Trung Quốc sẽ trải qua một giai đoạn chuyển giao lãnh đạo quan trọng tại Đại hội Đại biểu Toàn Quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2012. Những lãnh đạo cấp cao hiện nay, gồm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, và Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc, dự tính đều sẽ nghỉ hưu. Bộ chính trị và Ủy ban Thường trực của Bộ chính trị sẽ tái sắp xếp với một số lượng lớn các gương mặt mới. Những ai sẽ là ứng cử viên triển vọng nhất, góp mặt trong các cơ quan lãnh đạo tối cao này? Những đặc điểm cơ bản và tiêu chuẩn chủ yếu nào giúp cho sự thăng tiến của những khuôn mặt mới này? Liệu người ta có thể dự đoán trước được về đội ngũ lãnh đạo mới có khả năng hình thành và việc phân bổ quyền lực theo bè phái hay không? Thế hệ lãnh đạo mới sẽ thay đổi cách thức vận hành của đời sống chính trị Trung Quốc đến mức nào? Bài viết này nhằm mục đích giải đáp các câu hỏi trên và những vấn đề khác bằng việc nghiên cứu 62 lãnh đạo tỉnh – gồm các Bí thư tỉnh ủy và Tỉnh trưởng – của 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc. Có rất ít nghi ngờ về việc các lãnh đạo tỉnh ngày hôm nay sẽ trở thành những người ra quyết sách của quốc gia trong tương lai. Người ta có thể trông đợi một cách hợp lý rằng nhóm những nhà lãnh đạo này sẽ điều hành đất nước đông dân nhất thế giới trong phần lớn thập kỷ này và xa hơn*.

Ở Trung Quốc, cũng như ở Mỹ, năm 2012 sẽ là năm bản lề đối với các chính trị gia. Kể từ năm 1977, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường xuyên tổ chức Đại hội Đảng Toàn quốc 5 năm một lần. Đại hội Đảng luôn là một cơ hội lớn để thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Đại hội Toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ, lên kế hoạch triệu tập vào mùa thu năm 2010, cũng không là ngoại lệ. Có 7 trong số 9 ủy viên của Ủy ban Thường trực Bộ chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất cả nước, dự tính sẽ nghỉ hưu. Trong Bộ chính trị gồm tổng số 25 thành viên, có ít nhất 14 nhà lãnh đạo sẽ nhường chỗ của mình cho các ứng cử viên trẻ hơn. Do vậy, những nhân vật chủ yếu chịu trách nhiệm về các vấn đề tư tưởng và chính trị, quản lý kinh tế và tài chính, chính sách đối ngoại và các hoạt động quân sự của đất nước sẽ bao gồm những gương mặt mới sau năm 2012[1].

Mặc dù việc thay đổi lãnh đạo quan trọng này ở Bắc Kinh dường như còn ở xa phía trước nhưng các chính trị gia Trung Quốc đã bắt đầu có hành động. Trung Quốc, dĩ nhiên, không có các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ như ở Mỹ. Việc tiến hành các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của người Mỹ là một khái niệm xa lạ đối với các nhân vật chính trị tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH), nhưng cũng giống như “các cuộc đua giữa nhiệm kỳ” ở Mỹ được coi như một bước đệm quan trọng trước cuộc một bầu cử tổng thống sắp diễn ra, thì chiếc đồng hồ chính trị Trung Quốc cũng quay theo một nhịp điệu với sự tương đồng đáng kinh ngạc. Cuộc chiến giành quyền lực quyết liệt giữa các đối thủ nặng ký và các phe phái đi kèm với họ có xu hướng nóng lên ít nhất là hai năm trước “năm có sự thay đổi lãnh đạo quan trọng.”

Khoảng thời gian đặc biệt này là đặc trưng cơ bản của các quy tắc và điều lệ của ĐCSTQ được xây dựng gần đây, quy định các quan chức cấp cao (lãnh đạo tỉnh hoặc cao hơn) phải phục vụ ít nhất là hai năm trước khi có được sự đề bạt[2]. Các ứng viên theo đuổi vị trí ủy viên trong Ban chấp hành Trung ương (BCHTW) mới và Bộ chính trị mới phải định vị cẩn thận bản thân họ ngay từ bây giờ và trong những tháng sắp tới bằng cách nắm giữ các vị trí bước đệm trong nội bộ Đảng và chính phủ ở cấp lãnh đạo trung ương hoặc cấp tỉnh.

Vì vậy, việc phân tích những nhân vật nắm giữ những vị trí quan trọng này – đặc biệt những người mới được bổ nhiệm trong cuộc cải tổ nhân sự gần đây – có giá trị rất lớn đối với những người đang quan sát Trung Quốc. Một phân tích như vậy có thể giúp đạt được 4 mục tiêu quan trọng: 1) phát hiện đội ngũ lãnh đạo có khả năng góp mặt trong Bộ chính trị sắp tới; 2) nêu các đặc điểm chính trị và chuyên môn của những lãnh đạo cấp cao mới, kể cả những ngôi sao đang lên của thế hệ trẻ hơn; 3) đưa ra đánh giá về cán cân sức mạnh phe phái bên trong đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc sau Đại hội Đảng 18; 4) dự đoán đường đi chính trị và định hướng chính sách của đất nước dưới sự điều hành của đội ngũ lãnh đạo mới.

Đây là bài đầu trong loạt bài phân tích về cuộc đua giành quyền lực giữa các chính trị gia Trung Quốc khi sắp bước vào giai đoạn chuyển tiếp lãnh đạo năm 2012. Loạt bài này nhằm mục đích nghiên cứu giới chóp bu quan trọng nhất, như các ban bệ trung ương ĐCSTQ, các bộ của Quốc vụ viện, các doanh nghiệp nhà nước lớn (SOEs), và quân đội. Bài phân tích này tập trung vào 62 lãnh đạo tỉnh hiện nay – Các bí thư Tỉnh ủy và Tỉnh trưởng (hoặc thị trưởng) – của 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc[3]. Nó đưa đến một phân tích toàn diện dựa trên kinh nghiệm về gia thế tiểu sử, trình độ giáo dục, con đường sự nghiệp, và mạng lưới chính trị hay các đặc điểm phe phái của 62 lãnh đạo tỉnh cấp cao này. Ngoại trừ một số thông tin liên quan đến mối quan hệ người đỡ đầu-người được nâng đỡ, tiểu sử gia đình dựa trên những cuộc phỏng vấn của tác giả và các phương tiện truyền thông không chính thức của Trung Quốc, tất cả các dữ liệu được dẫn nguồn từ trang web của Hãng thông tấn Tân Hoa Xã do chính phủ điều hành[4].

62 lãnh đạo tỉnh này có thể được coi là nhóm quan trọng nhất cần quan sát trong cuộc đua giành quyền lực giữa kỳ đang diễn ra ở trong nước, vì lãnh đạo cấp tỉnh của Trung Quốc vừa là nơi bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo quốc gia vừa là chiến trường giữa các thế lực chính trị khác nhau. Sự chia rẽ phe phái quyền lực thể hiện khá rõ ở cấp tỉnh cũng như cấp quốc gia, và do vậy thu hút sự chú ý của chúng ta. Nhận diện những lãnh đạo tỉnh nào thăng tiến sự nghiệp thông qua Liên hiệp Thanh niên Cộng sản Trung Quốc (nền tảng quyền lực của Hồ Cẩm Đào), hay thuộc phái thái tử (những lãnh đạo có tiểu sử gia đình là quan chức cấp cao), hay là thành viên của “Nhóm Thượng Hải” (những lãnh đạo được bảo trợ bởi Giang Trạch Dân khi ông này lãnh đạo thành phố), là một trong những phương pháp tốt nhất để dự đoán về bối cảnh chính trị của Trung Quốc trong những năm tới.

Lãnh đạo Tỉnh: Bước đệm Quan trọng Tiến tới đội ngũ Lãnh đạo Cấp cao Trung Quốc

Các lãnh đạo tỉnh của Trung Quốc hiện nay có ảnh hưởng chính trị rất lớn trong việc điều hành đất nước với ba lý do chính. Thứ nhất, các tỉnh và thành phố tự trị mà các lãnh đạo này điều hành là những đơn vị kinh tế xã hội lớn. Người ta thường nói rằng, một tỉnh của Trung Quốc giống như một quốc gia ở Châu Âu. Quả thực, các tỉnh của Trung Quốc có dân số đông hơn nhiều so với các quốc gia Châu Âu. Ví dụ như, 5 tỉnh lớn nhất của Trung Quốc – Hà Nam, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Quảng Đông và Giang Tô – đông dân hơn 5 quốc gia lớn nhất ở Tây Âu là Đức, Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha[5]. Dân số hiện tại của Tỉnh Hà Nam là 99,7 triệu người và dự tính sẽ vượt qua con số 100 triệu vào tháng 7 năm 2010[6]. Ngoài Trung Quốc, chỉ có 10 quốc gia khác trên thế giới có dân số hơn 100 triệu người[7]. Ý nghĩa kinh tế của những tỉnh này cũng rất quan trọng. Ví dụ như, tổng GDP của Tỉnh Quảng Đông đã vượt ba “Con hổ Đông Á”: Xinhgapo, Đài Loan và Hồng Công. Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông gần đây cho rằng GDP của tỉnh sẽ vượt qua GDP của một “con hổ” khác, Hàn Quốc, trong vòng một thập kỷ[8]. Các lãnh đạo tỉnh của Trung Quốc, giống như các lãnh đạo cấp cao của các quốc gia Châu Âu và Các Con hổ Đông Á, không ngừng quan tâm đến sự phát triển kinh tế của khu vực và phải đối phó với những thách thức rất lớn như tình trạng thất nghiệp, công bằng trong phân phối, ổn định xã hội, chăm sóc sức khỏe và các nhu cầu phúc lợi của khu vực trong phạm vi quyền hạn của họ.

Thứ hai, bộ phận lãnh đạo tỉnh cấp cao ở Trung Quốc cũng là một lực lượng chính trị với những quyền hạn riêng của họ, đặc biệt vào thời kỳ khi chính quyền địa phương có quyền tự chủ nhiều hơn để thúc đẩy các lợi ích khu vực của họ. Mặc dù thường ở sau những cánh cửa đóng kín, họ không ngừng tham gia vào mạng lưới chính trị, vận động hành lanh chính sách và xây dựng các liên minh không chỉ giữa các lãnh đạo tỉnh với nhau mà còn với các giới chức trung ương. Không hề có sự ngẫu nhiên khi hai vụ khai trừ chính trị quan trọng nhất trong nội bộ ĐCSTQ hơn 15 năm trước lại xảy ra đối với hai ủy viên Bộ chính trị, những người mà lúc đó đồng thời kiêm vai trò lãnh đạo tỉnh là Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng (Chen Xitong) năm 1995 và Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ (Chen Liangyu) năm 2006. Hai chủ tịch nước gần đây của CHNDTH là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đã có thể củng cố sức mạnh và quyền lực của họ ở chính quyền trung ương bằng cách loại bỏ hai đối thủ chính trị nặng ký ở cấp tỉnh này. Gần đây nhất, “các văn phòng liên lạc tại Bắc Kinh” (zhujingban) của các chính quyền địa phương và tỉnh, các nhóm vận động hành lang đặt ở khu vực, đã gia tăng nhanh chóng về số lượng. Tháng 1 năm 2010, chính quyền trung ương đã ban hành một quy định mới nhằm giảm về cơ bản số lượng được cho phép của các văn phòng đại diện cho lợi ích địa phương này và yêu cầu kiểm toán tài chính của các nhóm vận động hành lang còn lại ở cấp tỉnh và thành phố tự trị[9].

Thứ ba, và quan trọng nhất, vị trí lãnh đạo tỉnh là bước đệm cốt yếu nhất để tiến tới các chức vụ lãnh đạo đất nước cao nhất ở Trung Quốc thời hậu Đặng. Phần lớn các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc ở giai đoạn này – Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ thuộc thế hệ thứ ba, Hồ Cẩm Đào và Ngô Bang Quốc thuộc thế hệ thứ tư, và Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường thuộc thế hệ thứ năm – tất cả đều giữ vai trò bí thư Tỉnh ủy hay thành ủy trước khi chuyển tới Bắc Kinh để đảm đương những chức vụ lãnh đạo quốc gia quan trọng nhất của đất nước. Trong số 9 thành viên Ủy ban Thường trực Bộ chính trị, tất cả trừ một người (Thủ tướng Ôn Gia Bảo) đã có kinh nghiệm trước đây ở cương vị lãnh đạo tỉnh. Tất cả sáu ngôi sao đang lên trong đội ngũ lãnh đạo – các ủy viên Bộ chính trị thuộc thế hệ thứ năm – gần đây hoặc hiện tại giữ cương vị lãnh đạo tỉnh[10]. Biểu đồ 1 thể hiện sự gia tăng đáng chú ý của các ủy viên Bộ chính trị với kinh nghiệm lãnh đạo tỉnh, từ 50% trong năm 1992 tới 59% trong năm 1997, 67% năm 2002, và 76% trong năm 2007. Đối với các lãnh đạo dân sự, kinh nghiệm lãnh đạo tỉnh gần như đã trở thành một điều kiện tiên quyết để tiến tới vị trí ủy viên trong Bộ chính trị.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

Cheng Li, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton

Hằng Ngân, Tuấn Anh (dịch)

Đỗ Thủy (hiệu đính)

Bản gốc tiếng Anh:“China’s Midterm Jockeying: Gearing Up for 2012 – Part 1: Provincial Chiefs” nằm trong loạt bài của Cheng Li, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton, đăng trên Tạp chí “China Leadership Monitor” của Hoover Institution, Stanford University.


[1] Ví dụ, trong số 11 ủy viên của Quân ủy Trung ương (CMC), 8 người, bao gồm hai phó chủ tịch, được dự tính sẽ nghỉ hưu vào Đại hội Đảng 18.

[2] Văn kiện, “Các điều lệ về Tuyển chọn và Bổ nhiệm Lãnh đạo của Đảng và Chính phủ”, được phát hành bởi Ban Tổ chức ĐCSTQ vào tháng 7 năm 2002. Xem http://news.xinhuanet.com/ziliao/2003-01/18/content_695422_1.htm. Tuy nhiên, có ngoại lệ xảy ra. Ví dụ như, Tập Cận Bình giữ cương vị bí thư Thành ủy Thượng Hải chỉ trong 8 tháng trước khi được bổ nhiệm vào Ủy ban Thường trực Bộ chính trị năm 2007.


[3] Trung Quốc có 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 22 tỉnh, 5 khu vực tự trị và các thành phố trực thuộc chính quyền trung ương. Những khu vực tự trị này (Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, khu Ninh Hạ và Quảng Tây) và các chính quyền thành phố (Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Trùng Khánh ) ở địa vị cấp tỉnh. Nghiên cứu này xem ba bí thư Đảng bộ và chủ tịch (hoặc chủ tịch chính quyền của các khu vực tự trị hoặc thị trưởng các chính quyền thành phố ở địa vị cấp tỉnh) của 31 đơn vị thành chính cấp tỉnh như “các lãnh đạo tỉnh”.

[4] Xem http://www.xinhuanet.com. Thông tin về tiểu sử gia đình và các mối quan hệ người đỡ đầu - người được nâng đỡ của các lãnh đạo tỉnh dựa trên những cuộc phỏng vấn của tác giả ở Trung Quốc và những nguồn truyền thông trực tuyến không chính thức ở Trung Quốc, Hồng Công và nước ngoài.

[5] Để thảo luận thêm về điều này, đọc Cheng Li, “After Hu, Who?—China’s Provincial Leaders Await Promotion,” China Leadership Monitor, Số. 1 (Mùa đông 2002).

[6] Henan ribao (Henan Daily), January 11, 2010, p. 1. Những nước ngoại quốc có dân số hơn 100 triệu là Ấn Độ, Mỹ, Inđônêxia, Braxin, Pakixtan, Bănglađét, Nigiêria, Nga, Nhật và Mêhicô.

[7] Tlđd.

[8] Xem http://city.cctv.com/html/chengshijingji/88645f7c0d8c2c294837385a15b0fe9c.html.

[9] Xem Liaowang xinwen zhoukan (Outlook Newsweek), January 23, 2010.

[10] Năm người trong số họ —Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lý Nguyên Triều, Uông Dương và Vương Kỳ Sơn — giành được các ghế của họ trong Bộ chính trị khi họ là bí thư Tỉnh ủy hoặc Thành ủy. Ngôi sao đang lên khác Bạc Hy lai, sau này là bộ trưởng thương mại, cũng có kinh nghiệm lãnh đạo làm Tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh trong một vài năm và đã được bổ nhiệm làm bí thư Thành ủy Trùng Khánh sau Đại hội Đảng 17.