Do bị ảnh hưởng bởi vụ Bạc Hy Lai, và phải đối mặt với một danh sách dài các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị, chế độ Bắc Kinh, với một Ban Thường vụ chỉ còn bảy người như năm 2002, rõ ràng đã chỉ định ra những người, trong 5 năm tới, sẽ trung thành tuyệt đối với Đảng và không gây khó cho Đảng bằng những sáng kiến chính trị nguy hiểm đối với quyền uy của Đảng. Nếu quy định về hưu ở tuổi 68-70 được duy trì, không một ủy viên Ban Thường vụ mới nào sẽ đủ tuổi để làm hai nhiệm kỳ. Trừ Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, hai người trẻ nhất trong êkíp này - với độ tuổi trung bình là 58 so với 65 đối với 5 người còn lại tất cả những người mới được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ phải rời sân khấu chính trị vào năm 2017. Trong điều kiện đó, với phái bảo thủ chế ngự cơ cấu ra quyết định tối cao của chế độ Bắc Kinh, không biết Lý Khắc Cường sẽ làm thế nào để tiến hành cải cách mô hình phát triển như ông đã xác định đường hướng khi bảo lãnh cho bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Trung Quốc được công bố ngày 27/2/2012 và cùng được ký bởi Chủ tịch thể chế tài chính này, Robert Zoellick, và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, Li Wei. Bản báo cáo vạch ra lợi ích phường hội, độc quyền công nghiệp và các nhóm, thể chế hay người được hưởng bổng lộc đặc biệt hay đối xử ưu đãi nhờ hoạt động hiện nay của chính quyền và các thể chế. Đó là những trở ngại đối với cải cách mà Ban Thường vụ mới như hiện nay có thể sẽ không có ý định, cũng không có phương tiện chính trị để loại bỏ. 

Trừ Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, những người gần như chắc chắn được bổ nhiệm, còn tất cả số ủy viên Ban Thường vụ mới đúng là tuổi đã cao. Độ tuổi trung bình của Trương Đức Giang, Du Chính Thanh, Lưu Vân Sơn, Vương Kỳ Sơn và Trương Cao Lệ là 65, có nghĩa là không ai trong số này sẽ được làm nhiệm kỳ thứ hai. Như vậy, đến năm 2017, cặp Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường sẽ phải tiếp tục làm việc với một êkíp hoàn toàn mới. Hơn nữa, trong số 5 ủy viên Ban Thường vụ mới, chỉ có Du Chính Thanh, một người gần gũi với Giang Trạch Dân, từng có thời gian vận động cho việc tăng cường Nhà nước pháp quyền, đồng thời luôn khẳng định gắn bó với luật thị trường. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ đề xuất điều gì cụ thể để đưa Đảng tiến theo hướng cho ngành tư pháp được độc lập hay trao cho các Hội đồng nhân dân địa phương quyền kiểm soát chính sách công. Vương Kỳ Sơn người được cử đứng đầu Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương của Đảng chịu trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, và Trương Cao Lệ là người của trào lưu cải cách kinh tế. Đồng thời, họ là những người trung thành với Giang Trạch Dân và ủng hộ cải cách tài chính. Họ cũng tự cho mình là những người gắn bó với luật thị trường, nhưng lại không nói gì về cải cách chính trị. Tuy nhiên, việc Vương Kỳ Sơn được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo Ủy ban kỷ luật khiến ông mất đi một phần ảnh hưởng. Trương Cao Lệ không có được năng lực như Vương Kỳ Sơn và thậm chí còn được biết là người làm gia tăng số nợ và số dự án hạ tầng dư thừa ở Thiên Tân. 

Còn Trương Đức Giang, người thay Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh và trong những năm 1980 được đào tạo về kinh tế ở Bắc Triều Tiên, tại Trường Đại học Kim Nhật Thành, lại ưa thích doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, độc quyền và kế hoạch hóa Nhà nước, đồng thời nghi ngại đối với thị trường. Khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu tỉnh Quảng Đông, rõ ràng ông tỏ thái độ thù địch với mở cửa chính trị, đến mức nhiệm kỳ công tác của ông ở tỉnh miền Nam này được đánh dấu bằng một số vụ cãi lộn với các nhà báo có tính độc lập hơn ở miền Nam Trung Quốc. Nhưng dấu hiệu hiển nhiên nhất về sự kìm hãm chính trị là việc hai trong số các nhân vật chủ trương mở cửa mạnh mẽ nhất, Uông Dương và Lý Nguyên Triều, bị loại khỏi Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Sự dịch chuyển theo hướng bảo thủ là rõ ràng hơn khi hai nhân vật này là những người được biết đến nhiều trong chính quyền và cả hai đều nắm giữ những chức vụ hàng đầu. Một người lãnh đạo một tỉnh rất khó khăn và rất ngỗ ngược là Quảng Đông, còn người kia là Bí thư Đảng bộ và Trưởng ban Tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc Lý Nguyên Triều bị gạt ra ngoài, một điều chưa từng thấy, đáng được nói đến nhiều hơn vì đây là thất bại nghiêm trọng của phe Hồ Cẩm Đào mà ông Lý Nguyên Triều là thành viên. Chức vụ mà ông nắm giữ quả thực là kiểm soát các vụ bổ nhiệm và điều chuyển nhân sự trong chính quyền. Với chức trách đó, Lý Nguyên Triều là người nắm giữ bí mật các cuộc điều tra về đảng viên cũng như những đánh giá mật về sự trung thành của họ đối với chế độ. Như vậy, về lý thuyết, ông có quyền tạo dựng hay phá hủy sự nghiệp của người khác. Vì tất cả những lý do đó, việc ông được bổ nhiệm vào Ban Thường vụ được xem là đã chắc chắn, hơn nữa vì điều đó dường như đã đạt được sự đồng thuận giữa các phe phái. 

Cuối cùng, trong số những nhân vật mới trong Ban Thường vụ, người duy nhất gần gũi với Hồ Cẩm Đào là Lưu Vân Sơn. Nhưng ông lại là một đảng viên kỳ cựu, chuyên gia về tuyên truyền và là ủy viên Ban Thường vụ duy nhất không có kinh nghiệm gì về lãnh đạo chính trị ở một tỉnh. Niềm tin của ông có được là nhờ thói quen kiểm tra, nhào nặn tư tưởng và yểm giấu thông tin. Đó là những đặc điểm trái ngược với năng lực của các nhà cải cách. Tập Cận Bình nắm giữ chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương, mà Hồ Cẩm Đào phải từ bỏ, trái ngược với việc Giang Trạch Dân ở lại vị trí này cho đến năm 2004. Có thể hiểu đây là một thất bại nữa của Hồ Cẩm Đào vì đã không thành công trong việc áp đặt quyền được ở lại như Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân hai năm sau khi Ban Thường vụ mới được bầu. Tuy nhiên, hình thái mới của một Chủ tịch nước nắm giữ trực tiếp Quân ủy Trung ương là điều mới và rõ ràng nhằm ngăn chặn các phái đối địch nhau và các hành vi “chọc gậy bánh xe” của các nhân vật chống đối định dựa vào quân đội, đồng thời rõ ràng cho phép củng cố quyền lực chính trị ở Trung Quốc.

Khi giới thiệu các ủy viên Ban Thường vụ mới, Tập Cận Bình nói rằng Đảng, với hoạt động quá quan liêu, sẽ phải cảnh giác và tấn công liên tục để loại trừ nạn tham nhũng và thiết lập lại mối quan hệ tin tưởng với nhân dân. Người ta có thể tự hỏi khi nói như vậy, liệu Tập Cận Bình có ý thức được rằng một trong những lý do dẫn đến sự đoạn tuyệt ngày càng đáng chú ý giữa chính quyền và xã hội dân sự, chính là tình trạng không rõ ràng trong việc lựa chọn người lãnh đạo hay không. Bởi lẽ việc bổ nhiệm chịu tác động của nhiều ảnh hưởng ngầm, kể cả của các nhà lãnh đạo đã thôi chức từ lâu. Chẳng hạn như Giang Trạch Dân, người cách đây vài tháng đã cận kề cái chết và lúc này vẫn rất mệt mỏi, nhưng lại ngồi bên cạnh Hồ Cẩm Đào và ám ảnh ông trong suốt quá trình Đại hội./.

Nhật Linh (gt)