Một trong những điều gây ngạc nhiên nhất trong ngoại giao của Trung Quốc từ giữa năm 2013 là thời lượng và sức lực mà ban lãnh đạo Trung Quốc dành cho lĩnh vực này. Ông Tập Cận Bình dường như trở thành một "chủ tịch của chính sách đối ngoại" khi thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài và đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài tới thăm Trung Quốc. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng bận rộn với nhiều hoạt động đối ngoại, đặc biệt là ở Đông Nam Á và châu Âu. Vậy trong bối cảnh sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, đâu sẽ là những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong năm 2015?

Sự quan tâm tới chính sách đối ngoại đã củng cố những diễn biến đáng chú trong thời gian gần đây. Tháng 6/2014, Trung Quốc đã đăng cai Hội nghị về Tương tác và Xây dựng Lòng tin ở châu Á (CICA) - một thể chế ít được biết đến trên thế giới. Việc này đã gây ra đồn đoán rằng Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy chủ nghĩa địa phương châu Á, trong đó không có sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, những lo ngại này đã phần nào được xoa dịu sau khi Bắc Kinh đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2014 và Chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc gặp thành công với Tổng thống Mỹ Barack Obama khi các thỏa thuận song phương về cắt giảm khí thải carbon, công nghệ và liên lạc quân sự được ký kết.

Trong suốt một thời gian, chính sách đối ngoại của Trung Quốc là nhằm cân bằng sự can dự với trật tự thế giới hiện nay và là một yếu tố ngày càng lớn của "chủ nghĩa xét lại", với những toan tính nhằm thay đổi trật tự đó. Động thái đáng chú ý là cuối năm 2014, Bắc Kinh cùng với một số đối tác thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), mặc dù Mỹ đã thuyết phục một vài nước chủ chốt không tham gia ngân hàng này. AIIB có mối liên hệ với thỏa thuận hồi tháng 7/2014 về việc thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng như kế hoạch của Bắc Kinh thành lập Quỹ Con đường Tơ lụa để cung cấp tài chính cho việc thúc đẩy các tuyến đường giao thương trên đất liền và trên biển. 

Nếu các sáng kiến này liên kết với nhau có thể tạo nên những bước đi mạnh mẽ hơn trong việc thay đổi trật tự thế giới so với những nỗ lực của Trung Quốc trước đó. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc đã trở nên khiêm tốn hơn về quy mô và hướng tới việc củng cố lá phiếu của nước này trong những thể chế tài chính quốc tế cũng như ủng hộ Nhóm các nền kinh tế lớn (G-20).

Bài phát biểu của Tập Cận Bình tại hội nghị về chính sách đối ngoại tổ chức ở trong nước tháng 11/2014 phần nào cho thấy những ý định của ban lãnh đạo Trung Quốc. Ông đã đề cập đến việc "cải cách" thay vì thay đổi trật tự thế giới và không hề mang hàm ý cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu hay dự định vượt qua quyền lực của Mỹ trong thời gian tới, mặc dù quy mô của nền kinh tế nước này sắp đuổi kịp Mỹ. Vậy điều này sẽ có ý nghĩa gì đối với những vấn đề quốc tế trong năm 2015?

Thứ nhất, ngoại giao kinh tế của Trung Quốc sẽ phát triển mạnh cả về quy mô và phạm vi địa lý. Thay vì chấp nhận thỏa hiệp về những quan điểm lâu nay, Bắc Kinh có thể sẽ tận dụng yếu tố này để phục hồi các mối quan hệ trong khu vực vốn bị tổn hại do những tranh chấp lãnh hải (mặc dù chiến thuật này có thể không phát huy hiệu quả). Trong bối cảnh hai bên còn thiếu niềm tin về những vấn đề an ninh và những khó khăn mà ông Tập Cận Bình gặp phải trong việc thuyết phục Washington ủng hộ mối quan hệ song phương kiểu mới, kinh tế có thể sẽ là trọng tâm trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Mỹ.

Thứ hai, Trung Quốc có thể thực hiện chủ nghĩa xét lại một cách mềm dẻo hơn thông qua việc thúc đẩy cải cách những thể chế hiện nay và đề xuất những lựa chọn thay thế nếu như tiến trình cải cách bất khả thi. Điều này có nghĩa là chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong năm 2015 sẽ phụ thuộc nhiều vào cách tiếp cận của các nước khác, đặc biệt là Mỹ. Với động thái phản đối việc thành lập AIIB, Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội để chứng minh rằng Washington không có ý định kìm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc sẽ điều chỉnh lại các mối quan hệ đối tác hiện nay. Việc này đang được thực hiện một cách âm thầm trên Bán đảo Triều tiên khi mà quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đang ngày càng xấu đi. Rõ ràng là Trung Quốc cũng đang cân bằng lại quan hệ với Pakistan và Ấn Độ theo hướng rời xa Islamabad và xích lại gần hơn với New Delhi. Bắc Kinh sẽ tiếp tục ưu tiên mối quan hệ với Nga mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn sẽ thận trọng trong việc thể hiện sự ủng hộ công khai đối với chủ nghĩa xét lại của Tổng thống Vladimir Putin vì nó khác xa về cách thức và bản chất so với chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc. Tây Âu vẫn sẽ đứng cuối danh sách ưu tiên của Bắc Kinh.

Một vấn đề mà Trung Quốc ít có khả năng thay đổi cách tiếp cận, đó là mối quan hệ căng thẳng với Nhật Bản. Cuộc gặp hồi tháng 11/2014 giữa ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giúp xoa dịu phần nào căng thẳng giữa hai nước so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, các nguyên tắc cơ bản vẫn không có gì thay đổi mặc dù có lý do để tin rằng ít có khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa hai bên. 

Theo Chatham House

Trần Quang (gt)