Từ lâu người ta đã lưu truyền rộng rãi thông tin về sự “đố kị” giữa Uông Dương, “đại tướng” của phái Đoàn Thanh niên và Bạc Hi Lai, đại diện cho phái Thái tử (con em quan chức cấp cao). Có dư luận cho rằng cuộc chiến “làm bánh” và “chia bánh” giữa Uông Dương và Bạc Hi Lai không đơn giản là động thái “làm hàng” để tranh giành ngôi vị cao hơn trong Đại hội 18, mà rất có khả năng trở thành cuộc chiến về đường lối lãnh đạo của Trung Quốc trong tương lai. 

“Trước tiên phải làm bánh” và “trước tiên phải chia bánh” 

Tại kỳ họp Lưỡng Hội (Quốc hội và Chính hiệp) năm 2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phát biểu rằng: “Chúng ta (Trung Quốc) không chỉ phải thông qua phát triển kinh tế, làm to thêm chiếc bánh của cải xã hội, mà chúng ta còn phải chia chiếc bánh ấy cho tốt thông qua chế độ phân phối thu nhập hợp lý”. Nếu lấy đây làm mốc, người ta thấy rằng cuộc tranh luận giữa “làm bánh” và “chia bánh” liên quan tới phát triển kinh tế và phân phối thu nhập ở Trung Quốc tới nay vẫn đang tiếp tục. Ngày 3/7 vừa qua, khi hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đài Truyền hình Vệ tinh Phượng Hoàng, Lưu Trường Nhạc, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hi Lai đã nói: Không giống với các địa phương khác là “làm bánh trước rồi mới phân chia”, mấy năm lại đây, tư duy phát triển của Trùng Khánh đã được đảo ngược, trước tiên là chia bánh cho tốt, sau đó mới làm chiếc bánh to lên. Bạc Hi Lai còn nói: Khi xưa Đặng Tiểu Bình đã phát biểu rằng “phải để một bộ phận người giàu lên trước, cuối cùng thực hiện (mọi người) cùng giàu có”, “giờ đây, ở Trung Quốc kỳ thực đã có một bộ phận người giàu lên trước rồi, nhưng chúng ta còn phải hoàn thành nốt vế thứ hai (trong câu nói của Đặng Tiểu Bình), thực hiện (mọi người) cùng giàu có”. Bạc Hi Lai nhấn mạnh cùng giàu có tuyệt đối không phải là việc phủ định số người đã giàu lên trước mà là mong muốn họ tiếp tục giàu có, nhưng phải làm sao có thêm nhiều người nữa trở nên giàu có. 
Ngày 10/7, tại Diễn đàn Kinh tế Nông thôn Trung Quốc năm 2011 tổ chức ở Trung Khánh, Bạc Hi Lai lại biểu thị: Trùng Khánh không cần phải đợi tới giai đoạn phát triển cao mới nghiên cứu vấn đề phân phối hợp lý và cùng giàu có, phải căn cứ vào yêu cầu của trung ương, “kiên định đi theo con đường cùng giàu có”, phải có tầm nhìn lâu dài, phải tổng thanh toán, vừa chia bánh cho tốt, vừa phải làm chiếc bánh to lên”. 

Một ngày sau khi Bạc Hi Lai phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Nông thôn Trung Quốc năm 2011, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Quảng Đông Uông Dương tham dự thảo luận ở tổ trong khuôn khổ hội nghị toàn thể tỉnh ủy Quảng Đông lần thứ 9 khóa 10. Tại đây, Uông Dương nói rằng nhiệm vụ quan trọng hiện nay là xây dựng xã hội và đặc biệt nhấn mạnh tới việc phải chú trọng tới vấn đề dân sinh. “Nhưng muốn làm chiếc bánh to lên, chúng ta vẫn phải lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, điều đó có nghĩa chia bánh không phải là công tác trọng điểm, làm bánh mới là trọng điểm. Đây là vấn đề mang tính trực diện, không phải vấn đề mới, nhưng việc nhấn mạnh nó ở thời điểm này là có ý mới”. Từ đó cho thấy, cuộc chiến “làm bánh” và “chia bánh” với lập trường hoàn toàn đối chọi nhau giữa Uông Dương và Bạc Hi Lai đã bắt đầu nóng lên trong dư luận và trên chính trường Trung Quốc. 
Trước cuộc chiến này, Bạc Hi Lai đã không chỉ một lần đưa ra quan điểm “không thể làm bánh trước sau đó mới chia bánh”. Cuối năm 2010, Bạc Hi Lai từng lên tiếng phản bác quan điểm chủ lưu kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa tới nay. Bạc Hi Lai nói: “Có người cho rằng chỉ cần phát triển kinh tế, kiếm được tiền là có thể cải thiện dân sinh! Bánh to lên rồi mới có thể chia bánh. Quan điểm này xem ra có lý nhưng không thực tế. Vì chia bánh không công bằng, người làm bánh sẽ không còn tích cực và bánh không thể được làm to lên được”. 

Kỳ thực, cuộc đấu giữa hai “anh hùng” Uông Dương và Bạc Hi Lai bắt đầu nổ ra từ bốn năm trước. Sau khi thay Uông Dương làm Bí thư Trùng Khánh, Bạc Hi Lai đã đẩy mạnh việc tấn công tệ nạn xã hội, cổ súy “văn hóa đỏ”. Cũng thời gian này, ở Quảng Đông, Uông Dương lại dấy lên phong trào “giải phóng tư tưởng” và “cải cách lần thứ hai”. Và vào thời điểm trước ngày 1/7/2011, Uông Dương và Bạc Hi Lai cũng có một trận đấu nhỏ. Đó là ngày 26/6, trong một buổi sinh hoạt tổ chức ở văn phòng tỉnh ủy Quảng Đông, khi đề cập tới kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Uông Dương đã nói rằng với tư cách là một đảng cầm quyền trưởng thành, trong điều kiện lịch sử mới, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc tăng cường ý thức về hoạn nạn có lợi cho việc cầm quyền lâu dài hơn là ca tụng sự huy hoàng. Điều đáng chú ý là vào thời điểm này tờ Nhật báo Trùng Khánh của cơ quan thị ủy Trùng Khánh lại tràn ngập những bài viết ca ngợi công ơn của Đảng Cộng sản Trung Quốc và những hoạt động ca hát thanh bình chào mừng 90 năm ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập. 

Làm bánh và chia bánh quan trọng như nhau 

Trải qua hơn 30 năm phát triển kinh tế với tốc độ cao, chiếc bánh của cải cách xã hội mà Trung Quốc làm ra đã to lên. Việc chia chiếc bánh này như thế nào ngày càng được người dân quan tâm. Không chỉ có vậy, một bộ phận dân chúng còn lo lắng về khả năng họ mãi mãi vẫn chỉ nhận được một miếng nhỏ trong khi chiếc bánh ngày một to lên; một bộ phận dân chúng khác lại e ngại về khả năng Trung Quốc giống như thời trước cải cách mở cửa, dân chúng chỉ quan tâm tới việc chia bánh, không quan tâm tới việc làm bánh, cuối cùng tất cả chỉ được phân một miếng bánh nhỏ không đủ no. 

Có chuyên gia phân tích cho rằng làm bánh phải chú trọng phát triển, phải giải quyết vấn đề hiệu quả, chia bánh phải chú trọng phân phối, phải giải quyết vấn đề công bằng. Hai khía cạnh này rõ ràng là bổ trợ cho nhau, quan trọng như nhau, không thể coi nhẹ hay bỏ qua bên nào. Làm bánh và chia bánh thực chất là sản xuất và phân phối. Việc thảo luận về mối quan hệ giữa chúng có thể nói là đã liên tục diễn ra từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền tới nay. Trước cải cách mở cửa, sự xuất hiện của quan điểm “nồi cơm to” (bình quân chủ nghĩa) đánh dấu Cách mạng Văn hóa phát triển tới đỉnh điểm đã phản ánh một cách rõ nhất kết quả của việc chỉ chú trọng tới phân phối trong khi sản xuất đi xuống. Cũng chính vì lý do đó, đồng thời với việc tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đề ra “thuyết chủ nghĩa xã hội giai đoạn đầu”, coi phát triển kinh tế là “đạo lý cứng”. Vì có sự điều chỉnh như vậy, Trung Quốc mới có những thay đổi to lớn của ngày hôm nay. Vậy hiện nay có phải là giai đoạn mà Trung Quốc có thể chú trọng phân phối, coi nhẹ phát triển không? 

Trước tiên, nếu không có bánh thì sẽ lấy cái gì để chia? Trung Quốc có tới 1,3 tỉ người, vậy làm thế nào để chia một chiếc bánh quá bé? Hiện nay, GDP của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, đứng thứ hai thế giới, nhưng GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chưa bằng 1/10 của Nhật Bản, cho nên nhất định Trung Quốc phải tiếp tục làm chiếc bánh to lên. Bên cạnh đó, từ xưa Trung Quốc đã có truyền thống “không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng”, ngày nay, khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng tiến dần tới vạch đỏ về sức chịu đựng của xã hội, nếu thêm vào việc chia bánh không tốt sẽ gây ra rối loạn trong xã hội, thậm chí là một cuộc cách mạng thay đổi triệt để. Do đó, cái mà Trung Quốc cần nhấn mạnh hiện nay vừa là phải làm cho chiếc bánh to lên vừa phải chia chiếc bánh cho tốt. Giữa làm bánh và chia bánh, nếu cứ phải nhất định nhấn mạnh cái làm trước cái làm sau, coi trọng cái này, coi nhẹ cái kia thì sẽ dẫn tới tranh cãi và cũng không phù hợp với chính sách của Trung Quốc. 

Khẩu hiệu “Trước tiên cần chia bánh” của Bạc Hi Lai nghe ra rất lung lạc lòng người, có thể xây dựng được nền tảng dân ý tương đối lớn. Có người thậm chí còn cho rằng đây là “bình quân giàu nghèo” thời kỳ mới và nó đã nhận được sự ủng hộ của trang mạng nổi tiếng của phái tả - http://www.wyzxsx.com. Trang web này cho rằng “nếu mô hình Trùng Khánh có thể được thúc đẩy mở rộng thì có hi vọng thực hiện cùng giàu có ở toàn Trung Quốc. Nếu vấn đề lưỡng cực hóa không được kiềm chế, giấc mộng cùng giàu có sẽ không biết khi nào thực hiện được”. 
Các chuyên gia phân tích cho rằng “bình quân giàu nghèo” sẽ làm đảo lộn kết cấu và trật tự xã hội hiện tại, chỉ là một bước thụt lùi của lịch sử. Trung Quốc cũng sẽ không thể chịu đựng thêm một lần dày vò nữa. Trên thực tế, quan điểm “phân chia không công bằng, chiếc bánh sẽ không to lên được” mà Bạc Hi Lai đưa ra chính là việc đặt phân phối lên trước phát triển. Ngoài ra, liệu việc “chia bánh trước” sẽ đạp đổ quan điểm “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm” hay không, có ảnh hưởng tới cục diện lớn cải cách mở cửa hay không, cũng là những vấn đề quan trọng mà giới lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc phải cảnh giác. 

Trong khi đó, cái sai trong quan điểm “làm bánh trước” của Uông Dương nằm ở chỗ chỉ chú trọng việc làm bánh mà coi nhẹ việc chia bánh. Uông Dương nói chú trọng vấn đề dân sinh, muốn làm chiếc bánh to lên, vẫn phải lấy việc xây dựng kinh tế làm trung tâm, việc này không có gì phải nghi ngờ. Nhưng ở phần sau, Uông Dương lại nói “chia bánh không phải là công tác trọng điểm, làm bánh mới là trọng điểm”. Vì điều này, Uông Dương nhanh chóng trở thành mục tiêu công kích của dư luận. 

Trên tiểu blog của mình, chuyên gia kinh tế Trung Quốc Mã Quang Viễn viết quan điểm của Uông Dương rõ ràng đã sai. Khí thế rầm rộ của “Quả cà chua” (tên gọi thân mật của thành phố Trùng Khánh) đã khiến Quảng Đông có chút lúng túng trong ứng phó. Ở Trung Quốc hiện nay, ai phủ nhận tầm quan trọng của việc chia bánh, người đó không chỉ mất lòng dân, mà còn trở nên lạc điệu. Căn nguyên của mọi mâu thuẫn hiện nay của Trung Quốc đã phát triển từ chỗ thiếu bánh tới chỗ chia bánh không đều. Theo Mã Quang Viễn, Uông Dương đã đánh một lá bài kém. 

Cuộc chiến “làm bánh” và “chia bánh” giữa Uông Dương và Bạc Hi Lai bộc lộ cuộc chiến về đường lối lãnh đạo ở Trung Quốc? 

Đều là “đại sứ biên cương”, tại sao Uông Dương và Bạc Hi Lai lại phát đi những thanh âm không giống nhau? Trong bài so sánh về “mô hình Quảng Đông” và “mô hình Trùng Khánh”, Thu Phong, học giả nổi tiếng Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đất đai rộng lớn, sự khác biệt về tự nhiên, dân tình, xã hội, kinh tế của các khu vực tương đối lớn. Từ xưa tới nay, cho dù là ở trong cùng một trật tự thống trị, chế độ cụ thể của các khu vực khác nhau ở Trung Quốc cũng có sự khác biệt tương đối lớn và sự khác biệt này vẫn là yếu tố sở tại trong sức sống của nền văn minh Trung Quốc. 

“Học thuyết chiếc bánh” khác nhau mà Uông Dương và Bạc Hi Lai đưa ra có thể là được xem xét trên cơ sở vận dụng phù hợp cho từng nơi. Quảng Đông là nơi đi đầu trong cải cách mở cửa, khoảng cách giàu nghèo có thể không quá nổi cộm, cho nên Uông Dương nhấn mạnh tới việc làm bánh, nắm chắc lấy việc xây dựng kinh tế, vốn được đặt ở vị trí trung tâm và đầu mối chủ đề của phát triển, “phải tiếp tục đi trước toàn quốc trong cải cách mở cửa, có cống hiến mới cho “con đường Trung Quốc” trong việc thúc đẩy cải cách mở cửa. Trong khi đó, Trùng Khánh lại là khu vực kém phát triển ở Trung Quốc, khoảng cách giàu nghèo rất lớn. Diện tích nông thôn của Trùng Khánh chiếm tới 95%, gấp 2,6 lần tổng diện tích nông thôn ở ba thành phố trực thuộc Trung ương là Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải, rất tiêu biểu trong vấn đề tam nông. Bạc Hi Lai hi vọng cùng các thành phố anh em, chung tay giải quyết khó khăn trong vấn đề tam nông, nên phải xem xét kĩ, xử lý tốt quan hệ giữa thành thị và nông thôn, giữa công nhân và nông dân, giữa phát triển và phân phối”, thúc đẩy một cách có trọng điểm việc cùng giàu có. 

Tuy nhiên, dư luận trong ngoài Trung Quốc phổ biến cho rằng việc hai “học thuyết chiếc bánh” đối chọi nhau gay gắt cùng được “trưng bày” một lúc đã vượt ra ngoài khuôn khổ đấu tranh lý luận cầm quyền cá nhân giữa Uông Dương và Bạc Hi Lai. Tờ Liên hợp Buổi sáng của Xinh-ga-po số ra mới đây dẫn lời của Giáo sư Trương Minh thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng Uông Dương và Bạc Hi Lai đang ngầm đấu đá nhau, mục đích là chạy đua cho việc thăng chức trong Đại hội 18 diễn ra vào sang năm. Nhưng phần nhiều dư luận chỉ rõ cuộc chiến giữa “làm bánh” và “chia bánh” lần này rất có thể sẽ mở màn cho một cuộc đại thảo luận về hình thái ý thức, về mô hình phát triển chủ nghĩa xã hội Trung Quốc tương lai trên chính trường Trung Quốc và cuộc thảo luận này cũng sẽ trở thành khảo nghiệm quan trọng của Trung Quốc thời Tập Cận Bình nắm quyền sau Đại hội 18. 

Trong bài phát biểu tại lễ kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua, Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vừa nói về vấn đề làm bánh vừa nói về vấn đề chia bánh. Khi bàn về việc làm bánh, Hồ Cẩm Đào nói: “Từ nay về sau, chúng ta phải tiếp tục kiên trì tư tưởng chiến lược phát triển là đạo lý cứng, nắm chắc việc xây dựng kinh tế làm trung tâm, quyết không được dao động dù là một chút”. Khi bàn về việc chia bánh, Hồ Cẩm Đào nói: “Phải kiên trì phát triển vì dân, phát triển dựa vào dân, cùng hưởng thành quả phát triển với nhân dân… đẩy mạnh mức độ điều tiết phân phối thu nhập, kiên định con đường cùng giàu có”. Bài phát biểu ngày 1/7 của Hồ Cẩm Đào rõ ràng có ý nghĩa dẫn dắt về phương hướng phát triển tương lai của Trung Quốc. Hiện nay, ở Trung Quốc, hoạt động học tập bài phát biểu của Hồ Cẩm Đào đang tiếp tục trong cả nước, được coi là biện pháp quan trọng để thống nhất tư tưởng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

So sánh “học thuyết chiếc bánh” của Uông Dương và Bạc Hi Lai, người ta không khó để phát hiện quan điểm làm bánh của Uông Dương rất khớp với ý “nắm chắc việc xây dựng kinh tế làm trung tâm, quyết không được dao động dù là một chút” mà Hồ Cẩm Đào nêu ra trong bài phát biểu ngày 1/7. Trước và sau ngày 1/7, Uông Dương cũng đã hai lần phụ họa cho chính kiến của Hồ Cẩm Đào. Trong bài phát biểu ngày 1/7, Hồ Cẩm Đào chỉ rõ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay tồn tại bốn mối nguy hiểm lớn là “sự buông lỏng tinh thần”, “sự thiếu hụt về năng lực”, “tình trạng thoát ly quần chúng” và “nạn tiêu cực thối nát”. Cùng phối hợp với Hồ Cẩm Đào, trước ngày 1/7, Uông Dương tuyên bố: “Việc tăng cường ý thức về hoạn nạn có lợi cho sự cầm quyền lâu dài hơn là ca tụng sự huy hoàng”, “không được để những bông hoa thắm sắc và những tràng vỗ tay nhấn chìm ý kiến của quần chúng, không được để những con số thành tích che phủ các vấn đề tồn tại, không để thái bình hưng thịnh làm tê liệt ý thức về hoạn nạn”. 
Bạc Hi Lai cũng nói rằng “phải căn cứ vào yêu cầu của Trung ương, kiên định con đường cùng giàu có”. Nhưng quan điểm “trước tiên phải chia bánh tốt rồi mới làm bánh to lên” chỉ là lý luận cầm quyền của cá nhân Bạc Hi Lai, ở Trung Quốc là ngọn cờ riêng, không được các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Hồ Cẩm Đào chấp nhận. 

Xem xét 90 năm lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người ta thấy từ trước tới nay có không ít cuộc đấu tranh đường lối, đặc biệt là trong thời khắc giao thời giữa hai lớp lãnh đạo. Có nhà quan sát chính trị Bắc Kinh cho rằng ngoài việc đấu đá ngầm nhằm giành lấy vị trí cao hơn ở Đại hội 18, “học thuyết chiếc bánh” của Uông Dương và Bạc Hi Lai cho thấy trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xuất hiện cuộc đấu tranh về đường lối giữa “mô hình Quảng Đông” đại diện cho chủ trương tiến hành cải cách mở cửa hơn nữa và “mô hình Trùng Khánh” mang màu sắc tả khuynh. Đây sẽ là vấn đề trọng đại mà Tập Cận Bình phải đối mặt trước tiên sau khi kế nhiệm Hồ Cẩm Đào trong Đại hội 18./.

  Theo Đa chiều (Trung Quốc)

 Hương Trà (gt)