Gần đây, có dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc thành lập sở chỉ huy tác chiến liên hợp trong diễn tập cấp chiến dịch ở các tập đoàn quân. Ví dụ, điển hình là trong cuộc diễn tập vào tháng 11/2013 của Tập đoàn quân số 24 với tình huống giả định là tác chiến nhằm vào Đài Loan, từ hình ảnh truyền hình phát đi, người ta thấy các sĩ quan chỉ huy lục quân, không quân cùng ngồi làm việc ngang hàng nhau, cho thấy sự bình đẳng giữa các quân chủng. 

Ý tưởng xây dựng Bộ Tư lệnh Tác chiến Liên hợp của Trung Quốc xuất phát từ mong muốn học tập kinh nghiệm cải cách quân sự của cả Mỹ và Nga. Trong vấn đề hướng chiến lược, đó chính là việc cải cách 7 Quân khu hiện nay thành 5 Hướng chiến lược. Ý tưởng này bắt đầu xuất hiện từ giữa những năm 1990 với mong muốn chủ yếu là giảm bớt các khâu trung gian, thực hiện cái gọi là “phẳng hóa” hệ thống chỉ huy. Tuy nhiên, do nội dung cải cách này đụng chạm tới nhân sự ở phạm vi lớn, gặp nhiều khó khăn nên dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, việc chuyển đổi từ 7 Quân khu thành 5 Hướng chiến lược giậm chân tại chỗ. Tới thời Tập Cận Bình, hiện vẫn còn quá sớm để kết luận quân đội Trung Quốc có làm được việc này hay không.

Trước đây, khi thảo luận nội dung cải cách hướng chiến lược, vấn đề kẻ thù giả tưởng đã được đặt ra bởi trên một hướng chiến lược thông thường phải đối mặt với một kẻ địch chủ yếu và một vài đối thủ tiềm tàng. Từ đó có thể phán đoán, cải cách hướng chiến lược chủ yếu là giảm số lượng Quân khu ở miền Đông, còn các Quân khu Thành Đô, Quân khu Lan Châu lần lượt trên Hướng Chiến lược Tây Nam và Tây Bắc sẽ chuyển đổi thành các Chiến khu hoặc giữ nguyên là Quân khu. Ở miền Đông, Quân khu Quảng Châu và Quân khu Nam Kinh có thể được tổ chức thành Hướng Chiến lược Đông Nam hoặc Chiến khu Đông Nam/Quân khu Đông Nam, chủ yếu là nhằm vào Đài Loan và các nước Đông Nam Á. Đối với Quân khu Tế Nam, đây được coi là lực lượng dự bị chiến lược và việc giải thể nó đã được bàn thảo từ lâu. Rốt cuộc, Quân khu Tế Nam sẽ được sáp nhập vào Quân khu Bắc Kinh hay Quân khu Thẩm Dương, vấn đề này vẫn tồn tại tranh cãi, thậm chí còn có ý kiến cho rằng 3 Quân khu này có thể hợp nhất thành một. 

Căn cứ vào kết cấu chỉ huy tổng thể hiện nay của quân đội Trung Quốc, có thể thấy Bộ Tư lệnh Tác chiến Liên hợp mà nước này xây dựng sẽ rất khó đạt được công năng như Bộ Tư lệnh Tác chiến Liên hợp của Mỹ. Việc chỉ huy tác chiến liên hợp của các Bộ Tư lệnh quân chủng Mỹ được xây dựng dưới khung “Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân” và đây chính là bộ não thực sự của hoạt động tác chiến liên hợp của quân đội Mỹ. Liệu quân đội Trung Quốc có cần xây dựng “Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân” hay không đã nảy sinh nhiều tranh cãi từ giữa những năm 1990 nhưng chưa ngã ngũ. Nguyên nhân nằm ở chỗ, trong cơ cấu này, Tổng cục Chính trị đóng vai trò gì và vai trò đảng lãnh đạo quân đội thể hiện như thế nào. Ở cấp dưới là vấn đề sẽ xử lý thế nào vai trò của Chính ủy. 

Bên cạnh đó, một thực tế ở Trung Quốc từ trước tới nay là Lục quân giữ vị trí bá chủ. Quân đội Trung Quốc thậm chí còn không thiết lập Bộ Tư lệnh Lục quân và chức Tham mưu trưởng Lục quân, mà Lục quân được Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy. Vì thế, dù thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến Liên hợp, dù ở cấp cơ sở tới cấp Bộ Tổng Tham mưu, Lục quân vẫn chiếm ưu thế mà không lực lượng nào so sánh được. Chính điều này khiến cho hiệu quả “liên hợp” (bình đẳng giữa các quân chủng) khó đạt được. Hiện nay, trên thế giới chưa từng có tiền lệ nào giống như Trung Quốc. Ngoài ra, ngay từ trước khi ý tưởng xây dựng Bộ Tư lệnh Tác chiến Liên hợp được đưa ra, vấn đề ai chỉ huy Lục quân vẫn chưa được giải quyết. Từ đó có thể thấy về mặt thực chiến, quân đội Trung Quốc vẫn chưa hiểu được ý nghĩa thực sự của việc “liên hợp”.

Theo tạp chí "Quốc phòng Hán Hòa" số tháng 4/2014 phát hành tại Hong Kong.

Thuỳ Anh (gt)