Thứ nhất, đó là một dấu mốc quan trọng khẳng định tầm ảnh hưởng toàn cầu của quốc gia Đông Bắc Á này. Thứ hai, đó là quyết tâm của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trong nỗ lực củng cố và tăng cường uy tín bản thân đối với hệ thống các thiết chế an ninh rộng lớn.

Ảnh hưởng ngày càng được mở rộng trên phạm vi toàn cầu đã trở thành một đòi hỏi tất yếu, thôi thúc giới lãnh đạo ở Bắc Kinh phải điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia cho phù hợp với tình hình mới.

Tháng 11/2013, ngay sau Hội nghị Trung ương 3 Khóa 18, Trung Quốc quyết định thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia (NSC) do ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch. Đây được coi là kết quả đáng kể nhất của hội nghị quan trọng này, bởi nó cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các vấn đề an ninh quốc tế đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, sứ mệnh đầu tiên mà NSC đảm nhận sẽ là tìm lối thoát cho những điểm nóng về an ninh ở trong nước cũng như khu vực trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc.

Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng tình hình quốc tế phức tạp hiện nay trong bối cảnh một số nước cũng kỳ vọng vào vai trò của họ. Cùng là ủy viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vừa qua, Nga đã khiến Trung Quốc phải khó xử. Phản ứng như thế nào trước việc Nga quyết định sáp nhập Crimea? Đó thực sự là câu hỏi hóc búa đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bởi nó liên quan trực tiếp đến chính sách của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Và như vậy, NSC sẽ trở thành công cụ hữu hiệu giúp các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm kiếm sự đồng thuận và đi đến thống nhất về cách thức phản ứng trước những vấn đề quốc tế.

Dưới thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đề ra phương châm ngoại giao "giấu mình chờ thời" để góp phần thúc đẩy công cuộc cải cách và phát triển kinh tế. Giờ đây, phương châm này dường như đã lỗi thời. Chính sách không can dự, không can thiệp mà Trung Quốc áp dụng suốt những năm qua cũng đối mặt với câu hỏi lớn. Điều này giải thích tại sao giới lãnh đạo Trung Quốc quyết định lập NSC. Nó sẽ giúp họ giải tỏa được những quan ngại về mặt chiến lược trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng ra phạm vi toàn cầu. Không những thế, NSC sẽ trở thành công cụ giải quyết các vấn đề an ninh nội địa, căng thẳng sắc tộc hay tình trạng bất công trong xã hội.

Từ năm 2000, Trung Quốc đã thành lập Tiểu ban chỉ đạo An ninh Quốc gia ngay sau khi máy bay NATO ném bom xuống trụ sở Đại sứ quán nước này ở Belgrade (Nam Tư). Vào thời điểm đó, báo chí Hong Kong rộ lên tin đồn rằng ông Giang Trạch Dân đã thất bại trong nỗ lực thành lập một hội đồng an ninh quốc gia để xử lý mọi vấn đề. Một số người lo ngại rằng ông Giang Trạch Dân có tham vọng duy trì quyền lực của bản thân sau khi nghỉ hưu. Ông Hồ Cẩm Đào kế nhiệm ông Giang Trạch Dân, nhưng không thúc đẩy việc thành lập một thiết chế an ninh nào trong suốt 10 năm nắm quyền, dù Trung Quốc phải đối mặt với không ít thách thức cả trong và ngoài nước.

Đầu tháng 3/2014, sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Côn Minh làm 29 người thiệt mạng, truyền thông Trung Quốc đã trích dẫn phát biểu của ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường với chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch NSC. Vừa đảm nhận chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, vừa là Chủ tịch NSC, ông Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực đối với lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng như toàn bộ các thiết chế an ninh nội địa khác. Từ Đại hội 18 đến Hội nghị Trung ương 3 được coi là khoảng thời gian ông Tập Cận Bình tập trung xem xét lại toàn bộ chiến lược an ninh quốc gia. Trên cơ sở đó, ông đã quyết định tiến hành cải cách chức năng, nhiệm vụ và vai trò của các cơ quan đảm bảo an ninh quốc gia mà sự ra đời của NSC là một ví dụ.

Với NSC, ông Tập Cận Bình muốn xóa bỏ hết những quan ngại về an ninh quốc gia của Trung Quốc trong bối cảnh tình hình hiện nay. Lần đầu tiên, tư duy chiến lược đã được thể chế hóa để xem xét và đánh giá những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tìm cách biến NSC thành một thiết chế quyền lực. Ông có thể sẽ phải giải tán một số cơ quan đang tồn tại, đồng thời tái cơ cấu nguồn ngân sách để dồn cho NSC. Bên cạnh đó, ông phải tìm cách dung hòa những ý kiến phản đối từ phía cộng đồng an ninh Trung Quốc. Một số người còn dự báo rằng ông Tập Cận Bình đang tranh thủ kế hoạch cải cách an ninh quốc gia để "nhổ tận gốc" những đối thủ chính trị có thể đe dọa đến quyền lực của ông.

Bài viết đăng trên IISS (Anh)

Thuỳ Anh (gt)