Phó Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường sẽ thay thế Ôn Gia Bảo sau Đại hội 2012?

Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 sẽ lựa chọn Bộ Chính trị và Ban Thường vụ mới. Các thành viên của hai cơ quan lãnh đạo tối cao này sẽ đồng thời giữ các vị trí cao nhất trong tất cả các cơ quan quan trọng khác của Đảng, Chính phủ, và quân đội. Quan trọng nhất trong các thể chế này là Quốc Vụ Viện, Nội các của Trung Quốc. Các thành viên Quốc Vụ Viện không chỉ nắm giữ số ghế quan trọng trong Bộ Chính trị mà nhiều người trong số các nhân vật chủ chốt trong Quốc Vụ Viện – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, và các Bộ trưởng – còn chịu trách nhiệm về các vấn đề cả đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Trong khi Đảng giữ vai trò ra quyết định cao nhất, Quốc Vụ Viện lại là nguồn cho nhiều sáng kiến chính sách quan trọng.

Nền tảng nhân trắc học, con đường sự nghiệp, trình độ học vấn, và các phe phái của 35 ủy viên Quốc Vụ trước cuộc chuyển giao này là gì? Khi Thủ tướng Ôn và một số lãnh đạo chính phủ cao cấp nghỉ hưu vào hai hoặc ba năm tới, Quốc Vụ Viện thời hậu Ôn sẽ như thế nào? Ai sẽ ra, ai sẽ vào hay ai sẽ thăng tiến? Những mối quan tâm chính của công chúng Trung Quốc về sự thay đổi chính phủ sắp tới này là gì? Những thách thức gai góc mà bộ máy lãnh đạo mới sẽ phải đối mặt là gì? Bài viết này nhằm mục đích làm sáng tỏ những mối quan tâm kịp thời này.[*]

Bất kỳ nỗ lực nào nhằm dự đoán các chính sách của chính phủ Trung Quốc – bao gồm các chính sách tiền tệ, thương mại, công nghiệp, môi trường, năng lượng, và đầu tư nước ngoài – đều phải gắn với sự chuyển đổi bộ máy lãnh đạo sắp tới, đặc biệt là khi điều này có ảnh hưởng tới Quốc Vụ Viện, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc hoạch định và triển khai các chính sách này. Sự thay đổi bộ máy lãnh đạo này trong Quốc Vụ Viện sẽ diễn ra vào mùa xuân năm 2013, vài tháng sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dự kiến vào mùa thu năm 2012. Thời điểm đó, các lãnh đạo chính phủ cao cấp không được bầu tiếp vào BCHTW Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ phải rời ghế của mình để nhường chỗ cho những người mới[2]. Trong 10 ủy viên Ban Chấp hành Quốc Vụ Viện, gồm cả Thủ tướng, Phó Thủ tướng, và các ủy viên quốc vụ, có tới 7 người sắp nghỉ hưu hoặc sẽ chuyển sang cơ quan lãnh đạo khác.

Điều này không nhất thiết có nghĩa là chính phủ Trung Quốc sẽ không đưa ra các sáng kiến chính sách quan trọng mới cho giai đoạn từ nay tới năm 2012. Ở thời điểm Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong nước về chính trị xã hội và kinh tế và sự thay đổi nhanh chóng của môi trường quốc tế, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải ngày càng trở nên thành thạo trong việc thích nghi với thực trạng tài chính, kinh tế và chính trị toàn cầu. Hơn nữa, một số nhà lãnh đạo hiện nay sắp rời nhiệm sở, nổi bật nhất là Thủ tướng Ôn Gia Bảo, có thể muốn nắm lấy cơ hội cuối cùng của họ để thực hiện những gì họ tin là các sáng kiến chính sách cần thiết cho sự phát triển trong tương lai của đất nước này. Tuy nhiên, hầu hết các chính trị gia trong nước, đặc biệt là những ngôi sao đang lên được gọi là thế hệ lãnh đạo thứ 5, sẽ hết sức thận trọng trong hai năm tới. Quả thực, những thay đổi chính sách lớn sẽ xuất hiện sau chứ không phải trước Đại hội Đảng lần thứ 18. Điều này không có gì là ngạc nhiên, do đó, trọng tâm của chính trị Trung Quốc gần đây đã chuyển sang vấn đề nhân sự.

Không có gì phải bàn cãi, quyền lực ở Trung Quốc cuối cùng không tập trung ở chính phủ, mà ở sự lãnh đạo của ĐCSTQ – không phải ở Quốc Vụ Viện, mà ở Bộ Chính trị và đặc biệt là Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Như Phần 1 đã giải thích, đa số ủy viên Bộ Chính trị và Ban Thường vụ hiện nay đều thăng tiến trong sự nghiệp từ vị trí lãnh đạo tỉnh chứ không phải từ các bộ thuộc Quốc Vụ Viện. Mặc dù Đảng đóng vai trò lãnh đạo trong hoạch định chính sách, nhiều sáng kiến và biện pháp chính sách quan trọng, cũng như hầu hết các hoạt động liên quan tới việc thực thi chính sách, đều diễn ra trong hoặc thông qua các tổ chức chính phủ chứ không phải các cơ quan của ĐCSTQ.

Hơn nữa, kinh nghiệm trong chính quyền trung ương thường giúp quan chức tăng lợi thế để có được vị trí lãnh đạo cao nhất. Các Bộ trưởng của Quốc Vụ Viện tạo thành một nhóm các ứng cử viên quan trọng cho vị trí ủy viên Bộ Chính trị, có lẽ chỉ thua các bí thư tỉnh ủy và các trưởng ban của các ban ngành trung ương của ĐCSTQ. Một số ủy viên hiện nay của Ban Chấp hành Quốc Vụ Viện mà hiện không có ghế trong Bộ Chính trị, cùng với hai hoặc ba bộ trưởng, là những đối thủ hàng đầu cho vị trí ủy viên Bộ chính trị hoặc Ban Bí thư năm 2012.

Một trong số nhiều quy tắc chính trị đã phát triển qua hai thập kỷ vừa qua là hai lãnh đạo cao nhất trong Quốc Vụ Viện – Thủ tướng và Phó Thủ tướng thường trực – đồng thời có ghế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy hoặc chín thành viên, và tất cả các phó Thủ tướng (cùng một số thành viên quốc vụ) cũng đồng thời có ghế trong Bộ Chính trị. Quốc Vụ Viện tổ chức thực hiện các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, và Thủ tướng luôn là một trong những vị trí quyền lực nhất ở đất nước này. Một số Thủ tướng trong lịch sử Trung Quốc – Chu Ân Lai, Triệu Tử Dương, Chu Dung Cơ, và Ôn Gia Bảo – đã được thừa nhận rộng rãi như “bộ mặt” của Trung Quốc, một phần do hoạt động lãnh đạo sâu rộng của họ. Đôi khi họ khiến người dân trong nước vô cùng thoải mái và họ được những người Trung Quốc ở nước ngoài tôn trọng bởi những thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được.

Tìm hiểu về Quốc Vụ Viện thời hậu Ôn của Trung Quốc, đặc biệt là những nhân vật chủ chốt – nền tảng chính trị, các phe phái, năng lực quản lý và kinh nghiệm đối ngoại của họ; những gì họ khác biệt với những người tiền nhiệm và khác nhau thế nào; và những sáng kiến chính trị họ có thể đề xuất – là hết sức quan trọng đối với cả Trung Quốc và thế giới bên ngoài. Việc nghiên cứu những nền tảng và phẩm chất của những nhà lãnh đạo mới này sẽ không chỉ giúp dự đoán các ưu tiên chính sách của họ mà còn giúp chúng ta đánh giá xem liệu họ đã chuẩn bị để đối diện với những thách thức về kinh tế và chính trị xã hội như áp lực thất nghiệp, bất bình đẳng về thu nhập, và tham nhũng lan tràn cũng như những rắc rối có thể xảy ra cùng với sự khan hiếm tài nguyên, thiếu hụt năng lượng, suy thoái môi trường, và biến đổi khí hậu hay chưa. Nếu không có đội ngũ quản lý có năng lực và gắn kết trong chính quyền trung ương, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết các thách thức phức tạp này trên cả hai mặt trận trong nước và quốc tế.

Bài viết này bắt đầu bằng một khảo sát về các thành viên hiện nay của Quốc Vụ Viện, bao gồm 10 ủy viên Ban Chấp hành và 27 bộ trưởng (hai trong số các bộ trưởng này đồng thời là ủy viên Ban Chấp hành với vị trí ủy viên quốc vụ).[3] Khảo sát đó giúp phân tích thực nghiệm toàn diện về các nền tảng tiểu sử, trình độ học vấn (bao gồm cả kinh nghiệm học ở nước ngoài), con đường sự nghiệp, và các mạng lưới chính trị hoặc phe phái của 35 lãnh đạo cao cấp này trong chính quyền trung ương. Trừ một số thông tin liên quan tới các mối quan hệ người đỡ đầu-người được bảo trợ và nền tảng gia đình, dựa trên các bài phỏng vấn của tác giả và truyền thông Trung Quốc không chính thức, tất cả các dữ liệu này được trích từ website của Tân Hoa Xã do chính phủ quản lý.[4]

Do đó bài viết này giới hạn tập trung vào ba hướng nghiên cứu cụ thể: 1) ai sẽ ra (nghỉ hưu hoặc rời đi); 2) ai có thể sẽ vào (thay thế người đương nhiệm); và 3) ai sẽ lên (được thăng tiến lên vị trí cao hơn và được giữ một ghế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ Chính trị, hoặc Ban Bí thư năm 2012). Bài viết này kết thúc bằng việc thảo luận về một số vấn đề là thách thức lớn nhất mà thế hệ lãnh đạo sắp tới nói chung, và các lãnh đạo trong Quốc Vụ Viện nói riêng sẽ phải đối mặt.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

Cheng Li, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton

Thúy Hằng (dịch)

Đỗ Thủy (hiệu đính)

 

Bản gốc tiếng Anh “China’s Midterm Jockeying: Gearing Up for 2012—Part 2: Cabinet Ministers “ nằm trong loạt bài của Cheng Li, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton, đăng trên Tạp chí “China Leadership Monitor” của Hoover Institution, Stanford University.



* Tác giả cảm ơn Yisheng Li đã làm trợ lý nghiên cứu. Tác giả cũng cảm ơn Jordan Lee đã gợi ý các cách để làm rõ bài báo này.

2  Ngoại trừ những bộ trưởng không phải ủy viên ĐCSTQ

[3] Hiện nay, tổng bí thư Quốc Vụ Viện đồng thời là ủy viên quốc vụ, cũng như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an

[4] Xem http://www.xinhuanet.com. Thông tin về nền tảng gia đình và quan hệ người đỡ đầu - người được bảo trợ của các lãnh đạo tỉnh dựa trên các cuộc phỏng vấn của tác giả tại Trung Quốc và các nguồn tin trên mạng không chính thức tại Trung Quốc, Hồng Kông, và ở nước ngoài.