Ngày 11/1/2011, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thử nghiệm một máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mới. Động thái này đã làm Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang ở thăm thấy bất ngờ, ông không được báo trước về cuộc thử nghiệm. Nhưng điều còn rắc rối hơn nhiều so với chính chiếc máy bay này là sự thực rằng Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng bất ngờ như Gates. Người đứng đầu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã bị chính quân đội của mình qua mặt.

Đó là một thời điểm đáng chú ý trái ngược với câu chuyện thông thường về quan hệ quân-dân sự ở Trung Quốc. Câu chuyện đó bắt đầu vào năm 1929, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức một cuộc họp ở Cổ Điền, thuộc tỉnh Phúc Kiến, để xác định nguyên tắc không thể vi phạm về quyền lực của đảng đối với quân đội. ĐCSTQ tuyên bố Hồng quân sẽ thực hiện cuộc cách mạng dưới sự chỉ huy của đảng. Như Mao Trạch Đông nói, quyền lực sinh ra từ nòng súng, nhưng đảng lại nắm khẩu súng. Trong lịch sử chính thức, điều đó tức là: quân đội phục tùng đảng, và từ đó trở đi công việc mang tính ý thức hệ là thực thi sự phục tùng đó thuộc về tất cả công dân Trung Quốc.

Đó là cách câu chuyện được kể, nhưng thực tế lại ít có trật tự hơn. Hồi năm 1929 không có sự bảo đảm nào rằng ĐCSTQ sẽ lúc nào đó lên nắm quyền. Khi nó làm được, bộ máy của nó hưởng lợi từ các cá nhân và các tổ chức thường không chịu trách nhiệm trực tiếp trước bất kỳ ai. Mối quan hệ của họ với ĐCSTQ thường là một vấn đề về lợi ích hay đam mê chung hơn là bất kỳ học thuyết được hệ thống hóa về quan hệ quân-dân sự nào.

Tuy nhiên, không điều nào trong số này ngăn được Tập Cận Bình viện dẫn tinh thần của năm 1929 khi ông triệu tập một hội nghị mới ở Cổ Điền vào tháng 9/2014. Tập Cận Bình giải thích các truyền thống được lập ra tại cuộc họp năm 1929 cần phải được chuyển tiếp đến tương lai. “Quốc gia hóa”, ý tưởng rằng PLA nên phục vụ đất nước, chứ không phải đảng, là sai lầm và không thể chấp nhận được. Quân đội không thể có một nghị trình độc lập với đảng.

Tập Cận Bình đưa ra một cảnh báo khác tại hội nghị Cổ Điền năm 2014: về những hiểm họa của tham nhũng. Ông tuyên bố tham nhũng phải bị trừ tận gốc, và các lực lượng vũ trang nên suy ngẫm về trường hợp Từ Tài Hậu. Nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu đã bị tống giam hồi tháng 6/2014 vì nhận hối lộ. Còn nhiều việc cần phải làm để giữ cho quân đội trong sạch, và Tập Cận Bình, khi tuyên bố với các quan chức dự họp, sẽ không buông lỏng công việc đó.

Trong quyết định của Tập Cận Bình nhấn mạnh quyền lực của đảng bên cạnh hiểm họa tham nhũng, rõ ràng có thể thấy sự quản lý của Trung Quốc bấp bênh như thế nào hiện nay. Nếu quyền lực của đảng quả thực không bị nghi ngờ thì sẽ không cần phải khăng khăng khẳng định điều đó. Nếu không có sự oán giận chính quyền dân sự bên trong PLA, và có lẽ thậm chí cả những ví dụ về sự bất phục tùng, thì sẽ không có lý do để viện dẫn cuộc họp năm 1929 ngay từ đầu. Nhiều nhà quan sát coi chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình là cái cớ để thực hiện một cuộc thanh trừng đảng nữa của một người sắp trở thành nhà độc tài khao khát quyền lực. Việc một cuộc thanh trừng đang diễn ra là không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng Tập Cận Bình cũng đang bị thúc đẩy bởi mối lo ngại thực sự về cả thiệt hại ngấm ngầm mà tham nhũng gây ra cho Trung Quốc lẫn sự dính líu của quân đội đến nạn tham nhũng đó.

Không ai ghen tị với thế tiến thoái lưỡng nan của Tập Cận Bình. Ông phải tiếp tục cuộc vận động, và cuộc thanh trừng là một phần của nó, vì ông đã đánh cược uy tín của mình để dọn dẹp mớ lộn xộn này. Quan trọng hơn, ông cần phải trừ bỏ sự bất mãn ngày càng tăng của dân chúng và khôi phục những thứ đã mất vào thời điểm khi nền kinh tế đang có phần giảm tốc và người dân đang ngày càng tức giận vì sự bất bình đẳng ăn sâu bám chặt và lo lắng về tương lai. Nhưng ông phải biết rằng cuộc vận động chống tham nhũng của ông đe dọa lợi ích của các thành viên PLA theo những cách không thể đoán trước. Hứng chịu sự phẫn nộ của những người có súng ống là một điều gì đó không nên được đón nhận một cách hời hợt. Một cuộc đảo chính quân sự, từng không thể hình dung nổi ở Trung Quốc, giờ đây đã có thể tưởng tượng ra được.

Để hiểu lý do tại sao, cần nhớ rằng giới dân sự và quân sự ở Trung Quốc chưa bao giờ bị chia tách rành mạch như ở phương Tây. Trung Quốc có một câu tục ngữ cổ, “thiên cao hoàng đế viễn”: chính quyền trung ương xa cách cuộc sống hàng ngày của các thần dân của họ trong một đất nước rộng lớn, vì thế người dân thường phải đảm nhận những chức năng mà ở phương Tây được coi là tốt nhất dành cho quân đội. Khi những người du mục thảo nguyên tấn công các vùng dân cư, không còn thời gian để chờ hoàng đế phái quân đến nữa; người dân phải tự mình tổ chức phòng thủ. Sau đó là những câu chuyện về những người anh hùng chiến đấu ở vùng hoang dã của Trung Quốc: những người có quân lính hùng mạnh và giáo sắc, nắm đấm đạo đức và trái tim dũng cảm, có thể thách thức và đánh bại bất kỳ ai từ kẻ cướp đến các tham quan.

Thần thoại và lịch sử kết hợp với nhau thêu dệt nên những câu chuyện lãng mạn như thế sâu trong văn hóa Trung Quốc. Người ta vẫn kể câu chuyện về làng Tam Nguyên Lí, nơi trong Chiến tranh Nha phiến, nông dân địa phương đã bao vây và đánh đuổi quân Anh trong khi triều đình nhà Thanh hèn nhát đã không làm gì có hiệu quả. Dân làng chiến thắng chủ yếu vì mưa đã làm ướt súng hỏa mai của Anh và vì bản thân người Anh muốn dàn xếp thông qua đàm phán, nhưng điều đó không ngăn sự việc này được nhớ đến như là một ví dụ về sự vũ dũng của Trung Quốc. Cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc, khiến khoảng 20 triệu người thiệt mạng, được phát động bởi Hồng Tú Toàn, một người dân thường nghĩ mình là con trai của Chúa và đã tập hợp người dân thường vào hàng ngũ thiên quân của ông ta. Các dân quân xuất hiện để đối phó với Thái Bình Thiên Quốc chủ yếu được lãnh đạo bởi những quan chức dân sự độc lập với các đội quân của nhà Thanh; việc các dân quân này chọn cách bày tỏ lòng trung thành với nhà nước là do may mắn, không phải là do học thuyết. Các thủ lĩnh chia cắt Trung Quốc sau khi nhà Thanh sụp đổ là những người mà đối với họ sự khác biệt quân-dân sự không có nhiều ý nghĩa. Họ là những người có vũ trang cai trị các lãnh thổ nhỏ nhờ sự kết hợp ngày càng thay đổi của nỗi lo sợ và cung ứng dịch vụ xã hội. Khái niệm chiến tranh nhân dân của Mao Trạch Đông cũng dựa trên quan niệm rằng dân thường đói khát và bị tước quyền sở hữu sẽ gây ra chiến tranh. Việc những người Cộng sản lên nắm quyền trên thực tế phần lớn nhờ vào khả năng của họ xóa nhòa những ranh giới chia cắt thế giới dân sự với quân sự.

Sau khi đảng lên nắm quyền, dân thường tiếp tục đảm nhận những công việc mà ở phương Tây sẽ được dành cho một quân đội chuyên nghiệp. PLA đã chiến đấu trong Chiến tranh Triều Tiên, nhưng các nông dân trẻ tuổi trên khắp đất nước cũng vậy, những người hạ cày của họ và tiến ra mặt trận để “chống Mỹ và giúp Triều Tiên”. Cuối những năm 1960, Trung Quốc đã phát động một cuộc can thiệp quân sự để ủng hộ Đảng Cộng sản Miến Điện, và nước này cũng dựa rất nhiều vào dân thường từ các tỉnh phía Nam tràn xuống tham gia chiến đấu. Hồng Vệ Binh cũng vậy, dù có chiến đấu với nhau, với những người lớn tuổi hơn họ hay các phái bộ nước ngoài, đều coi bản thân họ là binh lính. Ngôn ngữ của họ là bao vây, chỉ huy, đánh trận và chinh phục. Thậm chí hiện nay, cuộc xung đột với các nước châu Á khác liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa kéo theo các ngư dân sẵn sàng chiến đấu vì vùng đất họ coi là của mình. Họ đương nhiên được nhà nước khuyến khích, nhưng sự khuyến khích có hiệu quả vì nó xây dựng trên một truyền thống trong đó hành động quân sự bị phân tán, một điều bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nếu tình hình thuận lợi. Các trò chơi điện tử cho phép người Trung Quốc giết các tội phạm chiến tranh Nhật Bản, hay những cuộc phản kháng theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa hướng về những nơi chính phủ muốn họ tới và biến thành tình trạng bạo lực chống Nhật Bản, cho thấy truyền thống này vẫn có giá trị sâu sắc như thế nào. Các dân quân thực sự không được chỉnh đốn tốt đã trở thành đặc điểm của đời sống Trung Quốc. Việc gọi Trung Quốc là một nền văn hóa quân sự hóa ngụ ý đến kỷ luật. Một “nền văn hóa dân quân hóa”, nơi mọi người đều có thể làm người anh hùng đầm lầy, gần với vấn đề hơn.

Chắc chắn, những văn hóa như vậy còn tồn tại ở nơi khác. Afghanistan và các khu vực người Kurd ở Trung Đông là ví dụ, cũng như các vùng đất mà người Tuareg và người Chesnia sinh sống. Và như ở những nơi khác, một nền văn hóa dân quân hóa, trong khi có tác dụng của nó, có thể nguy hiểm đối với một chính phủ đang nắm quyền. Nếu lực lượng vũ trang bị tách khỏi quyền lực nhà nước, không có lý do gì nó không thể chống lại chính quyền. Khi “Thiên mệnh” chuyển giao từ một chính phủ, nó trở thành một mục tiêu lớn. Bất kể là dân làng Tam Nguyên Lí chống lại người Anh, Hồng Tú Toàn chiến đấu với nhà Thanh hay Mao Trạch Đông đánh bại Quốc dân đảng và những người theo chủ nghĩa đế quốc, có rất nhiều câu chuyện về người Trung Quốc đấu tranh với các chính quyền mà họ không thích. Và ở Trung Quốc của Tập Cận Bình, có nhiều điều để một người anh hùng đầm lầy bất bình chiến đấu chống lại.

Hơn nữa, những người đàn ông trẻ tuổi giận dữ, độc thân và bán thất nghiệp – luôn là một nguồn tiềm tàng gây xung đột dân sự – xuất hiện khắp nơi ở Trung Quốc, một di sản của chính sách một con và tục giết trẻ sơ sinh nữ tràn lan. Một số người giàu có và có quan hệ tốt có thể đơn thuần ra đi thay vì nói lên sự bất mãn, mua bất động sản ở Boston hay Manhattan. Nhưng đối với số người bất mãn to lớn ở lại, khả năng xảy ra những cuộc nổi dậy liên tục nhằm vào một chế độ không bị ràng buộc, áp bức là có thật và ngày càng tăng. Vì thế vấn đề không chỉ là quan hệ quân-dân sự; đó là một quan hệ xã hội-quân-dân sự, một bộ ba thay vì một bộ đôi rắc rối tiềm tàng.

Tập Cận Bình biết tất cả điều này. Ông biết rõ một cách đau đớn rằng việc giải quyết những nguồn gây bất mãn đòi hỏi phải thể hiện rằng nhà nước thực sự quan tâm đến hạnh phúc của công dân. Đây là nơi cuộc vận động chống tham nhũng và việc nhấn mạnh pháp trị xuất hiện. Tập Cận Bình muốn các đối tượng của ông biết các công chức tham nhũng sẽ không còn có thể giàu có hơn trên sự mất mát của người dân. Việc chiến dịch này phải áp dụng với “hổ” cũng như “ruồi” cho thấy Tập Cận Bình chắc hẳn phải tin sự bất mãn đã sâu sắc như thế nào. Việc đối phó với những quan chức như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai và gần đây nhất, trùm tình báo Mã Kiến, không phải là điều gì đó được thực hiện hời hợt, ngay dù họ là những đối thủ chính trị. Nguy cơ phá hoại sự thống nhất của đảng bằng việc tấn công họ là đáng kể, và có lẽ sẽ không diễn ra nếu Tập Cận Bình không coi nguy cơ của việc không hành động động thậm chí là lớn hơn. Để người dân Trung Quốc thực sự tin rằng vị chủ tịch của họ quyết tâm trừ bỏ tham nhũng cho đất nước, các công chức cấp cao, chứ không chỉ những người cấp dưới, phải “ngã ngựa”. Và chiến dịch này phải vượt ra ngoài phạm vi dân sự, vì quân đội cũng được coi là cần tuân theo pháp luật.

Vẫn khó có thể có được thông tin cụ thể về tổ hợp quân đội-công nghiệp của Trung Quốc, nhưng quân nhân PLA rõ ràng được nhìn nhận là đã hưởng lợi từ chế độ theo những cách mà người dân thường Trung Quốc không thể có được. Với sự tham gia của PLA trong một loạt công ty – từ quốc phòng đến dầu khí, không gian vũ trụ đến cơ sở hạ tầng – có rất nhiều cơ hội để bớt xén tiền. Như các công tố viên thường chỉ ra, bằng chứng có thể được tìm thấy trong những chiếc xe hơi, đặc ân cho và nhận, những chiếc phong bì đỏ được âm thầm trao làm quà. Cốc Tuấn Sơn, có liên kết với Từ Tài Hậu, bị cáo buộc bòn rút 30 tỷ nhân dân tệ, đút lót người khác bằng cách trao cho họ chìa khóa một chiếc xe Mercedes chứa đầy vàng. Bản thân Từ Tài Hậu được cho là đã nhận của cải bất chính đủ để lấp đầy 10 chiếc xe tải. Cao Tiểu Yến, một trong vài phụ nữ đã lên đến hàng ngũ thiếu tướng PLA, hiện đang bị điều tra vì các cáo buộc hối lộ bắt nguồn từ hoạt động của bà cho một bệnh viện của PLA. Chính sự không rõ ràng của hệ thống khiến các giao dịch quân sự muốn tỏ ra là chính đáng cũng khó hơn. Luôn có không gian để tưởng tượng ra hoạt động tham nhũng. Nếu tham nhũng thực sự bị nhổ tận gốc ở Trung Quốc, PLA cũng sẽ phải là đối tượng bị điều tra thường xuyên.

Bằng chứng về hành vi phạm pháp đã không được đưa ra theo những cách có thể làm hài lòng tòa án của Mỹ hay Anh, nhưng tuy thế tham nhũng là một vấn đề thực sự ở Trung Quốc. Khi tất cả mọi thứ ngang bằng nhau, dễ dàng tham nhũng hơn trong một nền kinh tế tối tăm, với một hệ thống pháp luật không hề rõ ràng, nhất quán và vô tư. Có rất nhiều cơ hội để thực sự triệt phá tham nhũng, điều giải thích tại sao hầu như không có lý do để nghi ngờ sự chân thành và quyết tâm của Tập Cận Bình. Vị chủ tịch đương nhiệm từng là một thanh niên làm lao động nặng nhọc trong thời Cách mạng Văn hóa. Ông rút ra được bài học gì từ kinh nghiệm này vẫn chưa rõ, nhưng ông có thể đã nhận thức được Mao Trạch Đông đã làm hồi sinh sức mạnh quốc gia của Trung Quốc bằng cách tấn công các cán bộ ở cấp cao nhất của bộ máy chính trị. Các quan chức đã là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia khi đó; họ là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hiện nay, và đến lượt Tập Cận Bình đối phó với họ. Người ta ngờ vực Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo khó đoán biết và bị hiểu lầm nhiều nhất: một tín đồ thực sự với một sứ mệnh.

Có hai vấn đề chính làm rối loạn đường hướng của Tập Cận Bình về PLA: việc nó thiếu độ tin cậy và tác động của nó đối với tinh thần của quân đội. Về độ tin cậy, việc không có một nhà thanh tra độc lập có thể điều tra Tập Cận Bình một cách liên tục như với các đối thủ chính trị của ông, chiến dịch chống tham nhũng có thể không bao giờ tỏ ra hoàn toàn trung thực và công bằng. Như đã lưu ý, nó được nhìn nhận rộng rãi là một dàn xếp kết quả chính trị lỗi thời, và điều này đơn thuần là đi cùng tài sản chính trị. Rốt cuộc, những người tiền nhiệm của Tập Cận Bình đã sử dụng các chiến lược tương tự và giọng điệu khoa trương tương tự để loại trừ các đối thủ chính trị. Một lần nữa, sự yếu kém của pháp trị Trung Quốc lại xuất hiện. Trong khi những người lạc quan chú ý nhiều về việc Tập Cận Bình nhấn mạnh “pháp trị” và “hiến pháp”, thực tế là Điều 51 của hiến pháp nói rõ rằng các công dân không thể vi phạm lợi ích của nhà nước – một điều mơ hồ đến mức Tập Cận Bình, với tư cách là đại diện tối cao của nhà nước, sẽ quyết định khi nào các công dân bắt đầu vi phạm. Vấn đề độ tin cậy còn tồi tệ hơn bởi thực tế rằng không ai trong số các thân hữu chính trị của Tập Cận Bình đã bị truy tố.

Vấn đề thứ hai là chiến dịch của Tập Cận Bình làm tổn hại đến kế hoạch an ninh quốc gia của Trung Quốc. Ngay cả những người không tham nhũng trong PLA cũng hầu như không có cách nào để biết họ đã bước qua giới hạn khi nào, vì giới hạn có thể thay đổi theo ý định bất chợt của vị chủ tịch của họ. Tác dụng của tính không dự đoán trước đã được Tôn Tử tán thành một cách nổi tiếng (có thể là một phần của lý do căn bản khiến Tập Cận Bình chống lại các nhóm lợi ích quân đội), nhưng trong những hoàn cảnh hiện tại nó có hại nhiều hơn là có ích. Lý do là đơn giản: tính toán an ninh quốc gia ở Trung Quốc hiện nay đòi hỏi sự hiện đại hóa quân đội ở mức độ lớn, và điều đó là tốn kém. Sẽ là đầy mạo hiểm – quả thực tai hại tiềm tàng – khi đòi hỏi tiền dành cho vũ khí, nếu chủ tịch nghi ngờ rằng tiền sẽ bị ăn cắp. Ngân sách quân sự của Trung Quốc đã tăng lên 132 tỷ USD (chắc hẳn còn cao hơn nhiều). Khi các nhà lập kế hoạch quân sự nỗ lực chống lại các khả năng của Mỹ và các nước khác, nó sẽ chỉ tăng lên nữa. Nhưng nếu cuộc vận động chống tham nhũng của Tập Cận Bình khiến các sĩ quan PLA cấp cao thận trọng đề xuất gia tăng mạnh ngân sách, nó có thể làm tức giận những người lính chuyên nghiệp yêu nước và theo chủ nghĩa dân tộc, những người có thể cảm thấy rằng họ đang phản bội lòng tin của quốc gia.

Trong một tình hình không thể đoán trước, trong đó nỗ lực thực hiện công việc của mình bằng cách đề nghị đầu tư vào các hệ thống quân sự tốt hơn có thể dẫn tới một cuộc điều tra, nói chung các thành viên PLA có 3 lựa chọn. Thứ nhất là nép mình và hợp tác với Tập Cận Bình; lợi thế hợp lý là sự hợp tác sẽ đảm bảo an toàn. Phần lớn dường như đang đi theo con đường cụ thể này. Nhưng nếu bị điều tra hoặc có liên hệ, mặc dù lỏng lẻo, với một ai đó mà Tập Cận Bình có vẻ không thích, việc nép mình sẽ không có hiệu quả. Lựa chọn thứ hai do đó là tự sát. Hai đô đốc, Mã Phát Tường và Khương Trung Hoa, đã nhảy từ nhà cao tầng; một vị tướng đang bị điều tra vì tham nhũng, Tống Ngọc Văn, được cho là đã tự tử bằng cách treo cổ.

Lựa chọn thứ ba là kháng cự. Người có súng luôn có lựa chọn sử dụng chúng. Một hoặc nhiều nhóm sĩ quan cảm thấy những lợi ích kinh tế xứng đáng được hưởng của họ đang bị đe dọa có thể chọn cách đối đầu với Tập Cận Bình bằng quân sự. Cho tới giờ, những điều như vậy đã không xảy ra dưới sự cai trị của ĐCSTQ (nhất là vì dưới thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, ranh giới giữa dân thường và quân đội quả thực đã bị xóa mờ), nhưng trong lịch sử Trung Quốc từng dễ xảy ra việc quân đội tham gia các vấn đề chính trị. Chính một vị tướng nhà Minh là Ngô Tam Quế là người đầu tiên mở Trung Quốc ra cho những người Mãn Châu xâm lược. Chính Viên Thế Khải, một vị tướng nhà Thanh, là người tiếm quyền lãnh đạo của Trung Hoa Dân Quốc ngay khi nó mới ra đời. Chính một vị tướng nhân từ, Trương Học Lương, là người đã bắt cóc Tưởng Giới Thạch, nhà lãnh đạo dân sự của ông, và buộc ông ta phải thỏa thuận với ĐCSTQ. Không có sự đảm bảo rằng sự can thiệp quân sự như vậy sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Sự kết hợp của các động cơ – sự hăm hở bảo vệ một vị thế kinh tế đặc quyền, nỗi lo sợ rằng nếu không tấn công sẽ bị hạ bệ, ý tưởng rằng cần phải bảo vệ đất nước khỏi một kẻ độc tài quyết tâm xé nát đất nước – có thể thúc đẩy những người lính tìm cách nắm lấy quyền lực chính trị. Có những tình huống trong đó các cuộc đảo chính quân sự diễn ra ở những nơi khác; không có lý do gì để cho rằng Trung Quốc là ngoại lệ về mặt này. Ở đó, giống như ở bất kỳ nơi nào, không thể biết được điều gì sẽ diễn ra khi người ta đe dọa những người có vũ trang hạng nặng.

Một cuộc chiếm quyền nhà nước Trung Quốc thành công của quân đội có thể diễn ra theo một số hình thức. Đơn giản nhất sẽ là một sĩ quan cao cấp hoặc một nhóm các sĩ quan phối hợp ngầm, tập trung đủ quyền lực và sau đó bất ngờ cho quản thúc tại gia Tập Cận Bình. Tình trạng thiết quân luật sẽ được tuyên bố – đương nhiên vì động cơ yêu nước thuần khiết nhất – và cuộc sống sẽ tiếp tục bình thường như có thể trong những tình huống đó. Đổ máu sẽ là tối thiểu; phe phái tưởng tượng của chúng ta sẽ phải tập trung đủ sự ủng hộ để khiến sự kháng cự không có hiệu quả. Họ sau đó có thể hoặc là quá độ trở lại sự cai trị của đảng, hoặc là tuyên bố một chính phủ mới có thể có hoặc có thể không giữ nguyên phần lớn các chính sách của người tiền nhiệm. Nếu xảy ra đảo chính quân sự, đây sẽ là lựa chọn sạch sẽ nhất, gọn gàng nhất.
Tuy nhiên, đó là một kết quả khó có khả năng xảy ra vì PLA bị chia rẽ. Nhiều người trong PLA có lợi nếu Tập Cận Bình tồn tại. Kịch bản dễ xảy ra hơn nhiều là các sĩ quan nắm một trong các quân khu của Trung Quốc – chẳng hạn như ở Tứ Xuyên hoặc có lẽ ở Cát Lâm – quyết định rằng họ đã khoan dung quá đủ cho sự can thiệp từ chính quyền trung ương và tuyên bố chiến tranh. Có thể có sự ủng hộ đáng kể của địa phương đối với một hành động như vậy; các bản sắc khu vực vẫn mạnh mẽ bên trong Trung Quốc và sự căm ghét chính quyền trung ương tham lam dễ dàng khuyến khích. Bạc Hy Lai sụp đổ một phần vì ông ta được lòng dân ở Trùng Khánh. Nhà ở giá rẻ và ý tưởng rằng ông sẽ không làm người dân Trùng Khánh của mình thất vọng đã khiến Bạc Hy Lai trở thành một người anh hùng đối với nhiều người dân địa phương. Việc Bắc Kinh bắt giữ ông đối với nhiều người chỉ là một ví dụ nữa cho thấy chính quyền trung ương can thiệp vào sự thịnh vượng của Trùng Khánh. Lợi dụng sự bất mãn ở địa phương và văn hóa dân quân hóa của Trung Quốc, một nhà chỉ huy quân sự dám nghĩ dám làm có thể tập hợp đủ sức mạnh để thách thức Bắc Kinh.

Nếu điều đó xảy ra, vận mệnh của Trung Quốc có thể đi theo một trong vài hướng khác nhau. Nếu nhà chỉ huy tưởng tượng của chúng ta đủ mạnh, kết quả sẽ là một cuộc chiếm giữ thủ đô hoàn toàn sau cuộc chiến tranh lâu dài, đẫm máu. Rốt cuộc, Mao Trạch Đông đã nắm quyền và thống nhất đất nước sau khi chiến đấu với một loạt đối thủ. Nhưng với sức mạnh của Tập Cận Bình, chiến thắng hoàn toàn sẽ khó có khả năng xảy ra. Thay vào đó, người ta có thể dự đoán một thế bế tắc đẫm máu, với việc nước này chia rẽ theo các ranh giới Bắc-Nam có từ rất lâu. “Hai Trung Quốc”, một thuật ngữ đáng sợ, có thể xuất hiện. Sự Balkan hóa cũng có thể không chấm dứt tại đó. Một khi các bộ chỉ huy quân sự khác nhận thấy khả năng thách thức thành công, họ cũng có thể hành động. Tập Cận Bình có thể nhận thấy rằng việc dập tắt những người ly khai có thể tốn nhiều máu và tiền bạc hơn so với ông có thể trừng phạt. Trung Quốc có thể lại rơi vào một thời Chiến Quốc mới, tức một kỷ nguyên quân chủ cát cứ, trong đó các nước chư hầu nhỏ xung đột, lắng xuống thành cùng tồn tại, và sau đó lại bắt đầu xung đột.

Đương nhiên, tất cả điều này đơn thuần là suy đoán. Nỗi lo sợ sự hỗn loạn và hệ thống giáo dục yêu nước ngăn chặn mạnh mẽ hành động như vậy. Nhưng những điều không có khả năng vẫn thường xuyên xảy ra. Sự tồn tại của ĐCSTQ trong những năm sau sự kiện Cổ Điền là một trong số đó: Nhóm nhỏ các nông dân và những người mơ mộng sống sót sau các cuộc thanh trừng, một cuộc vạn lý trường chinh và các thủ lĩnh Hồi giáo trong tình huống bất lợi đến nỗi khó có thể thành công. Cũng cần nhớ rằng một Trung Quốc thống nhất là điều ít xảy ra trong 5 nghìn năm lịch sử của nước này hơn so với những gì hồ sơ lịch sử khẳng định. Nước này đã bị chia rẽ một cách đột ngột và bạo lực nhiều lần trong lịch sử, thường chính xác vì những kiểu xung đột mà người ta thấy đang diễn ra ngày nay.

Sự chia rẽ giữa các giới dân sự và quân sự đã thường được các học giả báo trước là thuận lợi cho dân chủ hóa. Những sự quá độ lên dân chủ ở Đài Loan và Đông Nam Á được dẫn ra như hình mẫu đầy hứa hẹn. Bất kể lập luận về Đài Loan có thể đúng như thế nào (dù nó không tính đến bản chất cụ thể của xã hội dân sự tại đó, cũng như sức ép của Mỹ đòi dân chủ hóa), hầu như không có lý do để hy vọng về một kết quả hòa bình, chứ chưa nói đến dân chủ, từ một cuộc xung đột quân-dân sự ở Trung Quốc. Người thay thế Tập Cận Bình chắc chắn sẽ là một nhà lãnh đạo độc đoán mạnh mẽ nữa, có lẽ là một người có tính dân tộc chủ nghĩa và hiếu chiến hơn trong cách chỉ đạo của mình đối với các vấn đề quốc tế. Ở Trung Quốc, các cuộc cách mạng từ dưới lên thường có xu hướng bạo lực, kết thúc với sự thay thế một chế độ chuyên quyền này bằng một chế độ chuyên quyền khác.

Thậm chí điều đó có thể tốt hơn một Trung Quốc tan vỡ thành từng mảnh. Sự bất hòa ở Trung Quốc đồng nghĩa với bạo lực khắp nơi trong quá khứ, với tác động thường lan sang các nước láng giềng. Do sự hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu, sự hỗn loạn trong nước có thể báo hiệu rắc rối với thế giới. Khả năng can thiệp quân sự và rắc rối sau đó không bị Tập Cận Bình lãng quên. Ông cũng đắm chìm trong lịch sử của Trung Quốc, và là một nhà điều hành chính trị quá hiểu biết, đến mức nhận ra rằng kẻ thù có thể tấn công một cách đột ngột và không có cảnh báo trước. Việc ngăn chặn sự bất đồng quan điểm của quân đội là một phần của lý do thành lập Hội đồng an ninh quốc gia mới của ông tại Hội nghị trung ương 3 năm 2013. Bắt chước một phần Hội đồng an ninh của Mỹ, cơ quan mới này có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề an ninh cả trong nước lẫn quốc tế; nhiệm vụ của nó bao gồm giải quyết các mối đe dọa khủng bố từ các sắc tộc thiểu số khó bảo cũng như lên kế hoạch vô hiệu hóa hóa sức mạnh quân sự của Mỹ. Nó cũng có nghĩa là một cấu trúc “thống nhất” để xử lý an ninh quốc gia, với chính Tập Cận Bình là người đứng đầu.

Điều này có nghĩa là những quan điểm của PLA về an ninh quốc gia giờ đây phải thông qua một cơ quan mà Tập Cận Bình làm chủ tịch. Hội đồng này do đó là một cách để củng cố sự kiểm soát của đảng đối với quân đội. Đó là một cách để khẳng định quyền lực, để đảm bảo rằng những người anh hùng đầm lầy không đi quá xa. (Tập Cận Bình cũng có thể đã nghiên cứu cách Mao Trạch Đông đối phó với các vị tướng chống đối; Mao Trạch Đông đã thanh trừng Bành Đức Hoài vì cái gọi là có âm mưu chống đảng). Ở một cấp độ nào đó, điều này mang tính an ủi: người ta không muốn những tình huống trong đó người đứng đầu đảng bị bất ngờ, giống như Hồ Cẩm Đào, trước quan chức cấp cao tới thăm của Mỹ. Nhưng theo quan điểm của các thành viên PLA bất bình, nó tạo thành một sự ngăn chặn nữa đối với khả năng của họ thực hiện những điều mà họ cho là cần thiết.

Để giải quyết sự chống đối từ bên trong quân đội, Tập Cận Bình cũng đã tìm cách cải cách văn hóa bên trong PLA. Một sáng kiến là cải thiện việc kiểm toán chi tiêu của quân đội. Việc thiếu vắng sự giám sát bên ngoài được dẫn ra là lý do của nạn hối lộ. Các quy tắc chặt chẽ hơn sẽ giúp quyền lực được kiểm soát và hướng theo những mục tiêu an ninh quốc gia. Rốt cuộc, sự hiện đại hóa quân sự bị tổn thương khi các nguồn quỹ nên được dùng để mua tên lửa tầm xa bị ăn cắp để mua vàng thỏi. Nhưng điều quan trọng hơn nhiều là nỗ lực tái định hướng lòng trung thành của quân đội. Nguy cơ xảy ra sự bất đồng của quân đội nổi lên từ thực tế rằng binh lính có thể cảm thấy trung thành với các chỉ huy của họ hơn là với Tập Cận Bình. Đang có động thái nhằm giáo dục họ về sự thái quá của tư duy đó. Thay vì chịu trách nhiệm trước “nhân trị”, các chỉ huy cấp cao và các nhà lãnh đạo Học viện quân sự đang làm rõ rằng quân đội phải chịu trách nhiệm trước “pháp trị”, đồng nghĩa với việc phải tuân theo đảng. Thiếu tướng Phan Lương Thời mới đây đã tuyên bố các nhà chỉ huy nên có một “tư duy hợp pháp”. Hơn mọi nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ thời Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình dường như có xu hướng thiết lập một sự sùng bái cá nhân. Diện mạo trước công chúng, các bài phát biểu đầy lôi cuốn và các đồ trang trí mang hình ông giúp mô tả ông là Người cầm lái Vĩ đại, là hiện thân, giống như các hoàng đế thời xưa, của “pháp trị”, người mà các binh lính của PLA có bổn phận trung thành tuyệt đối với tư cách là Tổng tư lệnh. Tất cả điều này được ca ngợi là kỷ luật thiết yếu cho sẵn sàng chiến đấu. Nó cũng là kỷ luật thiết yếu để ngăn quân đội tuột ra ngoài tầm kiểm soát của đảng.

Khó có thể không đồng ý với cuộc vận động của Tập Cận Bình nhằm kiểm soát quân đội. Bất kỳ chính quyền dân sự nào cũng đều muốn biết binh lính sẵn sàng nghe theo chính phủ, chứ không phải theo bất kỳ ai nắm quyền chỉ huy đơn vị của họ. Bất kỳ ai quen thuộc với các biến động cách mạng diễn ra trong quá khứ của Trung Quốc đều có thể hiểu và thậm chí đồng cảm với lo ngại của Tập Cận Bình.

Tuy thế, ông sẽ thành công như thế nào thì vẫn còn phải chờ xem. Việc ông phải làm gì đó về tham nhũng là không thể phủ nhận, nhưng liệu ông có thể giảm bớt nó mà cũng không tạo ra một trật tự luật pháp mới đe dọa sự cai trị của đảng? Sự minh bạch thực sự thì đầy nguy hiểm; nó cuối cùng đồng nghĩa với việc thiết lập một quyền lực không chịu trách nhiệm trước Tập Cận Bình hay đảng. Việc có một quyền lực như vậy sẽ gây rủi ro đáng kể cho Tập Cận Bình và các đồng minh của ông. Nhưng thiếu vắng một quyền lực như vậy, cuộc vận động chống tham nhũng sẽ không bao giờ hoàn thiện, không bao giờ vượt qua sự chỉ trích mang tính hoài nghi; nó sẽ vẫn không hơn gì một nguồn gây bất ổn và sợ hãi. Và những người tính khí thất thường, đáng sợ có thể làm ra những chuyện gây sốc./.

Theo “The American Interest” (ngày 26/2)

Anh Thư (gt)