Khi Leonid Brezhnev lãnh đạo Liên Xô, ông không thấy thật sự cần thiết phải đe dọa châu Âu bằng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của đất nước ông: Lợi thế lấn lướt của Liên Xô về xe tăng, pháo và nhân lực có nghĩa rằng chính Mỹ mới phải mơ hồ về thời điểm đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân của mình để ngăn chặn sự tàn phá có thể xảy ra từ Liên Xô.

Nước Nga dưới thời Vladimir Putin ở trong một tình thế khác. Cho dù nước này đang dấn thân vào một chiến dịch hiện đại hóa quân đội khổng lồ kéo dài 10 năm và hiện chi tới 4,5% GDP cho quân đội, nhiều hơn bất cứ nước thành viên NATO nào, các lực lượng thông thường của Nga kém hơn về quy mô và chất lượng so với các lực lượng của liên minh Đại Tây Dương. Pavel Baev, một giáo sư nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hòa bình ở Oslo, cho biết: “Cả ban lãnh đạo Nga và các nước láng giềng của Nga chắc chắn đều so sánh các năng lực hiện nay của Nga với các năng lực của bộ máy chiến tranh thời kỳ Xôviết, và khía cạnh hiển nhiên nhất là các con số”.

Ông bổ sung: “Vào giữa những năm 1980, có khoảng 500.000 binh lính Xôviết được triển khai tại Đông Đức, trong khi Nga hiện nay chỉ có khả năng điều khoảng 50.000 quân tới gần biên giới Ukraine. Quân đội Xôviết cũng được tổ chức, huấn luyện và tiếp tế tốt hơn nhiều. Sự khác biệt là rất lớn”.

Stanislaw Koziej, cựu lãnh đạo Cơ quan an ninh quốc gia của Ba Lan, thừa nhận rằng các lực lượng vũ trang của Nga đang phát triển nhanh chóng. Ông cho biết với trang mạng Politico: “Nhưng điều đó không làm thay đổi thực tế rằng hiện nay NATO là liên minh quân sự hùng mạnh nhất trên thế giới và có trong tay tiềm lực quân sự lớn nhất, sức mạnh răn đe ngăn chặn bất cứ đối thủ tiềm tàng nào có ý định đối đầu”. Koziej, một tướng quân đội về hưu và chiến lược gia quân sự rất được kính trọng, rất am hiểu về lực lượng vũ trang Nga. Trong phần lớn sự nghiệp của mình, ông đã phục vụ tại nước Ba Lan thời Cộng sản và theo học tại Học viện lực lượng vũ trang Xôviết.

Máy bay ném bom trên bầu trời Baltic

Có một điều chắc chắn là chương trình hiện đại hóa của Nga đã dẫn tới những thành tựu đáng kể, bao gồm các năng lực trên không và lực lượng đặc nhiệm được cải thiện. Nhưng Baev, người từng làm việc tại Bộ Quốc phòng Xôviết, nói rằng Moskva đã thất bại trong việc giải quyết một số vấn đề then chốt bao gồm hệ thống tòng quân bắt buộc và sự yếu kém hơn về công nghệ của Nga.

Việc này đã khiến Putin hăm hở chơi lá bài hạt nhân hơn nhiều so với Brezhnev. Vào ngày 18/6, các máy bay chiến đấu có năng lực hạt nhân của Nga đã đột ngột tiếp cận không phận vùng Baltic và Thụy Điển. Một tháng trước đó, hai máy bay ném bom Tu-22 đã tiếp cận không phận Thụy Điển theo một cách thức khiêu khích tương tự. Và vào tháng 7, Putin tuyên bố rằng Nga sẽ bổ sung 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới vào kho vũ khí hạt nhân của mình.

Nga không tiết lộ các số liệu thống kê về vũ khí hạt nhân, nhưng Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ và Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, một viện nghiên cứu chính sách quốc phòng, ước tính kho vũ khí của Nga có khoảng 7.500 đầu đạn.
Tuy con số này là đủ để gây ra một cuộc quyết đấu trên toàn cầu, nó chưa bằng một nửa số lượng đầu đạn Liên Xô từng có vào năm 1985, và chỉ nhiều hơn của Mỹ hiện nay 300 đầu đạn. Putin và các cố vấn của ông thích thú với việc nhắc tới vũ khí hạt nhân của Nga, ví dụ như nhắc nhở Đan Mạch vào tháng 3/2015 rằng nước này sẽ trở thành một mục tiêu hạt nhân nếu gia nhập hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO và một tháng sau đe dọa có sự đáp trả bằng vũ khí hạt nhân nếu NATO điều thêm binh lính tới các nước vùng Baltic.

NATO cân nhắc lại tư thế

Putin đã nói với giới trẻ Nga vào mùa Hè năm 2014 rằng: “Hãy để tôi nhắc nhở các bạn rằng Nga là một trong số các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Đây không chỉ là lời nói - đây là thực tế. Thêm vào đó, chúng ta đang củng cố năng lực răn đe hạt nhân và phát triển lực lượng vũ trang của chúng ta”.

Khi xét tới sự yếu kém hơn của Nga về lực lượng thông thường, thảo luận về hạt nhân là phương sách cuối cùng. Pavel Podvig, một chuyên gia hạt nhân người Nga hiện đang sống tại Geneva, cho biết: “Không có nhiều thứ Putin có thể sử dụng để đe dọa”. Nhưng bằng việc làm như vậy, Tổng thống Nga đang làm thay đổi các thông lệ ngoại giao trong hàng thập kỷ; thông thường các nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân chỉ nói bóng gió về các năng lực của họ trước công chúng.

Trong khi đó, các nước thành viên NATO riêng lẻ đã để chi tiêu quân sự của mình thu hẹp lại, một điều đang được cân nhắc lại khi xét tới sự hỗ trợ của Nga cho lực lượng nổi dậy có vũ trang tại miền Đông Ukraine. Vào năm 2014, quân đội Đức đã thông báo cho ủy ban quốc phòng của Quốc hội Đức rằng phần lớn trực thăng và phương tiện chuyên chở bọc thép Boxer của nước này đang ở trong tình trạng không thể sử dụng được, trong khi chỉ có 42 trên tổng số 109 máy bay chiến đấu Eurofighter của nước này đủ điều kiện để bay. Trước hết, nước Đức ngày nay đã không có nhiều thiết bị, do đã tùy tiện bán phần lớn thiết bị cho Ba Lan và các nước đồng minh NATO mới khác trong những năm 1990.

Baev cho biết: “Các sĩ quan quân đội hàng đầu của Nga hoàn toàn nhận thức được rằng bên phía NATO các con số đã giảm mạnh, nhưng NATO có ít nhất 3 tiến bộ công nghệ chính mới: vũ khí chính xác tầm xa, vi tính hóa chiến trường và máy bay không người lái tấn công”.

Moskva cũng phải đối mặt với lực lượng kết hợp của NATO, với lực lượng thông thường không chỉ bao gồm thiết bị tốt hơn của Mỹ mà còn cả 1,4 triệu lính Mỹ. Điều này khiến tình thế của Nga rất khác so với tình thế của Liên Xô, khi mà lực lượng vũ trang của Liên Xô cũng có thể dựa vào lực lượng vũ trang của các nước thành viên Khối Hiệp ước Vacsava. Ông Koziej nói: “Nhiều vụ việc Nga ‘tống tiền bằng hạt nhân’ có tác động nhất định đối với chiến lược của Nga về chiến tranh thông tin, vốn có mục tiêu đe dọa phương Tây và cho phép Nga tái tổ chức khu vực ảnh hưởng của mình tại các nước thuộc Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, chúng ta không được phép quên rằng NATO cũng có trong tay tiềm lực hạt nhân, mà cùng với lực lượng thông thường và các năng lực phòng thủ tên lửa tạo thành sức mạnh răn đe của Khối Đồng minh”.

Ngoài các đe dọa bằng lời nói, trọng tâm hạt nhân mới của Nga bao gồm việc triển khai các tên lửa Iskander có độ chính xác cao và có thể mang đầu đạn hạt nhân tới vùng lãnh thổ Kaliningrad cũng như bổ sung 40 tên lửa và 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Borey mới để thay thế những chiếc đã cũ. 5 tàu ngầm nữa lớp Borey đã được lên kế hoạch đóng. Hiệp ước START mới năm 2009 cho phép Nga và Mỹ mỗi nước có tổng cộng 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng được trang bị vũ khí hạt nhân được triển khai. Hiện nay Nga có 515 tên lửa, trong khi Mỹ có 785. Điều này có nghĩa là Putin có thể bổ sung thêm nhiều tên lửa hạt nhân nữa.

Pauli Järvenpää, cựu đại sứ Hà Lan và hiện là thành viên cấp cao của Trung tâm quốc tế về quốc phòng và an ninh tại Tallinn, lập luận: “Người Nga muốn gieo rắc bất hòa bên trong NATO, nơi mà vấn đề hạt nhân cực kỳ gây chia rẽ. Và họ muốn phát đi tín hiệu cho thấy một số vấn đề quan trọng đối với họ như thế nào”.

Những nâng cấp hạt nhân của Nga

Theo ông Baev, việc Điện Kremlin tập trung vào sức mạnh hạt nhân của mình không chỉ là một cách nhằm chuyển hướng chú ý khỏi sự yếu kém về lực lượng thông thường của Nga, mà còn để che giấu những thiếu sót nghiêm trọng trong chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của nước này.

Ông nói: “Có một sự hiểu biết đang gia tăng rằng khoản đầu tư khổng lồ vào việc hiện đại hóa lực lượng (hạt nhân) chiến lược là một sai lầm ở quy mô khác thường. Chương trình này cực kì tốn kém và hiện vẫn chưa đi hết được một nửa chặng đường. Yếu tố đắt đỏ nhất, việc triển khai thế hệ tàu ngầm lớp Borey mới, vẫn chưa được hoàn thành. Nếu nhiều nguồn lực được chuyển vào các tiểu đoàn vũ trang thông thường, chứ không phải tàu ngầm hạt nhân, Nga đáng ra sẽ có một vị thế mạnh mẽ hơn nhiều trong cuộc đối đầu với NATO”.

Tình thế khó xử của NATO là liệu lời nói của Điện Kremlin về vấn đề hạt nhân có phải chỉ là điệu bộ hay Nga hiện sẵn sàng phóng một đầu đạn hạt nhân. Học thuyết quân sự mới của nước này, được thông qua vào tháng 12/2014, không đề cập tới sự thay đổi nào trong lựa chọn hạt nhân kể từ học thuyết được thông qua vào năm 2000, chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân vào Nga hoặc trong một tình huống mà sự tồn vong của Nga bị đe dọa. Câu hỏi được để ngỏ là một phản ứng như thế nào từ NATO sẽ khiến Điện Kremlin lo sợ về sự tồn vong của Nga.

Cả học thuyết năm 2014 và năm 2000 đều đánh dấu một sự thay đổi từ học thuyết năm 1960 của Brezhnev, mà đã đem lại cho vũ khí hạt nhân một vai trò răn đe.

Richard Burt, trưởng đoàn đàm phán của Mỹ về Hiệp ước START năm 1991 với Liên Xô và hiện là chủ tịch của phong trào Global Zero – một liên minh gồm các nhà lãnh đạo quốc gia với mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân, cho biết: “Putin và phe của ông đang có tâm lý bàn luận về chiến tranh hạt nhân như thể đây là một lựa chọn thực tế. Với tư cách cá nhân, tôi nghe được rằng những người này thường nhắc đến vũ khí hạt nhân cùng với những câu nói như ‘chúng ta nên dạy cho Ba Lan một bài học’”. Nhưng cả Burt và Järvenpää, người đã viết luận án tiến sĩ về khái niệm chiến tranh hạt nhân có giới hạn, cho rằng có rất ít khả năng Nga sẽ vượt qua giới hạn đỏ. 6 chuyên gia hạt nhân khác mà Politico phỏng vấn cũng có quan điểm như vậy, và họ cũng chỉ ra rằng thế hệ sĩ quan Nga hiện nay không được đào tạo đầy đủ về hạt nhân để thực hiện một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Mỹ lên tiếng

Phần lớn các chuyên gia cho rằng nguy cơ lớn hơn là sự leo thang hiện nay vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Liên minh hiện thấy bản thân mình phải phản ứng trước những khiêu khích của Putin. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi các tên lửa mới của Nga là “sự đe dọa hạt nhân” mà “gây bất ổn và nguy hiểm”.

Mùa Xuân năm 2015, Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow đã đề cập rằng NATO đang chuẩn bị cho việc đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân chiến lược của Nga nhằm vào một thành phố châu Âu. Vào tháng 10/2014, cuộc tập trận Noble Justification đã chứng kiến các máy bay ném bom B-52 có năng lực hạt nhân của Mỹ bay qua khu vực Địa Trung Hải và châu Âu, và vào tháng 4/2015, hai máy bay B-52 đã tham gia cuộc tập trận Polar Growl tại Bắc Cực và khu vực Biển Bắc. Không quân Mỹ cũng đã triển khai 5 máy bay có năng lực hạt nhân tới Anh, từ đó các máy bay này đã tham gia các cuộc tập trận Saber Strike và BALTOPS 15 vào tháng 6/2015, trong đó cuộc tập trận BALTOPS 15 được tổ chức tại biển Baltic.

Hans Kristensen, giám đốc dự án vũ khí hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết: “Đây là một cách thức để Mỹ chứng tỏ năng lực tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Nga của mình. Phần lớn các nhà lãnh đạo NATO đều miễn cưỡng tham gia ăn miếng trả miếng với Nga về hạt nhân, nhưng Mỹ đang thực hiện những thay đổi đối với các máy bay ném bom của nước này trong một bối cảnh hạt nhân tại châu Âu”./.

Theo “Polotico

Nhật Linh (gt)