PLA đang ngày có tiếng nói trong đời sống chính trị Trung Quốc

Mối quan hệ dân sự - quân đội của Trung Quốc luôn là tâm điểm chú ý của các nhà quan sát về Trung Quốc. Mặc dù trong suốt hai thập kỷ qua, việc lãnh đạo dân sự kiểm soát quân đội chưa bị thách thức, một vài nhân tố (như sự lãnh đạo dân sự tập thể tỏ ra thiếu hiệu quả, sự gia tăng căng thẳng xã hội và phản kháng của công chúng và việc Trung Quốc có tham vọng trở thành siêu cường trong môi trường toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng) có thể sẽ giúp quân đội gia tăng ảnh hưởng và sức mạnh trong những năm sắp tới. Cuộc chuyển giao quyền lực chính trị sắp tới trong năm 2012 được cho là sẽ kéo theo sự thay đổi đáng kể trong cả tầng lớp lãnh đạo dân sự và lãnh đạo quân đội. Dựa trên việc nghiên cứu sâu sắc về 57 quan chức quân đội cao cấp nhất của Trung Quốc hiện nay, bài nghiên cứu này nhằm tìm ra lời giải cho những câu hỏi quan trọng sau: Những ai là ứng viên sáng giá nhất để trở thành lãnh đạo quân đội trong Đại hội Đảng lần thứ 18? Những ngôi sao đang lên trong quân đội Trung Quốc này có những nét đặc trưng theo nhóm nào? Bài phân tích về tiểu sử cá nhân và mạng lưới chính trị của các quan chức cao cấp Trung Quốc này hé lộ gì về những vận động phát triển mới giữa tầng lớp tinh hoa dân sự và quân đội và những thách thức có thể đặt ra phía trước?*

Không một phân tích hệ thống nào về cuộc chuyển giao quyền lực sắp tới ở Trung Quốc có thể hoàn thành mà không dựa trên một nghiên cứu tỉ mỉ về vị trí hiện tại và những thay đổi khả dĩ của trong đội ngũ tinh hoa lãnh đạo quân sự hàng đầu.[1] Cũng giống như các chế độ độc tài ở những nơi khác, các lãnh đạo dân sự của Trung Quốc phải giành được sự ủng hộ của quân đội, trong trường hợp này là từ lãnh đạo của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), để có thể vươn tới đỉnh cao của quyền lực. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là giới tinh hoa quân đội có khả năng đóng vai trò “những người nhào nặn ra vua chúa”. Hoàn toàn trái lại, trong bối cảnh thiếu vắng cá nhân nổi trội trong giới quân đội như Trung Quốc hiện nay, không một lãnh đạo nào của PLA có khả năng đóng vai trò đó. Trong thời hậu Đặng Tiểu Bình, các lãnh đạo tinh hoa dân sự Trung Quốc đã đi đến đồng thuận mạnh mẽ rằng quân đội nói chung nên tập trung vào việc phòng thủ quốc gia và để các vấn đề chính trị nội bộ cho giới dân sự. Tuy nhiên, giới quân đội Trung Quốc vẫn đóng vai trò nhóm lợi ích rất quan trọng trong nước. Nhu cầu tăng cường các lợi ích trong bộ máy công quyền của chính PLA khiến quân đội Trung Quốc, trên cơ sở tập thể và cá nhân, trở thành “lực lượng môi giới” quyền lực đầy ảnh hưởng, có trọng lượng lớn trong nền chính trị Trung Quốc nói chung và đặc biệt là trong các cuộc chuyển giao quyền lực Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Cũng không kém phần quan trọng, các thành viên PLA thâm niên có xu hướng đại diện cho một bộ phận đáng kể trong Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ví dụ như, trong số 371 thành viên của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 17 thành lập năm 2007, các thành viên thuộc giới lãnh đạo quân đội chiếm 65 ghế (18%).[2] Do vậy, giới tinh hoa quân sự tạo thành một phân nhóm lớn trong cơ quan ra quyết định quan trọng này, lý do đủ quan trọng để chú tâm đến những đặc điểm và vai trò chính trị đa dạng của họ. Thêm vào đó, do sẽ có sự thay đổi lớn trong giới lãnh đạo quân đội trong Đại hội toàn quốc ĐCSTQ tới đây vào năm 2012, chúng ta có trách nhiệm phải phân tích chính xác những vận động bên trong của giới lãnh đạo quân đội, đặc biệt là khi cuộc chuyển giao sắp tới có thể tác động đáng kể tới đời sống chính trị Trung Quốc.  

Bảng 1 liệt kê tất cả 10 thành viên quân đội hiện nay của Quân ủy Trung ương (QUTW), cơ quan ra quyết định tối cao về các vấn đề quân sự Trung Quốc. Dựa trên năm sinh để tính tuổi nghỉ hưu bắt buộc dự kiến cho Ủy ban TW tới của ĐCSTQ (1944), ta có thể dự đoán tương đối chính xác rằng 7 thành viên – bao gồm 2 Phó Chủ tịch QUTW, Tướng Quách Bá Hùng (sinh năm 1942) và Tướng Từ Tài Hậu (sinh năm 1943) và Bộ trưởng Quốc phòng Lưu Quang Liệt (sinh năm 1940) – sẽ nghỉ hưu. Ba thành viên của QUTW có khả năng ở lại, Tướng Thường Vạn Toàn (sinh 1949), Thượng tướng Ngô Thắng Lợi (sinh 1945) và Tướng Hứa Kỳ Lượng (sinh 1950), là những ứng viên hàng đầu để thay những người sắp nghỉ hưu.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

Cheng Li, Giám độc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton

Mai Lan (dịch)

Đỗ Thủy (hiệu đính)

Bản gốc tiếng Anh: “China’s Midterm Jockeying: Gearing Up for 2012-Part 3: Military Leaders” nằm trong loạt bài của Cheng Li, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton, đăng trên tạp chí “China Leadership Monitor” của Hoover Institution, Stanford University.

Chú thích

* Tác giả biết ơn Yinsheng Li vì sự hỗ trợ nhiệt tình. Đồng thời, tác giả cũng cảm ơn Jordan Lee đã đưa ra những gợi ý để làm rõ bài nghiên cứu này.



[1] Xem thêm, Cheng Li và Lynn White, “The Army in the Succession to Deng Xiaoping: Familiar Fealties and Technocratic Trends”, Asian Survey 33, no. 8 (8/1993): 757-786; Cheng Li, “The New Military Elite: Generational Profile and Contradictory Trends,” ở David M. Finkelstein và Kristen Gunness (tái bản), Swimming in a New Sea: Civil – Military Issues in Today’s China (Armonk, New York: M. E. Sharpe, 2007), tr. 48-73; Yu Yu-lin, “The role of the PLA in Mainland China’s Power Transition”, Issues and Studies 21, no. 12 (12/1985): 79-83; William Whitson, “The Field Army in Chinese Communist Military Politics,” China Quarterly, no. 56 (10/12 1973): 667-99; và David Shambaugh, Modernizing China’s Military: Progress, Problems, and Prospects (Berkeley, CA: University of California Press, 2004)

[2] Cheng Li và Scott W. Harold, “China’s New Military Elite.” China Security 3, no. 4 (mùa thu 2007): 65.