Trong những bình luận được đưa ra tại cuộc gặp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ngày 3/7, Giang Trạch Dân đã công khai lên tiếng ủng hộ Chủ tịch Tập Cận Bình trong một động thái hiếm hoi mà các chuyên gia phân tích nhận định là được thiết kế để gây ảnh hưởng đến Hội nghị cấp cao Bắc Đới Hà, một hội nghị sắp diễn ra với sự tham gia của các quan chức tham gia hoạch định chính sách cấp cao nhất của Trung Quốc. Mặc dù nhà cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với Tập Cận Bình trong cuộc gặp Kissinger ngày 3/7, nhưng động thái này chỉ được tiết lộ ngay trước khi diễn ra Hội nghị Bắc Đới Hà. Cuộc trao đổi giữa Giang Trạch Dân và Kissinger được công bố ngày 22/7 ngay trước khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc gặp nhau ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà, nơi họ sẽ đặt ra phương hướng cho các vấn đề chính trị và kinh tế quan trọng của Trung Quốc. 

Tại cuộc gặp, Giang Trạch Dân đã nói với Kissinger: “Một quốc gia lớn như Trung Quốc với dân số 1,3 tỷ người cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và có năng lực. Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo quốc gia rất có năng lực và tài giỏi”. Giang Trạch Dân cũng ca ngợi việc Tập Cận Bình giải quyết một cách nhanh chóng cuộc xung đột sắc tộc gần đây ở khu tự trị Tân Cương, sự kiện đã làm hàng chục người thiệt mạng. Nhà cựu lãnh đạo Trung Quốc nói với cựu Ngoại trưởng Mỹ: “Một đất nước như Trung Quốc chắc chắn sẽ đối mặt với vấn đề kiểu này hay kiểu kia. Những vấn đề như vậy không có gì đáng phải lo ngại. Điều quan trọng là chúng tôi thực hiện những hành động quyết đoán để giải quyết chúng. Gần đây đã có những vụ tấn công khủng bố ở Tân Cương. Tập Cận Bình đã đưa ra những quyết định kiên quyết và nhanh chóng kiểm soát tình hình. Chúng tôi đang đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước nhưng chúng tôi hoàn toàn tự tin vào ban lãnh đạo mới. Tôi tin rằng họ có thể giải quyết được những vấn đề này”. 

Một phần ba cuộc trao đổi giữa Giang Trạch Dân và Kissinger theo thông tin của Tân Hoa Xã là tập trung vào nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Tân Hoa Xã cũng trích dẫn những bình luận của cựu Ngoại trưởng Kissinger về Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình. Kissinger đã nhấn mạnh ông ấn tượng như thế nào bởi “sự can đảm và quyết tâm” mà nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân đã thể hiện khi Trung Quốc phải đối mặt với “những khoảng thời gian khó khăn” sau năm 1989. Sau đó, Kissinger đưa ra sự so sánh giữa Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình. Tân Hoa Xã dẫn lời Kissinger nói: “Tôi mới chỉ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình một vài lần, nhưng tôi đã rất ấn tượng bởi quyết tâm và sự can đảm của ông ấy. Ban lãnh đạo mới đã bắt đầu tiến hành một loạt cải cách. Những cuộc cải cách này có thể không diễn ra một cách êm ả, nhưng tôi tin rằng ông ấy có ý chí và khả năng để vượt qua những vấn đề đó. Bình luận của ngài (Giang Trạch Dân) về nhà lãnh đạo mới (Tập Cận Bình) càng thuyết phục tôi về điều đó”. Ở Trung Quốc, các nhà lãnh đạo về hưu hiếm khi công khai và trực tiếp đưa ra những bình luận về ban lãnh đạo đương nhiệm. Nội dung cuộc trao đổi của Giang Trạch Dân dường như được thiết kế để ủng hộ nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và đảm bảo Tập Cận Bình đi đúng theo con đường mà Giang Trạch Dân đã vạch ra cách đây khoảng 20 năm. 

Chương Lập Phàm, một cựu chuyên gia phân tích của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói: “Thông tin về cuộc gặp giữa Giang Trạch Dân và Kissinger chắc chắn liên quan đến Hội nghị cấp cao Bắc Đới Hà sắp tới và do đó thông điệp này là nhằm nói với mọi người rằng Giang Trạch Dân đứng đằng sau Tập Cận Bình và ban lãnh đạo mới dưới quyền Tập Cận Bình”. Những bình luận của nhà cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân về ông Tập Cận Bình được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối phó với sụt giảm tăng trưởng kinh tế, với các cuộc tranh luận đang ngày càng nóng giữa cánh tả và cánh hữu. Chương Lập Phàm nhận định những bình luận mới đây của Giang Trạch Dân cũng nhằm kêu gọi đoàn kết vào thời điểm ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức từ bên trong và bên ngoài và Trung Quốc đang ở vào một giai đoạn bước ngoặt trong cả hai lĩnh vực kinh tế và chính trị. Chương Lập Phàm nói: “Tập Cận Bình và ban lãnh đạo của ông ấy đang đối mặt với sức ép chính trị lớn từ cả bên trong và bên ngoài trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và căng thẳng xã hội leo thang”. 

Các chuyên gia phân tích cho rằng thông tin về cuộc gặp giữa Giang Trạch Dân và Kissinger cho thấy Giang Trạch Dân vẫn thể hiện quyền lực chính trị mạnh mẽ mặc dù nhà lãnh đạo này đã từ chức khỏi toàn bộ các chức vụ cách đây hơn một thập kỷ. Giang Trạch Dân là một nhân vật có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ, là người đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Tập Cận Bình lên làm Tổng Bí thư. Giang Trạch Dân đã vượt qua mọi nỗ lực của người kế nhiệm mình là Hồ Cẩm Đào nhằm đưa Lý Khắc Cường - đương kim Thủ tướng Trung Quốc - vào vị trí Tổng Bí thư. Các nhà lãnh đạo về hưu thường có truyền thống đứng ngoài ánh đèn sân khấu chính trị, ngoại trừ những sự kiện mang tính biểu trưng chính trị như ngày Quốc khánh. Tuy nhiên, Giang Trạch Dân thường xuyên xuất hiện kể từ khi từ chức cách đây hơn một thập kỷ, khiến ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo về hưu năng động nhất. Giang Trạch Dân thường xuyên xuất hiện trước công chúng giữa mùa Hè năm ngoái trước khi diễn ra Hội nghị Bắc Đới Hà, sự kiện quyết định quá trình chuyển giao quyền lực từ thế hệ lãnh đạo thứ tư sang thế hệ lãnh đạo thứ năm tại Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012. 

Lê Sơn (gt)