Gần đây, Trung Quốc đã công bố nghiên cứu về tính khả thi của mạng lưới đường sắt nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Sự đầu tư khổng lồ này, ngoài việc tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, khoản đầu tư này còn nằm trong chiến lược phát triển một quyền lực đa chiều của Trung Quốc.

Atlantico: Người ta có thể miêu tả việc tổ chức quyền lực của Trung Quốc như thế nào? Việc tổ chức đó được lấy cảm hứng từ đâu và nó có thể được thực hiện như thế nào?

Christian Harbulot: Để hiểu được sự chuyển mình của Trung Quốc, cần tự hỏi về những tiền lệ, không phải dùng làm mô hình, mà làm ví dụ kinh điển để tìm ra những giải đáp cho câu hỏi trọng tâm: "Làm thế nào để san lấp cái hố tụt hậu kinh tế gắn liền với việc thiếu quyền lực?". Trung Quốc đã học theo cách làm của Nhật Bản. Để không bị trở thành thuộc địa của các cường quốc phương Tây, Nhật Bản đã khởi đầu một chính sách cải cách. Bị suy yếu sau nhiều thế kỷ co mình lại, Đế chế "Mặt trời mọc" phải đối mặt với nhiều thách thức:

- Xây dựng một cơ sở hạ tầng công nghiệp và cảng biển cần thiết cho việc hiện đại hóa quân đội và hàng hải,

- Thay đổi việc tổ chức xã hội (đánh giá lại vai trò của giới doanh nhân so với giới nông dân),

- Tạo ra một phạm vi ảnh hưởng ở châu Á.

Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản đã phải san lấp cái hố tụt hậu của mình trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp. Việc đuổi kịp các nước phương Tây chỉ có thể đạt được bằng cách đi tắt đón đầu. Những ưu tiên về lợi ích quốc gia (hàng hải, bến cảng, các ngành công nghiệp quốc phòng) cần thiết cho việc bảo vệ nền độc lập đòi hỏi Nhật Bản phải tăng nhanh tốc độ phát triển tri thức so với các quốc gia tiên tiến nhất, và là mối đe dọa tiềm tàng đối với Nhật Bản. Bằng cách đi tắt đón đầu, tức là tiếp thu trình độ tri thức kỹ thuật tiên tiến nhất được phát triển ở các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, Nhật Bản đã có thể đuổi kịp các nền kinh tế phương Tây. Như vậy, Nhật Bản chỉ lặp lại các bước vận hành ở phương Tây hồi đầu các cuộc cách mạng công nghiệp, vừa để nâng cao năng lực của các nhà sản xuất, vừa để phá vỡ một mối quan hệ phụ thuộc.

Cách tiếp cận đặc biệt này khi đó được Nhật Bản cụ thể hóa bằng khẩu hiệu "nước giàu, quân mạnh". Việc xâm chiếm Mãn Châu đã mang lại cho Nhật Bản cơ hội xây dựng một tiến trình công nghiệp gắn với một công ty đường sắt vừa quản lý các hoạt động kinh tế (tập đoàn Nissan đã ra đời ở đây) vừa quản lý chính quyền địa phương, giáo dục và an ninh. Người Nhật đã học theo cách làm của các công ty đường sắt Mỹ – tạo ra sự tăng trưởng của ngành công nghiệp Mỹ từ bờ biển Đại Tây Dương tới bờ biển Thái Bình Dương. Trong thời gian đầu, người Trung Quốc đã chịu những hậu quả của quá trình thực dân hóa kinh tế này của Nhật Bản, sau đó đã học cách rút ra những bài học.

Valérie Niquet: Trung Quốc có một chiến lược quyền lực mang những hình thái khác nhau và huy động các phương tiện khác nhau để tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của họ vượt xa ngoài không gian địa lý liền kề. Chiến lược quyền lực này đáp ứng những mục tiêu phát triển và gây ảnh hưởng, phục vụ những lợi ích sống còn đã được Bắc Kinh xác định, trước hết là sự sống còn của chế độ. Tuy nhiên, chiến lược này không phải lúc nào cũng thành công. Trái lại, sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, có thể gây ra những phản ứng không chấp nhận. Tương tự, ở châu Á, việc đưa ra một luận điểm mang tính chất siêu dân tộc chủ nghĩa về vấn đề bảo vệ "những lợi ích sống còn", đặc biệt những lợi ích trên biển, đã gây ra một hiệu ứng ngược bất lợi cho sự khẳng định quyền lực của Trung Quốc trong khu vực.

Atlantico: Trung Quốc đang đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào việc phát triển các cơ sở hạ tầng trên thế giới, với các dự án như Kênh đào Panama thứ hai, Con đường tơ lụa mới qua Himalaya, đường sắt ở Nam Mỹ, sự hiện diện trên lục địa châu Phi. Những mục tiêu mà Trung Quốc nhắm đến là gì?

Valérie Niquet: Việc tăng cường các hoạt động đầu tư đặc biệt gây ấn tượng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển đáp ứng nhiều mục tiêu. Trước hết, vì những lý do kinh tế, để phục vụ chiến lược đầu tư ra bên ngoài được Bắc Kinh khuyến khích ngay từ giữa những năm 1990. Nền kinh tế Trung Quốc cần có những thị trường mới, và một sự tiếp cận an toàn các nguồn năng lượng và các nguyên liệu. Điều này trở nên cần thiết hơn khi tốc độ tăng trưởng giảm chậm hiện nay buộc Trung Quốc phải tìm những thị trường đầu ra mới cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng vì các cơ hội của họ đã bị thu hẹp ở chính Trung Quốc. Hiện tượng này là tâm điểm của các dự án Con đường tơ lụa mới, đến Trung Á – đi kèm với dự án thành lập một ngân hàng đầu tư cho các cơ sở hạ tầng ở châu Á, nơi Trung Quốc có thể đóng một vai trò lãnh đạo.

Nhưng vượt ra ngoài những thách thức kinh tế này, việc tăng cường các dự án lớn, nhờ sức mạnh tài chính của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), cũng nhằm để chứng tỏ và củng cố hình ảnh quyền lực của Trung Quốc, nhân tố chủ chốt trên trường quốc tế. Đằng sau những tham vọng đó, người ta nhận thấy yếu tố đầu tiên của chiến lược vươn ra bên ngoài của Trung Quốc là sự cần thiết phải tìm những điểm tựa hợp pháp, dựa trên uy tín và sự phát triển kinh tế, điều có thể đảm bảo sự sống còn của chế độ Trung Quốc.

Christian Harbulot: Trong một bối cảnh khác so với Nhật Bản, sự phát triển của Trung Quốc đương đại nằm trong chiến lược đi tắt đón đầu mà mục đích cuối cùng là đảm bảo tính bền vững của một chế độ đối lập với hệ thống phương Tây. Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, chiến lược của các nhà lãnh đạo Trung Quốc phụ thuộc vào mối tương quan lực lượng luôn đối lập họ với thế giới tư bản chủ nghĩa. Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc được xác định theo các tiêu chí kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa. Do vậy, không tồn tại sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế thị trường, mà chỉ có sự bổ sung giữa các nền kinh tế kiểu xã hội chủ nghĩa. Cho dù sự sụp đổ của Liên Xô đã xóa đi sự khác biệt đó trong phương thức phát triển, song không vì thế mà nó làm biến mất các tương quan lực lượng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc vẫn là một nguy cơ tiềm tàng về quân sự và kinh tế đối với Mỹ và ngược lại.

Để đuổi kịp các nước công nghiệp phát triển, Trung Quốc đã không có lựa chọn nào khác là đi theo một con đường tương đồng với con đường mà Nhật Bản đã lựa chọn dưới thời đại Meiji. Sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đã buộc Trung Quốc thực hiện các phương thức đi tắt đón đầu thông qua các hoạt động chuyển giao công nghệ và tiếp thu tri thức của các nước công nghiệp hóa. Tốc độ thực hiện nhanh chóng (Nhật Bản mất một thế kỷ, Trung Quốc mất 30 năm) cho thấy rõ những động thái quyết liệt của Trung Quốc có thể sánh với những bước đi của Nhật Bản và Hàn Quốc, với quan điểm phát triển không tách rời quan điểm chính trị về quyền lực. Trong trường hợp của Nhật Bản (kỷ nguyên Meiji), chính sách đi tắt đón đầu nhằm hỗ trợ cho một quyết tâm bảo vệ nền độc lập. Trong trường hợp của Hàn Quốc (thời hậu chiến tranh Triều Tiên), chính sách đó nhằm đứng sánh ngang, để rồi vượt Triều Tiên. Trong trường hợp của Trung Quốc (thời kỳ hậu "Bè lũ bốn tên"), có hai thách thức: thay đổi mô hình kinh tế và đạt tới trình độ cao nhất của nền kinh tế toàn cầu. Điểm chung cho ba sự vận động này là dành ưu tiên cho việc chinh phục các thị trường bên ngoài nhằm tích lũy của cải để củng cố các nền tảng quân sự và địa chính trị. Trong cả ba trường hợp, chính sách đi tắt đón đầu được kết hợp với các biện pháp bảo hộ.

Atlantico: Cùng với những hoạt động đầu tư của Bắc Kinh ở Hy Lạp, với tham vọng biến Piraeus thành một trong những cảng "có khả năng cạnh tranh lớn nhất thế giới", Trung Quốc dường như không thờ ơ với lục địa già. Trung Quốc có những dự án nào ở châu Âu và ở Mỹ? Trung Quốc đã đầu tư vào các nước phương Tây ở mức độ như thế nào so với việc đầu tư vào những nước khác?

Valérie Niquet: Trung Quốc quan tâm tới các thị trường mới nổi. Họ cũng quan tâm tới Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cả ở đây nữa, Trung Quốc nhắm tới nhiều mục tiêu. Đó là tìm kiếm những thị trường mới ở Đông Âu cho các sản phẩm Trung Quốc – có giá bán phù hợp hơn với khả năng của người tiêu dùng. Các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào cảng Piraeus cần phải được hiểu trước hết như là quyết tâm tạo thuận lợi cho các sản phẩm Trung Quốc đi vào các thị trường châu Âu. Trung Quốc cũng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, nơi các doanh nghiệp Trung Quốc có một lợi thế đáng kể về giá cả. Sau hết, cũng vì những lý do tiếp cận thị trường, Trung Quốc đã chuyển các xí nghiệp của họ, trong lĩnh vực da hoặc dệt may, đến Italy chẳng hạn. Việc di chuyển này cho phép hàng hóa Trung Quốc được gắn nhãn mác EU.

Cuối cùng, người ta có thể nhận thấy rằng các hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại một số nước châu Âu sau cuộc khủng hoảng tài chính cũng nhằm mục tiêu cố gắng giành được những sự ủng hộ của Ủy ban châu Âu. Hơn nữa, lãi suất của các nguồn vốn của Trung Quốc áp dụng cho các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt trong một số lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, cũng cần được lưu ý.

Christian Harbulot: Đây là một vấn đề xứng đáng được nghiên cứu riêng biệt. Trung Quốc học theo cách vận động của Nhật Bản trong những năm 1980 (tạo ra các điểm tựa khi Nhật Bản nắm bắt được cơ hội đầu tư ở Anh và ở Italy, dù phải xây dựng cái mà người ta gọi khi đó là "các nhà máy tuốcnơvít" tức là những nhà máy lắp ráp không mang lại giá trị gia tăng lớn cho nước chủ nhà). Trung Quốc có một cách tiếp cận tương tự ở một số nước mà họ có khả năng tiếp cận dễ dàng hơn so với ở những nước khác. Trường hợp Piraeus là một thử nghiệm quan trọng để đánh giá mức độ quyết tâm mang tính chiến lược của họ. Nhưng nhìn chung, người Trung Quốc có một chính sách mang nặng chủ nghĩa cơ hội. Họ chộp lấy cái gì mà người ta nhả cho họ. Ngành công nghiệp gỗ dán ở Pháp có một kỷ niệm buồn về điều đó.

Atlantico: Chiến lược gặm nhấm lãnh thổ của Trung Quốc dường như từ nay được mở rộng sang cả các vùng biển quốc tế?

Valérie Niquet: Kể từ những năm 1970, Trung Quốc đã bắt đầu khẳng định những yêu sách của họ trong khu vực, và đặc biệt kể từ khi Việt Nam bị suy yếu do chiến tranh. Trong những năm 1980, Trung Quốc đã chiếm, và vẫn đang chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Cùng với sự phát triển năng lực hải quân, vốn rất hạn chế, Trung Quốc đã mở rộng thế lực trên Biển Đông khi có cơ hội, bằng cách chiếm đoạt một số đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam hoặc Philippines, trong quần đảo Trường Sa. Từ cuối những năm 2000, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể những yêu sách và những hành động. Đặc biệt, năm 2009, Trung Quốc bắt đầu nói tới những lợi ích sống còn của họ trên biển, đồng thời gia tăng gấp bội các vụ gây rối và thâm nhập các vùng biển đã được tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Hai nước mà Trung Quốc nhắm đến là Philippines và Việt Nam.

Kể từ năm nay, Trung Quốc đã lựa chọn một chiến lược mới. Để cố gắng củng cố sự hiện diện của mình, Trung Quốc đã không ngừng tăng cường các hoạt động xây dựng trên các hòn đảo. Nhắm nhiều mục tiêu: đẩy nhanh việc đánh dấu lãnh thổ; tăng cường các yêu sách trên Biển Đông; và cho các tàu hải cảnh và các tàu đánh cá đến những nơi có sự hiện diện của Trung Quốc để áp đặt các quan điểm của họ trong khu vực.

Atlantico: Ngoài những lợi ích về kinh tế và chiến lược, Trung Quốc có thể kiếm được một lợi thế nào đó trên trường ngoại giao thế giới hay không?

Valérie Niquet: Việc Trung Quốc tăng cường các quan hệ đối tác với các nước mới nổi cũng nhằm mục đích tăng cường ảnh hưởng và sức nặng của họ trên trường quốc tế. Ngoài những khả năng hành động về tài chính và kinh tế, với quy chế thành viên thường trực của mình, Trung Quốc cũng được hưởng một quyền lực đặc biệt – quyền phủ quyết – trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đối với Bắc Kinh, bất kỳ cải cách nào của Hội đồng Bảo an liên quan tới các cường quốc lớn ở châu Á như Ấn Độ hay Nhật Bản, đều dẫn đến một sự suy giảm tương đối quy chế của Trung Quốc là siêu cường và đại diện duy nhất của thế giới phát triển trong Hội đồng Bảo an.

Bằng việc tăng cường sự hiện diện ở châu Phi, Mỹ Latinh hay Trung Á, Trung Quốc cũng có thể củng cố hình ảnh của họ là một cường quốc toàn cầu, vượt ra khỏi phạm vi châu Á. Đó cũng là cách để Bắc Kinh xây dựng và hợp pháp hóa một mô hình đối lập với các giá trị của các nền dân chủ tự do.

Christian Harbulot: tháng 10/2011, Trung Quốc đã công bố một cuốn Sách Trắng nhan đề "Sự phát triển hòa bình của Trung Quốc". Cuốn sách gồm 5 phần, giới thiệu kế hoạch phát triển của Trung Quốc trong 10 năm tới, những nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, những bối cảnh lịch sử và kinh tế, thực tế xã hội và những thay đổi mà Trung Quốc cần thực hiện, cũng như ảnh hưởng toàn cầu mà Trung Quốc muốn tạo dựng.

Với cuốn Sách Trắng này, Trung Quốc muốn trấn an thế giới trước những mục tiêu bá quyền của họ bằng cách ca tụng sự phát triển hòa bình để xây dựng một thế giới hài hòa hơn, đồng thời khẳng định vai trò của Trung Quốc như là một tác nhân kinh tế và chính trị lớn trên trường quốc tế.

Để đẩy nhanh sự phát triển của mình, Trung Quốc xây dựng một chiến lược dựa trên ba trục chính:

- Mong muốn độc lập và mở cửa với các nước hay các quốc gia khác trên thế giới,

- Nhắc lại việc bảo vệ các lợi ích quốc gia,

- Sự cần thiết tiếp cận nhiều hơn các nguồn tài nguyên năng lượng của các nước khác như các nước châu Phi, các nước mới nổi.

Một lời lẽ mang tính xoa dịu cùng tồn tại với ý chí công khai muốn đóng một vai trò chính trên trường quốc tế. Sự tương phản này là tâm điểm trong toàn bộ chính sách tổng thể của Trung Quốc.

Atlantico: Trung Quốc dự định áp đặt sự thống trị của mình trong lĩnh vực tiền tệ như thế nào?

Antoine Brunet: Cách đây một vài năm, họ đã cho phép chuyển đổi đồng đôla Australia sang đồng nhân dân tệ và đồng nhân dân tệ sang đồng đôla Australia đã có thể được thực hiện một cách dễ dàng trên lãnh thổ Trung Quốc. Trước đó, họ đã cho phép chuyển đổi giữa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng yen Nhật Bản.

Kiểu biện pháp này bổ sung vào các sáng kiến của Trung Quốc nhằm khuyến khích nhiều nước trao đổi thương mại với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ, chứ không phải bằng USD, hoặc bằng đồng tiền của nước đối tác.

Trung Quốc đã đưa ra một loạt sáng kiến khác để ngân hàng trung ương của các nước đối tác có thể xây dựng quỹ dự trữ ngoại hối bằng đồng nhân dân tệ: thực vậy, từ nay một số ngân hàng trung ương này được phép mua và nắm giữ các trái phiếu ngắn hạn do Chính phủ Trung Quốc phát hành bằng đồng nhân dân tệ (họ cũng được phép thanh khoản các trái phiếu này và chuyển đổi đồng nhân dân tệ tích lũy được sang đồng tiền quốc gia).

Tất cả những sáng kiến này của Trung Quốc đều hướng tới một mục tiêu duy nhất: nâng cao vị thế quốc tế của đồng nhân dân tệ và làm suy yếu vị thế quốc tế của đồng USD; và điều này được thực hiện cho đến khi đồng USD cuối cùng bị đồng nhân dân tệ truất ngôi, cho đến khi đồng tiền thế giới không còn là đồng USD nữa, mà là đồng nhân dân tệ.

Cho đến gần đây, tất cả các nguyên liệu quan trọng vẫn được niêm yết giá bằng đồng USD (dầu mỏ, khí tự nhiên, than đá, kim loại, nguyên liệu nông nghiệp…). Do vậy, các nước xuất khẩu lập hóa đơn chỉ bằng đồng USD, và những nguyên liệu mà họ xuất khẩu sau đó được thanh toán cũng chỉ bằng đồng USD theo thời hạn thỏa thuận.

Nhờ cách làm này, đồng USD đã tăng uy tín và các ngân hàng trung ương của các nước thứ ba dễ dàng chấp nhận tích lũy đồng USD với số lượng ngày càng tăng. Và chính xu hướng các ngân hàng trung ương của các nước thứ ba tích lũy tiền bằng đồng USD (sau khi được các ngân hàng thương mại Mỹ hoặc Chính phủ Mỹ phát hành) đã cho phép hệ thống ngân hàng Mỹ phát hành rộng rãi đồng USD và không phải chịu ràng buộc cụ thể. Vả lại, chính nhờ vậy mà từ năm 2008 hệ thống ngân hàng Mỹ đã có thể tài trợ các khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, liên tiếp xảy ra mà cả các thị trường Mỹ lẫn nền kinh tế Mỹ đều không bị ảnh hưởng. Điều này có thể được xem như đặc quyền của đồng USD.

Cũng chính vì đặc quyền này mà kể từ năm 2008 Trung Quốc đã kiên trì tìm cách lật đổ đồng USD. Và tất cả những sáng kiến của Trung Quốc được nói đến ở đầu bài viết này đều góp phần mạnh mẽ vào mục tiêu đó.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không quên rằng sở dĩ năm 1989 Liên Xô đã thất bại trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Mỹ, một phần rất lớn là do Liên Xô không có đặc quyền tiền tệ, nên đã không có khả năng tài chính để đáp trả, thông qua một cuộc chạy đua vũ trang, cuộc chiến tranh giữa các vì sao mà Mỹ đã phát động từ năm 1982 và đã tài trợ một cách rất dễ dàng nhờ đặc quyền của đồng USD. Có một sự liên quan sâu sắc giữa các sáng kiến về tiền tệ, các ý đồ về quân sự và lãnh thổ của Trung Quốc.

Atlantico: Liệu nghiên cứu khoa học và công nghệ có phục vụ việc xây dựng quyền lực của Trung Quốc hay không? Điều này được thể hiện như thế nào?

Laurent Alexandre: Hiện nay có 5 nhóm tập trung nghiên cứu việc biến đổi gen của phôi người. Và mới có một nhóm trong số đó đã công bố các kết quả phần nào tích cực. Điều đó không thể dẫn đến việc tạo ra những đứa trẻ, nhưng đây là một bước đầu tiên được đánh giá là rất có tính đột phá vì chưa có một nhóm nghiên cứu châu Âu hay Mỹ nào dám thực hiện. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng hợp tác với nhiều doanh nghiệp để hoàn thiện các thiết bị thông minh cao cấp, và phải tin rằng trong lĩnh vực này Trung Quốc không thận trọng như các nước phương Tây.

Tạo ra những đứa trẻ theo ý muốn, thông minh hơn, ít bệnh tật hơn. Đó là một mục tiêu địa chính trị mang tính chiến lược. Rõ ràng việc sinh ra hàng loạt những thiên tài như Bill Gates khi người ta muốn trở thành một cường quốc công nghệ lớn, không phải là một ý tưởng ngớ ngẩn, cho dù điều đó là phi đạo đức theo quan điểm của người Do Thái Cơ đốc giáo. Người Trung Quốc có một nền đạo đức thực dụng, bất cứ điều gì có ích đều tốt. Tất cả những đóng góp cho quốc gia đều hữu ích. Đó là một sự đảo ngược so với những tiêu chí đạo đức của chúng ta. Người Trung Quốc không ngừng khiến chúng ta lo lắng và tìm cách vượt chúng ta.

Tóm lại, và trong một số trường hợp khi nói đến việc thực hiện chiến lược quyền lực, Trung Quốc không bị cản trở bởi những rào cản đạo đức của phương Tây. Ý chí quyền lực này có thể sánh với ý chí chinh phục công nghệ: một trong những thành công lớn nhất của Trung Quốc có lẽ là việc nâng cấp các siêu máy tính mạnh nhất thế giới (siêu máy tính Thiên Hà 2) – có thể thực hiện 33 triệu tỷ phép tính mỗi giây.

Và nếu những "cái đầu thông minh" của Trung Quốc du học tại Đại học Harvard hay Berkeley, họ sẽ được chính phủ đề nghị cấp một triệu USD để trở về quê hương thực hiện các nghiên cứu. Chưa một nhà nghiên cứu nào của Pháp được đề xuất nhận 1 triệu USD như vậy.

Christian Harbulot, nhà sử học, nhà chính trị học và chuyên gia quốc tế về tình báo kinh tế; Valérie Niquet, chuyên gia nghiên cứu khu vực châu Á thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS), Giám đốc trung tâm châu Á thuộc Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), Giáo sư giảng dạy môn Địa chính trị Trung Quốc tại Học viện Quân sự Pháp; Laurent Alexandre, chuyên gia nghiên cứu những biến động sắp tới của nhân loại nhờ những tiến bộ về công nghệ sinh học; Antoine Brunet, nhà kinh tế học, tác giả cuốn sách "Mưu đồ bá quyền của Trung Quốc" (viết cùng với Jean-Paul Guichard, Nhà xuất bản L'Harmattan, năm 2011). Bài phỏng vấn được đăng trên Atlantico (Pháp).

Hương Lan (gt)