Mối quan hệ Trung Quốc – Singapore đã trải qua những thăng trầm lớn trong năm 2016, một năm không hề bình thường trong lịch sử quan hệ song phương. Bài viết phân tích toàn diện sự thay đổi thái độ của Trung Quốc với Singapore. Sự thay đổi được thể hiện qua nhiều phản ứng khác nhau của các thành phần xã hội Trung Quốc đối với những căng thẳng quan hệ năm 2016. Bài viết xem xét các sự kiện cản trở mối quan hệ, xác định bảy lĩnh vực bất hòa và gây tranh cãi chính giữa Trung Quốc và Singapore, xem xét các cuộc tranh luận tại Trung Quốc về Singapore và tìm ra những thách thức chủ yếu trong tương lai quan hệ hai nước. Mặc dù một số trở ngại năm 2016 là tình cờ và có thể được giải thích do sự hiểu nhầm và nhận thức sai lầm về mặt chiến thuật, các nguyên nhân chiến lược sâu hơn cũng có tác động và có thể tái xuất hiện trong tương lai.

GIỚI THIỆU

Năm 2016 là một năm không hề bình thường trong lịch sử quan hệ Trung Quốc - Singapore. Kể từ khi thiết lập tiếp xúc cấp cao vào cuối những năm 1970, hai nước chưa từng trải qua nhiều biến cố và bất ổn trong như năm 2016. Phần lớn gián đoạn xuất phát từ những chỉ trích của giới tinh hoa và truyền thông Trung Quốc đối với Singapore. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đưa ra những tuyên bố bày tỏ thái độ không hài lòng với Singapore nhưng những mối liên hệ về mặt kinh tế giữa hai quốc gia không bị tổn hại đáng kể và mối quan hệ có lẽ sẽ ổn định trong năm 2017. Tuy nhiên điều quan trọng là phải xem xét lại những căng thẳng và rút ra bài học có ích để kiểm soát quan hệ trong tương lai.

Các nhà lãnh đạo Singapore thất vọng khi cho rằng những kỳ vọng của Trung Quốc đối với Singapore đã thay đổi, chứ không phải chính sách của Singapore với Trung Quốc đã thay đổi. Họ ngụ ý rằng sự thay đổi thái độ và kỳ vọng của Trung Quốc là nguồn gốc gây căng thẳng.[1] Phía Trung Quốc phản bác rằng căng thẳng là do thái độ thiếu thay đổi của Singapore làm Trung Quốc tức giận và gây bất hòa. Dù nguyên nhân căng thẳng là gì đi nữa, hai bên đồng tình rằng thái độ của Trung Quốc với Singapore đã có sự dao động sâu sắc.

Bài phân tích đưa ra một nghiên cứu toàn diện về thái độ đang thay đổi của Trung Quốc đối với Singapore, điều đó được thể hiện qua những phản ứng khác nhau của các thành phần xã hội Trung Quốc trước những bất ổn trong quan hệ song phương năm 2016.[2] Bài viết đưa ra quan điểm và các phân tích của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, giới lãnh đạo tinh hoa, truyền thông, cộng đồng và đánh giá tầm quan trọng cũng như mức độ liên quan về chính sách đối với mối quan hệ Trung Quốc - Singapore trong tương lai.

Bài viết được chia làm bốn phần. Phần đầu mô tả những sóng gió lớn trong năm 2016, từ cuộc tranh cãi liệu Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tới việc Hải quân Hồng Kông bắt giữ lô xe bọc thép của Singapore. Trên cơ sở những phản ứng của Trung Quốc đối với các sự kiện trên, phần hai trình bày bảy lĩnh vực bất hòa và tranh cãi chính giữa Trung Quốc và Singapore, từ vấn đề Biển Đông tới bản chất chính sách đối ngoại của Singapore. Phần này dựa trên phân tích từng bước về một loạt các quan điểm của các nhà quan sát Trung Quốc do các cuộc tranh luận của Trung Quốc về Singapore không phản ánh một quan điểm thống nhất. Bài viết đưa ra kết luận bằng việc phác hoạ một số thách thức lớn phía trước đối với chính sách Singapore với Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra trong bài viết là Singapore nên xem xét thận trọng những thay đổi trong quan điểm Trung Quốc như thế nào? Liệu những quan điểm này có phản ánh những xu hướng từ sâu bên trong và tồn tại dai dẳng trong mối quan hệ song phương hay chỉ là những phản ứng ngắn hạn trong năm 2016? Mặc dù một số vấn đề về quan hệ trong năm 2016 là ngẫu nhiên và có thể được giải thích do sự hiểu lầm và nhận thức về mặt chiến thuật, những nguyên nhân chiến lược sâu hơn cũng có tác động và có thể tái hiện trong tương lai. Bài viết tìm ra những nguyên nhân này thông qua việc nghiên cứu sâu các quan điểm của Trung Quốc.

NHỮNG CĂNG THẲNG TRONG NĂM 2016

Đối với một số nhà quan sát Trung Quốc, mối quan hệ Trung Quốc-Singapore bắt đầu xuống dốc sau khi đạt tới đỉnh điểm ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước thành công của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Singapore ngày 6-7 tháng 11 năm 2015. Vào ngày 27 tháng 11 năm 2015, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đưa ra một bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại tại Đại học Công nghệ Nanyang. Trong phần cuối bài phát biểu, ông mô tả quan hệ của Singapore với Trung Quốc là "rất tốt" nhưng bổ sung "chúng ta rõ ràng là người Singapore, họ là người Trung Quốc, chúng ta là các nước khác nhau…Khi lãnh đạo Singapore gặp lãnh đạo Trung Quốc trong các cuộc họp chính thức, chúng tôi nói tiếng Anh và sử dụng phiên dịch viên, dù nhiều lãnh đạo của chúng ta hiểu và có thể nói tiếng Hoa phổ thông."[3] Trong khi đây là một tuyên bố dựa trên tình hình thực tế, một số nhà ngoại giao Trung Quốc lại cảm thấy Thủ tướng Lý cố tình tách Singapore khỏi Trung Quốc và không nghĩ rằng Singapore đang xích lại quá gần Trung Quốc sau chuyến thăm của Tập Cận Bình. Các nhà quan sát Trung Quốc cũng chỉ ra rằng mối quan hệ bắt đầu suy giảm sau đó.[4]

Vào tháng 12 năm 2015, Singapore ký Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường với Mỹ. Trung Quốc cảnh giác với hiệp định của Singapore khi nó cho phép các máy bay tuần tra P-8 của Hải quân Mỹ tiếp cận luân phiên để theo dõi các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.[5] Các lãnh đạo Trung Quốc xem đây là hành động triển khai cơ sở vật chất quân sự lớn nhất của Mỹ tại Singapore từ sau năm 2013 khi đồng ý đón tiếp bốn tàu chiến tấn công ven biển của Mỹ tới năm 2017.[6] Hành động triển khai P-8 này xảy ra vài tuần sau khi chính quyền Obama tiến hành các hoạt động tự do hàng hải chống lại các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Đảo Trường Sa, làm tăng nhận thức rằng Singapore đang trợ giúp Mỹ chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.

Vào tháng 3 năm 2016, trong một cuộc phỏng vấn tới Tạp chí Wall Street về một loạt các vấn đề trong Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - ASEAN,[7] Thủ tướng Lý Hiển Long chính thức ủng hộ tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là điều kiện tiên quyết trong chiến lược tái cân bằng châu Á của chính quyền Obama. Sự ủng hộ mạnh mẽ TPP với tư cách là một sáng kiến kinh tế và chiến lược trong một số trường hợp của Singapore đã làm Trung Quốc tức giận bởi họ nhìn nhận TPP là kế hoạch của Mỹ và khu vực nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Mặc dù ông Lý và nhiều quan chức khác cũng đề cập tới khả năng Trung Quốc tham dự TPP, các nhà quan sát Trung Quốc bỏ qua sự khác biệt nhỏ trong ý nghĩa của những tuyên bố này bởi vì họ thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Singapore đối với TPP và nỗ lực của Singapore nhằm thuyết phục Mỹ phê chuẩn TPP một cách quá mức.

Vào tháng 4 năm 2016, trong chuyến thăm tới Brunei, Lào và Campuchia, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố đạt được đồng thuận bốn điểm với các quốc gia này về vấn đề Biển Đông, bao gồm một bản ghi nhớ rằng các tranh chấp lãnh thổ "nhìn chung không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN". Ong Keng Yong và Bihahari Kausikan, hai đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Singapore chỉ trích Trung Quốc gây xáo trộn các vấn đề nội khối của ASEAN và gây chia rẽ tổ chức này trước khi tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện Philippines với Trung Quốc về tranh chấp tại Biển Đông.[8]

Những bình luận này gây ra những đáp trả mạnh mẽ từ các quan chức và giới phân tích Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân phủ nhận việc Trung Quốc có ý định chia rẽ ASEAN. Xue Li, một nhà phân tích có tầm ảnh hưởng tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc khẳng định rằng cáo buộc Trung Quốc gây chia rẽ phản ánh "chủ trương ôn hòa nước nhỏ" của Singapore, vốn ưu tiên lập trường chung của một ASEAN hơn lợi ích quốc gia của mỗi nước thành viên và bỏ qua lợi ích quan trọng của Trung Quốc. Xue tự hỏi liệu quan điểm này chính xác hay không.[9]

Tháng 6 năm 2016, Trung Quốc và ASEAN tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng đặc biệt tại Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cuộc họp này diễn ra sau một sự kiện rất nhạy cảm: phán quyết của tòa trọng tài về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc chuẩn bị được công bố. Tại sự kiện, Trung Quốc và ASEAN có xung đột về vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh cảnh báo các thành viên ASEAN không đưa ra tuyên bố chung về phán quyết, đồng thời thách thức vai trò và tính trung tâm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Ban đầu, phía ASEAN chuẩn bị đưa ra một tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc nhưng sau khi Campuchia và Lào nhận thức đầy đủ mức độ phản đối của Trung Quốc, các nước này lại không sẵn sàng kí vào tuyên bố, và điều này một lần nữa khiến ASEAN không đưa ra được quan điểm chung. Hậu quả là cuộc họp kết thúc mà không có tuyên bố chung nào từ các thành viên ASEAN, ASEAN và Trung Quốc cũng không đưa ra được tuyên bố nào. Tương tự, cuộc họp báo chung do Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Vivian Balakrishnan đồng chủ tịch cũng bị hủy. Thay vào đó, ASEAN chỉ đơn thuần tuyên bố rằng các nước thành viên có quyền được đưa ra các phát biểu riêng của họ về cuộc họp.[10]

Các nhà quan sát Trung Quốc xem sự chuyển hướng của sự kiện này ám chỉ căng thẳng giữa Trung Quốc và ASEAN, và đổ lỗi cho Singapore không hoàn thành nghĩa vụ điều phối quan hệ Trung Quốc - ASEAN (2015-2018). Tuyên bố của Singapore về cuộc gặp "thể hiện mối quan ngại sâu sắc của các Ngoại trưởng ASEAN về những diễn biến trên thực địa và kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tiếp tục phối hợp nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông".[11] Các nhà quan sát Trung Quốc tin rằng Singapore muốn đóng vai trò "một quốc gia ASEAN không có yêu sách cứng rắn" để nhấn mạnh lập trường của nước này, và điều này không phù hợp với vai trò điều phối viên thiện chí về mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN, đặc biệt là khi Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Balakrishnan vắng mặt trong cuộc họp báo sau hội nghị.[12]

Singapore đưa ra tuyên bố có tính cân bằng một cách thận trọng sau khi tòa ra phán quyết về vụ kiện Philippines và Trung Quốc ngày 12 tháng 7. Trung Quốc cảm thấy hài lòng với ngôn ngữ và giọng điệu trong tuyên bố của Singapore khi "ghi nhận" phán quyết. Tuy nhiên, các quan chức và nhà phân tích Trung Quốc cho rằng chuyến thăm của Lý Hiển Long tới Mỹ tháng 8 năm 2016 không chỉ để ủng hộ việc phê chuẩn TPP, điều Trung Quốc coi là hành vi công kích, mà Lý Hiển Long còn nhấn mạnh "phán quyết của tòa là lời khẳng định mạnh mẽ về bản chất của luật quốc tế".[13] Điều này dường như trái ngược lại với quan điểm của bộ ngoại giao khi chỉ "ghi nhận" phán quyết mà không đánh giá về nội dung thực chất phán quyết này. Có lẽ có một sự khác biệt trong việc mô tả phán quyết là "một lời tuyên bố mạnh mẽ về luật pháp quốc tế là gì" và việc ủng hộ phán quyết để quản lý xung đột ở Biển Đông trong tương lai.[14] Nếu vậy, người Trung Quốc có thể đã bỏ lỡ sự khác biệt về ý nghĩa này. Liệu họ có đọc bản nhận xét nguyên văn đầy đủ hay không, dẫn tới việc các chuyên gia Trung Quốc bắt đầu nhìn nhận rằng Singapore đang kêu gọi các quốc gia liên quan chấp nhận phán quyết. Như vậy trong mắt người Trung Quốc, Singapore đã trở thành một quốc gia giống Mỹ, Nhật và Úc công khai ủng hộ phán quyết, do đó một trong số các nước này đi theo Mỹ gây áp lực với Trung Quốc. Điều này được coi là bằng chứng cho thấy rằng Singapore đang nghiêng về một bên trong vấn đề Biển Đông.[15]

Ông Lý bổ sung trong bài phát biểu rằng một cường quốc giống Trung Quốc né tránh luật quốc tế là điều chưa từng có tiền lệ. Hơn nữa, ông mô tả tranh chấp trên Biển Đông là "cái gai trong mối quan hệ" giữa Trung Quốc và các nước yêu sách ở Đông Nam Á, nhưng "không phải là toàn bộ mối quan hệ'', do đó tranh chấp "cần phải được quản lý".[16] Quan điểm rằng Biển Đông không cấu thành mối quan hệ chung giữa Trung Quốc và ASEAN khá gần với lập trường của chính Trung Quốc, nhưng truyền thông Trung Quốc không truyền tải lại những tuyên bố này, chứ chưa nói tới việc nhấn mạnh chúng. Tuy nhiên, theo một quan chức Trung Quốc, khi một quan chức ngoại giao hàng đầu đọc qua bản dịch nguyên gốc tiếng Anh của bài phát biểu, ông vẫn tức giận.[17] Phán quyết rõ ràng khiến Trung Quốc tức giận về vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc cũng nghi ngờ về đường lối ngoại giao tích cực của Lý Quang Diệu từ tháng 8 tới hết tháng 10 năm 2016 khi ông tới thăm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Nhật Bản và Úc là các đồng minh chủ chốt của Mỹ. Ấn Độ cũng là một đối tác an ninh mới nổi của Mỹ và nhiều người Trung Quốc nhìn nhận Singapore gần như đồng minh của Mỹ. Các quốc gia mà ông Lý Quang Diệu tới thăm trong lịch trình khiến một số lãnh đạo Trung Quốc phân vân rằng ông có đang cố gắng hình thành một liên minh khu vực chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, mặc dù ông cũng tới Trung Quốc vào tháng 9 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Chuyến thăm của ông tới Nhật Bản đặc biệt gây tranh cãi. Bắc Kinh nhận thấy chuyến thăm này mang tính công kích khi Singapore công khai ủng hộ Nhật Bản đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực.[18] Một số chuyên gia Trung Quốc còn gắn sự kiện này với một sự kiện dường như không liên quan – việc Lý Hiển Long nhận giải thưởng cao quý sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời tại Nhà khách Quốc gia Akasaka ở Tokyo.[19] Do vai trò của Cung điện Akasaka trong lịch sử đế quốc Nhật chống Trung Quốc, các chuyên gia Trung Quốc cáo buộc chuyến thăm của ông Lý Hiển Long tới cung điện để nhận giải thưởng chứng minh sự thiếu nhạy cảm của Singapore trong quan hệ Trung - Nhật.[20]

Trong một cuộc phỏng vấn với Ian Bremmer cuối tháng 10, ông Lý một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP trong việc thúc đẩy uy tín của Mỹ ở Châu Á. Trong bối cảnh này, ông nhận xét rằng người "Trung Quốc đi xung quanh với kẹo que trong túi"[21] (hàm ý vận động hành lang bằng những lợi ích kinh tế, chính trị) cho thấy sự tương phản giữa chính sách ngoại giao kinh tế yếu đuối của Mỹ với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên nhiều lãnh đạo Trung Quốc thấy sự ẩn dụ này là cách hành xử không tôn kính.

Giữa những đám mây bao phủ quan hệ Trung Quốc – Singapore, sự kiện gây căng thẳng nhất xảy ra vào năm 2016. Thời báo Hoàn Cầu – bên cạnh Nhân dân Nhật báo, là cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) – phát hành một bài báo vào tháng 9, cáo buộc Singapore đưa tranh chấp Biển Đông ra Hội nghị Thượng đỉnh của Phong trào Không liên kết (NAM) tổ chức tại Venezuela ngày 18 tháng 9. Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh Stanley Loh viết một bức thư công khai phủ nhận điều này. Các nhà bình luận tờ Thời báo Hoàn Cầu và các quan chức Trung Quốc sau đó đã xem xét ý kiến trên để bảo vệ quan điểm của họ.[22]

Singapore phản đối quan điểm bóp méo của Thời báo Hoàn Cầu về tiến trình trong Phong trào Không liên kết và sự mô tả sai lầm về vai trò của Singapore. Quan điểm của Thời báo Hoàn Cầu như trong bản báo cáo ban đầu và câu trả lời của Tổng biên tập Hu Xijin với bức thư của Đại sứ Lon là Singapore cùng phe với Philippines và Việt Nam, đồng thời cùng Mỹ và Nhật Bản phản đối Trung Quốc, và do đó phản ứng thái quá trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc cũng chỉ trích việc Singapore tiếp đón các tàu chiến tấn công trên biển và máy bay tuần tra P-8 Poseidon của Mỹ gây phương hại tới lợi ích của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được cho là nguồn bài báo cáo của Thời báo Hoàn Cầu, bảo vệ bản báo cáo trên thông qua tuyên bố "rất ít các quốc gia kiên quyết đưa những nội dung liên quan tới vấn đề Biển Đông vào Tài liệu Cuối cùng của NAM". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh dù sự cố này có ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc -Singapore hay không thì hai nước nên có sự hiểu biết và tôn trọng lợi ích cốt lõi cũng như mối quan tâm chính của nhau.[23]

Trong môi trường chính trị như vậy, lập luận rằng Singapore chỉ đang theo đuổi lập trường theo nguyên tắc đã đề ra là thiếu thuyết phục đối với những người tin rằng Singapore đang lựa chọn phe phái. Tại thời điểm đó, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc thống nhất rằng Singapore thực sự chọn đi theo một phía, ví dụ như việc chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Đối với họ, sự cương quyết của Singapore về lập trường có nguyên tắc trong khi vẫn tích cực chọn phe là vấn đề cốt lõi đồng thời là bằng chứng chứng minh đạo đức giả.[24] Một vài người lập luận rằng Singapore phải trả giá vì làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc. Do đó, Tướng Jin Yinan thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) khẳng định Trung Quốc phải có biện pháp trừng phạt đối với Singapore để thể hiện sự không hài lòng của nước này.[25]

Theo sau sự cố tại NAM, quan hệ Trung-Singapore xuống mức thấp nhất. Nhưng tranh cãi vẫn chưa kết thúc. Vào ngày 23 tháng 11, Hồng Kông bắt giữ 9 chiếc xe bọc thép của Lực lượng Vũ trang Singapores (SAF) quá cảnh sau khi diễn tập quân sự ở Đài Loan. Mặc dù Hải quân Hồng Kông giải thích rằng việc bắt giữ này là kết quả của hoạt động tuần tra thường xuyên và không làm tổn hại quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Singapore, nhiều nhà quan sát ở hai nước đều nghi ngờ việc bắt giữ là hành động có chủ đích của Bắc Kinh chứ không phải hành động thực thi pháp luật tự trị của Hải quan Hồng Kông. Nhiều người cho rằng tại thời điểm này khi lãnh đạo mới của Đài Loan Thái Anh Văn đang thúc đẩy chương trình nghị sự ủng hộ độc lập của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), việc bắt giữ phương tiện quá cảnh qua Đài Loan có thể vừa đánh mạnh vào Singapore vừa đặt áp lực lên Đài Loan. Sử dụng Hồng Kông là một tính toán thông minh bởi vì Trung Quốc có thể giải quyết Singapore mà không cần can dự trực tiếp, do đó duy trì được không gian ngoại giao cần thiết cho quan hệ Trung Quốc-Singapore.[26]

Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Singapore tôn trọng nguyên tắc "một Trung Quốc" trong mối quan hệ dọc eo biển và cảnh báo việc Singapore duy trì quan hệ quân sự với Đài Loan.[27] Chính phủ Singapore có cách tiếp cận pháp lý ôn hòa với sự cố này, thúc giục Hồng Kông giải quyết vấn đề theo luật và quy định của riêng nước này. Singapore lập luận rằng các phương tiện này là tài sản của chính phủ Singapore và được bảo vệ bởi học thuyết pháp luật quốc tế về miễn trừ quốc gia do đó không thể bị bắt giữ hoặc tịch thu.[28] Quan điểm này rõ ràng hiệu quả khi Hồng Kông thông báo ý định trao trả các phương tiện vào ngày 24 tháng 1 năm 2017. Tuy nhiên, quyết định của Hồng Kông là tuân thủ luật pháp hay do Bắc Kinh xuất phát từ những cân nhắc chính trị là điều chưa rõ ràng.

Các nhà phân tích Trung Quốc lập luận rằng tại thời điểm đó nguyên tắc miễn trừ quốc gia không có hiệu lực toàn cầu. Nếu Singapore áp dụng cho giấy phép quá cảnh thì Hồng Kông lẽ ra nên tuân thủ nguyên tắc miễn trừ quốc gia. Nói cách khác, cách tiếp cận của Hồng Kông đối với vấn đề này phải tuân thủ pháp luật của nước này. Nếu không có rào cản pháp lý, thì những lập luận này là hợp lý, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sử dụng nguyên tắc miễn trừ quốc gia để đưa vũ khí qua cảng của nước khác. Bên cạnh đó, thậm chí sự miễn trừ được áp dụng với các tài sản quốc gia, điều tương tự cũng không được áp dụng trong các hợp đồng thương mại, vì việc vận chuyển xe bọc thép Terrex là một hoạt động thương mại. Hải quan Hồng Kông cũng có những quy định chặt chẽ về việc xuất nhập khẩu vũ khí, và việc bắt giữ phương tiện khi đã được dỡ trên bờ là tiến trình chấp pháp thông thường. Những nhà phân tích khẳng định rằng Singapore từ lâu đã phớt lờ sự phản đối của Trung Quốc đối với hợp tác quân sự giữa Singapore và Đài Loan. Đối với họ, luật pháp quốc tế, với nhiều kẽ hở để khai thác, chỉ là công cụ để đạt được các mục tiêu quốc gia. Mối quan hệ chính trị thường là điều kiện cần thiết để thực thi các nguyên tắc pháp lý, bao gồm các học thuyết miễn trừ quốc gia. Mặc dù Singapore sử dụng cách tiếp cận pháp lý là điều có thể hiểu được, cách tiếp cận này không giúp Singapore giải quyết sự cố này.[29] Quan điểm này ám chỉ rằng lập luận Singapore về miễn trừ quốc gia sẽ không xuất hiện đồng thời đối với Hồng Kông hoặc Bắc Kinh và nó có thể là ước muốn chính trị của Bắc Kinh để giảm căng thẳng với Singapore, hơn là bất cứ lập trường pháp lý có tính thuyết phục nào từ phía Singapore để đảm bảo việc thả các xe bọc thép Terrex.

NHỮNG TRANH CÃI CHÍNH

Một loạt các vấn đề nảy sinh trong quan hệ Trung – Sing trong năm 2016 là điều rất không bình thường trong lịch sử quan hệ hai nước. Những điều này bộc lộ bảy vấn đề gây tranh cãi và bất đồng chính giữa hai bên. Xem xét những tranh cãi này và thái độ, nhận thức của Trung Quốc đối với chúng là điều quan trọng đối với Singapore để hiểu quan điểm đang thay đổi của Trung Quốc và có những phản ứng chính sách đúng đắn.

Biển Đông

Tranh cãi đầu tiên và quan trọng nhất liên quan tới vấn đề Biển Đông. Quả thực, căng thẳng ở Biển Đông là nguyên nhân đầu tiên khiến tình trạng quan hệ đi xuống vào năm 2016. Nhiều lãnh đạo Trung Quốc đặt câu hỏi tại sao Singapore, một quốc gia không có tuyên bố chủ quyền, lại quan tâm tới vấn đề Biển Đông và phán quyết của tòa trọng tài tháng 7 năm 2016 như vậy.

Xue Li đưa ra một ví dụ mang tính đại diện và có tầm ảnh hưởng về nhận thức của Trung Quốc. Xu có quan điểm tương đối ôn hòa trong các cuộc tranh luận tại Trung Quốc về Biển Đông, thậm chí bình luận rằng Singapore ủng hộ Mỹ và đồng minh chống lại Trung Quốc. Theo quan điểm của Li, việc đứng về một bên như vậy là không thông minh. Singapore là quốc gia không có yêu sách và quan trọng hơn là nước điều phối mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Khi Trung Quốc sẵn sàng làm dịu căng thẳng và "bỏ lại đằng sau" phán quyết của tòa thì Singapore lại dẫn đầu ASEAN phản đối Trung Quốc như để tìm ra "sự thật" của vấn đề. Vai trò này của Singapore tương tự Philippines dưới thời chính quyền Tổng thống Benigno Aquino III. Xue lập luận rằng việc một nước nhỏ thách thức một nước lớn là điều hiếm thấy trong chính trị quốc tế, nhưng lần này Singapore được xem là chấp nhận thách thức và nhắm vào chính "cội nguồn văn hóa" của mình. Xue chỉ ra rằng sau khi phán quyết được đưa ra, sự kiện ông Lý thăm Mỹ và Nhật Bản nhưng bỏ qua Trung Quốc đồng thời có bài phát biểu tại Mỹ được xem như hành vi gây áp lực đối với Trung Quốc thực thi phán quyết. Xue coi những động thái này không đại diện cho nền ngoại giao trưởng thành về cân bằng nước lớn.[30]

Một nhà phân tích khác lập luận rằng Singapore đóng một vai trò không nhỏ trong việc tạo ra căng thẳng ở Biển Đông. Vấn đề Biển Đông ban đầu chủ yếu là tranh chấp lãnh thổ và trên biển giữa Trung Quốc với các nước có yêu sách ở Đông Nam Á, nhưng Singapore cố ý kêu gọi sự can dự của các nước ngoài khu vực (như Mỹ, Nhật và EU) vào tranh chấp để cân bằng với Trung Quốc. Một thủ đoạn khác của Singapore là cung cấp nền tảng cấp cao để khích động quan điểm tiêu cực trên thế giới về chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông, trong đó phải kể đến Đối thoại hàng năm Shangri-La, nơi Trung Quốc thường xuyên bị cộng đồng quốc tế và khu vực chỉ trích. Phân tích này được suy luận như sau: Singapore công nhận Trung Quốc là nguồn gốc gây bất ổn ở Biển Đông và là đối thủ của Đông Nam Á, do đó Singapore quyết định về phe với Mỹ, mặc dù Singapore hiếm khi can dự vào các xung đột công khai với Trung Quốc, nhưng không nên đánh giá thấp khả năng Singapore làm tổn hại lợi ích quốc gia của Trung Quốc.[31]

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Zhang Feng (feng.zhang@anu.edu.au) là nghiên cứu viên của Khoa Quan hệ Quốc tế, trường Coral Bell về châu Á – Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Úc, và là Giáo sư trợ lý tại Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia tại Trung Quốc. Ông có bằng Tiến sĩ về Quan hệ Quốc tế tại trường Khoa học Chính trị London. Sở trường nghiên cứu gồm chính sách đối ngoại Trung Quốc, chính trị an ninh châu Á – Thái Bình Dương và quan hệ quốc tế trong lịch sử Đông Á.

Bài viết được đăng trên China: An International Journal, 2017.

Nguyễn Linh (dịch)

Trần Quang (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



Zhang Feng (feng.zhang@anu.edu.au) là nghiên cứu viên của Khoa Quan hệ Quốc tế, trường Coral Bell về châu Á – Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Úc, và là Giáo sư trợ lý tại Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia tại Trung Quốc. Ông có bằng Tiến sĩ về Quan hệ Quốc tế tại trường Khoa học Chính trị London. Sở trường nghiên cứu gồm chính sách đối ngoại Trung Quốc, chính trị an ninh châu Á – Thái Bình Dương và quan hệ quốc tế trong lịch sử Đông Á.

[1] Chua Mui hoong, “3 Myths about singapore–China Ties”, The Straits Times, 21 May 2017, tại http://
www.straitstimes.com/opinion/3-myths-about-spore-china-ties. [26/5/2017].

[2] Một nghiên cứu gần đây về quan điểm khác nhau về Singapore và Trung Quốc, xem Chong Ja Ian, “Diverging
Paths? singapore–China Relations and the east Asian Maritime Domain”, Maritime Awareness Project, s26 April 2017, tại
http://maritimeawarenessproject.org/2017/04/26/diverging-paths-singapore-chinarelations-and-the-east-asian-maritime-domain/ [26/5/2017].

[3] Prime Minister’s Office of singapore, “PM Lee hsien Loong at the 8th s. Rajaratnam Lecture on 27 November 2015”, singapore, 27 November 2015, tại http://www.pmo.gov.sg/newsroom/pm-lee-hsienloong-8th-s-rajaratnam-lecture-27-november-2015 [5/42017].

[4] Phỏng vấn của tác giả với một nhà Ngoại giao Trung Quốc tại Singapore, tháng 11 năm 2016.

[5] Geoff Dyer, “Us steps Up south China sea surveillance”, The Financial Times, 8 December 2015.

[6] Phỏng vấn của tác giả với một nhà Ngoại giao Trung Quốc tại Singapore, tháng 11 năm 2016.

[7] Prime Minister’s Office of singapore, “PM Lee hsien Loong’s Interview with Wall street Journal (WsJ) on 29 March 2016”, 29 March 2016, tại http://www.pmo.gov.sg/newsroom/pm-lee-hsien-loongs-interviewwall-street journal-wsj [1/6/2017].

[8] Jermyn Chow, “China Responds to singapore Diplomats’ Remarks on south China sea”, The Straits Times, 28 April 2016, tại http://www.straitstimes.com/asia/se-asia/china-responds-to-singapore-diplomatsremarks-on-south-china-sea [5/4/2017].

[9] Xue Li, “Zhong Xin guanxi jinru fansi yu tiaoshi qi” (sino–singapore Relationship enters a Period of Reflection and Adjustment), FT Chinese, 24 January 2017, tại http://www.ftchinese.com/ story/001071132?full=y [5/4/2017].

[10] Prashanth Parameswaran, “What Really happened at the AseAN–China special Kunming Meeting”, The Diplomat, 21 June 2016, tại http://thediplomat.com/2016/06/what-really-happened-at-the-aseanchina-special kunming-meeting [5/4/2017]. Parameswaran noted that China proposed a 10-point consensus statement during the Yuxi meeting and wanted all ASEAN member states to agree to it.

[11] Ministry of Foreign Affairs of Singapore, “MFA Press statement: special ASEAN–China Foreign Ministers’ Meeting in Kunming, Yunnan Province, China, 13–14 June 2016”, 14/6/2016, tại https:// www.mfa.gov.sg/content/mfa/media_centre/press_room/pr/2016/201606/press_20160614.html [5/4/
2017].

[12] Xue, “Zhong Xin guanxi jinru fansi yu tiaoshi qi” (sino–singapore Relationship enters a Period of Reflection and Adjustment); Xue Li, “Xinjiapo weihe zai Nanhai wenti shang xuanbianzhan?” (Why Is singapore Taking sides over the south China sea Issue?), FT Chinese, 19 August 2016, tại http://www.ftchinese.com/story/001068987?full=y [5/4/2017].

[13] Prime Minister’s Office of singapore, “PM Lee hsien Loong’s Dialogue at Us Chamber of Commerce /Us–AseAN Business Council”, 1 August 2016, tại http://www.pmo.gov.sg/newsroom/pm-lee-hsienloong-us-chamber commerceus-asean-business-council [5/4/2017].

[14] Bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long về ưu tiên của các nước nhỏ đối với luật pháp quốc tế.

[15] Xue, “Xinjiapo weihe zai Nanhai wenti shang xuanbianzhan?” (Why Is singapore Taking sides over the south China sea Issue?).

[16] Prime Minister’s Office of singapore, “PM Lee hsien Loong’s Dialogue”.

[17] Phỏng vấn của tác giả với một nhà Ngoại giao Trung Quốc tại Singapore, tháng 11 năm 2016.

[18] Walter sim, “singapore Welcomes a More Active Japan in Region: PM Lee”, The Straits Times, 29 september 2016, tại http://www.straitstimes.com/asia/east-asia/singapore-welcomes-a-more-active-japanin-region-pm [5/4/2017].

[19] Prime Minister’s Office of singapore, “PM Lee hsien Loong at the Grand Cordon of the Order of the Paulownia Flowers Presentation Ceremony at the Akasaka state Guest house in Tokyo, Japan”, 28 september 2016, tại http://www.pmo.gov.sg/newsroom/pm-lee-hsien-loong-grand-cordon-orderpaulownia-flowers-presentation-ceremony-akasaka [5/4/2017].

[20] Phỏng vấn cá nhân với một học giả Trung Quốc ở Singapore, Tháng 2 năm 2017.

[21] Ian Bremmer, “Singapore’s Lee hsien Loong on the Us election, Free Trade and Why Government Isn’t a startup”, Time, 26 October 2016, tại http://time.com/4545407/lee-hsien-loong-singaporeglobalization/ [6/4/2017].

[22] Kor Kian Beng and Chong Koh Ping, “Other Countries also Wanted NAM Document Updated”, The Straits Times, 29 september 2016, tại http://www.straitstimes.com/asia/other-countries-also-wantednam-document updated [6/4/2017].

[23] Zhang Feng, “start of China’s Coercive Diplomacy towards Singapore”, The Straits Times, 6 October 2016, tại http://www.straitstimes.com/opinion/start-of-chinas-coercive-diplomacy-towards-singapore [6/4/2017].

[24] hutuyanbo, “Nanhai shui tai shen, Xinjiapo ni jiu buyao xia jiaohuo le” (The south China sea Water Is Too Deep, singapore should Not Get embroiled), Xiakedao, 29 september 2016, tại http://news. qq.com/a/20160929/003573.htm [6/4/2017].

[25] Tencent News, “Jin Yinan: bixu rang Xinjiapo wei sunhai Zhongguo liyi fuchu daijia” (Jin Yinan: singapore Must Pay the Price for harming Chinese Interests), 1 October 2016, tại http://news.qq. com/a/20161001/012305.htm [6/4/2017].

[26] Zheng Wei, “Zenme jiejue zhuangjiache wenti? Wenwen Li Guangyao ba? (how to solve the Armed Vehicles Issue? Ask Lee Kuan Yew), 10 January 2017, tại http://mp.weixin.qq.com/s?__biz=MzAxMjkz MDc0MQ==&mid=2247484460&idx=1&sn=e93fc14fab4a9e6921da052bb610bb38&chksm=9bab1ff6 acdc96e01ffd24a9d779fcfca102a60adab670b1b7844a02d8ab317764d79af33e1d#rd [6/4/2017].

[27] Greg Torode and Marius Zaharia, “Beijing Warns Against Taiwan Ties as singapore Tries to Free Troop Carriers in hong Kong”, Reuters, 25 November 2016, tại http://www.reuters.com/article/us-hongkongsingapore-military-idUsKBN13K1AN [6/4/2017].

[28] Chong Zi Liang, “Parliament: Detention of Terrexes Against International Law, s’pore Looks Forward to Their Return, says Ng eng hen”, The Straits Times, 9 January 2017, tại http://www.straitstimes.com/singapore/detention-of-terrexes-against-international-law-spore-looks-forward-to-their-return-ng-eng [6/4/2017].

[29] Xue, “Zhong Xin guanxi jinru fansi yu tiaoshi qi” (sino–singapore Relationship enters a Period of Reflection and Adjustment).

[30] Như trên.

[31] Cao Xin, “Zhong Xin fenqi bujinjin shi renshi wenti” (China–singapore Disagreements Are Not Just an Issue of Perception), FT Chinese, 10 October 2016, tại http://www.ftchinese.com/story/001069636?full=y [6/4/2017].