scm_news_focus-0602_art_1.jpg

Trung Quốc đã trải qua một tuần với nhiều sự kiện quan trọng. Đầu tiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gây sốc cho thế giới tài chính khi nước này điều chỉnh giảm gần 2% tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ so với đồng USD, dẫn tới một sự sụt giảm hơn 2% giá trị của đồng nhân dân tệ trong thương mại nước ngoài. Sự sụt giảm này châm ngòi cho việc suy đoán điên cuồng, kể cả những niềm tin chắc chắn rằng động thái này của Trung Quốc sẽ là ngòi nổ cho một cuộc chạy đua “chạm đáy” của các đồng tiền ở châu Á. Bắc Kinh nói rằng việc điều chỉnh này nhằm thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá giao dịch của đồng nhân dân tệ và tỷ giá lẽ ra đạt được ở mức theo suy đoán, và rằng không có khả năng xảy ra những thay đổi lớn tiếp sau đó. Tuy nhiên, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lưu ý rằng động thái này có thể dẫn tới việc đồng nhân dân tệ được thả nổi tự do hơn – điều mà IMF đã yêu cầu Bắc Kinh thực hiện trước khi tổ chức này xem xét việc đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt của IMF. Trong những bình luận được đưa ra bên lề bản báo cáo hàng năm của mình về nền kinh tế Trung Quốc, IMF cũng đã lưu ý rằng bất chấp việc mất giá, đồng nhân dân tệ đã không bị định giá thấp.

Cũng trong thời gian gần đây, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra cảnh báo đối với các quan chức đã nghỉ hưu rằng hãy đứng ngoài hoạt động chính trị và không lạm dụng uy tín và các mạng lưới trước đây của họ. Cảnh báo này được đưa ra sau những tin tức trên phương tiện truyền thông nhà nước cho biết cuộc gặp gỡ không chính thức hàng năm của các quan chức đảng đương nhiệm và trước đây tại Bắc Đới Hà đã bị hủy bỏ và sẽ không được dùng làm nơi đưa ra chính sách trong tương lai. Những tin tức này lưu ý rằng các quan chức đảng vốn đã tổ chức một vài phiên họp bổ sung ở Bắc Kinh và rằng các quyết định được đưa ra một cách công khai, chứ không phải theo kiểu họp mặt bí mật các đảng viên lão thành. Những tin tức khác lan truyền rộng rãi trong truyền thông Trung Quốc là các cựu quan chức đảng và quân đội có dính líu tới đầu cơ bất động sản cùng với sự quản lý yếu kém nền kinh tế và cần phải được ngăn lại.

Cuối cùng, gần đây, Trung Quốc phải đối phó với một trong những tai nạn công nghiệp tồi tệ nhất trong nhiều năm qua – một loạt vụ nổ tại một kho lưu trữ hóa chất trong thời gian ngắn tại thành phố cảng Thiên Tân sầm uất. Hơn 100 người đã thiệt mạng trong và sau vụ nổ, khiến chính phủ phải tiến hành một cuộc điều tra đối với việc lưu trữ trái phép và các quy trình an toàn không thích hợp ở đó và các cơ sở khác trên khắp cả nước. Người dân đã bắt đầu các cuộc biểu tình quy mô nhỏ ở Thiên Tân đòi hỏi các khoản bồi thường thiệt hại của chính phủ vì những tổn thất do vụ nổ gây ra. Để ứng phó, Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến dịch truyền thông chống lại những tin đồn, sử dụng phương tiện truyền thông nhà nước để nhắc nhở dân chúng rằng chính phủ đã công khai kết tội tham nhũng đối với một ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, vì vậy dân chúng có thể tin tưởng rằng chính phủ sẽ công khai và không che giấu âm mưu xung quanh vụ nổ ở Thiên Tân.

Nếu có một chủ đề chung xuyên suốt những sự kiện này, thì đó là cách mà Bắc Kinh đang nhấn mạnh vào tính công khai trong việc ra quyết định, đưa tin và giải thích các hành động của họ. Đây không phải là nước Trung Quốc trong quá khứ tìm cách che giấu sự thật của những thảm họa lớn do tự nhiên hoặc con người gây ra. Đó không phải là nước Trung Quốc từng hoạt động bằng những thỏa thuận bí mật chỉ được đưa ra sau khi có sự đồng thuận của các đảng viên lão thành, hay là nước Trung Quốc từng tìm cách bảo vệ các quan chức đảng để rồi gây bất lợi cho quần chúng. Đó cũng không phải là nước Trung Quốc kiểm soát tiền tệ chặt chẽ, giữa nỗi sợ hãi rằng những sự thay đổi bất thường của các thị trường toàn cầu có thể gây ảnh hưởng đến việc điều tiết kinh tế của Trung Quốc. Hay ít nhất thì đó là thông điệp mà Bắc Kinh đang tìm cách gửi đi. Đó là một thông điệp có lẽ được cho là để nhận được sự thấu hiểu ở trong nước nhiều hơn là quốc tế, nhưng là một thông điệp thừa nhận rằng không có nhiều sự tin tưởng ở cả trong và ngoài nước vào Đảng Cộng sản Trung Quốc hay chính phủ khi theo đuổi một chính sách minh bạch. Vết nhơ của nạn tham nhũng, sự cấu kết và chủ nghĩa gia đình trị vẫn còn mạnh mẽ và có lẽ thậm chí còn được tăng cường bởi quy mô và chiều sâu của chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra.

Các hệ thống cũ trở nên lỗi thời

Thực tế là Trung Quốc đang trải qua cái có lẽ là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Và mô hình chính phủ và nền kinh tế mà Đặng Tiểu Bình thiết lập đã không còn hiệu quả trong việc quản lý Trung Quốc, lại càng không làm thay đổi nước này theo một đường hướng mới.

Khi Trung Quốc nổi lên từ sự hỗn loạn của kỷ nguyên Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng 3 chính sách cơ bản cho sự tăng trưởng và phát triển của Trung Quốc trong tương lai, bắt đầu từ khoảng đầu những năm 1980. Một là, cho phép nền kinh tế có thêm quyền tự do được cục bộ hóa, chấp nhận rằng một số khu vực có thể tăng trưởng nhanh hơn các khu vực khác nhưng trong dài hạn “nước lên thì thuyền lên”. Hai là, ngăn không cho bất kỳ cá thể đơn lẻ nào thực sự chi phối hệ thống chính trị Trung Quốc. Một nhân vật như Mao Trạch Đông không còn có thể sử dụng sức ảnh hưởng cá nhân nhiều đến mức khiến toàn bộ đất nước có thể bị đẩy vào một cuộc biến động về kinh tế và xã hội. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bị ràng buộc trong một mô hình bị chi phối bởi sự đồng thuận, mô hình đã hạn chế bất kỳ nguồn quyền lực cá nhân nào và loại bỏ những phe cánh để ủng hộ các mạng lưới gây ảnh hưởng rộng khắp bị chồng lấn nhiều đến mức chúng thực sự không thể bị gây chia rẽ. Và cuối cùng là thận trọng trên phương diện quốc tế, liên tục xuất hiện dưới vẻ ngoài của một chính sách không can thiệp và tránh thể hiện bất kỳ sức mạnh quân sự nào ở nước ngoài. Điểm thứ hai này là để Trung Quốc có thời gian củng cố sự cố kết, sức mạnh kinh tế và xã hội trong khi đó tránh gây xao nhãng hoặc tạo ra sự chú ý quân sự quá mức từ các nước láng giềng hoặc Mỹ.

Khi nhìn lại, mô hình của Đặng Tiểu Bình có lợi cho Trung Quốc một cách đặc biệt khác thường, ít nhất là về bề ngoài. Trong khi Liên Xô sụp đổ thì đảng Cộng sản Trung Quốc lại sát cánh bên nhau, ngay cả sau khi Bắc Kinh giải quyết thiếu hiệu quả sự kiện Quảng trường Thiên An Môn. Mặc dù đôi khi chậm chạp trong phản ứng hoặc đề xuất sự thay đổi chủ động, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kiểm soát được tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này theo cách tránh được tình trạng vô cùng bất ổn về chính trị hoặc xã hội. Đảng đã kiểm soát được không chỉ những thời kỳ chuyển giao ban lãnh đạo do Đặng Tiểu Bình thúc đẩy, mà còn cả sự chuyển giao mới đây nhất cho Tập Cận Bình, giữa bê bối bên trong đảng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí còn xử lý được tác động của việc kinh tế toàn cầu giảm tốc và tỏ ra có khả năng duy trì trật tự ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi đáng kể.

Nhưng sự tĩnh lặng tương đối về bề ngoài lại trái ngược với những xu hướng đáng lo ngại ẩn sâu hơn. Bí mật đen tối của quy tắc đồng thuận là trong khi tỏ ra đem lại sự ổn định, vào cuối những năm 2000 nó ngày càng duy trì những vấn đề cơ cấu cơ bản có thể làm trì hoãn hoặc thậm chí làm chệch hướng sự đổi mới kinh tế hoặc những cải cách thực sự. Việc không có những sự thay đổi và chuyển hướng triệt để, việc tránh được những sự suy thoái lớn và khả năng trì hoãn các cải cách đáng kể nhưng có khả năng gây bất ổn đã khiến Trung Quốc trông giống như một guồng máy không thể ngăn chặn. Nền kinh tế Trung Quốc vượt qua nền kinh tế Nhật Bản và dường như được định sẵn sẽ vượt qua nền kinh tế Mỹ. Và nếu sức mạnh kinh tế được diễn giải thành sức mạnh quốc gia toàn diện, thì Trung Quốc đã nổi lên với tư cách là một cường quốc toàn cầu quan trọng. Bắc Kinh thậm chí còn bắt đầu chuyển hướng khỏi sự thận trọng của Đặng Tiểu Bình về sức mạnh quân sự công khai và bắt đầu một sự thâm nhập quyết đoán vào biển Hoa Đông và Biển Đông, cả vì nhu cầu được nhận thấy là phải bảo vệ các tuyến đường biển ngày càng quan trọng chứa những nguồn tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa xuất khẩu lẫn bởi vì nước này cảm thấy mạnh mẽ và có năng lực hơn và muốn hành động dựa trên những thế mạnh đó.

Tuy nhiên, tất cả mọi nền kinh tế đều có tính chu kỳ. Khi chúng phát triển qua những giai đoạn khác nhau, những thứ không còn có ích nữa cần phải được loại bỏ và nguồn kinh phí được cấp cho những thời kỳ phát triển mới. Suy thoái, giảm tốc, phá sản và sụp đổ theo khu vực đều là các phần của chu trình kinh tế tự nhiên, cho dù chúng có gây xáo trộn trong ngắn hạn. Khi Trung Quốc tuyên bố vượt lên chuỗi giá trị trong sản xuất và xuất khẩu, nước này không đồng thời loại bỏ bớt những thành phần cũ của nền kinh tế hoặc thực sự tự mình từ bỏ sự ổn định của những công ty nhà nước lớn mà đang “ngốn” lượng vốn sẵn có không tương xứng với tổng lượng công ăn việc làm. Những lợi ích hạn hẹp của các chính quyền cấp tỉnh và địa phương – chính họ tha thiết muốn tránh bất kỳ cảm giác nào về sự bất ổn – đã khiến số lượng lao động bị sa thải ở quy mô lớn vẫn còn nguyên vẹn trên khắp các lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng, xương sống cho sự tăng trưởng kinh tế ban đầu của Trung Quốc. Hoạt động chính trị đồng thuận đã cho phép Trung Quốc tăng trưởng, nhưng không theo cách thức lành mạnh – và nền kinh tế toàn cầu không còn đem lại cho Trung Quốc quyền tự do chỉ việc tiếp tục đổ thêm “phân bón” vào và hy vọng không ai phát hiện ra chỗ thối rữa đang lan rộng qua thân và các nhánh cây.

Cách xử lý cuộc khủng hoảng của Tập Cận Bình

Quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo cho Tập Cận Bình vào năm 2012 cũng không hoàn toàn êm thấm như nó tỏ ra lúc đầu. Quá trình đó diễn ra giữa vụ bê bối Bạc Hy Lai, mà trong đó có vẻ như vị cựu Bí thứ thành ủy Trùng Khánh này đang không chỉ nỗ lực định hình lại đường hướng của hoạt động chính trị Trung Quốc mà còn muốn chiếm đoạt cơ hội của Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo nhà nước và trung ương đảng. Điều xuất hiện giữa chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra là thách thức này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với nó có lẽ đã tỏ ra, bao gồm cả âm mưu ám sát được cho là nhằm vào Tập Cận Bình.
Những tuyên bố chính thức gần đây về việc các cựu lãnh đạo và quan chức đảng đứng ngoài hoạt động chính trị cho thấy rằng những thách thức đối với vị thế của ông Tập vẫn còn nổi cộm. Quyết định của ông Tập thành lập một hội đồng an ninh quốc gia và một cơ quan tư vấn các vấn đề kinh tế, mà ông đứng đầu, đã kích động sự chống đối từ các cựu quan chức trước đây từng đóng vai trò định hình chính sách. Việc công khai hủy bỏ cuộc gặp gỡ cấp cao không chính thức ở Bắc Đới Hà là một đòn tấn công công khai nhằm vào các cựu quan chức. Chiến dịch củng cố quyền lực còn tiếp tục.

Trong khi Trung Quốc phải đối mặt với một số trong những thách thức kinh tế khắc nghiệt nhất của họ, và sau khi nước này bước ra ngoài để can thiệp vào Biển Đông và các vấn đề quân sự quốc tế theo một cách thức mà nước này không thể dễ dàng dừng lại, họ cũng đang phải đương đầu với sự bất đồng ở trong nước và sự đấu đá trong nội bộ đảng. Nỗ lực củng cố quyền lực của Tập Cận Bình, có mối quan hệ chặt chẽ với chiến dịch chống tham nhũng, tất cả đều liên quan đến việc thắt chặt quyền kiểm soát nhằm cho phép đưa ra những điều chỉnh chính sách nhanh chóng hơn, áp đặt chính sách vĩ mô lên các địa phương và đẩy nhanh thời gian phản ứng của đảng và nhà nước trước những hoàn cảnh đang thay đổi. Nhưng điều đó thách thức truyền thống, các lợi ích và quyền lực cố hữu kéo dài nhiều thập kỷ. Điều đó cũng tạo ra một sự mâu thuẫn: các chính sách kinh tế đang tiến tới tự do hóa, nhưng các chính sách chính trị và xã hội đang tiến tới sự chuyên chế.

Nhằm quản lý giai đoạn mở cửa và cải cách kinh tế tiếp theo của Trung Quốc – điều gì đó mà những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu và sự cứng nhắc trong nội bộ kéo dài nhiều thập kỷ qua đang gây áp lực cho Bắc Kinh – ông Tập đang đồng thời đàn áp phương tiện truyền thông, thông tin, các quyền tự do xã hội và chính đảng Cộng sản. Nỗi sợ hãi là cải cách kinh tế đáng kể mà không có sự kiểm soát chính trị chặt chẽ sẽ dẫn tới việc lặp lại những gì Liên Xô từng trải qua: sự sụp đổ của đảng và thậm chí có lẽ là cả nhà nước.

Mỗi một sự kiện, mỗi dòng tiêu đề cần phải được đánh giá trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng trong nước. Hạ giá tiền tệ - một bước đi quan trọng trong việc tự do hóa giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, giành được một vai trò trong giỏ Quyền rút vốn đặc biệt và tiếp tục lộ trình của Trung Quốc hướng tới toàn cầu hóa đồng nhân dân tệ (ít nhất là giải phóng nước này chút ít khỏi sự thống trị của đồng USD) – có thêm những rủi ro, nhất là về việc một đồng tiền tự do hơn có thể tiến theo những hướng khác xa với đường hướng mà chính phủ muốn nhìn thấy. Vụ nổ ở Thiên Tân đang làm gia tăng những nỗi sợ hãi về việc quản lý tồi và nạn tham nhũng tràn lan. Điều đó đã châm ngòi cho một loạt suy đoán âm mưu mới và đang đặt chính phủ vào vị thế phải đối phó với những người phản kháng ở một thành phố lớn cũng như các nhà đầu tư và các thương gia nước ngoài – một lần nữa dấy lên những vấn đề không mấy dễ chịu về sự an toàn và an ninh ở Trung Quốc. Những cảnh báo nhằm vào các quan chức đã nghỉ hưu can thiệp vào hoạt động chính trị có thể không chỉ là những nỗ lực quan hệ công chúng nhằm nêu bật tính minh bạch nào đó mới có được.

Điều này không phải để nói Trung Quốc đang bên bờ vực sụp đổ, rằng đảng và chính phủ sắp đổ vỡ dọc theo những chiến tuyến gây tổn hại cho cả hai bên, hay cải cách kinh tế đơn giản là không khả thi trước những lợi ích cố hữu. Nhưng không điều gì trong số này là không thể bàn đến. Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn của những điều không chắc chắn. Quá trình chuyển tiếp sang một nền kinh tế được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước sẽ không diễn ra êm thấm, cũng sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Xuất khẩu suy giảm và đầu tư cạn kiệt vốn đang diễn ra. Và với tất cả những vấn đề này đặt trực tiếp lên vai mình, Tập Cận Bình đang chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến thăm Mỹ của ông vào tháng 9, nơi mà những mối quan ngại về Trung Quốc lan rộng mỗi ngày.

Quá trình chuyển tiếp này là hỗn loạn nhất, mong manh nhất, và đó chính là vị trí của Trung Quốc ngay lúc này./.

Theo “Stratfor

Vũ Hiền (gt)