1. Tóm tắt: Theo các học giả ở miền Đông TQ, học thuyết chính sách đối ngoại của TQ hiện đang chuyển từ khái niệm “phát triển hòa bình” sang “thế giới hài hòa”. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, quyết tâm để lại dấu ấn của mình trong chính sách đối ngoại, ban đầu đã ủng hộ khái niệm “trỗi dậy hòa bình” do Trịnh Tất Kiên, cố vấn của Hồ về chính sách đối ngoại, khởi xướng. Tuy nhiên, do có sự chống đối ở cấp cao đối với từ “trỗi dậy” (“rise”), nên Trịnh đã buộc phải điều chỉnh sang công thức “thế giới hài hòa” như hiện nay. Nhiều hội nghị và phát biểu đã tập trung vào (làm rõ) khái niệm “thế giới hài hòa”, bao gồm một hội nghị do Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải tổ chức gần đây. Các học giả ở miền Đông TQ cũng đã cho chúng tôi biết thêm rằng mặc dù cụm từ “trỗi dậy hòa bình” đã được loại bỏ khỏi các văn bia (lexicon) chính thức về chính sách đối ngoại, nhưng khái niệm này vẫn có sức mạnh (trong giải thích về chính sách đối ngoại của TQ) và đang quay trở lại.

2. Peacefully developing out of conglict (Tạm dịch: Phát triển hòa bình từ trong xung đột): Trong cuộc thảo luận vào tháng 6/2006, Trưởng phòng nghiên cứu Nga và Trung Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (SIIS),[1] Lục Cương đã cho người của TLSQ biết thông tin về lịch sử phát triển của khái niệm “phát triển hòa bình” và “trỗi dậy hòa bình”. Lục Cương nói rằng khái niệm “trỗi dậy hòa bình” là do Trịnh Tất Kiên – Chủ tịch Diễn đàn Cải cách TQ và cũng là một trong những cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh – nghĩ ra. Khái niệm này ra đời là do Trịnh mong muốn làm cho chính sách đối ngoại của TQ “theo kịp” (“catch up”) với thực tiễn của TQ trong thế kỷ 21. Theo Lục Cương, khái niệm “phát triển hòa bình” – hiện đang chiếm ưu thế, nhưng trên thực tế đã lạc hậu ở TQ – bắt đầu xuất hiện từ đầu những năm 1980 sau khi Đặng Tiểu Bình nắm được uy quyền. Vào những năm 1970, chính sách đối ngoại của TQ có mục tiêu là đẩy Mỹ chống Liên Xô (cũ) nhằm (giúp cho TQ) tránh được xung đột với một trong hai nước này. Sau khi Đặng bắt đầu thực hiện chính sách thúc đẩy tăng trưởng nhanh về kinh tế nhằm củng cố chế độ, một học giả về các vấn đề quốc tế tên là He Fang (người dịch không tra được tên phiên âm và tiểu sử của ông này) đã đề xuất ý tưởng rằng, thay vì tìm cách thao túng các căng thẳng quốc tế (manipulating international tensions), TQ tốt hơn là nên tìm cách giảm thiểu xung đột để tạo một môi trường quốc tế thuận lợi nhằm cho phép TQ duy trì tăng trưởng kinh tế hướng vào xuất khẩu.

Công thức “phát triển hòa bình” của He Fang, như mọi người đã biết, lập luận rằng để duy trì tính hợp pháp và sự ổn định (của chế độ), nền kinh tế của TQ cần phải phát triển. Để cho nền kinh tế phát triển, TQ cần một môi trường quốc tế hòa bình. Nói cách khác, chính sách đối ngoại của TQ cần phải tập trung vào giải quyết các cuộc đấu tranh chính trị với các nước khác để thúc đẩy hợp tác kinh tế, điều này sẽ cho phép (TQ ) mở rộng xuất khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước. Đặng Tiểu Bình – theo lời khuyên của cố vấn Huan Xiang (ghi chú: người dịch không tra được tên phiên âm và tiểu sử của ông này) – lúc đó đã thông qua chính sách này và chính sách này vẫn tiếp tục được theo đuổi ngay cả khi Đặng Tiểu Bình qua đời. Cho đến năm 2000, toàn bộ chính sách đối ngoại của TQ đều nhằm phục vụ cho mục tiêu tạo môi trường quốc tế thân thiện cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo Lục Cương, TQ quá lớn và phát triển quá nhanh. Đến giữa những năm 1990, các nước khác đã bắt đầu lo ngại rằng TQ có những động cơ bên trong không nói ra và TQ đang “trỗi dậy” cả về quân sự và kinh tế. Những nỗi lo sợ này càng tăng lên sau khi TQ có gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan vào các năm 1995-96. Hơn nữa, các nước khác cũng bắt đầu lo ngại việc TQ săn lùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dầu khí và thực phẩm. Những lo sợ này đã được tác giả Lester Brown tóm tắt trong cuốn sách có tiêu đề: “Ai sẽ nuôi sống TQ” xuất bản năm 1995 (“Who will feed China?”).

3. Rising out of development (Tạm dịch: Trỗi dậy vượt quá phát triển): Theo Lục Cương, đến năm 2000, Trịnh Tất Kiên đã đi đến kết luận rằng khái niệm “phát triển hòa bình” đã lạc hậu và trong 3 năm sau đó, Trịnh đã đưa ra khái niệm “trỗi dậy hòa bình”. Trịnh lập luận rằng người nước ngoài đã kết luận rằng TQ đang trỗi dậy và (sự trỗi dậy của TQ) đã thực sự vượt quá “sự phát triển (thông thường)”. TQ cần phải công khai thừa nhận rằng họ đang trở thành một chủ thể (player) quan trọng ở khu vực và trên thế giới, nhưng đồng thời cũng phải khẳng định lại với các quốc gia khác rằng TQ không có ý đồ xấu và TQ vẫn cam kết duy trì một môi trường quốc tế hòa bình để tiếp tục phát triển. TQ cần tạo dựng một môi trường quốc tế không chỉ để tạo ra một môi trường thuận lợi cho xuất khẩu, mà còn cho phép TQ giành được một vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Lục Cương nói rằng ban đầu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo thích (nguyên văn tiếng Anh dùng từ mạnh hơn: embrace) khái niệm “trỗi dậy hòa bình” của Trịnh và đã sử dụng khái niệm này trong một vài bài phát biểu. Theo Lục Cương, Trịnh Tất Kiên đã trở thành “bạn thân” (close friend) của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi Hồ còn là Hiệu trưởng Trường Đảng TW và Trịnh là Phó của Hồ. Lục Cương tin rằng thậm chí Trịnh Tất Kiên còn đóng vai trò thư ký riêng của Hồ Cẩm Đào ở một thời điểm nào đó. Mặc dù Trịnh Tất Kiên cũng được cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân tôn trọng, nhưng Trịnh trung thành với Hồ Cẩm Đào (hơn).

Trong cuộc thảo luận với các cán bộ chính trị của TLSQ ngày 4/8/2006, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, ông Thẩm Đinh Lập nói rằng ban đầu một số học giả có ảnh hưởng của Thượng Hải đã ủng hộ công thức “trỗi dậy hòa bình”. Ví dụ, Phó Chủ tịch Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải (SASS), Hoàng Nhân Vĩ và Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế thế giới thuộc SASS, Trương Ấu Văn đã giám sát việc xuất bản 5 cuốn sách của SASS viết về “trỗi dậy hòa bình” năm 2004 trong một nỗ lực nhằm làm thân với Trịnh Tất Kiên.

Theo Lục, mặc dù nhận được sự ủng hộ ở cấp cao, nhưng những ý tưởng của Trịnh cũng gặp phải sự chống đối của bộ máy quan liêu. Những kẻ thủ cựu của Bộ Ngoại giao lập luận rằng TQ không thể sử dụng từ “trỗi dậy” trong chính sách đối ngoại bởi nó sẽ đánh đi một tín hiệu với phần còn lại của thế giới rằng – cho dù được gắn thêm chữ “hòa bình” – TQ đã có những ý định bá quyền. Thẩm Đinh Lập nói với chúng tôi rằng Giang Trạch Dân đã về phe với các nhà ngoại giao cựu trào và chống lại công thức mới, và lập luận rằng TQ sẽ không thể có hòa bình nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.

Thẩm Đinh Lập khẳng định rằng ngày 23/4/2004, BCT Đảng CSTQ đã họp trước khi diễn ra Diễn đàn Bác Ngao; lãnh đạo Đảng đã thảo luận về cụm từ “trỗi dậy hòa bình” và ra quyết định gồm 3 điểm sau: (i) TQ không sợ nói “trỗi dậy hòa bình”; (ii) tuy nhiên, không cần thiết phải sử dụng cụm từ này; và (iii) tốt hơn là sử dụng cụm từ “phát triển hòa bình”. Trong cuộc trao đổi ngày 7/8/2006, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Giao thông, ông Trang Kiến Trung, cũng khẳng định rằng (đúng là) có một cuộc họp của BCT như vậy. Trang giải thích rằng quyết định này có nghĩa là ban lãnh đạo cấp cao TQ sẽ không sử dụng cụm từ “trỗi dậy hòa bình” trong các bài phát biểu chính thức và các tài liệu hoạch định chính sách chính thức, nhưng có thể chấp nhận được nếu các học giả sử dụng thuật ngữ này. Trang còn cho biết thêm, thậm chí sau cuộc họp của BCT trên đây, Giang Trạch Dân còn đến thăm Học viện Khoa học Xã hội TQ (CASS) với tư cách Chủ tịch Quân ủy TW để cố gắng thuyết phục các học giả ở đó không sử dụng công thức “trỗi dậy hòa bình”.

Thẩm Đinh Lập lưu ý rằng một số người, trong đó có cả bản thân Thẩm, đã phản đối thuật ngữ “trỗi dậy hòa bình”. Họ cho rằng TQ đã trỗi dậy từ năm 1949 khi Mao Chủ tịch tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thẩm nói kể từ khi TQ bắt đầu “trỗi dậy”, “chả có tí hòa bình nào” gắn liền với quá trình trỗi dậy này. Ở trong nước, Thẩm trích dẫn các phong trào chống cánh hữu vào những năm 1950, Đại Nhảy Vọt, Cách mạng Văn hóa, thảm sát ở Thiên An Môn và việc giết hại một số nông dân ở tỉnh Quảng Đông vào đầu năm nay (2006) làm bằng chứng cho thấy bản chất hay gây gổ của Đảng CSTQ. Ở bên ngoài, Thẩm cũng chỉ ra một số vụ xung đột biên giới với Ấn Độ, Nga và Việt Nam và thậm chí là việc chính phủ giết hại 12 ngư dân Việt Nam vào năm ngoái để minh họa cho tính hiếu chiến quốc tế của TQ.

4. The rising development of a harmonious world (tạm dịch: Sự phát triển trỗi dậy của một thế giới hài hòa):[2]  Lục Cương tin rằng Trịnh Tất Kiên đã chấp nhận thực tế chính trị và đã đi xa hơn (moved beyond) khái niệm “trỗi dậy hòa bình” ban đầu của mình để chuyển sang một khái niệm “thế giới hài hòa” mới. Theo Lục, vào năm 2000, cũng trùng với thời điểm Trịnh Tất Kiên đưa ra khái niệm “trỗi dậy hòa bình” ban đầu, lãnh đạo trung ương TQ đã quyết định thông qua một “quan điểm chiến lược” mới, kêu gọi duy trì một môi trường quốc tế hòa bình cho đến ít nhất là năm 2020. Phải tránh để xẩy ra các cuộc xung đột thế giới lớn trong 20 năm đầu của thế kỷ 21 để tạo cho TQ một “cơ hội chiến lược” nhằm phát triển thành một cường quốc kinh tế và quân sự. Mặc dù TQ sẽ tập trung nỗ lực nhằm tránh chiến tranh trong khoảng thời gian 20 năm này, nhưng Lục Cương cũng công nhận rằng Đài Loan là một nhân tố khó lường (a wildcard) và TQ sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan trở lại khuôn khổ (back into the fold).

Cũng theo Lục, Trịnh Tất Kiên đánh giá rằng nếu TQ trỗi dậy hòa bình và nhận thức được đầy đủ “cơ hội chiến lược” của mình, TQ phải tập trung nhiều hơn vào giải quyết các vấn đề nội bộ. Bên cạnh việc duy trì một môi trường bên ngoài tốt, các vấn đề gắn liền với “phát triển hòa bình” của TQ cho đến nay, chẳng hạn như khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch về trình độ phát triển giữa miền Đông và miền Tây và chênh lệch giữa thành thị và nông thôn cần phải được giải quyết hoặc nếu không “cơ hội chiến lược” của TQ sẽ bị bỏ lỡ. Để đạt được mục tiêu này, Trịnh Tất Kiên đã ủng hộ và thúc đẩy các khái niệm “xã hội hài hòa” và “phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào như là những nhân tố cấu thành quan trọng của chính sách đối ngoại tổng thể của TQ. Hơn nữa, những tình huống có thể cuốn TQ vào xung đột với các quốc gia khác hay các chủ thể phi nhà nước đều có nghĩa rằng những nguồn lực sẽ bị phân tán ra khỏi việc giải quyết các căng thẳng trong nội bộ TQ có thể đe dọa tới sự ổn định của chế độ. Nói cách khác, chính sách đối ngoại của TQ không thể chỉ tập trung vào việc duy trì một môi trường thuận lợi cho xuất khẩu, mà cần phải tập trung vào duy trì ổn định quốc tế để cho phép TQ “dọn dẹp sạch sẽ” (“clean up”) các vấn đề nội bộ. Hợp tác trong các vấn đề không phải là quan hệ thương mại cần phải được chú trọng hơn. Ví dụ, Lục cho biết, TQ đã hiểu tầm quan trọng của nguy cơ đang nổi lên của chủ nghĩa khủng bố quốc tế đối với “cơ hội chiến lược” của họ và do vậy TQ rất coi trọng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Trong một cuộc gặp khác vào cuối tháng 8/2006, giáo sư của Đại học Nam Kinh Cố Tô nhất trí với đánh giá của Lục Cương rằng Trịnh Tất Kiên chính là người thúc đẩy chủ yếu (primary driver) của khái niệm “thế giới hài hòa”. Giáo sư Cố Tô (Gu Su) nói rằng chính sách đối ngoại mới này có nghĩa là TQ sẽ nhấn mạnh tới “hợp tác” nhiều hơn là “trỗi dậy”. Mặc dù vậy, theo giáo sư Cố Tô, công thức này vẫn được hiểu là có bao hàm cả ý nghĩa “trỗi dậy” ở trong đó. Theo Thẩm Đinh Lập, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từ lâu đã tìm kiếm một tầm nhìn bao quát (an overarching vision) và một lý luận (theory) mà Hồ có thể sử dụng để làm dấu ấn của mình đối với chính sách đối ngoại, thậm chí là đối với học thuyết của Đảng. Thẩm Đinh Lập nói rằng chính Trịnh Tất Kiên, với sự giúp đỡ của Hoàng Nhân Vĩ, đã phát triển khái niệm “thế giới hài hòa” nhằm dâng lên cho Hồ cái mà Hồ đang tìm kiếm.

Giáo sư Trang  Kiến Trung cho biết rằng Hồ Cẩm Đào đã đọc bài diễn văn lớn đầu tiên về “thế giới hài hòa” tại Liên Hợp Quốc vào ngày 15/9/2005, đánh dấu môt bước chuyển quan trọng trong chính sách. Theo bài phát biểu mà Tân Hoa Xã đã đưa tin, tầm nhìn chính sách đối ngoại của Hồ Cẩm Đào để đạt được “sự hài hòa” bao gồm 4 điểm chính sau: (i) tăng cường chủ nghĩa đa phương; (ii) khuyến khích hợp tác đôi bên cùng có lợi để đạt được sự thịnh vượng chung; (iii) tôn trọng các nền văn minh khác nhau và khuyến khích “sự bao dung” (“inclusiveness”) để “tất cả các nền văn minh có thể cùng tồn tại hài hòa và dung hợp (accommodate) lẫn nhau” và (iv) cải tổ LHQ. (Bình luận của TLSQ Mỹ tại Thượng Hải: Mặc dù thuật ngữ “thế giới hài hòa” đã được sử dụng từ trước đó, nhưng rõ ràng bài phát biểu hôm 15/9/2005 của Hồ đã đánh dấu lần đầu tiên Hồ nói một cách cụ thể và với một lượng thính giả lớn đến vậy về chủ đề này và do vậy đã đánh dấu sự khởi đầu của sự điều chỉnh định hướng chính sách đối ngoại).

Tuy nhiên, giống như “trỗi dậy hòa bình”, “thế giới hài hòa” không phải là không có chỉ trích. Giáo sư Thẩm Đinh Lập nói rằng trong cuộc họp tổng kết hàng năm về tình hình thế giới vào tháng 12/2005 tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, “thế giới hài hòa” đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi cộng đồng các nhà hoạch định chính sách đối ngoại cựu trào, bao gồm cả các học giả và các cựu đại sứ. Một lần nữa, vào tháng 4/2006, lý thuyết này lại được mang ra mổ xẻ trong một “cuộc tranh luận nội bộ gay gắt” với việc một số người theo chủ nghĩa hiện thực (realists) lập luận rằng Đảng cần phải tránh đưa chữ “hài hòa” lên trên tất cả các vấn đề khác. Những người này lo sợ rằng nếu để như vậy sẽ đánh đi một tín hiệu đối với Mỹ rằng TQ sẽ (sẵn sàng) nhân nhượng trước áp lực bên ngoài trên hầu hết các vấn đề để đổi lấy việc duy trì sự hài hòa quốc tế.

5. Khái niệm “trỗi dậy hòa bình” vẫn quan trọng, nếu không nói rằng (vẫn là) chính thức: Mặc dù đã xuất hiện công thức chính sách “thế giới hài hòa”, nhưng khái niệm “trỗi dậy hòa bình” vẫn là một công thức học thuật quan trọng, lại đang tiếp tục thu hút được sự quan tâm trong những tháng gần đây. Giáo sư Trang Kiến Trung cho rằng sở dĩ “trỗi dậy hòa bình” lại thu hút được nhiều sự quan tâm như vậy là do Mỹ “đã có ý kiến mới” về TQ. Trang Kiến Trung nói rằng việc Mỹ đưa ra công thức “một cổ đông có trách nhiệm” (“a responsible stakeholder”) đã ngụ ý rằng TQ đang trỗi dậy về tầm quan trọng và Mỹ đã chấp nhận điều này như là một thực tế. Các học giả TQ đang “soi” các nhà hoạch định chính sách Mỹ thông qua những câu chữ (mà họ sử dụng) và cảm thấy ít bị ngăn cấm trong việc sử dụng từ “trỗi dậy”. Thêm vào đó, nhiều người ở Mỹ ngày càng lo ngại về ảnh hưởng kinh tế và việc tiêu thụ năng lượng đang tăng lên của TQ đã dẫn tới việc nhiều học giả Mỹ sử dụng từ “rise” để mô tả về TQ như là một mối đe dọa đối với sự chi phối kinh tế toàn cầu của Mỹ, bao gồm cả việc tiếp cận với năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Để đáp lại, ngày càng nhiều học giả TQ quay trở lại sử dụng công thức “trỗi dậy hòa bình” để đề cập tới các quan ngại của Mỹ. Họ lập luận rằng, thực ra, trong khi TQ đang trở thành một chủ thể (player) toàn cầu ngày càng quan trọng, TQ thực sự không có ý định gây chiến./.[3]

Nguồn Wikileaks

NCBĐ



[1] Ghi chú của người dịch: Viện SIIS này có rất nhiều quan hệ sâu rộng ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Ông Viện trưởng SIIS, Tiến sỹ Dương Khiết Miễn, là em ruột của Ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì.

[2] Trong bức điện này, điều thú vị là người Mỹ đã chơi chữ khi đặt tiêu đề cho các tiểu mục 2, 3 và 4. Do vậy, người dịch đã để nguyên tiếng Anh trong khi dịch với hy vọng sẽ không bỏ sót những thâm ý của tác giả. TLSQ Mỹ ở Thượng Hải đã phải mất gần nửa năm mới viết xong bức điện quý giá và chỉ có 6 trang này. Việc chủ động tiếp xúc với rất nhiều nguồn tin đã cho thấy họ kiểm tra rất kỹ thông tin trước khi viết điện.

[3] Ghi chú của người dịch: Bức điện này (và nhiều bức điện khác) cho thấy rõ những năm gần đây vai trò và vị thế của Bộ Ngoại giao TQ đã yếu đi nhiều. Bộ này đang mất dần vai trò hoạch định chính sách đối ngoại và chỉ còn là cơ quan triển khai các ý tưởng của lãnh đạo cấp cao mà thôi.