Mặc dù việc Trung Quốc “công khai” về SSBN mẫu 092 lớp Hạ không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng việc Bắc Kinh vén màn bí mật về loại tàu ngầm này, cùng với những cải tiến kỹ thuật đối với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-2, đặt ra những câu hỏi về việc liệu Trung Quốc đã đạt tới mức độ răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy chưa? 

Mặc dù SSBN mẫu 092 lớp Hạ nhận được khá nhiều sự tán dương từ cả truyền thông Trung Quốc lẫn phương Tây, nhưng PLAN xác định SSBN mẫu 094 lớp Tấn mới là loại vũ khí đóng vai trò trọng yếu trong chiến lược răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc. Tân Hoa Xã cũng thừa nhận rằng SSBN mẫu 092 lớp Hạ không có “thực lực tấn công hạt nhân thứ hai” đáng tin cậy. Trong chiến lược hạt nhân, “thực lực tấn công thứ hai” là khả năng đánh trả bằng vũ khí hạt nhân khi bị một quốc gia khác tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ cho biết Trung Quốc hiện đang có 3 tàu SSBN lớp Tấn đang hoạt động và nước này đang đóng thêm hai chiếc nữa. Cả 5 tàu này đều sẽ được trang bị mỗi tàu 12 tên lửa SLBM JL-2. Theo các quan chức Mỹ, tàu SSBN lớp Tấn dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động tuần tra trên biển vào đầu năm 2014. 

Để có được thực lực răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy và có thể tồn tại được, Trung Quốc cần phải vượt qua hai thách thức kỹ thuật mà nước này vẫn chưa thể vượt qua kể từ lần đầu tiên phóng SLBM từ tàu ngầm năm 1988. Trung Quốc cần phải chế tạo tàu ngầm có đủ khả năng tàng hình để tránh được các thiết bị vũ khí chống tàu ngầm của Mỹ và thiết kế SLBM JL-2 có đủ khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của Mỹ. 

Cả hai tàu SSBN lớp Tấn và lớp Hạ của Trung Quốc hiện nay đều không có đủ độ êm cần thiết khi vận hành để có thể tránh bị các thiết bị chống tàu ngầm của Mỹ phát hiện. Bản thiết kế cơ bản của tàu SSBN lớp Tấn có khiếm khuyết là ngăn đặt tên lửa rất lớn ở phía đuôi tàu và cửa mở thoát nước phía dưới các bệ phóng tên lửa tạo ra một tín hiệu siêu âm rất dễ bị phát hiện. Báo cáo năm 2009 của Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ đã so sánh mức độ ồn tần số thấp giữa các tàu SSBN của Trung Quốc với các tàu SSBN trong những năm 1970 của Nga và thấy rằng trong số 12 tàu được đem ra so sánh, tàu SSBN lớp Hạ của Trung Quốc dễ bị phát hiện nhất, còn tàu SSBN lớp Tấn đứng vị trí thứ 4. Ngoài ra, tên lửa SLBM JL-2 của Trung Quốc đã liên tục trải qua các lần phóng thử nghiệm thất bại, và hiện vẫn chưa rõ PLAN có thực sự phóng thử thành công tên lửa này hôm 16/8 như họ đã tuyên bố hay không. 

Ngay cả khi Trung Quốc đạt được trình độ kỹ thuật cần thiết cho thực lực răn đe hạt nhân trên biển đủ sức tồn tại thì PLAN với sự tập trung chủ yếu quyền lực ở trung ương không hề có kinh nghiệm tác chiến nào trong việc duy trì tuần tra răn đe ở giữa biển khơi. Trung Quốc có truyền thống dựa hoàn toàn vào hệ thống tên lửa đạn đạo đặt trên mặt đất (ICBM) của mình để tạo thực lực răn đe, và vì thế họ chưa bao giờ phải đối mặt với câu hỏi thực tế là liệu có trao quyền phóng các tên lửa SLBM cho các chỉ huy tàu ngầm khi xảy ra khủng hoảng hay không. 

Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) bấy lâu ủy quyền kiểm soát và chỉ huy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho Lực lượng Pháo binh số 2, và có rất ít khả năng CMC sẽ thực hiện một sự chuyển đổi cơ cấu cần thiết để chuyển giao quyền phóng tên lửa cho các chỉ huy của PLAN. Sự thiếu kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc duy trì liên lạc an toàn giữa các tàu SSBN và Bộ chỉ huy đặt trên đất liền sẽ đồng nghĩa với việc một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào đầu não hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Trung Quốc sẽ khiến cho hệ thống răn đe hạt nhân trên biển của nước này bị tê liệt. 

Kể cả khi Trung Quốc đã có những cải tiến kỹ thuật đối với tàu SSBN lớp Tấn cho phép tàu này có thể vượt qua hệ thống tác chiến chống tàu ngầm tinh vi của Mỹ thì hệ thống BMD của Mỹ cũng vẫn có đủ khả năng đánh chặn phần lớn các tên lửa SLBM JL-2 của Trung Quốc có đủ khả năng bắn tới Mỹ từ các tàu SSBN lớp Tấn đặt tại Vịnh Bột Hải hoặc Biển Đông. Khi tàu SSBN lớp Tấn phóng một tên lửa SLBM JL-2, các rađa của hệ thống Aegis triển khai ở gần bờ biển Trung Quốc sẽ ngay lập tức phát hiện ra việc phóng tên lửa, và chỉ 5 giây sau đó sẽ phóng tên lửa đánh chặn SM-3. Ngoài việc triển khai thêm các tên lửa đánh chặn SM-3 ngoài khơi bờ biển nước Mỹ và các hệ thống đánh chặn trên bộ đặt tại Californi, Alaska, Lầu Năm Góc dự kiến sẽ triển khai hệ thống tên lửa SM-3 Block IIA thế hệ tiếp theo vào năm 2018, có khả năng hạ gục mọi tên lửa SLBM JL-2 của Trung Quốc có tầm bắn tới lục địa Mỹ. 

Trong khi cả tàu SSBN lớp Hạ và lớp Tấn đều chưa thể mang lại cho Trung Quốc thực lực răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy và có thể tồn tại được, thì một điều không thể phủ nhận là rốt cuộc Mỹ sẽ phải đối phó với một Trung Quốc sở hữu 2 trong số 3 thành tố trụ cột của một hệ thống răn đe hạt nhân. Hiện tại, PLA đang triển khai thêm các SLBM được trang bị các phương tiện chứa nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập (MIRV) trên các tàu SSBN có khả năng tàng hình cao hơn. Nhiều nguồn tin Trung Quốc cho biết tên lửa SLBM JL-2 hiện có khả năng mang từ 3-9 đầu đạn. Với thực tế là SLBM JL-2 có tầm bắn 7.200 km thì khi được trang bị nhiều đầu đạn và phóng từ vùng nước ven bờ gần đảo Hải Nam, nó có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ của Mỹ. Báo cáo năm 2010 của Bộ Quốc phòng Mỹ về các thực lực quân sự của Trung Quốc lưu ý rằng Trung Quốc hiện đang phát triển tàu ngầm SSBN mẫu 096 lớp Đường có khả năng mang 16 tên lửa SLBM thế hệ mới hơn. 

Khi Trung Quốc đạt được thực lực tác chiến và kỹ thuật cần thiết cho khả năng răn đe trên biển ở mức có thể tồn tại được, Washington sẽ buộc phải đưa ra quyết định có nên chấp nhận rủi ro, tổn hại hạt nhân có thể xảy ra cho cả hai bên nếu phải đối đầu với Bắc Kinh hay không. Tuy nhiên, cho tới nay, bằng cách tiếp tục phủ nhận “khả năng tấn công hạt nhân thứ hai trên biển” của Trung Quốc bất chấp thực tế thế nào, Washington đã tránh né được những cuộc đối thoại mà lẽ ra nước này đã phải được thực hiện nhằm củng cố niềm tin cho các đồng minh của mình tại châu Á - Thái Bình Dương. Với việc “chuyển hướng sang châu Á” bấy lâu nay chỉ là những lời hùng biện, sự chấp nhận "tính dễ tổn thương hạt nhân cho cả hai bên" khi Mỹ phải đối đầu với Trung Quốc sẽ khó có thể làm dịu bớt những quan ngại về an ninh của các đồng minh khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Philippines. Chấp nhận một Trung Quốc có thực lực răn đe trên biển đủ ở mức tồn tại có thể đòi hỏi Mỹ xác định lại những khái niệm về răn đe mở rộng cũng như chiếc ô hạt nhân của mình tại châu Á - Thái Bình Dương. 

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có thể tạm thời trì hoãn thời điểm thừa nhận sự dễ bị tổn thương hạt nhân cho cả hai bên khi đối đầu với Trung Quốc, tuy nhiên, Washington cuối cùng sẽ phải xem xét lại vị thế lực lượng, các thực lực, chiến lược và chính sách hạt nhân của mình, thêm vào yếu tố chấp nhận sự dễ bị tổn thương hạt nhân cho cả hai bên khi đối đầu với Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có đối phó với triển vọng dễ bị tổn thương hạt nhân cho cả hai bên bằng sự phủ nhận, theo đó lặng lẽ đầu tư đồng bộ xây dựng các thực lực đánh trả của hải quân, hay bằng cách chấp nhận và đánh giá lại chính sách răn đe mở rộng có nghĩa như thế nào ở châu Á - Thái Bình Dương./.

Tác giả Christian Conroy, một nhà nghiên cứu tại thủ đô Washington chuyên về vũ khí hạt nhân và an ninh khu vực Đông Á đăngtrên National Interest” .

Thùy Anh (gt)