Theo ông Campbell, những hiểu biết thông thường về Trung Quốc trong hàng thập kỷ qua là Bắc Kinh chú trọng giải quyết những vấn đề cấp bách trong nước như nạn tham nhũng, ô nhiễm môi trường kinh niên, tái cơ cấu các ngành nhà nước quản lý không hiệu quả. Trung Quốc chấp nhận quan điểm rằng một môi trường quốc tế ôn hòa là điều kiện quan trọng để duy trì sự tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ. Chính vì thế mà trong quá khứ, khi đứng trước các biến cố như vụ va chạm năm 2001, khi một chiếc máy bay do thám Mỹ bị một chiến đấu cơ Trung Quốc chặn lại - cả Bắc Kinh và Washington đều tìm cách làm việc cẩn trọng ở hậu trường để gỡ rối.

Hầu hết các biến cố trước đây xảy ra đơn lẻ và không phải là một phần của một chiến lược có chủ ý được tạo ra để chống lại hiện trạng trong vấn đề lãnh hải. Trong quá khứ, khi một bản đồ mới hay một diễn giải mới về lãnh thổ được ai đó trong bộ máy hành chính quan liêu khổng lồ của Trung Quốc ban hành, các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thường cho đấy là do sơ suất, mà một trong những mục đích chính của những tuyên bố như vậy là giúp họ giữ thể diện.

Ông Tập Cận Bình hiện được xem là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời cố Chủ tịch Mao Trạch Đông. Dù mới lên cầm quyền chưa lâu nhưng chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt mà ông Tập Cận Bình phát động (trong đó nhằm vào cả những nhân vật chủ chốt trong Bộ Chính trị và thậm chí cả Ban Thường vụ Bộ Chính trị), tham vọng cải cách nền kinh tế cùng những tuyên bố rất mạnh mẽ cho thấy Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới. 

Giai đoạn này có một số khía cạnh đáng chú ý, trước tiên là vai trò cá nhân của ông Tập Cận Bình trong việc ra quyết định, và giới chức Trung Quốc đã đi những bước dài đáng kể để "che đậy" quá trình ra quyết định. Nếu như dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, chính sách đối ngoại của Trung Quốc có dấu ấn bao trùm của Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc thì hiện không rõ ai là người trực tiếp tham gia quá trình quyết định chính sách với ông Tập Cận Bình. Người ta đang chứng kiến một sự điều phối có bàn bạc nhiều hơn ở mọi cấp độ trong Chính phủ Trung Quốc. 

Trong quá khứ, nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xem các hành động của nước này là "quyết đoán kiểu đối phó", hàm ý rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh đơn giản chỉ đang thực hiện những bước đi cần thiết để phản ứng lại những khiêu khích từ các nước lân cận. Quan điểm phổ biến của họ khi đó là Trung Quốc sẵn sàng gác lại những vấn đề tranh chấp nóng bỏng để giải quyết sau và bằng lòng duy trì nguyên trạng dù không được xác định rõ ràng. Đến nay, Trung Quốc không còn chỉ ứng phó nữa mà đã hành động theo sáng kiến của riêng mình.

Triết gia Hy Lạp cổ đại Thucydides có thể đã đưa ra dự báo rằng "ngày này sẽ tới". Nhưng giờ đây, những bước đi mới của ông Tập Cận Bình đang khiến các nhà Trung Quốc học chật vật để hiểu được mô hình mới đang nổi lên. Những động thái gần đây của Bắc Kinh và sự tập trung hóa vai trò của ông Tập Cận Bình là một lời nhắc nhở nữa về tầm quan trọng của ngoại giao cấp cao, thường xuyên và có trọng điểm, nhằm đo lường chính xác mục đích và gửi đi những thông điệp có nghĩa.

Bài viết của cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Kurt Campbell đăng trên "Thời báo Tài chính" (Anh)

Thuỳ Anh (gt)