ tồn tại các nhóm tay ba giữa Mỹ với hai quốc gia trong nhóm (như Úc – Nhật – Mỹ, hoặc Úc – Ấn – Mỹ). Với Mỹ như một “mẫu số chung”, một đối tác an ninh thân cận, việc tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải giữa Úc – Nhật – Ấn cũng sẽ tăng cường sự hiện diện của Mỹ. Các cuộc tập trận, các hợp tác an ninh với sự xuất hiện đầy đủ của cả bốn cường quốc biển trên Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương sẽ có cơ hội diễn ra với mật độ thường xuyên hơn.

Sáng kiến về một “bộ tứ” hợp tác an ninh giữa bốn cường quốc biển trên Thái Bình Dương – Đại Tây Dương đã từng được thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề ra trong nhiệm kỳ 2006-2007. Tuy nhiên sáng kiến này đã thất bại do cựu thủ tướng Úc lúc đó là Kevin Rudd rút lui khỏi quá trình xây dựng khuôn khổ hoạt động. Trước phản ứng ngoại giao của Trung Quốc thời điểm đó, chính quyền Úc lo ngại chiến lược phát triển kinh tế hợp tác với Trung Quốc sẽ bị phương hại. Giờ đây, trước các diễn biến an ninh tại khu vực đang “đổi chiều”, khả năng Úc đang hướng đến tham gia tái xây dựng mô hình “bộ tứ” một cách không chính thức trở nên khả dĩ. Cách thức này vừa đảm bảo gia tăng an ninh cho Úc, vừa không trực tiếp châm ngòi căng thẳng với Trung Quốc.

Có thể nhận thấy, những bước đi gần đây của Úc đang thể hiện rõ nét tư duy đặt vấn đề an ninhlên cao hơn so với trước đây. Mặc dù có những mối ràng buộc rất lớn với Trung Quốc về mặt kinh tế, những con số vẫn chưa làm sói mòn được tầm nhìn an ninh của Úc trước một Biển Đông đang ngày một biến động. Ràng buộc về lợi ích kinh tế, cũng như tính chính danh trong vấn đề Biển Đông và Hoa Đông, buộc Úc vẫn giữ lập trường kêu gọi bảo vệ tự do hàng hải là chủ yếu. Động thái trình bày trên cho thấy Úc cũng thật sự quan ngại về chuyển biến an ninh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính quyền Canberra đang có những bước đi chủ động trong chính sách đối ngoại, nhằm bảo vệ an ninh của chính mình và của khu vực trước những thách thức an ninh từ Trung Quốc.

Nguyễn Vũ Nhật AnhLê Thanh Danh là Nghiên cứu viên cộng tác (Research Associate) tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.