1306731994776_ORIGINAL(1).jpg

Theo một người phát ngôn của Trung Quốc, “cơ sở hỗ trợ” mới cho quân đội sẽ cung cấp dịch vụ hậu cần cho tàu hải quân và binh sỹ Trung Quốc, đồng thời giúp hải quân và quân đội nước này tiếp tục tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (LHQ), thực hiện nhiệm vụ hộ tống ở vùng biển gần Somalia và Vịnh Aden, cũng như hỗ trợ nhân đạo. Trung Quốc đang tìm kiếm một giải pháp lâu dài nhằm bảo đảm nhu cầu hậu cần của nước này ở Ấn Độ Dương khi thực thi hoạt động hỗ trợ chống cướp biển, ứng phó với các tình huống khẩn cấp như di dời công dân, các tình huống ảnh hưởng tới tự do hàng hải và có thể là cơ sở cho sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở quy mô lớn hơn. Trung Quốc không muốn dựa mãi vào Mỹ với vai trò là nước đảm bảo an ninh chính ở Ấn Độ Dương và cam kết của Mỹ về sự hiện diện hải quân dài hạn ở vùng Vịnh sẽ như thế nào khi sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ giảm đi. Hiện Bắc Kinh đang nỗ lực khẳng định quan điểm trong chính sách đối ngoại của mình hoàn toàn khác biệt với Mỹ và những nước khác. Các quan chức cấp cao Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ ý định thiết lập “căn cứ quân sự” ở khu vực Ấn Độ Dương và cơ sở mới ở Djibouti được gọi là “cơ sở hỗ trợ”. Nói cách khác, quân đội Trung Quốc chỉ quan tâm đến việc hỗ trợ hậu cần trong khi các quân đội khác thể hiện sức mạnh.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng thông báo của Trung Quốc về cơ sở tại Djibouti xác nhận nghi ngờ bấy lâu, bất chấp tuyên bố ngược lại của Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn có kế hoạch xây dựng một chuỗi ''căn cứ hải quân” để bảo vệ các tuyến đường biển ở phía Bắc của Ấn Độ Dương và mục đích cuối cùng là giành được ưu thế hải quân trong khu vực. Trung Quốc đã cho thấy rõ hướng triển khai hải quân hoặc lực lượng quân sự ở các cảng mới xây như Gwadar ở Pakistan, hoặc Hambantota, Sri Lanka.
Một số nhà phân tích hải quân của Mỹ cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng theo đuổi cái gọi là “cơ sở thông thường chứ không phải căn cứ” ở Ấn Độ Dương hơn là xây dựng cơ sở quân sự chuyên dụng cho các mục đích hỗ trợ các hoạt động tác chiến lớn, theo đó sẽ đạt được thỏa thuận với các nước chủ nhà cho phép tiếp cận tạm thời cảng và các cơ sở khác trong trường hợp đối phó với các tình huống bất ngờ. Giải pháp này ít tốn kém hơn và ít gây tranh cãi về mặt chính trị hơn việc xây dựng các căn cứ hải quân, song cần có sự hợp tác "thân thiện" của các chính quyền sở tại.

Với việc đặt căn cứ ở Djibouti, khó có thể nói rằng Trung Quốc sẽ chi phối Djibouti vì tại đây cũng có các căn cứ quân sự và hải quân của các nước Pháp, Mỹ và Nhật Bản. Các báo cáo cho thấy Trung Quốc có kế hoạch xây dựng các cảng mới và cơ sở không quân gần thị trấn Obock, cách khá xa các cơ sở quân sự nước ngoài khác. Sự tồn tại của các căn cứ khác ở Djibouti có thể được coi là yếu tố nhằm giảm khả năng Trung Quốc có thể sử dụng cơ sở mới này để đối trọng với lợi ích của phương Tây trong khu vực. Khoảng cách từ Trung Quốc tới căn cứ ở Djibouti là khoảng 10.000 km đường biển, điều này cho thấy tham vọng bảo vệ lợi ích xa bờ của nước này. Trung Quốc cũng có thể đang tìm kiếm các căn cứ hải quân khác ở châu Phi và Djibouti nhiều khả năng chỉ là điểm khởi đầu cho một hành trình mới.

Bài viết của Tiến sỹ David Brewster, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Đại học Quốc gia Úc đăng trên "Diễn đàn Interpreter."