Để trở thành một siêu cường như Mỹ, các nước cần phải có sức mạnh cả trên bộ lẫn trên biển, và Trung Quốc đang tìm cách trở thành như vậy. Phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách của sử gia nổi tiếng Wang Gungwu, ông Bilahari Kausikan - Đại sứ lưu động của Singapore - cho rằng sự phân biệt đó là “cực kỳ mạnh mẽ và mang tính gợi ý”. Ngoài ra, ông Kausikan cũng đề cập đến những tác động của việc Trung Quốc trỗi dậy đến các quốc gia có cộng đồng người Hoa sinh sống.

Ý tưởng mà Giáo sư Wang đưa ra trong cuốn sách này đã động chạm đến cốt lõi của một số vấn đề quan trọng nhất trong thời đại chúng ta. Việc Trung Quốc tái trỗi dậy như một cường quốc chủ chốt đã làm thay đổi mọi thứ. Các nước khu vực Đông Á, và trên khắp thế giới, đang tìm hiểu xem điều đó có ý nghĩa thế nào đối với lợi ích quốc gia của riêng họ và để đặt mình vào vị trí phù hợp.

Làm thế nào chúng ta đặt vị trí của mình giữa Mỹ và Trung Quốc trong một loạt lĩnh vực chính sách, chứ không chỉ chính sách đối ngoại. Đây không chỉ là vấn đề chiến lược trung tâm với Singapore, mà còn là câu hỏi trọng tâm của tất cả các nước Đông Á trong nhiều thập kỷ tới. Và làm thế nào những cường quốc bậc trung như Nhật Bản, Australia hay Hàn Quốc, cũng như các nước láng giềng khác của chúng ta và trong ASEAN, phản ứng trước những điều chỉnh trong quan hệ Mỹ-Trung mà cũng sẽ tác động đáng kể đến chúng ta. Bản thân Trung Quốc đôi lúc dường như không chắc chắn về những gì họ muốn; các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra nhiều tuyên bố mâu thuẫn và việc thực hiện của Trung Quốc là không nhất quán.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc hải quân

Tôi nhận thấy việc tách biệt của Giáo sư Wang giữa cường quốc trên biển và cường quốc trên bộ là cực kì mạnh mẽ và mang tính gợi ý.

Mỹ vừa là cường quốc trên bộ vừa là cường quốc trên biển. Trung Quốc dường như cũng tìm cách trở thành nước như vậy. Có lẽ đây là mục đích của chính sách “Một vành đai, Một con đường”, bao gồm việc hồi sinh Con đường tơ lụa trên bộ thông qua Trung Á cũng như thiết lập một Con đường tơ lụa trên biển mới.

Tuy nhiên, Giáo sư Wang tỏ ý nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ không thành công trong việc trở thành một cường quốc hải quân, dù ông đã dành nhiều chú ý đến đóng góp đáng kể của thương mại trên biển của Trung Quốc.

Có một điểm mà tôi không nhất trí với Giáo sư Wang, với những lo ngại lớn nhất, dù ở thời điểm này, tôi không chắc chắn lắm. Tôi cho rằng trong dài hạn, Trung Quốc nhiều khả năng thất bại trên đất Trung Á, bởi đây là nơi được hình thành bởi những chế độ về bản chất là không ổn định.

Hơn nữa, Trung Á được kết nối mật thiết với một khu vực Trung Đông mà vẫn sẽ trong trạng thái hỗn loạn hơn bình thường trong thời gian rất dài sắp tới. Đường đi luôn có hai chiều và ảnh hưởng của Hồi giáo đến khu vực Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc là một vấn đề nghiêm trọng mà Trung Quốc dường như không biết xử lý thế nào. Những cách thức truyền thống mà Trung Quốc áp dụng để đối phó với những sắc dân thiểu số khác dường như không đặc biệt hiệu quả ở Tân Cương, và thực sự, có thể phản tác dụng. 

Và dù Bắc Kinh đến nay đã tránh được những sai lầm nghiêm trọng nhất của các nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin và Nikita Khrushchev, nhưng người ta cho rằng Trung Quốc sẽ mãi chỉ là một đối tác nhỏ bé của Liên Xô, mối quan hệ Trung-Nga hiện giống một biện pháp chiến thuật hơn là quan hệ đối tác tự nhiên, và tôi cho rằng sự rạn nứt rốt cuộc sẽ tác động đến Trung Á, vốn là một phần "ngoại biên" quan trọng của Nga.

Sau khi đã nghiên cứu cẩn trọng sai lầm của Liên Xô, Trung Quốc sẽ không để mình phá sản trong nỗ lực vô ích nhằm vượt qua sự ưu việt quân sự của Mỹ. Nhưng Trung Quốc cũng không cần phải đấu với Mỹ ở khắp mọi nơi. Trung Quốc đang dần có được năng lực hải quân đủ để Mỹ phải dừng bước ở vùng biển dọc rìa lục địa Đông Á và cuối cùng phải có khả năng phô diễn sức mạnh hải quân để bảo vệ tuyến đường cung năng lượng của mình đến Vịnh Persian. Hiện tuyến đường này do hạm đội 5 và 7 của Mỹ đảm bảo an ninh.

Sẽ là phi tự nhiên với bất cứ cường quốc nào lại dựa dẫm vô thời hạn vào đối thủ chính của mình để đảm bảo nguồn cung một mặt hàng quan trọng, và tình hình hiện nay không thể duy trì lâu. Điều này có ý nghĩa đặc biệt với các nước Đông Nam Á, nơi mà các tuyến đường biển đó đi qua.

Bất kể số phận cuối cùng của tầm nhìn về phía Bắc và Tây Bắc của Trung Quốc ra sao, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ đạt được mục tiêu ở phía Nam, nơi các khoản đầu tư thương mại và cơ sở hạ tầng đang xóa mờ ranh giới quốc gia và gắn kết khu vực Tây Nam Trung Quốc với lục địa Đông Nam Á thành một không gian kinh tế. Xu hướng này có thể suy yếu, song không chệch hướng. Nó tạo ra các cơ hội kinh tế đôi bên cùng có lợi, nhưng chắc chắn cũng sẽ gây ra những hậu quả chính trị và chiến lược.

Tôi tin rằng ở Đông Nam Á, trong khi Mỹ sẽ không suy yếu và biến mất, một phương trình hải quân đối xứng hơn rốt cuộc sẽ phải phát triển ở Biển Đông.

Sự cân bằng lớn hơn giữa năng lực hải quân của Trung Quốc và Mỹ có thúc đẩy sự giao thoa lớn hơn giữa lợi ích và ý niệm của Mỹ và Trung Quốc hay không? Có một số dấu hiệu mờ nhạt cho thấy đây không hoàn toàn là giấc mơ hão: Năm 2014, Trung Quốc đã biện minh cho việc điều một tàu do thám đến theo dõi cuộc tập trận RIMPAC (diễn ra gần Hawaii) với lý lẽ gần như y hệt với những gì mà Hạm đội 7 sử dụng để giải thích cho hoạt động tương tự ở Biển Đông - hoạt động mà phía Trung Quốc hiện phản đối.

Hay trong khi đó khu vực lục địa và quần đảo Đông Nam Á có bị kéo theo các hướng khác nhau, khiến mong muốn của ASEAN nhằm thúc đẩy một cấu trúc khu vực cân bằng và cởi mở sẽ tan vỡ hay không? Hiện tại là quá sớm để nhận định như vậy.

Những tác động đến người Hoa ở nước ngoài

Singapore, giống như mọi quốc gia ASEAN khác, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo hướng nào đó. Song không như các nước ASEAN khác, Singapore hiện có một dân số với cộng đồng người Hoa chiếm đa số, trong một khu vực mà người Hoa thường không hoàn toàn được hoan nghênh.

Đồng thời, Singapore tự xác định mình là một xã hội trọng dụng nhân tài đa sắc tộc, và đây là điều khiến Singapore trở nên độc đáo trong khu vực. Hai thực tế này là động lực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa Singapore với các nước, cả gần và xa. Theo đó, có lẽ phần quan trọng nhất về Singapore trong cuốn sách là những phản ánh của Giáo sư Wang về sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tác động thế nào đến cộng đồng người Hoa ở nước ngoài.

Tôi sẽ không tìm cách tóm tắt những gì Giáo sư Wang đã nói. Tôi đã đọc phần này nhiều lần, song không tin rằng mình đã nắm bắt được hết tất cả những điểm tinh tế và sắc thái trong ý tưởng của ông. Vì thế, tôi sẽ chỉ đưa ra ba nhận định riêng và đặt ra ba bộ câu hỏi.

Trước tiên, dường như với tôi, đến nay, nguồn ảnh hưởng chính về vị thế của người Hoa ở nước ngoài trong Đông Nam Á là vấn đề chính trị nội bộ của những nước mà họ đang sống và là công dân.

Đây là thực tế, bất kể không gian dành cho họ đã được mở rộng, như ở Indonesia thời hậu Suharto, hay bị thu hẹp như đang xảy ra ở Malaysia. Các xu hướng này có được duy trì hay không? Làm thế nào sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc tái định nghĩa khái niệm Westphalia về nhà nước và ranh giới – mà theo đó sự phát triển mối quan hệ thân thiết hơn giữa Đông Nam Á và Trung Quốc dường như được thiết lập - sẽ tác động đến chính trị nội bộ của các nước Đông Nam Á?

Thứ hai, những ảnh hưởng này có thể không phải là một chiều. Năm 1998, trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Suharto, các vụ bạo động chống người Hoa đã nổ ra ở Jakarta. Bắc Kinh, sau nhiều thập kỷ gián đoạn tiếp xúc với cộng đồng người Hoa ở nước ngoài và nhìn chung không muốn bình luận về chính trị nội bộ của nước khác, cảm thấy có nghĩa vụ phải đưa ra một lời nhắc nhở. Cách đây 17 năm, truyền thông xã hội khi đó còn ở giai đoạn phôi thai. Ngày nay, Trung Quốc có hơn 600 triệu cư dân mạng mà ý kiến của họ, dường như đang không mấy được quan tâm, nhìn chung có xu hướng dân tộc chủ nghĩa, nếu không muốn nói là cực đoan. Những ngày tháng khi nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc có thể bỏ qua dư luận - một công cụ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay vừa sử dụng vừa sợ hãi - đã là dĩ vãng.

Tôi không cho rằng sẽ tái diễn một sự kiện bài Hoa lớn ở Đông Nam Á - mà thật không may là không thể hoàn toàn loại trừ, Bắc Kinh sẽ cần thiết phải có sự hồi đáp như hồi năm 1998. Vậy Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao? Điều gì sẽ là những tác động đến quan hệ ASEAN-Trung Quốc?

Thứ ba, Trung Quốc dường như cảm thấy khó khăn trong việc chấp nhận Singapore là xã hội trọng dụng nhân tài đa sắc tộc. Ở bất kỳ mức độ nào, quan chức Trung Quốc, đôi lúc ở cấp rất cao, thường coi Singapore là “một nước Trung Quốc” và đòi hỏi chúng ta phải “hiểu”, mà theo tôi, ý họ là “nhất trí”, về những chính sách của họ. Dĩ nhiên, chúng ta lịch sự, song rõ ràng và cứng rắn, chỉ ra rằng chúng ta không phải một nước Trung Quốc và rằng chúng ta có lợi ích quốc gia riêng không thể thỏa hiệp nếu gây thiệt hại không thể đảo ngược ở trong nước và quốc tế.

Song họ vẫn kiên định. Chúng ta có thể thay đổi thái độ đó được không? Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao nếu chúng ta tiếp tục như vậy, mà họ chắc chắn sẽ nghĩ là “ương bướng” bác bỏ những điều mà họ coi là hiển nhiên?

Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn đang có một Ban Mặt trận Thống nhất nằm trong Trung ương Đảng, thực tế mà một số sử gia xét lại đang đặt câu hỏi rằng liệu có bao giờ có một điều đáng để suy ngẫm như vậy ở Singapore.

Theo Today Online

Trần Quang (gt)