WTOE_China_Oil.jpg

 

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc bất ổn khiến nhiều nhà đầu tư và phân tích mất nhiều thời gian nghiên cứu thì giới quan sát có thể bỏ qua một mối đe dọa nghiêm trọng khác cho cả thị trường Trung Quốc và thế giới đó là nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng vọt và xung đột ở Trung Đông luôn là những đặc điểm trung tâm của bức tranh năng lượng toàn cầu những năm gần đây.

Sự phụ thuộc quá lớn và ngày càng tăng của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu thô từ khu vực đang ngày càng hỗn loạn này có thể dẫn việc bị gián đoạn nguồn cung lớn cho quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Tình hình an ninh bất ổn ở Trung Đông và cục diện cân bằng chính trị mong manh tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc và rộng ra là sự ổn định của cả thị trường toàn cầu. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang rất “khát” dầu thô với lượng tiêu thụ hơn 11 triệu thùng mỗi ngày tương đương hơn 1/3 mức tăng nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm ngoái. Trung Quốc đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu đến 60% nhu cầu dầu thô của nước này và sự phụ thuộc đó ngày càng lớn hơn khi nhu cầu gia tăng còn lớn hơn cả tốc độ tăng trưởng sản xuất nội địa đang trên đà suy giảm của nước này. Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế “bớt nóng” của Trung Quốc được hy vọng sẽ làm giảm nhu cầu dầu thô, nhưng nhu cầu tiêu thụ ước tính vẫn đứng ở mức cao 13 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Điều này làm cho Trung Quốc tiếp tục là một trong những thị trường tiêu thụ dầu thô lớn và đáng quan tâm nhất trên thế giới khi mà các nhà cung cấp từ Venezuela đến Nga đang chạy đua để tăng thị phần tại “quốc gia trung tâm” này. Bất chấp những nỗ lực hết sức của các nhà sản xuất như Nga, Trung Quốc tiếp tục bị phụ thuộc nặng nề vào nguồn nhập khẩu từ Trung Đông khi năm 2014, hơn một nửa tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc là từ khu vực nóng bỏng này và theo xu hướng thị trường hiện tại thì nó không hề có dấu hiệu sẽ giảm đi.

Kể từ tháng 11/2014 khi Saudi Arabia đưa ra quyết định bảo vệ thị phần hơn là giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu đang lao dốc, điều đó lập tức tạo ra một cuộc “chạy đua” mà theo đó các nhà sản xuất bắt đầu đẩy mạnh tốc độ khai thác một cách chóng mặt. Mùa Hè năm nay, sản lượng dầu thô của Iraq đạt mức kỉ lục và sản lượng của các nước vùng Vịnh thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay với riêng sản lượng của Saudi Arabia đạt mức đỉnh khoảng 10,6 triệu thùng/ngày. Ngay cả khi Mỹ tăng sản lượng dầu từ đá phiến và nhu cầu tiêu thụ giảm của nước này làm cho giá dầu rớt mạnh hơn nữa hồi mùa Hè vừa qua thì Saudi Arabia vẫn kiên quyết không cắt giảm sản lượng và nhường lại thị phần cho các đối thủ địa chính trị như Nga và Iran. Khi không thấy Saudi Arabia có dấu hiệu cắt giảm sản lượng, các nhà sản xuất ở Trung Đông khác như Iraq buộc phải tiếp tục “hút dầu” với tốc độ rất nhanh để bảo vệ thị phần. Tầm quan trọng chiến lược của thị trường Trung Quốc đối với các nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông sẽ khuyến khích họ duy trì hoặc tăng mức xuất khẩu hiện nay cho nước này. Ngược lại, Trung Quốc cũng có lợi ích thương mại trong việc nhập khẩu dầu từ Trung Đông vì nhiều nhà máy lọc dầu của nước này thích loại dầu thô loại vừa và nặng của vùng Vịnh.

Tóm lại, trong tương lai gần Trung Quốc vẫn gắn chặt vào các nhà sản xuất dầu ở khu vực Trung Đông. Sự phụ thuộc lớn của Trung Quốc vào thị trường dầu mỏ Trung Đông làm cho thị trường nhập khẩu nước này dễ bị tổn thương bởi một loạt mối đe dọa khác nhau của khu vực, từ nguy cơ đổ vỡ hợp đồng thương mại do bất ổn chính trị, căng thẳng giữa các phe phái bắt nguồn từ quản lý yếu kém đến mối đe dọa lớn nhất là Nhà nước Hồi giáo (IS). Thực tế, tình trạng bất ổn do IS gây ra đã tác động đến hai nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc là Iraq và Saudi Arabia. Tại Iraq, IS đã đốt các giếng dầu ở mỏ dầu Ajil, chiếm giữ nhà máy lọc dầu Baiji ở phía Bắc Tikrit và phá hủy các đường ống dẫn dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ. May cho Iraq là IS hiện chỉ đang hoạt động ở phía Bắc và Tây, còn chính phủ của đất nước có cộng đồng người Shiite chiếm số đông vẫn đang kiểm soát được lãnh thổ phía Nam có tới 90% sản lượng và đóng góp 85% cho xuất khẩu dầu của nước này. Tuy nhiên, các hãng dầu lớn như BP và Exxonmobil đã sơ tán nhân viên khỏi các cơ sở sản xuất để đề phòng rủi ro và thay đổi lực lượng an ninh bảo vệ trước tình trạng gia tăng các vụ tấn công và bắt cóc các công nhân dầu khí ở phía Nam.

Còn tại nước cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc là Saudi Arabia, IS đang kích động sự bất ổn ở tỉnh khu vực miền Đông nhiều dầu mỏ của vương quốc có đa số là người Sunni này. Đây là tỉnh mà người Shiite lại chiếm đa số và là nơi sản xuất dầu trọng yếu của Saudi Arabia, nơi đây đã từng nhiều lần bị tấn công trong đó có âm mưu do al-Qaeda tiến hành năm 2006 định đánh bom cơ sở lọc dầu Abqaiq, cơ sở đóng góp tới khoảng 70% dầu thô xuất khẩu của Saudi Arabia. Tháng 11/2014, IS đã tiến hành vụ đấu súng đẫm máu và các vụ đánh bom tự sát nhằm vào các nhà thờ dòng Shiite trong tháng lễ Ramadan cùng với vụ đánh bom nhằm vào một trạm kiểm soát an ninh tại tỉnh này đã dẫn đến một cuộc trấn áp rất lớn của Chính phủ Saudi Arabia. Các vụ đánh bom nhằm vào các nhà máy khai thác, sản xuất dầu hay bất ổn sắc tộc lan rộng có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu của Trung Quốc. Ngoài những yếu tố trên, việc mâu thuẫn chính trị có thể phá vỡ sự cân bằng mong manh, điều tạo ra cho Iraq cơ hội thương mại hấp dẫn đối với các công ty dầu khí quốc tế (IOC). Khi IS làm suy yếu năng lực quản lý của Chính phủ Baghdad, sự tức giận đối với thỏa thuận chia sẻ tỉ lệ xuất khẩu dầu giữa chính quyền trung ương và chính quyền khu tự trị người Kurd (KRG) đã tăng lên. Sự căng thẳng này đe dọa làm đổ vỡ thỏa thuận về bán dầu, phá hoại các nỗ lực cải cách của thủ tướng KRG Haidar Abadi, cản trở IOC đầu tư trong tương lai và dẫn đến nguy cơ gián đoạn nguồn cung của Iraq.

Bên cạnh những điểm yếu an ninh năng lượng do mất ổn định chính trị và an ninh còn có một yếu tố khác rất quan trọng nhưng phần lớn bị xem nhẹ là tác động của cuộc chiến tranh giành thị phần đang diễn ra làm suy giảm công suất dự phòng toàn cầu, một yếu tố quan trọng để giảm thiểu sự biến động giá khi thị trường bị gián đoạn lớn. Các thị trường dầu thô hầu như sẽ ổn định khi công suất dự phòng đạt ít nhất 5% tổng nhu cầu của thị trường, tương đương với khoảng 4,7 triệu thùng/ngày trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, khi Riyadh tăng sản lượng để bảo vệ thị phần, công suất dự phòng của Saudi Arabia đã giảm đi đáng kể. Giới quan sát cho rằng công suất dự phòng của Saudi Arabia giảm từ khoảng 1 triệu thùng/ngày trước khi nước này đẩy mạnh khai thác xuống còn khoảng 300.000 thùng/ngày mùa Hè này. Rất khó để xác định công suất dự phòng hiện tại của Saudi Arabia là bao nhiêu nhưng rõ ràng là nó thấp hơn mức 5% nhu cầu thị trường hiện nay và sẽ duy trì như vậy nếu nước này vẫn giữ mức độ khai thác như bây giờ. Kết quả là một biện pháp an toàn để giảm tải rủi ro khi thị trường gặp gián đoạn lớn về nguồn cung đã bị mất đi. Công suất dự phòng thấp có tác động không tốt đối với một nước phụ thuộc nhập khẩu và tiêu thụ năng lượng như Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế đang có những dấu hiệu bất ổn trong những tháng gần đây. Trung Quốc hiện đang được hưởng lợi từ giá dầu thấp và một thị trường đang tràn ngập nguồn cung nhưng với sự biến động bất thường “truyền thống” của thị trường dầu mỏ, Trung Quốc không thể để an ninh năng lượng phụ thuộc vào giá dầu thấp. Vậy Bắc Kinh có thể làm gì để giải quyết bài toán an ninh năng lượng phụ thuộc Trung Đông của mình? Trong ngắn hạn, thực tế là không làm được gì nhiều. Việc chuyển đổi từ một “khách hàng tự do” sang thành một khách hàng đặc biệt với tư cách là người bảo trợ an ninh khu vực như Mỹ đòi hỏi Trung Quốc phải bỏ ra rất nhiều công sức nhưng nước này hiện chưa sẵn sàng đầu tư các nguồn lực cần thiết cho một cam kết bên ngoài lớn như vậy.

Hơn nữa, Trung Quốc đang đứng ở phía khác của chính trị an ninh vùng Vịnh. Sự liên kết trên thực tế của Trung Quốc với Iran thể hiện qua những việc như: hợp tác hải quân phát triển mạnh mẽ; dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cùng với Nga chống lại các nghị quyết lên án chế độ ở Syria được Iran hậu thuẫn và đường dây buôn lậu nguyên liệu hạt nhân của các công dân nước này tới Iran đã làm cho các nước quân chủ vùng Vịnh chưa thấy an tâm về Trung Quốc. Trong khi các quốc gia vùng Vịnh có thể vẫn sẵn sàng gặt hái những lợi ích thương mại và đôla dầu lửa từ Trung Quốc, họ không có vẻ nồng nhiệt chào đón sự hiện diện về an ninh của một nước quá gần gũi với Iran, đối thủ lớn nhất của họ trong khu vực. Bắc Kinh cũng tiến hành một số hành động để đảm bảo lợi ích của mình ở khu vực trên một quy mô nhỏ hơn bằng các hoạt động chống cướp biển và di tản, đồng thời cũng nhằm mục đích tăng cường các quan hệ song phương với các đối tác chủ chốt để đảm bảo vững chắc hơn các lợi ích của Trung Quốc. Nhưng ít nhất là đến lúc này, an ninh năng lượng của Trung Quốc vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu để ổn định tình hình an ninh khu vực.

Từ trong nước, Bắc Kinh có thể tự đảm bảo an ninh nguồn cung cho mình bằng cách xây dựng kho dự trữ chiến lược, một quá trình đã được nước này triển khai tốt. Quy mô và thành phần của kho dự trữ chiến lược của Trung Quốc đang trong vòng bí mật nhưng tháng 11/2014, Tổng cục Thống kê nước này công bố rằng trong giai đoạn đầu tiên của những nỗ lực dự trữ chiến lược, Trung Quốc đã tích lũy được 91 triệu thùng dầu thô, tương đương với số lượng của 30 ngày nhập khẩu và giai đoạn tiếp theo nước này sẽ cố gắng bổ sung thêm 168 triệu thùng nữa. Tuy nhiên, nỗ lực này không đơn giản vì Trung Quốc cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng mới khi mà hầu hết các kho dự trữ hiện tại đã được lấp đầy trong một loạt thương vụ mua bán cấp tập cuối năm 2014. Hơn nữa, các chuyên gia ước tính rằng Trung Quốc phải tích lũy khoảng 600 triệu thùng trong kho dự trữ chiến lược mới đáp ứng đủ đòi hỏi về bảo hộ nhập khẩu của các quốc gia thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một mục tiêu mà Bắc Kinh phải mất nhiều năm nữa mới thực hiện được. Do vai trò quá lớn của Trung Quốc hiện nay trong thương mại hàng hóa toàn cầu, sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ Trung Đông tạo ra một mối đe dọa rất thực tế đối với sự ổn định của thị trường năng lượng và trật tự kinh tế thế giới. Một sự gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng chủ đạo ngày hôm nay sẽ làm cho nền kinh tế đang quay cuồng với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vừa qua có thể bị “căng thẳng” hơn nhiều và điều đó có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới các thị trường tài chính toàn cầu./.

Theo “The Diplomat

Nhật Linh (gt)