Tại sao nền kinh tế vẫn đang đi đúng hướng?

Hiện nay đã rõ ràng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc trong những năm sắp tới, mặc dù các nhà kinh tế bất đồng về mức độ và thời gian nó diễn ra. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP của nước này giảm xuống 7,4%, mức thấp nhất trong gần ¼ thế kỷ, và nhiều người cho rằng con số đó sẽ giảm hơn nữa trong năm 2015. Nhiều nước thậm chí phải vật lộn để có thể tăng trưởng ở tốc độ này, nhưng phần lớn không phải tạo ra hàng trăm triệu công ăn việc làm trong thập kỷ tới như Trung Quốc. Vì thế dễ hiểu là một số chuyên gia hoài nghi về những triển vọng của nước này. Họ lập luận rằng mô hình tăng trưởng lấy sản xuất làm động lực của nước này không còn có thể đứng vững và cảnh báo, giống như nhà kinh tế Paul Krugman năm 2013, rằng nước này “sắp sửa đâm vào Vạn lý trường thành của mình”. Theo quan điểm này, câu hỏi không phải là liệu nền kinh tế có sụp đổ hay không mà là khi nào.

Tư duy như vậy là sai lầm. Trung Quốc không đang đứng trên bờ vực; nước này đang bước vào một giai đoạn phát triển mới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi giai đoạn tăng trưởng tiếp theo là trạng thái “bình thường mới”, một thuật ngữ mà Mohamed El-Erian, cựu giám đốc điều hành của công ty đầu tư toàn cầu PIMCO, đã dùng để mô tả một cách nổi tiếng công cuộc phục hồi kinh tế đau đớn của phương Tây sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng Tập Cận Bình đã dùng cụm từ này để mô tả một điều gì đó khác biệt: một sự tái cân bằng then chốt, trong đó nước này đa dạng hóa nền kinh tế của mình, tuân theo một mức độ tăng trưởng bền vững hơn và phân phối lợi ích một cách đồng đều hơn. Trạng thái bình thường mới hiện đang ở trong giai đoạn đầu, nhưng nếu Bắc Kinh duy trì được nó, các công dân Trung Quốc có thể tin vào tăng trưởng liên tục và những cải thiện vật chất trong chất lượng cuộc sống của họ. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới có thể kỳ vọng Trung Quốc sẽ trở nên hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu. Thế kỷ Trung Quốc không phải đang ở điểm bắt đầu của sự kết thúc; nó đang ở điểm cuối của sự bắt đầu.

Từ nước đi sau thành nước dẫn đầu

Việc hiểu được trạng thái “bình thường mới” của Trung Quốc đòi hỏi phải có một số bối cảnh lịch sử nhất định. Là một nước đến muộn với nền kinh tế hiện đại, Trung Quốc đã đi theo cái gọi là mô hình “tăng trưởng đuổi theo”, liên quan đến tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sau nhiều năm tụt hậu. Chẳng hạn, từ năm 1870 đến năm 1913, nền kinh tế Mỹ đã đi theo chính con đường này, tăng trưởng với tốc độ trung bình là 4%. Từ năm 1928 đến năm 1939, GDP của Nga tăng trưởng với tốc độ trung bình là 4,6%. Và từ năm 1950 đến năm 1973, nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ trung bình 9,3%. Tuy nhiên, không nước nào trong số này đến gần tới chỗ sánh được với thành tích của Trung Quốc từ năm 1978 đến năm 2011: tốc độ tăng trưởng GDP trung bình gần 10% trong 33 năm.

Sự nổi lên này đã giúp đỡ cho kinh tế của Trung Quốc tiếp cận, và có lẽ thậm chí vượt qua, kinh tế Mỹ. Tính theo sức mua tương đương, một biện pháp mà các nhà kinh tế sử dụng để so sánh giữa các nước, GDP của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong năm 2010 hoặc 2014, tùy thuộc vào các số liệu lịch sử của Dự án Maddison hay dữ liệu từ Chương trình So sánh Quốc tế của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên nếu dựa vào phương pháp của Atlas Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể tăng trưởng hơn Mỹ cho tới năm 2019. Và GDP của Trung Quốc vẫn thấp hơn của Mỹ nếu tính theo đồng USD hiện tại. Nhưng phương pháp tốt nhất để so sánh hai nền kinh tế một cách khách quan là sản xuất điện, vì nó mang tính vật chất và có thể định lượng. Nó cũng theo dấu sát sao công cuộc hiện đại hóa; xét cho cùng, nếu không có điện hoặc ít nhất không có nhiều điện, người ta không thể vận hành các nhà máy hay xây dựng các tòa nhà chọc trời, chính là những gì Trung Quốc đã và đang làm. Năm 1900, Trung Quốc tạo ra tương đương 0,01% lượng điện Mỹ sản xuất. Con số đó tăng lên 1,2% năm 1950 và 34% năm 2000, với việc Trung Quốc vượt qua Mỹ vào năm 2011. Về mặt này, Trung Quốc đã bắt kịp.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đã mang đến những lợi ích to lớn cho người dân nước này, mặc dù ở đây rõ ràng còn nhiều điều phải làm. Với dân số đông gấp 4 lần đối thủ cạnh tranh kinh tế lớn nhất, Trung Quốc sẽ không thể đạt được thậm chí một nửa GDP tính theo đầu người của Mỹ cho đến khoảng năm 2030. Chắc chắn, nước này đã có những bước đi dài trong các lĩnh vực khác. Tuổi thọ trung bình của nước này (khoảng 76 tuổi) gần bằng của Mỹ (khoảng 79 tuổi). Các cấp giáo dục ở hai nước có thể so sánh được với nhau. Và tính theo hệ số Gini, sự bất bình đẳng kinh tế ở Trung Quốc hiện giờ có thể thấp hơn ở Mỹ. Tuy nhiên kể từ năm 1979, phần lớn vận may từ sự trỗi dậy của Trung Quốc chủ yếu có được nhờ những người sống ở các khu vực đô thị hoặc ven biển. Việc thực hiện mục tiêu phát triển cơ bản của Bắc Kinh – “phát triển chung và thịnh vượng chung” – sẽ đòi hỏi không chỉ tăng trưởng bền vững hơn mà còn lợi ích được phân phối đồng đều hơn.

Chậm hơn nhưng chắc chắn hơn

Trong một chừng mực nào đó, sự giảm tốc mới nhất của Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Ba thập kỷ tăng trưởng quá nhanh đã để lại cho Trung Quốc một nền kinh tế đơn giản là quá lớn, khiến những gia tăng cận biên về quy mô khó khăn hơn nhiều. Thậm chí nếu tính theo tỷ giá hối đoái hiện tại, GDP của Trung Quốc vượt quá 10 nghìn tỷ USD vào năm 2014, có nghĩa là tăng trưởng 10% sẽ bổ sung 1 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế sau một năm, một tổng số lớn hơn toàn bộ GDP của Saudi Arabia, một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tăng trưởng ở quy mô này buộc phải trở nên không bền vững ở một thời điểm nào đó. Về cơ bản nó đòi hỏi phải có nguồn cung năng lượng vô tận và đặt áp lực to lớn lên môi trường. Trung Quốc thải cácbon vào không khí nhiều hơn Mỹ và EU cộng lại, và lượng khí thải của nước này vẫn đang tăng lên.

Do tất cả điều này, Trung Quốc hầu như không có lựa chọn nào ngoài giảm tốc. Mặc dù tốc độ tăng trưởng 7% vẫn cao so với phần lớn các nền kinh tế trên thế giới, nó sẽ làm giảm nhu cầu đầu vào cơ bản của Trung Quốc, bất kể là than đá hay nước sạch, xuống những mức dễ quản lý hơn. Nó cũng sẽ cho phép Trung Quốc cuối cùng cũng quan tâm đến phần trách nhiệm của mình trong tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, một phần bằng cách thực hiện Tuyên bố chung Mỹ-Trung về biến đổi khí hậu, một thỏa thuận vào năm 2014 đòi hỏi Trung Quốc phải bắt đầu giảm khí thải cácbon của mình không muộn hơn năm 2030. Nhờ tăng trưởng chậm hơn và một loạt chính sách bảo vệ năng lượng mới, Trung Quốc sẽ có thể đạt mục tiêu đó trước thời hạn.

Bắc Kinh đã bắt đầu chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, và cho tới nay kết quả là ấn tượng. Hãy xem xét kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của họ, được thông qua năm 2011 và sẽ kéo dài đến năm 2015. Bất chấp kế hoạch này diễn ra trong thời điểm tăng trưởng suy giảm, 5 trong số các mục tiêu của họ đã củng cố nền kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân Trung Quốc. Thứ nhất là cam kết tạo ra 45 triệu công ăn việc làm mới ở các khu vực đô thị. Bắc Kinh đã vượt quá mục tiêu, tạo ra 50 triệu công ăn việc làm ở các thành phố của nước này, một kỳ công tương phản hoàn toàn với các cuộc khủng hoảng thất nghiệp ở Mỹ và châu Âu trong cùng thời kỳ. Thứ hai là tái cơ cấu kinh tế, kêu gọi mở rộng khu vực dịch vụ từ 43% GDP năm 2010 lên hơn 48% năm 2014; trong trường hợp này, chính phủ cũng đã đạt được mục tiêu của mình, đa dạng hóa nền kinh tế và thúc đẩy công ăn việc làm trong quá trình đó. Mục tiêu thứ ba, nhấn mạnh đổi mới khoa học, là gia tăng ngân sách nhà nước để nghiên cứu và phát triển từ 1,75% GDP năm 2010 lên 2,2% năm 2015. Một lần nữa Bắc Kinh đã đạt được mục tiêu của mình, biến nước này thành nước tài trợ cho nghiên cứu và phát triển lớn thứ hai thế giới. (Đầu tư đang đem lại lợi tức: năm 2012, chưa đầy 3 thập kỷ sau khi Trung Quốc thông qua luật bằng sáng chế đầu tiên của mình, đơn xin cấp bằng sáng chế được nộp ở Trung Quốc nhiều hơn ở Mỹ gần 50%). Ưu tiên thứ 4 là phúc lợi xã hội, gồm cả mở rộng hệ thống chăm sóc y tế, hiện áp dụng cho hơn 95% tổng dân số Trung Quốc. Cuối cùng là nhấn mạnh bảo tồn. Mục tiêu này kêu gọi cải thiện 8 chỉ số môi trường, như tỷ lệ nhiên liệu phi hóa thạch cấu thành tiêu thụ năng lượng chính và lượng khí thải cácbon trong tương quan với GDP.

Trong khi đó, các mục tiêu tăng trưởng của kế hoạch này tương đối khiêm tốn theo tiêu chuẩn của Trung Quốc. Chính quyền trung ương đã đặt mục tiêu tăng trưởng 7% và nhắm tới tăng gấp đôi GDP tính theo đầu người vào năm 2020 so với mức của năm 2010. Các mục tiêu này gửi đi một tín hiệu rõ ràng, đặc biệt đối với các chính quyền nhà nước tìm kiếm sự dẫn dắt của Bắc Kinh: khi nhắc tới tăng trưởng, hãy tập trung vào chất lượng chứ không phải số lượng.

Thu nhập trung bình ở các khu vực đô thị vẫn lớn hơn gấp đôi so với ở các khu vực nông thôn, nhưng khoảng cách sẽ giảm trong những năm tới – một diễn biến sẽ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và thúc đẩy tăng trưởng GDP liên tục. Đương nhiên, sự giảm tốc tương đối của Trung Quốc cũng sẽ đặt ra những thách thức khó khăn, cụ thể là trong lĩnh vực tạo công ăn việc làm và sản xuất lương thực, trong đó tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm chạp. Nhưng đây là phí tổn của việc chuyển đổi cấu trúc, và nó là một cái giá đáng phải trả để đưa đất nước tiến lên phía trước.

Những lợi ích toàn cầu

Trạng thái “bình thường mới” sẽ không giới hạn ở những tác động của nó với bản thân Trung Quốc: bằng cách tái cân bằng nền kinh tế trong nước của mình, nước này sẽ đảm nhận một vai trò thậm chí còn lớn hơn ở nước ngoài. Trung Quốc đã là nước đóng góp lớn thứ hai thế giới vào tăng trưởng toàn cầu, và nếu nền kinh tế nước này tiếp tục mở rộng với tốc độ khoảng 7%, về sức mua tương đương, nước này có thể sẽ vẫn là lực lượng quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Từ năm 2000 đến 2013, Trung Quốc chiếm gần 23% tăng trưởng toàn cầu (Mỹ đóng góp gần 12%). Dự báo của tác giả cho rằng con số này sẽ tăng lên 25% trước năm 2020, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng toàn cầu trên 3%.

Trong thương mại, Trung Quốc cũng là nước đứng đầu thế giới, và sẽ tiếp tục tiến lên. Theo cơ sở dữ liệu Chiều hướng Thống kê Thương mại của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nước này là nguồn thương mại lớn nhất cho khoảng 140 nước, và các hoạt động thương mại của nước này chiếm khoảng 13% tổng tăng trưởng của thế giới từ năm 2000 đến năm 2012. Nhưng nếu Bắc Kinh muốn gia tăng tiêu thụ trong nước và giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào xuất khẩu, họ sẽ phải mở cửa các biên giới của Trung Quốc, bằng cách cắt giảm thuế quan, khuyến khích các công ty Trung Quốc mở rộng ra quốc tế, thiết lập nhiều khu thương mại tự do hơn và gia tăng thương mại của mình trong lĩnh vực dịch vụ. Và để thu hút đầu tư nước ngoài, Bắc Kinh sẽ phải thực hiện các cải cách cơ bản, như tự do hóa tài khoản vốn, việc liên quan đến nới lỏng những biện pháp hạn chế các dòng tiền qua biên giới nước này, và lập ra cái gọi là danh mục cấm, một văn kiện duy nhất chỉ rõ lĩnh vực nào của nền kinh tế không được mở cửa cho đầu tư nước ngoài, báo hiệu rằng tất cả các khu vực khác được phép.

Trung Quốc cũng sẵn sàng đóng góp nhiều hơn vào lĩnh vực ý tưởng. Nước này hiện đang nằm trong số các nước tạo ra sở hữu trí tuệ lớn nhất thế giới; từ năm 2000 đến 2012, các nhà sáng chế ở Trung Quốc đã góp phần gia tăng gần 62% đơn xin cấp bằng sáng chế của thế giới (các nhà sáng chế ở Mỹ đóng góp khoảng 25%). Và là một phần của cam kết cải tiến mới của mình, Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ hơn và khuyến khích các công ty Trung Quốc xin cấp bằng sáng chế quốc tế và phổ biến các công nghệ mới, đặc biệt cho các nước đang phát triển.

Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên hội nhập, nó sẽ càng đóng vai trò là một nước bình ổn toàn cầu, như nước này đã làm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chính kế hoạch kích thích năng nổ của Bắc Kinh được cho là đã góp phần nhiều nhất vào sự hồi phục toàn cầu sau khi cuộc khủng hoảng nổ ra. Bằng cách đảm bảo rằng Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng của mình trên 9%, Bắc Kinh đã giúp biến tăng trưởng toàn cầu âm thành dương. Trong tương lai Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện vai trò này, nhưng cũng sẽ hành động thông qua các kênh chính thức hơn, chủ yếu là các thể chế tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, để cải cách trật tự tài chính quốc tế theo những cách có lợi cho các nước đang phát triển.

Khi Trung Quốc tăng cường vai trò lãnh đạo kinh tế của mình, nước này chắc chắn sẽ cần phải đảm nhận những trách nhiệm toàn cầu lớn hơn. Nhưng theo nhiều cách, Bắc Kinh đã tiến bộ, biết rõ rằng thành công của giai đoạn phát triển tiếp theo của Trung Quốc phụ thuộc vào thế giới lớn hơn cũng giống như vào chính Trung Quốc. Trung Quốc không thể lớn mạnh mà không có một trật tự toàn cầu cân bằng, dựa trên nguyên tắc, và do đó nước này sẽ tiếp tục ủng hộ việc tự do hóa thương mại, chấm dứt chủ nghĩa bảo hộ ở khắp nơi, hợp tác khu vực và một hệ thống quản lý toàn cầu đại diện nhiều hơn cho các nước đang phát triển. Theo nghĩa này, trạng thái “bình thường mới” liên quan tới việc xây dựng một Trung Quốc đủ hùng mạnh không chỉ để duy trì vị thế của mình mà còn để giúp đỡ các nước khác./.

Theo “Foreign Affairs

 Hương Trà (gt)