Tập đoàn hóa dầu TQ (Sinopec), Tập đoàn Điện lưới quốc gia TQ (SG), ập đoàn Dầu khí quốc gia TQ (CNPC) và Tập đoàn Truyền thông di động TQ (China Mobile) là 4 trong 15 c.ty hàng đầu TQ (theo xếp hạng Fortune Global 500 năm 2010)

Khi các công ty quốc doanh hàng đầu của Trung Quốc ngày càng trở nên đáng gờm và quả quyết trong nền kinh tế trong nước và quốc tế, các tổng giám đốc (CEOs) của các công ty này cũng trở nên hiếu chiến hơn trong cuộc chạy đua quyền lực của họ vào vị trí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). So sánh với ba nhóm tinh hoa khác (lãnh đạo tỉnh, bộ trưởng trong nội các và lãnh đạo quân sự) lâu nay là những thành phần chủ chốt cấu thành nên Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ, và Bộ Chính trị, thì tỉ lệ các CEOs của các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc trong các cơ chế lãnh đạo này khá nhỏ. Nhưng rõ ràng rằng các CEOs trẻ tuổi, hiểu biết kinh doanh, có liên kết chính trị và tư duy toàn cầu của Trung Quốc gần đây trở thành nguồn mới cho tầng lớp lãnh đạo ĐCSTQ.

Sự vươn lên của các lãnh đạo các tập đoàn quốc doanh là một xu hướng quan trọng cần sự quan tâm lớn hơn. Bước phát triển này có lẽ không chỉ nới rộng kênh tuyển dụng chính trị ở Trung Quốc mà còn, theo một cách quan trọng, thay đổi quy luật trò chơi trong giới tinh hoa chính trị Trung Quốc trong vài năm tới. Quan trọng không kém, một nghiên cứu mang tính kinh nghiệm về tính cách của nhóm tinh hoa đặc trưng này có thể có mối liên hệ hoặc cho thấy một vài vấn đề gây tranh cãi nhất ở đất nước Trung Quốc ngày nay, bao gồm những chỉ trích của công chúng về độc quyền nhà nước, và nỗ lực của các nhà tư bản nhà nước Trung Quốc nhằm mở rộng ra toàn cầu.

Ít người bên ngoài Trung Quốc biết mặt biết tên của Zhang Qingwei (Trương Khánh Vỹ), Zhu Yanfeng (Chu Nghiêm Phong), hay Su Shulin (Tô Thụ Lâm). Không giống như ngôi sao bóng rổ Yao Ming (Diệu Minh), bậc thầy kungfu Jet Li (Lý Liên Kiệt), hoặc ngôi sao điện ảnh Zhang Ziyi (Trương Tử Di), những người Trung Quốc này sẽ không bị nhận ra trên đường phố trong các chuyến du lịch nước ngoài của họ. Nhưng những nhân vật ít người biết đến này lại nằm trong số những người có ảnh hưởng lớn đến sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc trên sân khấu thế giới.

* Trương Khánh Vỹ  (sinh năm 1961) là chủ tịch của Tập đoàn Hàng không Thương mại Trung Quốc (Commercial Aircraft Corporation of China - COMAC), nhà sản xuất hàng không mới được thành lập ở Trung Quốc chuyên sản xuất các máy bay chở khách tầm trung đến cỡ lớn với mục tiêu là thách thức địa vị thống trị của Boeing và Airbus trên thị trường hàng  không thế giới. Từ năm 2001 đến 2007, Trương giữ chức tổng giám đốc của Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không Trung Quốc, khiến ông trở thành CEO trẻ nhất của bất cứ công ty hàng đầu của nước này vào thời điểm đó.

* Chu Nghiêm Phong (sinh năm 1961) là cựu chủ tịch của Tập đoàn Ô tô Thứ nhất Trung Quốc (China First Automobile Works Group Corporation FAW), là nhà sản xuất ô tô lớn nhất và lâu đời nhất ở Trung Quốc. Chu trở thành cái tên quen thuộc với mọi gia đình Trung Quốc một phần vì ông đã sáng tạo ra một khẩu hiệu mới, quả quyết nhưng cũng có phần gây tranh cãi cho FAW đó là: “Hãy để mỗi gia đình Trung Quốc sở hữu một chiếc ô tô.”[1]

* Tô Thụ Lâm (sinh năm 1962) là chủ tịch Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (China Petrochemical Corporation – Sinopec), đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách các tập đoàn lớn nhất thế giới năm 2010 trong danh sách Fortune Global 500. Là lãnh đạo của một tập đoàn toàn cầu của Trung Quốc, Tô Thụ Lâm thường được các phương tiện truyền thông Trung Quốc nhận xét là “đầu tàu của các doanh nghiệp quốc doanh hàng đầu Trung Quốc (SOEs).” Một trong những thành tựu quan trọng của Sinopec dưới sự lãnh đạo của Tô là tập trung vào lĩnh vực môi trường: lượng thải khí CO2 giảm 16% trong năm 2009 và các nhà phân tích nước ngoài quan sát rằng công ty này “cũng rất tích cực nghiên cứu tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế và có thể tái sinh.”[2]

Cần lưu ý rằng, ngoài vai trò lãnh đạo trong giới kinh doanh, Trương, Chu và Tô đều đã từng, hoặc hiện tại đang giữ vị trí nào đó trong cơ quan lãnh đạo Đảng hoặc chính phủ. Trương Khánh Vỹ từng là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Kỹ thuật và Công nghiệp Quốc phòng (một vị trí trong nội các Trung Quốc) từ năm 2007 đến năm 2008. Chu Nghiêm Phong hiện nay là phó thị trưởng điều hành của chính quyền tỉnh Cát Lâm. Tô Thụ Lâm trong thời gian ngắn là Trưởng Ban tổ chức của Tỉnh ủy Liêu Ninh từ năm 2006 đến 2007. Quan trọng hơn, tất cả ba vị đều đang ở nhiệm kỳ thứ 2 là thành viên chính thức hoặc dự bị của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ thứ 17. Khi họ giành được ghế trong 356 chiếc ghế của Ban chấp hành trung ương (BCHTW) Đại hội Đảng lần thứ 16 năm 2002, Trương chỉ mới 41 tuổi, là thành viên chính thức trẻ nhất của BCHTW trong khi Chu và Tô là hai trong số ba thành viên dự bị trẻ nhất của BCH.[3] Giờ, trong độ tuổi 40 của mình, Trương, Chu và Tô đều là những ngôi sao đang lên của cái gọi là thế hệ lãnh đạo thứ 6. Thực tế, nhiệm kỳ của họ ở BCHTW còn dài hơn vài người trong số các nhân vật nổi bật của thế hệ lãnh đạo thứ 6, bao gồm Bí thư Nội Mông Hồ Xuân Hoa và Bí thư Cát Lâm Tôn Chính Tài, hai người này đều là ứng cử viên cho Bộ Chính trị khóa tới. Tuy nhiên, cả Hồ và Tôn đều mãi đến năm 2007 mới tham gia BCHTW.

Các lãnh đạo cao cấp của thế hệ thứ 4 và thứ 5 đều được chú ý bởi việc họ tham gia rất sớm vào BCHTW. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo tham gia BCHTW năm 1982, khi họ 40 tuổi, và Phó Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng trở thành thành viên dự bị và thành viên chính thức của BCHTW năm 1997 khi họ đều ở độ tuổi 40. Việc là thành viên BCHTW sớm đã giúp nâng cao vị trí của các ứng cử viên thế hệ lãnh đạo thứ 4 và thứ 5 trong cuộc chạy đua đến những vị trí quyền lực cao nhất của Trung Quốc.

Trương, Chu và Tô không phải là các CEOs duy nhất của các công ty lớn của Trung Quốc mà đang ở vị trí rất tốt cho các cuộc chạy đua quyền lực trong tương lai. Có rất nhiều các lãnh đạo giới kinh doanh khác trong số các thành viên trẻ tuổi nhất của BCHTW Đại hội 17, bao gồm Zhang Quoqing (sinh năm 1964), CEO của Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc; Jin Zhuanglong (sinh năm 1964), giám đốc của COMAC; Chen Chuanping (sinh năm 1962), cựu CEO của Tập đoàn Sắt thép Đài Loan  và hiện tại là Bí thư của thành phố này; Xiao Yaqing (sinh năm 1959), cựu CEO của Tập đoàn Nhôm Trung Quốc (Chalco) và hiện tại là phó chủ nhiệm Quốc vụ viện; Xu Lejiang (sinh năm 1959), giám đốc của Tập đoàn Baosteel; Wang Xiaochu (sinh năm 1958), CEO của Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc, Xiao Gang (sinh năm 1958), Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc; và Xiang Junbo (sinh năm 1957), giám đốc của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Sự hiện diện đáng kể của các CEOs của các doanh nghiệp quốc doanh trong đội ngũ trẻ tuổi của BCHTW phản ánh một xu thế quan trọng trong việc tuyển dụng giới tinh hoa ở Trung Quốc ngày nay. Nó gợi ý rằng một vài trong số các lãnh đạo quốc gia có thể đến từ lực lượng mới này trong tương lai gần. Thực tế, xu hướng này lần đầu tiên trở nên hiện hữu từ Đại hội Đảng lần thứ 16 năm 2002, khi, lần đầu tiên trong lịch sử của ĐCSTQ, Ủy ban Doanh nghiệp Trung ương và Ủy ban Tài chính Trung ương có đoàn đại biểu riêng ở Đại hội 16.[4]

Vẫn còn phải đợi xem liệu các chính trị gia có nguồn gốc từ các CEOs này có thể tăng cường sự hiện diện của họ không ở BCHTW lần thứ 18 năm 2012. Những nhà phân tích có thể có lí khi mong đợi rằng một hoặc hai lãnh đạo doanh nghiệp cao cấp của các công ty hàng đầu Trung Quốc sẽ là ứng cử viên cho chiếc ghế của Bộ Chính trị. Một nghiên cứu toàn diện về nhóm tinh hoa ngày càng quan trọng này có thể giúp hé lộ cả đặc điểm nhận dạng của các doanh nghiệp quốc doanh quan trọng nhất (hoặc là “các nhà tư bản nhà nước”) lẫn vị trí của họ trong cuộc chạy đua chính trị. Phân tích này có thể cũng giúp khám phá một vài vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay của Trung Quốc liên quan đến sức mạnh ngày càng tăng lên của các tập đoàn quốc doanh độc quyền và các nhóm lợi ích mà các CEOs này đại diện.

Bài viết này nghiên cứu lý lịch và tính cách của các lãnh đạo tối cao của 130 công ty quốc doanh (SOEs) lớn nhất Trung Quốc, chủ yếu tập trung vào 121 công ty nằm dưới Ủy ban Quản lý và Kiểm soát Tài sản Quốc doanh (SASAC), được biết đến như các công ty SASAC (hoặc là yangqi trong tiếng Trung). Theo định nghĩa này, các công ty SASAC là các công ty quốc gia lớn, trong đó, nhà nước hoặc cụ thể hơn là SASAC sở hữu phần lớn tài sản của công ty. Các SOEs của Trung Quốc được chia ra thành hai kiểu chính: Kiểu đầu tiên bao gồm các công ty quốc gia hoặc trung ương dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương, và loại thứ hai bao gồm các công ty quốc gia do chính quyền địa phương (có thể là tỉnh hoặc khu tự trị) quản lý.[5] Đến năm 2010, Trung Quốc có khoảng 114,500 SOEs, bao gồm cả các công ty do chính quyền trung ương và địa phương quản lý. Số lượng hiện tại của các SOEs giảm mạnh so với con số 159,000 của năm 2003.[6]

Các SOEs quốc gia hoặc trung ương có thể được chia thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên là các công ty SASAC, bao gồm: 1) các công ty cung cấp các dịch vụ công cộng như quốc phòng, viễn thông, giao thông, và các tiện ích khác; 2) các công ty tập trung vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khoáng sản, kim loại; 3) các công ty tập trung vào xây dựng, thương mại và các sản phẩm công nghiệp khác. Nhóm thứ hai gồm những công ty tập trung vào ngành ngân hàng, tài chính (chứng khoán), và bảo hiểm, lần lượt nằm dưới sự quản lý của Ủy ban Quy định Ngân hàng Trung Quốc (CBRC), Ủy ban Quy định Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), Ủy ban Quy định Bảo hiểm Trung Quốc (CIRC). Nhóm thứ ba gồm chủ yếu các công ty tập trung ở lĩnh vực truyền thông, văn hóa, và giải trí, được quản lý bởi rất nhiều cơ quan khác nhau dưới Quốc vụ Viện và các tổ chức đại chúng quốc gia khác như Hội liên hiệp công đoàn Trung Quốc.

Các công ty SASAC là các công ty lớn nhất trong ba nhóm các SOEs, dù tổng số các công ty SASAC đã giảm mạnh trong vài năm gần đây – từ 196 năm 2003 đến 121 năm 2010 – kết quả của sự sát nhập và thâu tóm giữa các công ty này để tạo một số công ty dẫn đầu trong các ngành. Tuy nhiên, tổng số tài sản của các công ty SASAC đã tăng từ 3 nghìn tỷ tệ năm 2003 lên đến 20 nghìn tỷ tệ năm 2010.[7] Theo một nguồn tin của chính phủ Trung Quốc, tổng số các công ty SASAC sẽ còn giảm hơn nữa xuống còn giữa 80 và 100 hoặc thậm chí từ 30 đến 50 trong tương lai gần.[8] Ngoài việc tập trung vào các lãnh đạo cao cấp của 121 công ty SASAC, bài viết sẽ tìm hiểu lãnh đạo cao cấp của sáu ngân hàng quốc doanh và ba công ty bảo hiểm lớn do Nhà nước quản lý khác ở Trung Quốc, dưới sự kiểm soát của CBRC và CIRC. Tất cả các công ty này tạo nên các tập đoàn quốc doanh lớn nhất Trung Quốc.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

Cheng Li, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton

Hằng Ngân, Tuấn Anh (dịch)

Đỗ Thủy (hiệu đính)

Bản gốc tiếng Anh: “China’s Midterm Jockeying: Gearing Up for 2012- Part 4: Top Leaders of Major State-Owned Enterprises” nằm trong loạt bài của Cheng Li, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton, đăng trên tạp chí “China Leadership Monitor” của Hoover Institution, Stanford University.



[1] Liu Jen-Kai, “Zhu Yanfeng,” in Wenxian Zhang and Ilan Alon, comp., Biographical Dictionary of New Chinese Entrepreneurs and Business Leaders (Edward Elgar, 2009), pp. 266–267.

[2] Trích từ Mary Jo A. Pham. See “Fortune Global 500: 2010,” Fortune magazine, July 26, 2010, http://money.cnn.com/magazines/fortune/global500/2010/snapshots/10694.html.

[3] Một Ủy viên dự khuyết trẻ tuổi khác là Liu Shiquan (sinh năm 1963), cũng là một lãnh đạo doanh nghiệp, người đã từng là giám đốc của Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Trung Quốc.

[4] Đại hội 16 bao gồm 38 đoàn đại biểu. Ngoài hai đoàn mới từ các doanh nghiệp và công ty tài chính, có 31 đoàn từ các tỉnh và khu tự trị, một là PLA, một từ trung ương đảng, một từ chính phủ trung ương, một từ Hongkong và Macao, và một đại diện Đài Loan.

[5] Về phần thảo luận vị trí và phân loại các công ty quốc doanh lớn (SOEs), xem “中央企业现状与分

(The status and classification of central state-owned enterpises), August 18, 2010,

http://finance.vip168168.com/caijingxueyuan/118140.html.

[6] Xem thêm “李荣融以朱镕基为榜样 以普京为偶像’” (Li Rongrong, “I consider Zhu Rongji as a role model and Putin as an idol”), Xinhua, September 8, 2010, http://news.xinhuanet.com/fortune/2010-09/08/c_12530988.htm. Và Chen Zhiwu, Shuo Zhongguo jingji (Assessing the Chinese economy; Taiyuan: Shanxi jingji chubanshe, 2010), p. 103.

[7] Xem thêm “李荣融以朱镕基为榜样 以普京为偶像’” (Li Rongrong, “I consider Zhu Rongji as a role model”).

[8] Xem thêm “中央企业现状与分 .” According to Li Baomin, director of the Research Center of the SASAC, the number of SASAC companies will be reduced to somewhere between 30 and 50 during the 12th five-year plan period (2011–2015). See “十二五央企数量将减至50家以内” (SASAC companies will be reduced to 50 or less during the 12th Five-Year Plan), http://news.xinhuanet.com/fortune/2010-11/01/c_12725939.htm